Sue Dobson - người góp phần xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi

Thứ Hai, 06/03/2023, 09:51

Tháng 6/1976, khi mới 20 tuổi, lúc xem một đoạn phim trên tivi nói về vụ đàn áp cuộc nổi dậy Soweto của cảnh sát da trắng Nam Phi với người da đen Nam Phi, Sue Dobson cũng là người Nam Phi da trắng đã quyết định gia nhập Đại hội dân tộc Phi (ANC), là tổ chức chính trị đấu tranh đòi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Được Cơ quan tình báo Liên xô (KGB) tuyển dụng, trong suốt 10 năm hoạt động gián điệp, Sue Dobson đã góp phần chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở quốc gia này…

Đường đến với ANC

Năm 1962, thời điểm mà Sue Dobson sinh ra tại Pretoria, lúc ấy là Thủ đô Nam Phi, chế độ phân biệt chủng tộc đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Từ những cái nhỏ nhất như một chiếc băng ghế trong công viên cũng có tấm biển: “Chỉ dành cho người da trắng”, lối lên xe bus cũng được chia thành hai nơi riêng biệt, một cho da trắng và một cho da màu; còn nhà vệ sinh công cộng trong chợ, tiệm ăn, hồ bơi, quán bar… thì người da màu đừng bao giờ mơ rằng mình được phép vào đó.

Sue Dobson - người góp phần xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi -0
Sue lúc gia nhập ANC năm 20 tuổi.

Tuổi thơ của Sue trôi qua trong bối cảnh ảm đạm bởi những cuộc đàn áp đẫm máu do cảnh sát Nam Phi thực hiện, chống lại những vụ biểu tình đòi quyền sống của người da màu. Trong hồi ký Journey’s End - Hành trình kết thúc, cô kể: “Ấn tượng lớn nhất với tôi lúc 19 tuổi, sau khi lấy chồng là kỹ sư lập trình máy tính, tôi mới biết chồng tôi là thành viên ANC dù anh ấy là người da trắng. Theo lời chồng tôi, anh đến với ANC do sự giới thiệu của chị ruột mình”.

20 tuổi, được chồng khuyến khích, Sue gia nhập ANC. Thoạt đầu, cô là phóng viên cho tờ The Citizen - là tờ báo của chính phủ Nam Phi đồng thời còn là phóng viên của Tập đoàn Phát thanh truyền hình Nam Phi, cũng thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Sự thông minh, sắc sảo của Sue cộng với sự đồng ý của những nhà lãnh đạo ANC nhằm tạo vỏ bọc cho cô qua những bình luận ác ý chống người da đen đã khiến Văn phòng thông tin Chính phủ Nam Phi (SAGIO) đưa cô về phụ trách mảng đối ngoại. Chưa hết, Sue còn được bảo vệ bởi một đội cảnh sát mật vì SAGIO sợ rằng ANC sẽ ám sát cô! Sue nói: “Từ vị trí này, tôi có mối quan hệ rất mật thiết với các quan chức cao cấp trong ngành cảnh sát. Nó đã giúp tôi cung cấp cho ANC những thông tin về chiến lược của chính phủ, chống lại các cuộc biểu tình nổi dậy để ANC vạch ra những kết hoạch cụ thể….”, chưa kể chồng cô, một chuyên gia lập trình máy tính còn bí mật sao chép những điện văn mật của những nhà thầu quân sự nước ngoài có liên kết với chính phủ Nam Phi để cô chuyển đến ANC. Sue nói: “Lúc ấy, tôi hoàn toàn ý thức được những gì tôi phải gánh chịu nếu bị lộ. Tôi sẽ bị tra tấn dã man như cảnh sát đã làm với những thành viên ANC bị bắt. Tôi sẽ ra tòa với tội danh phản quốc và mức án dành cho tôi sẽ là chung thân hoặc tử hình”…  Ấn tượng sâu đậm nhất của Sue thời gian này là lúc cô phỏng vấn một người biểu tình và anh ta trả lời: “Khi người da trắng giận dữ, mặt họ đỏ. Lúc sợ hãi mặt họ xanh và lúc tức tối, mặt họ vàng; còn chúng tôi, lúc nào mặt chúng tôi cũng đen thì sao lại gọi chúng tôi là người da màu?”.

Và cũng trong hàng ngũ ANC, Sue được Ronnie Kasrils, người đứng đầu cơ quan tình báo của KGB ở đây tuyển dụng. Theo Ronnie Kasrils, qua những thông tin mà ông thu thập, văn phòng Tổng thống Nam Phi Frederick Willhem de Klerk đang có ý định đưa cô về công tác và ở vị trí đó, Sue hoàn toàn có thể biết mọi đối sách của Chính phủ Nam Phi với ANC. Sue nói: “Ronnie Kasrils đề nghị tôi sang Liên Xô để được huấn luyện về nghiệp vụ và đến lúc ấy, tôi mới biết ông là người của KGB”.

Để rời khỏi Nam Phi trong nhiều tháng, Sue và chồng cô phải tạo dựng những chứng cứ hợp lý để SAGIO không nghi ngờ. Đầu năm 1985, Sue làm đơn xin nghỉ phép với lý do du lịch châu Âu và được chấp thuận. Từ Petoria, vợ chồng Sue bay sang Napoli, Italy rồi một điệp viên KGB nằm vùng ở đây đưa cho vợ chồng cô giấy tờ giả để sang Liên Xô. Nhằm giữ bí mật cho Sue, cứ vài tuần điệp viên KGB ở Ai Cập, Pháp, Hà Lan, Tây Đức… lại gửi về cho những người bạn của Sue ở SAGIO những tấm bưu thiếp chụp phong cảnh nơi đó với vài dòng chữ viết tay của chính Sue. Nhờ những tấm bưu thiếp này, SAGIO và cơ quan an ninh Nam Phi tin rằng vợ chồng Sue đang rong chơi đây đó.

Ngay sau khi đến Moscow, Liên Xô, Sue và chồng cô được đưa vào một ngôi nhà an toàn trên phố Gorky, cách Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ một đoạn ngắn. Trong 7 tháng tiếp theo, họ trải qua các khóa huấn luyện quân sự và tình báo do các giảng viên Liên Xô hướng dẫn nhằm mục đích trau dồi kỹ năng gián điệp, hoạt động an toàn trong các cơ quan của chính phủ Nam Phi. Sue kể: “Tôi và chồng học cách sử dụng vũ khí, chất nổ, cách in truyền đơn, cách theo dõi và chống theo dõi, cách viết tài liệu bằng mực bí mật, cách đặt hộp thư chết, viết và giải mật mã, cách thiết lập một đài phát thanh với những linh kiện dễ tìm. Sau này, những thứ đó thực sự đã cứu mạng tôi”.

Sue Dobson - người góp phần xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi -0
Một trong những cuộc biểu tình do ANC tổ chức ở Petoria.

Trở thành điệp viên KGB

Đầu năm 1986, vợ chồng Sue trở lại Nam Phi rồi cô lại tiếp tục công việc trong SAGIO. Những tài liệu tình báo do cô cung cấp càng lúc càng trở nên giá trị, giúp ANC trở thành một thực thể chính trị được cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc công nhận. Thế nhưng, bất chấp tầm quan trọng ngày càng tăng của Sue với tư cách nhân viên tình báo KGB trong tổ chức ANC, cô chưa bao giờ được cung cấp kế hoạch thoát hiểm nếu vỏ bọc của cô bị lộ. Sue nói: “Một vài lần, tôi đặt vấn đề này với Ronnie Kasrils, sĩ quan KGB phụ trách mạng lưới tình báo của ANC nhưng ông ấy nói rằng tôi chẳng có gì phải lo lắng. Vì vậy, tôi và người liên lạc của tôi phải tự nghĩ ra một lộ trình an toàn”. Thời điểm này, ngoài số tiền lương của SAGIO trả, cô chẳng có một tài sản gì khác. Cô nói: “Tôi không có nhà an toàn để trốn nếu bị lộ, không ai giúp đỡ vì tôi hoạt động đơn tuyến. Điều đó lẽ ra không được phép xảy ra”.

Cuối năm 1986, Văn phòng Tổng thống Nam Phi chính thức lấy Sue về với vai trò cán bộ tổng hợp thông tin an ninh chính trị. Ở vị trí ấy, việc tiếp cận các bộ trưởng, các tướng lĩnh Nam Phi là chuyện bình thường. Những thông tin tình báo do Sue cung cấp đã giúp những nhà lãnh đạo ANC tìm ra những điệp viên của an ninh Nam Phi chui vào hàng ngũ họ. Không những thế, với trí thông minh và phương pháp lý luận học được từ KGB, Sue đã thuyết phục nhiều người Nam Phi da trắng gia nhập hàng ngũ ANC.

Năm 1987, vị trí của Sue tại Văn phòng tổng thống càng thêm vững chắc qua việc SAGIO đề nghị Sue tiến hành một cuộc chiến tuyên truyền chống lại quốc gia láng giềng Namibia mà nguyên nhân là Tổ chức nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO), từ lâu đã công khai ủng hộ ANC, giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Nhớ lại việc này, Sue nói: “Những nhà lãnh đạo Nam Phi tin rằng nếu họ có thể gây bất ổn cho chính phủ mới ở Namibia thì sự bất ổn ấy cũng sẽ ảnh hương nặng nề đến ANC, nhất là sau khi một trong những lãnh đạo của SWAPO là Anton Lubowski bị đặc vụ Nam Phi ám sát. Đây là một chiến dịch bẩn thỉu nhưng tôi phải nhúng tay vào vì sự tồn vong của ANC”.

Sue Dobson - người góp phần xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi -0
Cảnh sát Nam Phi đánh đập người biểu tình đòi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc.

Cuộc đào thoát

Giữa năm 1987, Văn phòng tổng thống Nam Phi có ý định bổ nhiệm Sue làm thư ký riêng cho Tổng thống Frederick Willhem de Klerk nhưng cô không hề hay biết. Để thực hiện việc này, cơ quan an ninh Nam Phi bí mật thẩm tra nhân thân, lý lịch của Sue và họ đã tìm ra mối liên hệ của cô với chị chồng, người mà từ lâu đã nằm trong danh sách nghi ngờ của phía an ninh Nam Phi. Từ người chị ấy, họ phát hiện cả Sue lẫn chồng cô đều là thành viên ANC.

Ngày 12/9/1987, Sue lúc này đang ở Namibia để tiếp tục công việc bôi nhọ Tổ chức nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO) thông qua một số tờ báo địa phương đã bị SAGIO mua chuộc thì cô nhận được cuộc điện thoại từ Văn phòng tổng thống: “Sẽ có một chiếc máy bay ở Pretoria đến đón bạn để đưa bạn về nhà”. Sue nói: “Cuộc điện thoại làm tôi bất ngờ vì công việc của tôi ở Namibia được xếp vào hạng tuyệt mật. Tôi nghĩ tôi đã bị lộ vì chẳng có lý do gì để Văn phòng Tổng thống lại hớ hênh đến thế”.

2 giờ sáng 13/9, Sue ra khỏi nơi ở là một khách sạn bằng cầu thang thoát hiểm. Lên chiếc xe hơi cô thuê, đậu ở trước sân, Sue định đến trụ sở Liên hợp quốc để nhờ giúp đỡ với tư cách là thành viên ANC nhưng cô phải từ bỏ ý định vì vào giờ ấy, làm gì có ai còn thức. Sue nói tiếp: “Vì vậy, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm mọi cách đến Botswana, nơi đặt phái bộ Liên Xô nhưng nếu muốn đến Botswana, tôi sẽ phải đi qua Nam Phi”. Cuộc hành trình kéo dài suốt 3 ngày trên chiếc xe Volkswagen ọp ẹp và may mắn là Sue không gặp một trở ngại nào cả.

Tại Gaborone, thủ đô Botswana, Sue vào một khách sạn rồi qua danh bạ điện thoại, cô gọi cho phái bộ Liên Xô. Sau khi giải thích mình là ai đồng thời cho biết bí danh Diana mà KGB đã đặt cho cô, người ở đầu dây bên kia đáp: “Hãy ra trước khách sạn sau 20 phút nữa”. Vẫn theo lời Sue, một chiếc xe hơi đã đợi sẵn, rồi khi người lái xe yêu cầu cô nhắc lại tên của huấn luyện viên KGB đã dạy cô môn cận chiến ở trường huấn luyện gián điệp Moscow, anh ta mời Sue lên xe. Cô nói: “Xe đưa tôi vào khu tập thể của nhân viên phái bộ. Trong 3 ngày tiếp theo, tôi viết trường trình và trả lời nhiều câu hỏi của vài người mà tôi nghĩ rằng họ là người của KGB. Đến sáng ngày thứ 4, họ đưa tôi hộ chiếu đã đóng dấu nhập cảnh Anh quốc. Một người dặn tôi mà cách nói của anh ta như ra lệnh: “Từ giờ phút này, cô hãy quên tất cả về KGB. Cô không được phép liên lạc với bất kỳ một cơ quan nào của Liên Xô. Cô đến nước Anh để xin tị nạn chính trị vì cô là thành viên của ANC đang bị săn đuổi”.

Từ đó, Sue sống ở Anh. Cô đã trả lời rất nhiều những cuộc phỏng vấn của báo chí Anh cùng những nước khác về tất cả những gì đang diễn ra ở Nam Phi. Những phát biểu của Sue hiệu quả đến mức Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi lúc bấy giờ đã thừa nhận rằng có một khoản ngân sách khổng lồ để gây bất ổn cho SWAPO.

Năm 1994, chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi bị xóa sổ nhờ những nỗ lực đấu tranh không ngừng của ANC. Khi ông Nelson Mandela, người da đen chiến thắng trở thành tổng thống Nam Phi, không ít lần ông đã nhắc đến Sue, “là người đã góp phần không nhỏ vào việc giải phóng Nam Phi khỏi sự cai trị của thiểu số da trắng”.

Năm 1995, Sue quay lại Nam Phi. Tại đây, cô sống lặng lẽ và mãi đến đầu năm 2023, ở tuổi 71, cô mới cho công bố cuốn hồi ký “Hành trình kết thúc”, trong đó lần đầu tiên cô xác nhận mình là nhân viên tình báo KGB. Sue viết: “Liên Xô giờ đã tan rã nên chuyện quá khứ chẳng còn gây hại gì. Hơn nữa, mục đích của tôi là phục vụ cho ANC mà ANC khi ấy lại được Liên Xô ủng hộ. Những việc tôi làm chỉ là một giọt nước trong đại dương nhưng giọt nước ấy là của tôi, do tôi tạo ra nó…”

Vũ Cao (Theo Jouney’s End)
.
.
.