Stefan Mrochkovsky - nhà tình báo tài năng mang về cho tổ quốc hàng triệu USD
Stefan Mrochkovsky là người đứng đầu một mạng lưới công ty thương mại quốc tế có đại diện ở Bắc Mỹ, Trung Đông, Tây Âu và Đông Á. Tuy nhiên, ông đi vào lịch sử với tư cách là một điệp viên mật, người đã sử dụng doanh nghiệp làm vỏ bọc cho các hoạt động tình báo. Hơn nữa, ông đã hiến tất cả tài sản kiếm được của mình cho công cuộc công nghiệp hóa của Liên Xô.
Người đa ngôn ngữ và chiến sĩ cách mạng
Stefan Mrochkovsky ra đời ở thị trấn Elisavetgrad, tỉnh Kherson thuộc Ukraina. Bố ông làm việc tại một nhà máy thuộc da, gia đình có điều kiện cho con trai hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng. Trên đất nước của công nhân và nông dân, Stefan Mrochkovsky không nổi bật về nguồn gốc xuất thân, nhưng được đánh giá cao về học vấn. Khi vào trường tiểu học, ông đã rất giỏi tiếng Đức. Và đó không phải là ngoại ngữ duy nhất mà ông thành thạo sau này.
Sau khi tốt nghiệp trường trung học, Stefan Mrochkovsky vào học khoa luật danh giá của Trường Đại học Kharkov. Những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng năm 1905 và trong số những sinh viên ủng hộ phong trào Bolshevik, ít người may mắn tốt nghiệp trường đại học này. Có lẽ, lúc bấy giờ những tư chất của một một nhà tình báo và điệp viên đã bộc lộ ở chàng thanh niên. Vả lại, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Stefan Mrochkovsky đã chính thức gia nhập Đảng Cộng sản.
Được tiếp thu một nền học vấn xuất sắc, Stefan Mrochkovsky thực sự là người đa ngôn ngữ, ngoài tiếng Đức, ông sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Năm 1917, ông lãnh đạo Ủy ban Cách mạng tại thành phố quê hương, hơn nữa, vào thời kỳ đó, ở những vùng hẻo lánh của Ukraina, chính quyền thay đổi xoành xoạch. Stefan Mrochkovsky ủng hộ phong trào du kích đỏ, đây là điều kiện đảm bảo sự xuất hiện của Hồng quân để giải quyết căn bản vấn đề chính trị. Năm 1909, trong một lần thay đổi chính quyền, Stefan Mrochkovsky bị bắt, nhưng ông đã trốn thoát và buộc phải chuyển đến Moscow.
Stefan Mrochkovsky xuất hiện ở thủ đô vào thời điểm rất thích hợp. Thật khó tưởng tượng một ứng cử viên cho cơ quan tình báo sáng giá hơn ông, một người đa ngôn ngữ có trình độ học vấn, đồng thời là một nhà cách mạng nhiệt thành. Có thông tin cho rằng ngay từ năm 1921, lần đầu tiên chàng luật sư trẻ Stefan Mrochkovsky được cử ra nước ngoài làm nhiệm vụ của Bộ Dân ủy Ngoại giao. Là thành viên của phái đoàn Liên Xô, Stefan Mrochkovsky đã tham gia soạn thảo Hòa ước hòa bình Riga - đây là nhiệm vụ nổi bật nhất của ông. Ngoài ra, ông còn tham gia giải quyết các vấn đề phân định biên giới của Nga, Ukraina và Belarus.
Nhà triệu phú và doanh nhân tài ba
Tuy nhiên, đường đời của Stefan Mrochkovsky được xác định theo một hướng hơi khác. Tổng cục Tình báo quân đội cùng với Tổng cục Chính trị toàn liên bang có chủ trương thành lập các cơ quan tình báo đối ngoại ở nhiều nước. Dự án này được viết tắt là MSKP (mạng lưới các công ty thương mại quốc tế) và có thể được coi là một trong những dự án thành công nhất của tình báo quân đội Liên Xô. Mạng lưới các công ty thương mại ở nước ngoài bắt đầu xuất hiện ngay từ những năm 1920. Năm 1928, Stefan Mrochkovsky trở thành người đứng đầu MSKP. Giữ chức này gần 15 năm, ông không những giải quyết vấn đề tài chính của toàn bộ mạng lưới các công ty nằm rải rác trên khắp thế giới, có chung một cơ cấu và một ban lãnh đạo mà còn thu thập được nhiều tin tức tình báo có giá trị. Ngoài ra, chính các công ty này bảo đảm cho Tổng cục Tình báo quân đội sẵn sàng bước vào thời chiến.
Các công ty này đã làm gì? Vâng, như hầu hết mọi công ty. Một mặt, chúng vực dậy ngành công nghiệp hóa chất nước nhà. Mặt khác, chúng đóng vai trò là vỏ bọc tuyệt vời cho các cơ quan tình báo đối ngoại và hợp tác quân sự bí mật giữa Liên Xô và Cộng hòa Weimar. Dĩ nhiên, cuộc sống của nhà tình báo Stefan Mrochkovsky giờ đây ít liên quan đến Tổ quốc, ông hoàn toàn đắm mình vào lĩnh vực mới và sống dưới một cái tên khác. Ở Liên Xô, ông được biết đến với bí danh Thomson. Vợ ông, Fanny, cũng sang Đức cùng ông. Hội đồng quản trị của công ty được đặt tại Berlin, nhưng ông thường đến làm việc với các chi nhánh ở những quốc gia khác nhau. Nói một cách nhẹ nhàng, trước mắt ông đặt ra một nhiệm vụ khó khăn: phát triển một mạng lưới công ty thương mại lớn. Và Stefan Mrochkovsky đã thành công, chỉ trong vài năm, ông đã đạt doanh thu hàng triệu USD. Đồng thời, ông đã cung cấp hàng triệu USD để phát triển đất nước Xô Viết. Thông thường, số tiền này được dành để mua sắm các mô hình kỹ thuật quân sự từ khắp nơi trên thế giới.
Tiền còn đủ để phát triển kinh doanh. Các chi nhánh được thành lập ở những nước mà cơ quan tình báo quân đội Liên Xô quan tâm. Cùng với mạng lưới thương mại, mạng lưới điệp viên ngày càng mở rộng. Dưới sự lãnh đạo của nhà tình báo Liên Xô công việc tiến triển tốt đẹp. Mrochkovsky-Thomson không những thiết lập được các mối quan hệ thương mại mà còn thâm nhập sâu hơn vào vấn đề kỹ thuật quân sự.
Các chức vụ chủ chốt trong công ty đều do các điệp viên của Cơ quan Tình báo quân đội nắm giữ, họ làm việc sát cánh với các cán bộ kinh tế, kỹ sư và luật sư, vốn không hề biết gì về tình hình thực tế. Thông tin về quân đội của hàng chục nước châu Âu chảy về Hội đồng quản trị: từ công nghệ quân sự, mức độ cung cấp vũ khí... đến số lượng chuyên gia. Những tin tức tình báo thường được chuyển cho các kỹ sư Liên Xô để sử dụng trong công việc. Hoạt động này diễn ra trong gần mười năm. Đây là trường hợp hy hữu của tình báo quân đội.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhân viên tình báo Liên Xô đều có thể vượt qua sự cám dỗ của tiền bạc và tự do. Một số người nắm giữ các chức vụ chủ chốt đã bị bắt vì lơ là thực hiện các nhiệm vụ tình báo của mình. Điều tương tự không xảy ra với Mrochkovsky-Thomson. Các đồng nghiệp nói rằng ông luôn luôn cư xử như thể sinh ra trong một gia đình cực kỳ giàu có và không quen hạn chế bản thân bất cứ điều gì, do đó ông tỏ ra hết sức bình tĩnh đối với tiền bạc, không đặt nó lên hàng đầu. Ông rất am hiểu về con người và lựa chọn cẩn thận những người sẽ cùng làm việc với mình.
Đánh mất niềm tin
Là người đích thân phụ trách Stefan Mrochkovsky, Eduard Berzin, thủ trưởng Cơ quan Tình báo quân đội lúc bấy giờ, đánh giá cao năng lực cũng như những đóng góp của ông cho đất nước. Tuy nhiên, bản thân Eduard Berzin đã rơi vào vòng xoáy của các cuộc đàn áp. Trở về sau chuyến công tác ở Tây Ban Nha, ông bị bắt và sau đó bị xử bắn. Từ đó, thái độ đối với Stefan Mrochkovsky cũng thay đổi. Những tin tức ông cung cấp không còn được coi trọng nữa, mặc dù mạng lưới công ty của ông vẫn tiếp tục hoạt động. Các điệp viên mới bắt đầu được gửi đến Thomson, nhưng vốn quen hoạt động độc lập, nhà tình báo không cho phép họ tiếp cận những thông tin quan trọng.
Sau khi Đức Quốc xã lên cầm quyền, Thomson chuyển đến Pháp và điều hành công ty từ xa. Tại đây, ông bị bắt, nhưng vì có các mối quan hệ và tiền bạc nên ông được thả khá sớm. Sau đó, ông chuyển sang Mỹ. Ở đây, ông bắt đầu khôi phục mạng lưới thương mại và tình báo, tất nhiên, không phải với quy mô như trước đây. Ở Moscow, Trung tâm rất không hài lòng với việc ông được trả tự do sớm như vậy. Đồng thời, các doanh nghiệp do Thomson quản lý vẫn mang lại thu nhập.
Trong Thế chiến II, thủ trưởng mới của Cơ quan Tình báo quân đội Nga Filipp Golikov gặp Stefan Mrochkovsky ở Mỹ và nói thẳng với ông rằng: đất nước không cần các công ty, cũng như các thông tin tình báo của ông nữa. Ông cần phải chấm dứt hoạt động của mình và trở về Moscow. Stefan Mrochkovsky bị cáo buộc tiết lộ thông tin cho tình báo Đức và Pháp, nghĩa là trong công ty chứa đầy gián điệp. Nhà tình báo có đủ tiền và các mối quan hệ, và quan trọng nhất là đủ trí tuệ, ngôn ngữ, kinh nghiệm tình báo để có thể định cư ở bất kỳ quốc gia nào ông muốn. Nhưng là người cực kỳ trung thực, ông quyết định trở về. Năm 1942, lần cuối cùng ông chuyển tiền cho Liên Xô.
Stefan Mrochkovsky không thể không hiểu điều gì đang chờ đợi ông nơi Tổ quốc mình. Bởi ông biết rất rõ số phận của Eduard Berzin, sếp cũ của ông. Gần như ngay sau khi trở về Moscow, ông bị bắt. Ông bị buộc nhiều tội vô căn cứ, trong đó có tội hoạt động gián điệp, nhưng ông không thừa nhận bất cứ tội nào. Kết quả là Stefan Mrochkovsky bị tù 9 năm, và dường như ông đã hoàn toàn bị lãng quên. Trong tù, ông không biết các sự kiện diễn ra ngoài mặt trận và số phận của gia đình mình. Sau đó, một người bạn tù tố giác rằng Stefan Mrochkovsky hối hận vì đã trở về nước và luôn luôn hối tiếc cuộc sống ở Mỹ, ông bị buộc tội chống Liên Xô và lãnh án thêm 15 năm tù.
Phục hồi danh dự muộn màng
Stefan Mrochkovsky không những được trả tự do mà còn được phục hồi tên tuổi và đảng tịch. Nhưng vào thời điểm đó, nghĩa cử này chỉ mang tính chất hình thức, nhà tình báo 68 tuổi không thể làm việc như trước nữa, vả lại, những năm tháng tù đày không thể không ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Stefan Mrochkovsky hiểu rằng ông có thể hữu ích với tư cách người cố vấn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp làm việc của mình. Bởi trên thế giới, chưa nước nào xây dựng được một mạng lưới công ty thương mại và tình báo hiệu quả như vậy. Than ôi, tên tuổi ông bị chìm vào quên lãng, và điều này khiến nhà tình báo thiên tài dằn vặt hơn cả những năm tháng tù đày.
Tuy nhiên, dù sao năm 1965, Stefan Mrochkovsky đã được nhà nước Liên Xô trao tặng Huân chương Lenin, nhưng đến lúc đó, nhà tình báo ốm nặng, phải ngồi xe lăn và hầu như không nói được nữa. Kinh nghiệm vô giá của ông không cần cho Tổ quốc.
Câu chuyện về nhà tình báo tài năng Stefan Mrochkovsky vĩnh viễn dừng lại trên những trang giấy ố vàng trong kho tài liệu lưu trữ của Liên Xô.