Taliban hưởng lợi từ chiến sự Trung Đông

Thứ Hai, 21/10/2024, 09:54

Kể từ khi Israel tiến hành những cuộc không kích nhắm vào các cơ sở của tổ chức Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Lebanon rồi sau đó là vụ trả đũa của Iran với hàng trăm tên lửa lao xuống Tel Aviv, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã phải hủy bỏ các đường bay qua không phận Trung Đông mà thay vào đó, họ bay qua vùng trời Afghanistan. Điều này vô hình trung đã giúp Taliban hưởng được món lợi từ trên trời rơi xuống…

1. 9 giờ sáng, chiếc máy bay Boeing 747 của Hãng Hàng không Singapore Airlines với 260 hành khách cất cánh khỏi sân bay Changi để đến London, Anh quốc. Nếu như trước khi xung đột Irael, Hamas, Hezbollah, Iran nổ ra, hành trình của chuyến bay này sẽ đi qua không phận Iran, Lebanon, Syria, Israel thì bây giờ, nó buộc phải bay qua vùng trời Afghanistan rồi sau đó qua Pakistan nhằm tránh những nguy hiểm không đáng có.

Ông Dawson, cơ trưởng nói: “Bài học về chiếc MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine ngày 17/7/2014 hay chiếc Boeing 737 rơi trên bầu trời Iran ngày 8/1/2000 vẫn còn sờ sờ ra đó. Vì vậy tránh voi chẳng xấu mặt nào…”.

Taliban hưởng lợi từ chiến sự Trung Đông -0
Chiến binh Taliban canh gác sân bay Kabul khi một máy bay của Hãng Hàng không Pakistan cất cánh.

Kể từ khi Chính phủ Kabul dưới quyền Tổng thống Asraf Ghani sụp đổ hồi tháng 8/2021, không phận Afghanistan gần như trở thành vùng không an toàn với đa số các hãng hàng không phương Tây nhưng từ ngày 7/10/2023, khi Hams bất ngờ tấn công vào Lễ hội âm nhạc Israel, dẫn đến sự trả đũa của chính quyền Tel Aviv với hàng loạt những cuộc không kích nhắm vào Dải Gaza, nơi Hamas đặt căn cứ đầu não rồi tiếp theo là miền Nam Lebanon, nơi có bộ chỉ huy của Hezbollah thì bay qua Afghanistan đã trở thành chuyện sống còn đối với ngành hàng không dân dụng.

Theo số liệu của trang FlightRadar24, chuyên theo dõi hành trình của tất cả các chuyến bay thương mại trên toàn thế giới, bắt đầu từ tuần thứ 2 của tháng 8/2024 đến tuần thứ 2 của tháng 9, số lượng máy bay đi qua không phận Afghanistan đã tăng lên gấp 140 lần, kỷ lục là hôm thứ Năm 26/9/2004, 191 chuyến bay đã sử dụng vùng trời Afghanistan trong việc vận chuyển hành khách đến châu Á, châu Úc, châu Âu, châu Mỹ và ngược lại, trong đó hầu hết là máy bay của các hãng Swiss Air, Thụy Sĩ, Finnair, Phần Lan, Singapore Airlines, Singapore, British Airways, Anh quốc, United Airlines, Mỹ và Lufthansa, Đức.

Một đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội do một hành khách quay từ máy bay của hãng Air France trên bầu trời Trung Đông ngày 1/10 cho thấy những quả cầu lửa khổng lồ khi Iran bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo vào Israel, đã gây ra hiệu ứng tâm lý lo sợ với những người thường xuyên sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại.

Một báo cáo của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) nói rằng các đài kiểm soát không lưu trên toàn khu vực cũng lâm vào tình trạng bối rối khi nhận được hàng trăm lời yêu cầu khẩn cấp của các phi công, đề nghị hướng dẫn thay đổi lộ trình vào thời điểm tên lửa Iran lao vào Israel.

Taliban hưởng lợi từ chiến sự Trung Đông -0
Đoạn video do một hành khách quay được khi tên lửa Iran nhắm vào Tel Aviv ngày 1/10.

Và mặc dù không giáp biển, nhưng vị trí địa lý của Afghanistan ở Trung Á đồng nghĩa với việc nó nằm dọc theo các tuyến đường trực tiếp, dẫn đến khoảng cách từ châu Á, châu Úc đến châu Âu và châu Mỹ ngắn hơn nếu bay qua nó. Tuy nhiên sau khi Taliban chiếm Kabul ngày 15/8/2021, các hãng hàng không phải thay đổi bằng cách vòng qua biên giới Afghanistan. Một số bay về phía Nam qua Iran và Pakistan còn một số khác vẫn đi vào không phận Afghanistan nhưng chỉ trong 3 phút trên khu vực Wakhan, là một dải đất hẹp nhô ra khỏi phần phía đông của Afghanistan, nằm giữa Tajikistan và Pakistan mà giới phi công gọi là “hành lang Wakhan”.

Việc bay vòng có nghĩa là máy bay phải đốt nhiều nhiên liệu hơn, chi phí dĩ nhiên sẽ cao hơn. Khi các hãng bay Mỹ đặt câu hỏi vì sao Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) không tìm giải pháp cho vấn đề quá cảnh Afghanistan thì FAA chuyển câu hỏi cho Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng nơi này im lặng. Tuy nhiên một phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ sau nhiều lần tiếp xúc với các quan chức Taliban cho biết “Taliban cũng không trả lời về việc liệu máy bay dân dụng có an toàn khi bay qua không phận của họ hay không…”.

2. Thế rồi xung đột Israel, Iran nổ ra, những cuộc tiếp xúc giữa FAA và Taliban đã mang lại kết quả. Để có thể bay qua Afghanistan, tất cả các hãng bay phải trả cho Bộ Hàng không dân dụng nước này số tiền 700 USD cho mỗi chuyến, chưa kể những chuyến phải hạ cánh xuống sân bay Kabul. Một phi công của Hãng Hàng không Lufthansa, Đức, cho biết nếu đỗ qua đêm ở Kabul, hãng sẽ phải trả thêm 1.800 USD còn nếu chỉ đỗ từ 1 đến 6 tiếng, số tiền này sẽ là 500 USD.

Con số tuy không lớn nếu chỉ tính riêng từng chuyến nhưng theo Ngân hàng thế giới, từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay, nghĩa là trước khi xảy ra chiến tranh Israel, Iran, Taliban thu được 90,6 tỉ AFN (đơn vị tiền tệ Aghanistan, tương đương 1,3 tỉ USD) cho tất cả những chuyến bay được phép quá cảnh nhưng nếu việc quá cảnh  Afghanistan diễn ra với tốc độ như từ tháng 9 đến nay, con số này sẽ là 5 tỉ USD, một số tiền không nhỏ từ trên trời rơi xuống, Taliban thu được mà chẳng mất tí gì! Phát biểu trên  truyền hình Afghanistan, ông Imamuddin Ahmadi, người phát ngôn của Bộ Giao thông và hàng không Afghanistan đã không giấu giếm: “Chỉ trong 14 ngày qua, chúng tôi thu được 18,4 triệu USD chỉ từ việc cho phép các hãng hàng không phương Tây bay qua lãnh thổ…”.

Theo quan điểm của các chuyên gia quân sự trong lĩnh vực hàng không, các chuyến bay qua không phận Afghanistan ở độ cao 11.000 m ít có khả năng trở thành mục tiêu của tên lửa đất đối không, ngay cả khi chúng được bắn từ đỉnh núi bởi lẽ các nhóm khủng bố ở Afghanistan như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không có những loại vũ khí tầm bắn trên 9.000m. Geogre Osborn, phi công của Hãng United Airlines, Mỹ, cho biết trước khi Taliban đồng ý cho phép máy bay của United Airlines đi qua không phận Afghanistan, ông vẫn sử dụng “hành lang Wakhan” khi từ New Dehli, Ấn Độ đến sân bay Newwark, bang New Jersey, Mỹ, nhưng việc điều hành không lưu trong khu vực này lại do Pakiatan thực hiện.

Ian Petchenik, người phát ngôn của trang FlightRadar24 nói: “Mới chỉ vài tuần trước, các hãng hàng không vẫn thường quá cảnh Iran thì nay đã chuyển sang Afghanistan. Về lâu về dài, nếu cuộc chiến Trung Đông tiếp tục với cường độ khốc liệt hơn thì việc bay vòng có phải là giải pháp an toàn vì ngoài việc lợi dụng nước đục thả câu để bù đắp cho ngân sách vốn đang thiếu hụt thì đến nay, Taliban vẫn chưa chính thức trả lời rằng họ có thực sự bảo đảm an toàn cho tất cả mọi chuyến bay dân dụng đi qua hoặc hạ cánh xuống lãnh thổ của họ như phương Tây đã yêu cầu hay không…”.

Một phi công giấu tên của Hãng Qantas Airways, Australia, cho biết mối lo lớn nhất của ông không phải là tên lửa Israel hay Iran mà là các nhóm khủng bố như Al-Qaeda hoặc IS: “Họ không bắn vào máy bay mà họ xông lên, bắt hành khách làm con tin để buộc phương Tây phải thực hiện những yêu cầu của họ. Khi ấy, Taliban sẽ phản ứng như thế nào?”. Câu hỏi khó có lời giải đáp bởi lẽ đến nay, Taliban vẫn làm ngơ để Al-Qaeda và IS dùng lãnh thổ của họ, tiến hành thánh chiến.

Với các hãng bay, có vẻ như không có nhiều lựa chọn. Một lãnh đạo của Hãng Lufthansa, Đức, cho biết từ đầu tháng 7/2024, hãng đã quyết định bay qua không phận Afghanistan thay vì con đường truyền thống Iran, Lebanon, Syria… như bấy lâu nay. Các hãng hàng không khác như Turkish Airlines, Thổ Nhĩ Kỳ, Thai Airways, Thái Lan, Air France, Pháp, KLM, Hà Lan cũng nối gót không lâu sau đó còn với Eva Air, Đài Loan (Trung Quốc), họ chọn quá cảnh Afghanistan vào cuối tháng 7.

Riêng các hãng hàng không Mỹ, đầu tháng 7/2024, Cục Hàng không liên bang (FAA) cho phép máy bay thương mại Mỹ có thể bay ở độ cao 11.000 m trên không phận đông bắc Afghanistan nhưng nhiều phi công nói khi qua vùng này, vì không có kiểm soát không lưu nên họ phải liên lạc bằng radio với những máy bay gần đó theo một giao thức do Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và Cục Hàng không dân dụng Afghanistan cùng soạn thảo. Tổ chức OPSGROUP chuyên về an toàn bay cho biết trước ngày Taliban kiểm soát đất nước, hầu hết nhân viên ngành kiểm soát không lưu người Afghanistan đã được Mỹ cho di tản, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng mặc dù một vài quốc gia có thiện cảm với Taliban đã hỗ trợ đào tạo.

Ông Ted Shackley, thành viên OPSGROUP nói: “Ngôn ngữ được mặc định trong ngành kiểm soát không lưu trên toàn thế giới là tiếng Anh. Để có thể hướng dẫn máy bay một cách thuần thục, nhân viên không lưu phải học ít nhất 1 năm về các thuật ngữ chuyên ngành với điều kiện họ đã có nền tảng tiếng Anh cơ bản nhưng điều này xem ra vẫn là vấn đề với các học viên Taliban…”.

Taliban hưởng lợi từ chiến sự Trung Đông -0
Máy bay của Hãng Qatar Airways ở sân bay Kabul.

3. Cuối cùng là Taliban, người đang hưởng lợi từ cuộc chiến Trung Đông, ít nhất là trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thì đến nay, lập trường của họ vẫn mơ hồ, thể hiện qua việc họ không gọi Hamas, Hezbollah là “chiến binh thánh chiến” và Israel “là kẻ cướp ngôi và giết trẻ sơ sinh” như cách gọi của Iran. Lãnh tụ tối cao của Taliban - ông Hibatullah Akhundzada đã im lặng trong cuộc xung đột Israel-Hamas, Israel-Hezbollah và Israel-Iran.

Chỉ duy nhất có ông Sirajuddin Haqqani, quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác mặc dù chúng tôi có sự đồng cảm dựa trên đức tin Hồi giáo” nhưng theo các nhà quan sát địa chính trị thì tuyên bố trên vô thưởng vô phạt. Giáo sư McConnor, giảng viên môn quan hệ chính trị quốc tế, Đại học Harvard, Mỹ, phân tích: “Trước tiên, Taliban biết rằng sự ủng hộ của Mỹ là rất quan trọng để đạt được tính hợp pháp quốc tế, bảo đảm các nguồn viện trợ cũng như gỡ bỏ lệnh các trừng phạt đối với chế độ. Nếu Taliban hỗ trợ Hamas hoặc Hezbollah dù chỉ bằng lời nói, nó sẽ dẫn đến sự xem xét lại quan điểm của chính quyền Mỹ trong cách tiếp cận với Taliban”.

Vẫn theo giáo sư McConnor, Afghanistan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay khi hơn 28,3 triệu người, nghĩa là 2/3  dân số rất cần những khoản viện trợ. Bên cạnh đó, tuyên bố của Sirajuddin Haqqani trong cuộc xung đột ở Gaza, Lebanon, Iran ít nhiều cho thấy Taliban sẽ không can thiệp vào cuộc chiến Trung Đông và điều này đồng nghĩa với việc Taliban cũng muốn thuyết phục thế giới đừng can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Giáo sư McConnor nói: “Theo quan điểm của tôi, có lẽ Taliban không muốn cuộc chiến Trung Đông dừng lại tức thời bởi nó càng kéo dài, Taliban càng được hưởng lợi qua việc mở cửa không phận. Bên cạnh những món lợi vật chất lên đến hàng tỉ USD, Taliban còn được tiếng là đã quay lại với thế giới phương Tây để trong tương lai, biết đâu Kabul lại chẳng trở thành điểm dừng chân hoặc trung chuyển cho các chuyến bay liên lục địa…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.
.