Tình báo Liên Xô tìm hiểu kế hoạch của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai

Thứ Sáu, 03/11/2023, 08:16

Trước khi tấn công sang phía Đông, với sự hỗ trợ ngầm của Anh, Pháp và Mỹ, Hitler bắt đầu củng cố vị thế của mình ở Tây Âu. Năm 1936, y đưa quân vào vùng phi quân sự Rheinland. Đây là sự vi phạm trắng trợn Hòa ước Versailles. Lẽ ra, có thể ngăn chặn hành động xâm lược này, nhưng Pháp và Anh đã ngầm đồng ý, vì họ chưa sẵn sàng tham chiến và hy vọng hướng sự xâm lược của Hitler sang phía Đông.

Một kẻ thù tiềm tàng khác chống Liên Xô là quân phiệt Nhật. Moscow lo ngại rằng việc Nhật chiếm Mãn Châu có thể là khúc dạo đầu cho hành động xâm lược Liên Xô, như đã được dự tính trong “bản ghi nhớ Tanaka” mà tình báo Liên Xô khai thác được.

Điện Kremlin còn lo lắng hơn trước những ý kiến của Kohki Hirota, đại sứ Nhật Bản tại Moscow, phát biểu trong một cuộc trò chuyện với Kasahara, một trong những tướng Nhật Bản lúc bấy giờ đang ở thủ đô Liên Xô. Ý kiến này được trình bày trong một bức điện tín của đại sứ gửi Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bị tình báo Liên Xô chộp bắt được và giải mã.

Cụ thể, đại sứ Nhật viết: “Chiến tranh Xô - Nhật bắt đầu càng sớm càng tốt cho chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng tình hình ngày càng trở nên thuận lợi hơn đối với Liên Xô. Nói tóm lại, tôi hy vọng chính quyền sẽ quyết định tiến hành một cuộc chiến khẩn trương với Liên Xô và bắt đầu thực hiện chính sách phù hợp”.

Tình báo Liên Xô tìm hiểu kế hoạch của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai (chưa có ảnh) -0
Đại sứ Nhật Bản Kohki Hirota ở Moscow.

Đây là lời kêu gọi xâm lược trắng trợn đến mức vào tháng 3/1932, Bộ Ngoại giao Liên Xô tuyên bố công khai rằng Bộ này sở hữu các tài liệu do các quan chức quân sự cao cấp Nhật Bản viết, trong đó thông báo về các kế hoạch tấn công và xâm chiếm lãnh thổ Liên Xô. Tờ báo “Tin tức” của Liên Xô đã công bố các đoạn giải mã từ các bức điện tín của Nhật Bản, trong đó có đề nghị của Kasahara về một “cuộc chiến khẩn trương” và lời kêu gọi chiếm miền đông Siberia của Kohki Hirota.

Tình báo đối ngoại của Liên Xô cũng đọc được nội dung các cuộc trò chuyện kéo dài giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Đế chế thứ ba, JoachimvonRibbentrop, và tùy viên quân sự Nhật Bản (sau này là Đại sứ Nhật Bản tại Đức), tướng Osima. Các cuộc trò chuyện này kết thúc bằng việc ký kết Hiệp ước Đức - Nhật vào ngày 25/11/1935. Mùa xuân năm 1936, một nhân viên tình báo Liên Xô ở Berlin đã lấy được sách mật mã của Đại sứ quán Nhật Bản,  kể từ đó Moscow thường xuyên đọc được tất cả thư từ của Đại sứ Nhật Bản Osima ở Đức Quốc xã gửi Bộ Ngoại giao nước này.

Chỉ ba ngày sau khi ký kết Hiệp ước Đức - Nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Maksim Litvinov đã công khai tuyên bố tại Moscow về sự tồn tại của hiệp ước bí mật Đức - Nhật, không được công bố trên báo chí. Việc ký kết hiệp ước bí mật này diễn ra sau 15 tháng đàm phán giữa tùy viên quân sự Nhật Bản và Bộ trưởng Ngoại giao Đức. Đương nhiên, bài phát biểu công khai của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô không trích dẫn nguồn thông tin. Thế nhưng, ông nói rõ rằng tình báo Liên Xô đã  “phá” được mật mã của Nhật Bản. Ví dụ, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết: “Một số người cho rằng hiệp ước Đức - Nhật được viết bằng một mật mã đặc biệt, trong đó từ “chống cộng” mang nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa từ điển của từ này, rằng mọi người giải mã văn bản đó theo những cách khác nhau”.

Tình báo Liên Xô tìm hiểu kế hoạch của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai (chưa có ảnh) -0
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Maksim Litvinov.

Những tuyên bố như vậy của chính phủ Liên Xô giống như một gáo nước lạnh dội xuống giới lãnh đạo Nhật Bản. Tuy nhiên, Tokyo không những không ngồi yên mà còn tìm cách “thử thách” sức mạnh quân sự thực tế của Liên Xô. Điều này được giải thích bởi những hành động khiêu khích của quân đội Nhật Bản tại khu vực hồ Khasan và sông Khalkhin Gol vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước.

Như chúng ta biết, xung đột quân sự cục bộ giữa quân đội Liên Xô và Nhật Bản diễn ra từ mùa xuân đến mùa thu năm 1939 trên sông Khalkhin Gol ở Mông Cổ (cách Ulan Bator khoảng 900 km về phía đông) gần biên giới Mãn Châu với Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ.

Trận chiến cuối cùng diễn ra vào cuối tháng 8 với sự thất bại hoàn toàn của sư đoàn bộ binh số 23 thuộc Tập đoàn quân số 6 của Nhật Bản. Sau khi nhận được một đòn chí tử, Nhật Bản buộc phải chấp nhận tình hình hiện tại và đồng ý giải quyết hòa bình mối quan hệ với Moscow. Hiệp định đình chiến giữa Liên Xô và Nhật Bản được ký kết vào ngày 15/9/1939.

Tình báo Liên Xô tìm hiểu kế hoạch của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai (chưa có ảnh) -0
Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại Liên Xô Pavel Fitin.

Ngày 13/4/1941, hiệp ước về trung lập giữa Liên Xô và Nhật Bản được ký kết trong thời hạn 5 năm. Người Nhật đồng ý ký hiệp ước này để đáp lại việc Đức và Liên Xô ký kết hiệp ước không tấn công lẫn nhau mà Berlin không thông báo trước cho Tokyo. Hiệp ước trung lập đóng vai trò tích cực trong việc ổn định tình hình ở Viễn Đông. Tuy nhiên, Moscow biết rằng ngày 27/9/1940, Nhật Bản đã ký hiệp ước hỗ trợ lẫn nhau với Đức và Ý, và do  đó  Moscow cho rằng tính trung lập của Nhật Bản có thể bị vi phạm bất cứ lúc nào,  giống như Đức đã vi phạm hiệp ước không tấn công.

Chẳng hạn, tại phiên họp của Hội đồng Cơ mật ở Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yosuke Matsuoka nói rằng theo hiệp ước ba bên, “Nhật Bản sẽ hỗ trợ Đức trong trường hợp xảy ra chiến tranh Nga - Đức, còn Đức sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong  trường hợp xảy ra chiến tranh Nga -Nhật”.  Ông ta cho rằng trong khoảng hai năm nữa, mối quan hệ của Nhật Bản với Liên Xô có thể được xét lại. Điều này có nghĩa là Tokyo có thể sớm tấn công Liên Xô. Vì vậy, cần có thông tin chính xác về các kế hoạch thực sự của Nhật Bản đối với Liên Xô.

Tình báo Liên Xô tìm hiểu kế hoạch của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai (chưa có ảnh) -0
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yosuke Matsuoka.

Cuối tháng 6/1941, phát xít Đức dồn dập tấn công vào sâu trong lãnh thổ Liên Xô. Trái với những dự đoán của Stalin, lực lượng vũ trang Đức Wehrmacht tập trung hỏa lực không phải ở Ukraina, mà ở Belarus, và ngày càng tiến nhanh về phía Moscow. Trong tình hình đó, câu hỏi về thái độ của Nhật Bản khiến Stalin và ban lãnh đạo Liên Xô lo lắng. Theo chỉ thị của Pavel Fitin, Cục trưởng Cục Tình báo đối ngoại, thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô, ngay sau khi phát xít Đức bắt đầu tấn công Liên Xô, các nhiệm vụ đã được gửi đến các cơ quan tình báo đối ngoại của Liên Xô ở Tokyo, London, Sofia, một số cơ quan tình báo đối ngoại ở Trung Quốc, Stockholm, Washington và các nước Mỹ Latinh. Câu hỏi được đặt ra là: kế hoạch thực sự của Nhật Bản đối với Liên Xô là gì, liệu Nhật có đứng về phía Đức không và bao giờ?

Mười ngày sau khi Đức tấn công Liên Xô, ngày 2/7/1941, hội nghị cấp cao ở Tokyo đã thông qua “Chương trình chính sách quốc gia. Theo đó, trước mắt, Nhật Bản sẽ không can thiệp vào cuộc chiến tranh Đức - Xô, thế nhưng Nhật sẽ bí mật chuẩn bị cuộc chiến chống Liên Xô. Văn kiện hội nghị cho biết: “Nếu chiến tranh Đức - Xô phát triển theo hướng thuận lợi cho Nhật Bản, thì nước này sẽ sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết vấn đề phía bắc”. Bộ Tổng tham mưu quân đội đế quốc Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch “Kantokuen”, theo đó, đạo quân Quan Đông tinh nhuệ đồn trú ở Mãn Châu với số lượng hơn một triệu binh sĩ sẽ tấn công Liên Xô rồi chiếm vùng Viễn Đông và Primorye.

Gặp khó khăn nhiều nhất trong việc trả lời câu hỏi của Stalin và ban lãnh đạo Liên Xô là cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô tại Tokyo, nơi hoạt động của tất cả các cơ quan đại diện của Liên Xô và đội ngũ nhân viên của họ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Kempeitai (Hiến binh Nhật) - cơ  quan phản gián Nhật Bản. Việc giám sát các đại diện của Liên Xô được thực hiện chặt chẽ, các điệp viên phản gián bám theo từng bước chân của họ, tiến hành khám xét bí mật trong các khách sạn, căn hộ - khắp mọi nơi công dân Liên Xô đi qua.

Tình báo Liên Xô tìm hiểu kế hoạch của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai (chưa có ảnh) -0
Đạo quân Quan Đông, Nhật Bản.

Như đã đề cập, các cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô nhận được thông tin chủ yếu về Nhật Bản thông qua các kênh bắt sóng vô tuyến. Trong những năm 1940-1941, cơ quan tình báo đối ngoại “hợp pháp” của Liên Xô ở Tokyo đã tuyển mộ được ba người nước ngoài làm việc trong các cơ quan chính phủ quan trọng của Nhật Bản. Cơ quan này cũng được sử dụng thông tin về các phương hướng hoạt động tình báo của Nhật Bản chống lại Liên Xô. Có ý nghĩa lớn nhất đối với Bộ Tư lệnh Tối cao Liên Xô là các thông tin về việc chỉ có Bộ tư lệnh lục quân Nhật Bản ủng hộ ý tưởng Đức tấn công Liên Xô. Còn Bộ tư lệnh hải quân Nhật vốn có ảnh hưởng lớn hơn lại chủ trương chiến tranh chống Mỹ và chiến Đông Nam Á.

Cuối tháng 6/1941, tình báo đối ngoại Liên Xô trình lên Stalin báo cáo của cơ quan tình báo đối ngoại Tokyo đề ngày 26/6: “Nguồn của tình báo đối ngoại cho biết: “Chính sách đối ngoại của Nhật Bản  về cuộc chiến tranh Xô - Đức như sau:

- Nhật Bản hiện không có ý định tuyên chiến và đứng về phía Đức. Mặc dù chưa biết chính sách này sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai.

- Liên Xô sẽ không đưa ra bất kỳ yêu sách nào và sẽ không tuyên bố thái độ dứt khoát của mình. Nhật Bản dự định giữ im lặng trước diễn biến của chiến tranh và quan hệ quốc tế.

Các nhà tình báo khẳng định rằng chính sách này của Nhật Bản được giải thích như sau:

- Nhật Bản chưa sẵn sàng tham chiến với Liên Xô. Họ không vội vã, vì tham chiến càng muộn, Nhật càng ít chịu tổn thất.

- Nếu Nhật Bản phát động chiến tranh chống lại Liên Xô, thì Mỹ sẽ tuyên chiến với Nhật Bản và nước này sẽ buộc phải chiến đấu trên hai mặt trận”.

Tổng cộng, trong năm 1941-1942, có hơn 30 báo cáo trả lời câu hỏi liệu Nhật Bản có tham chiến về phe Đức trong những tháng tới hay không. Đồng thời, cần đặc biệt nhấn mạnh rằng tất cả các tài liệu về Nhật Bản mà tình báo đối ngoại Liên Xô nhận được vào thời điểm đó đều chứng minh rằng chính phủ Nhật Bản coi việc tấn công Liên Xô phụ thuộc vào tình hình trên mặt trận Xô - Đức. Như vậy, vấn đề Nhật Bản tham gia cuộc chiến chống Liên Xô vẫn chưa bị loại bỏ khỏi chương trình nghị sự của tình báo đối ngoại cho đến năm 1943, sau trận Stalingrad và trận Kursk, khi sáng kiến chiến lược ở mặt trận phía Đông đã chắc chắn chuyển vào tay Hồng quân Liên Xô.

Kim Thanh Hằng (Tổng hợp)

.
.
.