SMERSH: Cơ quan phản gián hiệu quả và bí ẩn nhất thế giới

Thứ Năm, 11/05/2023, 10:29

80 năm trước, Tổng cục Phản gián quân đội Liên Xô SMERSH được Stalin thành lập và trở thành tổ chức phản gián quân sự xuất sắc nhất thế giới. Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, các đặc vụ của SMERSH đã phá vỡ chiến dịch “Thành cổ” của Đức, bắt giữ các quan chức cấp cao của Đức Quốc xã, và ngăn chặn một vụ ám sát lãnh tụ Liên Xô. Bài viết sau đây kể lại hoàn cảnh ra đời, quá trình hoạt động, những chiến công và hạn chế của tổ chức tình báo huyền thoại này.

Đội cận vệ riêng của Joseph Stalin

Ngay trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, những cuộc cải cách quy mô lớn trong các cơ quan của lực lượng phản gián Liên Xô đã bắt đầu chín muồi. Tháng 7 năm 1939, nhân việc cải tổ Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD), chức năng chống gián điệp đã được trao cho Ban 5 của Tổng cục An ninh quốc gia (GUGB) thuộc NKVD Liên Xô, còn từ tháng 2 năm 1941, chức năng này do Cục 1 thuộc Dân ủy An ninh quốc gia (NKGB) của Liên Xô đảm nhiệm.

smersh 3 abakumov_vs.jpg -0
Người đứng đầu Tổng cục Phán gián quân đội SMERSH Viktor Abakumov.

Tuy nhiên, trận Stalingrad, cũng như một số trận đánh và chiến dịch khác cho thấy công tác phản gián quân sự trong thành phần của Dân ủy Nội vụ  không đủ hiệu quả. Lúc bấy giờ, Joseph Stalin quyết định rút các ban đặc biệt ra khỏi Dân Ủy Nội vụ và trên cơ sở của chúng thành lập một cơ quan tình báo mới. Như vậy, ngày 19 tháng 4 năm 1943, Tổng cục Phản gián quân đội Liên Xô SMERSH đã ra đời. Đây là tên viết tắt của khẩu hiệu "Bọn gián điệp phải chết!", do chính Tổng tư lệnh Tối cao đặt cho đơn vị. Người đứng đầu SMERSH là ủy viên an ninh Nhà nước bậc 2 Viktor Abakumov. Đồng thời, SMERSH chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Stalin.

Cũng theo sắc lệnh trên, một đơn vị nữa của SMERSH đã được thành lập - Cục Phản gián SMERSH thuộc Dân ủy Hải quân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của ủy viên an ninh Nhà nước Pyotr Gladkov. Cuối cùng, ngày 15 tháng 5 năm 1943, Ban Phản gián SMERSH của Dân Ủy Nội vụ Liên Xô đã được thành lập. Đơn vị do ủy viên an ninh Nhà nước Semyon Yukhimovich đứng đầu, và trực thuộc Lavrenty Beria, lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Dân ủy Liên Xô.

smersh 4.jpg -0
Các đặc vụ SMARSH đang tác nghiệp.

Nhiệm vụ chính của SMERSH là đấu tranh chống bọn gián điệp, biệt kích và những kẻ phá hoại. Hoạt động trên tuyến đầu, các đặc vụ SMERSH phải nhanh chóng phát hiện bọn gián điệp và ngăn chặn chúng vượt qua chiến tuyến. Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, kẻ thù chính của SMERSH là cơ quan tình báo quân sự của Đức Quốc xã  Abwehr. Trực thuộc Tổng cục Phản gián quân đội SMERSH có các đơn vị chịu trách nhiệm mã hóa thông tin liên lạc, cũng như tuyển chọn và đào tạo cán bộ cho hoạt động phản gián quân sự, bao gồm cả việc tuyển dụng lại các nhân viên tình báo đối phương bị phát hiện.

Không lâu trước khi bắt đầu chiến dịch tấn công Berlin, trong khuôn khổ SMERSH, các nhóm đặc nhiệm đã được thành lập theo số lượng các quận của Berlin. Mục tiêu của họ là lùng bắt các nhà lãnh đạo Đức Quốc xã, cũng như tìm kiếm các kho báu và kho tài liệu có giá trị tác chiến. Vào tháng 5, tháng 6 năm 1945, các đặc vụ SMERSH đã phát hiện ra một phần kho lưu trữ của Tổng cục An ninh Đức Quốc xã ở Berlin  cụ thể là các tài liệu về chính sách đối ngoại của Đệ tam Đế chế và thông tin về các điệp viên nước ngoài. Nhờ các hoạt động của SMERSH trong chiến dịch Berlin, Liên Xô đã bắt được các lãnh đạo chóp bu của Đức Quốc xã, nhiều tên trong số đó sau này bị buộc tội chống lại loài người.

Súng phóng lựu trong tay áo và vụ ám sát bị ngăn chặn

Nhiều hoạt động của SMERSH cho đến nay vẫn chưa được giải mật, còn một số hoạt động mới được biết đến cách đây không lâu. Chẳng hạn, lực lượng phản gián của Liên Xô đã ngăn chặn âm mưu ám sát lãnh tụ tối cao Stalin. Mùa hè năm 1944, khi nhận thấy rõ ràng quân đội Đức sẽ thất bại trong cuộc chiến, hy vọng cuối cùng của Hitler là ám sát Tổng tư lệnh Liên Xô: y cho rằng cái chết của Stalin có thể thay đổi căn bản tiến trình của các sự kiện trên mặt trận.

Để thực hiện nhiệm vụ này, hai đặc vụ đã được cử đến Liên Xô: Pyotr Tavrin (tên thật là Shilo), người đã tự nguyện đầu hàng quân Đức vào đầu chiến tranh, và vợ y, nữ hiệu thính viên Lidia Shilova (tên thật là Adamchik). Chiến dịch ám sát Stalin được gọi là "Zeppelin" theo tên trung tâm, nơi Tavrin trải qua khóa huấn luyện đặc biệt. Y được cấp giấy chứng minh giả thiếu tá lực lượng phản gián quân đội SMERSH và Anh hùng Liên Xô. Lydia được cấp giấy chứng minh giả thiếu úy  của SMERSH.

smersh 1.jpg -0
Lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin.

Trong quá trình khám xét, hai tên biệt kích đã bị tịch thu một vũ khí đặc biệt - súng phóng lựu nòng trơn “Panzerknacke”, dễ dàng giấu trong ống tay áo. Rõ ràng, chúng dự định thực hiện vụ ám sát với sự trợ giúp của vũ khí này. Trong các cuộc thẩm vấn, các đặc vụ SMERSH đã buộc Tavrin và Shilova tham gia trò chơi radio, một hình thức đấu trí với lực lượng tình báo và phản gián của Đức Quốc xã. Thông tin đầu tiên Shilova gửi cho Abwehr vào ngày 27 tháng 9 năm 1944: sau khi lên sóng dưới sự kiểm soát của các nhân viên phản gián Liên Xô, Shilova đã chuyển cho quân Đức một tin nhắn mật mã trong đó thị thông báo về việc các đặc vụ đã đến Moscow an toàn. Bọn phát xít đã cắn câu. Chiến dịch hợp tác mới của NKVD và lực lượng phản gián quân sự SMERSH được gọi là "Sương mù".

Theo thông tin của các cơ quan tình báo, trò chơi radio này tiếp tục cho đến khi kết thúc chiến tranh. Hitler hy vọng đến cùng rằng các đặc vụ của y sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Còn về Shilova và Tavrin thì phiên tòa xét xử bọn chúng chỉ diễn ra vào năm 1951, và một năm sau, cả hai đã bị bắn.

Điều thú vị là làm thế nào các đặc vụ SMERSH phát hiện được Tavrin và Shilova? Theo một giả thuyết, chúng bị phát hiện khi Tavrin đặt may chiếc măng-tô da tại một hiệu may ở Riga. Các nhân viên phản gián Liên Xô được thông báo rằng một công dân đáng kính nào đó đã yêu cầu may một chiếc măng-tô giống như đồng phục của các đặc vụ SMERSH. Đồng thời, anh ta yêu cầu may ống tay áo bên phải rộng hơn một chút so với bên trái: rõ ràng, Tavrin dự định đeo súng phóng lựu  "Panzerknacke" trong ống tay áo này. Đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa tìm ra người đã gửi  thông tin này cho các điệp viên Liên Xô.

Những mặt tối của SMERSH

Lịch sử của SMERSH có cả những trang đen tối. Tổ chức này được gọi vừa là cơ quan phản gián hiệu quả nhất trong Thế chiến thứ hai, vừa là cỗ máy trừng phạt, đã hủy hoại hàng ngàn sinh mạng vô tội. Cho đến nay, các nhà sử học đang tranh luận về vấn đề này.

Dẫu sao, ngoài việc lùng bắt bọn gián điệp, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các đặc vụ SMERSH là đấu tranh chống lại những kẻ phản bội. Những kẻ phản bội và đào ngũ đã bị truy tìm trên khắp các mặt trận, họ bị nghi ngờ hợp tác với Đức Quốc xã. Đau đớn nhất là những người vượt ngục: trải qua địa ngục của các trại tập trung phát xít, nhiều người dân Xô Viết đã rơi vào ngục tù trên chính quê hương mình. Nhưng vào thời điểm đó, không ai được tin tưởng. Các đặc vụ SMERSH buộc phải kiểm tra lòng trung thành của các quân nhân Liên Xô đã chạy trốn khỏi nhà tù Đức Quốc xã, cũng như những người thoát khỏi vòng vây của quân Đức hoặc rơi vào lãnh thổ bị kẻ thù chiếm đóng. Còn khi chiến tranh lan sang lãnh thổ Đức, lực lượng phản gián quân sự cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra những người hồi hương.

Theo một số báo cáo, từ năm 1941 đến năm 1945, ít nhất có 700.000 người đã bị các cơ quan phản gián Liên Xô bắt giữ, khoảng 70.000 người trong số họ đã bị xử bắn. Có thông tin cho rằng trong những năm chiến tranh, 101 tướng lĩnh và đô đốc đã bị các đặc vụ SMERSH bắt giữ: 12 người được cho là đã chết trong quá trình điều tra, 8 người được trả tự do vì thiếu các yếu tố cấu thành tội phạm, 81 người đã bị kết án bởi Hội đồng Quân sự của Tòa án Tối cao và hội nghị đặc biệt. Tuy nhiên, tất cả các thông tin này cần được xác nhận chính thức, điều này khá khó khăn trong tình hình hiện nay.

smersh 2.jpg -0
Các đặc vụ SMERSH giải cứu các lãnh tụ thế giới ở Crimea.

Nhiệm vụ của các đặc vụ SMERSH cũng bao gồm những công việc như: theo dõi các nhà chỉ huy quân sự các cấp, thậm chí là mở xem thư của họ. Tất nhiên, trong số những người bị cơ quan phản gián truy nã có rất nhiều gián điệp, kẻ phản bội, đào ngũ và tội phạm thực sự. Nhưng, rất có thể, trong số họ có không ít nạn nhân của sự chuyên quyền, độc đoán được nảy sinh bởi bệnh cuồng gián điệp phổ biến mà ngay cả sau chiến tranh đã “đâm hoa kết trái” trên không gian rộng lớn của Liên bang Xô Viết.

Ngoài ra, nhân vật đứng đầu Tổng cục Phản gián quân đội SMERSH, Viktor Abakumov, cũng gây lo ngại. Có tin đồn rằng ông ta đích thân tham gia các cuộc thẩm vấn và đôi khi đánh đập những người bị bắt rất tàn nhẫn.

Rõ ràng, SMERSH được các nhà sử học hiện nay hết sức quan tâm, và càng có nhiều bí mật ẩn giấu xung quanh tổ chức này, càng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về nó trong các nguồn khác nhau. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, điều chúng ta cần ghi nhận là những chiến công mà các đặc vụ SMERSH đã lập được cùng với các binh chủng khác của hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bởi ngoài nhiệm vụ chính, họ thường xuyên phải trực tiếp tham gia các trận đánh và chỉ huy các đại đội, tiểu đoàn, sư đoàn đã mất chỉ huy.

Hoạt động của các đặc vụ SMERSH cực kỳ nguy hiểm. Để hiểu được mức độ nguy hiểm của họ, chỉ cần biết một sự thật đơn giản: thời gian phục vụ trung bình của một đặc vụ là ba tháng. Sau thời hạn đó, thông thường, anh ta giải ngũ do bị thương hoặc hy sinh. Chỉ trong các trận đánh giải phóng Belarus, đã có 236 nhân viên phản gián quân đội hy sinh và 136 người mất tích. Đó là cái giá cho chiến thắng của họ - chiến thắng trên  mặt trận vô hình.

Trần Đình  (Tổng hợp)
.
.
.