Những thăng trầm trong hợp tác tình báo giữa Mỹ và Ukraine

Thứ Tư, 20/03/2024, 20:02

Mới đây, nhật báo The New York Times của Mỹ vừa công bố tài liệu điều tra về sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Ukraine. Theo đó, tình báo Mỹ bắt đầu hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp Ukraine năm 2014, sau khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich chạy sang Nga. Đồng thời, ban đầu các quan chức tình báo Mỹ không mấy mặn mà với sự hợp tác này, khiến các cơ quan tình báo của Ukraine phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục.

Sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Ukraine ở hình thức hiện tại bắt đầu hình thành từ 10 năm trước, - nhật báo The New York Times viết. Tháng 2/2014, khi Tổng thống Viktor Yanukovich chạy khỏi Ukraine, Quốc hội Ucraine (“Verkhovna Rada”) đã bổ nhiệm Valentin Nalivaychenko giữ chức Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU). Nalivaychenko từng giữ chức vụ này từ năm 2006-2010 và cố gắng thiết lập mối quan hệ với các cơ quan tình báo Mỹ, nhưng, như tờ báo viết, sự hợp tác này đã tan vỡ khi dưới thời Yanukovich, Ukraine bắt đầu xích lại gần Nga.

Sau khi Chủ tịch Verkhovna Rada Aleksandr Turchynov được bổ nhiệm Tổng thống Ukraine lâm thời, Nalivaychenko đến trụ sở của SBU. Ngoài sân, ông nhìn thấy một đống tài liệu đang cháy âm ỉ, còn bên trong - nhiều máy tính đã bị xóa hết thông tin. "Ngôi nhà trống rỗng. Không ánh sáng, không ban lãnh đạo. Không có ai” - Nalivaychenko kể.

Những thăng trầm trong hợp tác tình báo giữa Mỹ và Ukraine -0
Ông Kirill Budanov, Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội Ukraine đương nhiệm.

Giám đốc mới của SBU ngay lập tức đề nghị hợp tác ba bên với CIA và tình báo Anh MI.6, đồng thời yêu cầu họ giúp đỡ xây dựng lại ngành tình báo Ukraine từ số 0. “Mọi chuyện bắt đầu từ đấy”, - Nalivaychenko nói.

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) thành lập ở Donbass, Nalivaychenko yêu cầu CIA cung cấp thông tin tình báo để bảo vệ Ukraine. Tiếp đó, Giám đốc CIA John Brennan đã đến Kiev.

Tại cuộc gặp với người đứng đầu SBU, Brennan xác nhận rằng Mỹ quan tâm đến việc phát triển quan hệ, nhưng chỉ ở mức độ mà CIA cảm thấy phù hợp. Đồng thời, như The New York Times nhận xét, vấn đề chính đối với tình báo Mỹ vào thời điểm đó là Nalivaychenko sẽ giữ chức vụ trong bao lâu và liệu ban lãnh đạo mới của Ukraine có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hay không?

Vì CIA đã từng thất bại khi hợp tác với SBU, Brennan cảnh báo Nalivaychenko rằng Cơ quan An ninh Ukraine cần chứng minh họ có thể cung cấp cho Mỹ những thông tin có giá trị. Người đứng đầu CIA cũng nhận xét rằng SBU cần phải thanh lọc các điệp viên Nga. Cơ quan An ninh Ukraine chấp nhận điều kiện này.

Theo The New York Times, vì lo ngại sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo sẽ dẫn tới xung đột với Điện Kremlin, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một số quy định đối với CIA và SBU, một trong số đó là sự hợp tác không được gây ra chết người. SBU không đồng ý với yêu cầu của chính quyền Obama, nhưng hai cơ quan tình báo cuối cùng cũng đã đạt được sự cân bằng mong manh. Như The The New York Times nhận xét, mối quan hệ của họ thường xuyên căng thẳng, vì Nhà Trắng chưa bao giờ vạch rõ tất cả các “ranh giới đỏ”.

Những thăng trầm trong hợp tác tình báo giữa Mỹ và Ukraine -0
Ông Valery Kondratyuk, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine từ 2015-2016.

Vụ tai nạn máy bay MH17 của Malaysia vào mùa hè năm 2014 ở tỉnh Donetsk tác động mạnh tới sự phát triển quan hệ giữa các cơ quan tình báo. Sau đó, các nhân viên phản gián của SBU đã thu thập được những thông tin có giá trị xác nhận các đơn vị vũ trang của DNR liên quan tới vụ rơi máy bay MH17.

Rất ấn tượng với công việc phía Ukraine đã thực hiện, tình báo Mỹ đưa ra cam kết quan trọng đầu tiên - cung cấp cho cơ quan tình báo Ukraine các biện pháp liên lạc an toàn, đồng thời bảo đảm đào tạo chuyên môn cho các nhân viên Cục 5 và hai đơn vị tinh nhuệ khác của SBU.

“Người Ukraina cần cá [tức là thông tin tình báo], mà vì lý do chính trị chúng tôi không thể cung cấp. Nhưng chúng tôi sẵn sàng dạy họ cách câu cá và cung cấp cho họ dụng cụ câu cá” - một quan chức Mỹ nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, năm 2015, quan hệ giữa SBU và CIA bắt đầu suy yếu khi Nalivaychenko bị cách chức. Mặt khác, điều đó mở ra những cơ hội mới - tờ New York Times viết. Lúc bấy giờ, Valery Kondratyuk, người đứng đầu bộ phận phản gián của SBU, được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân đội (GUR) của Ukraine.

Lúc đầu, Mỹ không muốn phát triển quan hệ với GUR vì họ cho rằng tình báo quân đội Ukraine không cung cấp những thông tin có giá trị, nhưng Kondratyuk quyết định chứng minh điều ngược lại. Cụ thể, Kondratyuk đã tổ chức một cuộc gặp với đại diện Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ (DIA), và chuyển cho ông này một chồng tài liệu mật của Nga. Lãnh đạo DIA tỏ ra hoài nghi điều đó và quyết định không hợp tác với GUR.

Lúc bấy giờ, Kondratyuk quyết định thiết lập quan hệ với CIA bằng cách chuyển các tài liệu bí mật về Hạm đội phương Bắc của Nga cho tình báo Mỹ, chẳng hạn như thông tin về các dự án tàu ngầm hạt nhân. Tờ The New York Times viết: Sau khi các nhà phân tích của CIA xác nhận tính xác thực của tài liệu đó, các nhân viên tình báo Mỹ “bắt đầu thường xuyên rời văn phòng của người đứng đầu GUR với những ba lô chứa đầy tài liệu”.

Những thăng trầm trong hợp tác tình báo giữa Mỹ và Ukraine -0
Ông John Brennan, Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Cả hai cơ quan đều coi sự hợp tác là cùng có lợi. Kondratyuk tin rằng cơ quan tình báo Mỹ sẽ giúp ông củng cố GUR, trong khi CIA hy vọng tình báo quân đội Ukraine sẽ giúp họ tuyển mộ điệp viên ở Nga.

Dần dần, người đứng đầu GUR và cơ quan đại diện CIA ở Kiev trở nên thân thiết và mối quan hệ giữa hai cơ quan tình báo bắt đầu phát triển tích cực.

Chuyến đi của Kondratyuk tới Washington vào tháng 1/2016 đã trở thành bước ngoặt. Sau đó, CIA đồng ý giúp GUR hiện đại hóa hệ thống chộp bắt thông tin của quân đội Nga. Đổi lại, người đứng đầu GRU đồng ý chia sẻ tất cả dữ liệu tình báo thô với người Mỹ.

Chẳng bao lâu, CIA bắt đầu gửi thiết bị cho các đồng nghiệp Ukraine, còn GUR bắt đầu xây dựng mạng lưới các căn cứ gián điệp, gồm 12 cơ sở bí mật dọc biên giới với Nga. Đồng thời, một chương trình đào tạo các nhân viên tình báo Ukraine đã được triển khai ở hai thành phố châu Âu. Kondratyuk nói với các phóng viên rằng chương trình này có tên là “Chiến dịch “Cá vàng””, và những người tốt nghiệp chương trình này được gửi đến 12 cơ sở bí mật được xây dựng dọc biên giới, từ đó họ điều khiển một mạng lưới điệp viên thu thập thông tin tình báo bên trong nước Nga.

Theo nhận xét của tờ báo, CIA thường mất hàng năm để tin cậy các cơ quan tình báo nước ngoài trong việc tiến hành các chiến dịch chung, nhưng trong trường hợp của Ukraine, chỉ mất chưa đầy sáu tháng (kể từ khi Kondratyuk đến Washington).

Tuy nhiên, “ranh giới đỏ” không biến mất và sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo chỉ giới hạn ở việc thu thập thông tin. Hơn nữa, CIA thậm chí còn ngăn cản GUR thực hiện chiến dịch phá hoại tuyến đường sắt ở Nga trong trường hợp bị quân Nga tấn công. Sau sự kiện này, Kondratyuk quyết định không thông báo cho các đồng nghiệp Mỹ về những chiến dịch như vậy.

Những thăng trầm trong hợp tác tình báo giữa Mỹ và Ukraine -0
Ông Mike Pompeo, Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Năm 2016, tình báo Ukraine biết rằng quân đội Nga đã bắt đầu điều động trực thăng đến một sân bay ở Crimea, người đứng đầu GUR đã ra lệnh cho “Đội 2245”, những chiến binh được CIA huấn luyện, cài chất nổ tại sân bay. Trong số những người được cử thực hiện nhiệm vụ này có Giám đốc đương nhiệm của Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine, Kirill Budanov.

Chiến dịch thất bại vì các nhân viên tình báo Ukraine đụng độ với binh lính Nga. Cuộc đấu súng khiến một số người thiệt mạng. Kết quả là quân Ukraine phải rút lui.

Liên quan đến sự kiện này, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ không bỏ qua những điều như vậy”. Một số cố vấn của Tổng thống Barack Obama yêu cầu CIA ngừng hợp tác với cơ quan tình báo Ukraine, nhưng người đứng đầu cơ quan này lúc bấy giờ thuyết phục họ rằng đây sẽ là một sai lầm: CIA đang điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, còn người Ukraine cung cấp những thông tin có giá trị.

Brennan liên lạc với Kondratyuk và một lần nữa vạch ra “ranh giới đỏ”, nhưng ngay sau đó người đứng đầu GRU bị cách chức. Tiếp theo, đã xảy ra một số vụ ám sát, kết quả là chỉ huy Tiểu đoàn tình báo “Sparta”, Arsen Pavlov (Motorola) của DNR và chỉ huy Tiểu đoàn “Somalia”, Mikhail Tolstykh (Givi) của DNR bị sát hại. Các cố vấn của Obama rất tức giận về những gì đã xảy ra, nhưng họ không thể làm gì vì chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - The New York Times viết. Và ông Donald Trump đã thắng cử.

“Trump ca ngợi Putin và phủ nhận sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử” - tác giả bài báo của The New York Times cho biết. Nhưng ông ta lại bổ nhiệm các nhân vật “diều hâu” vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền của mình. Mike Pompeo trở thành Giám đốc CIA, còn John Bolton - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống. Tờ The New York Times viết: “Bất kể Trump nói hay làm gì, chính quyền của ông ấy thường đi theo hướng khác”. Kết quả là, sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Ukraine ngày càng mở rộng. Cụ thể, các chương trình đào tạo mới dành cho chuyên gia Ukraine đã được triển khai.

Khi nói về thời kỳ đó, người đứng đầu GUR hiện nay, Kirill Budanov, nhận xét rằng mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tình báo ngày càng được củng cố và mở rộng sang các lĩnh vực lớn hơn. Tờ The New York Times viết rằng sự hợp tác thành công đến mức CIA quyết định phổ biến nó sang các cơ quan tình báo châu Âu.

Sau khi quân đội Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, chỉ một nhóm nhỏ nhân viên CIA ở lại Ukraine. Các dữ liệu và thông tin tình báo của họ và các đối tác đã giúp Ukraine vượt qua những tháng đầu của cuộc chiến. Cụ thể, thông tin của CIA giúp các cơ quan tình báo Ukraine ngăn chặn một trong những vụ ám sát Tổng thống Vladimir Zelensky.

Bằng những nỗ lực chung của CIA và GUR, hai căn cứ bí mật nữa đã được xây dựng ở Ukraine để chộp bắt thông tin, còn cơ quan tình báo Ukraine bắt đầu thu thập nhiều thông tin tình báo hơn. Tướng Sergey Dvoretsky, người phụ trách một trong những căn cứ bí mật, tuyên bố: “Những thông tin như vậy bạn không thể thu được ở bất cứ đâu - ngoài ở đây và bây giờ”.

Trần Đình
.
.
.