Những người Serbia không chịu buông súng

Thứ Sáu, 20/08/2021, 21:10

Chiến tranh Bosnia nay đã phai mờ trong tâm thức nhiều người, trái hẳn với những cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq hay Syria. Người ta cũng quên rằng, đây là cuộc chiến lớn đầu tiên ở Châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Hậu quả của chiến tranh Bosnia vô cùng to lớn và còn dai dẳng đến tận ngày hôm nay. Và rất nhiều người Serbia vẫn còn nhớ điều này.

Đem chiến tranh ra ngoài biên giới

Chiến tranh Bosnia kết thúc với sự thất bại của các lực lượng vũ trang người Serb.  Nhưng trên bàn đàm phán họ vẫn giữ được quyền độc lập của nước Liên bang Serbia và Montenegro. Sau một cuộc bỏ phiếu toàn dân năm 2006, Montenegro tách ra làm một quốc gia riêng. Liên bang  Serbia và Montenegro trở thành nước Cộng hòa Serbia.

Những tưởng mọi chuyện đã tạm yên ổn, nhưng khu vực Kosovo lại đòi hỏi được độc lập khỏi Serbia. Chiến tranh nổ ra giữa quân đội Serbia và các nhóm vũ trang Kosovo. Hầu hết những người ở hai bên chiến tuyến đều từng tham gia chiến tranh Bosnia. Điểm khác là trong cuộc nội chiến này, họ nhận được sự bảo trợ trực tiếp từ bên ngoài: Nga đứng về phía Serbia, còn NATO đứng về phe Kosovo.

Nền kinh tế Serbia rơi vào suy sụp bởi chiến tranh và khủng hoảng tài chính thế giới. Một số lượng không nhỏ binh lính của quân đội Serbia giải ngũ và trở thành lính đánh thuê. Không ít người làm vậy vì tiền, nhưng cũng có những trường hợp chiến đấu vì lý tưởng riêng của họ. Tuy không có thông tin chính xác, nhưng theo ước tính của nhà báo điều tra Jeremy Scahill, chỉ riêng tập đoàn quân sự khét tiếng Blackwater đã tuyển mộ gần 300 cựu binh Serbia vào đội quân lính đánh thuê của mình. Họ được đưa đến Afghanistan hay Iraq và giao những nhiệm vụ như: bảo vệ căn cứ, hộ tống yếu nhân, v.v…

Phải chờ đến khi cuộc nội chiến Ukraine nổ ra thì cộng đồng quốc tế mới thật sự quan tâm đến những người lính đánh thuê Serbia. Chiến đấu trong hàng ngũ quân nổi dậy miền Đông Ukraine là hàng chục tay súng đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Slovakia, Séc và Serbia. Quân nổi dậy gộp chung họ vào cái gọi là “Pyatnashka”  (Tạm dịch: “Binh đoàn quốc tế”). Pyatnashka tập trung hoạt động tại khu vực Novorossiya và từng tham gia những trận đánh quan trọng tại Shakhtarsk, Ilovaysk, Vuhlehirsk và sân bay Donetsk. Hầu hết các tay súng Serbia được giao nhiệm vụ hậu cần, bảo vệ các trọng điểm, phân phối hàng cứu trợ, v.v…Một số nhỏ có kinh nghiệm du kích thời chiến tranh Bosnia được phân vào đơn vị Rezanj chuyên tìm cách đánh lạc hướng quân tiền tiêu và trinh sát của địch.

Những người Serbia không chịu buông súng -0
Nhóm lính Chetnik người Serbia ở miền Đông Ukraine. 

Chuyên gia an ninh Serbia Zoran Dragisic trả lời phỏng vấn tờ DW của Đức như sau: “99% số người Serbia chiến đấu cho quân nổi dậy Đông Ukraine là lính đánh thuê chuyên nghiệp. Sau khi hoạt động nhiều năm ở Trung Đông và Châu Phi, nay họ lại đến Ukraine và Syria vì mức lương nhận được cao hơn. Không nên cho rằng họ thật sự quan tâm đến lý tưởng của quân nổi dậy, vì có những người Serbia khác chiến đấu trong hàng ngũ quân chính phủ Ukraine”.

Trong khi đó, Thủ tướng Aleksandar Vucic lại bày tỏ quan điểm tương tự trong cùng cuộc phỏng vấn đó thế này: “Họ nên chở về Serbia và lo cho gia đình họ thay vì chiến đấu cho một bên thứ ba. Họ có đổ máu cũng cũng chỉ kiếm được khoảng từ 2.100 USD – 6.500 USD, một mức giá quá rẻ!”

Tuy ý kiến của các vị chuyên gia và quan chức Serbia là chính xác, nhưng họ lại chưa nhìn thấy hết vấn đề. Có những người Serbia chiến đấu cho quân nổi dậy không phải vì tiền mà vì tình đoàn kết. Giữa họ và những người Đông Ukraine có nhiều điểm tương đồng: cùng theo Chính thống giáo và cùng tin rằng, chính phủ Kiev chỉ là “con tốt” của NATO.

Một ví dụ tiêu biểu cho những đối tượng này là Bratislav Zivkovic. Ông ta không giấu việc đơn vị “Chetnik” 46 người của mình được Nga bảo trợ.

“Chetnik” là tên gọi quân kháng chiến Serbia thời Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Trong cuộc chiến Bosnia cũng có những đơn vị Chetnik chiến đấu chống lại liên quân Bosnia-  NATO. Brastilav cho rằng mình và các thành viên khác đang nối tiếp truyền thống tên gọi “Chetnik”.

Chetnik tuy không đông quân nhưng tinh nhuệ. Trong trận giao tranh ác liệt tại thành phố Luhansk, đơn vị được giao bảo vệ một cứ điểm quan trọng ở vùng ngoại thành. Họ đã giữ chân thành công quân chính phủ Ukraine trong hai ngày liền, phá hủy hai xe tăng và một xe bọc thép chở quân cùng toàn bộ số người trên xe. Chiến thắng của họ đã thúc đẩy thêm nhiều người Serb khác đến miền Đông Ukraine. Ngày nay không khó bắt gặp quân nổi dậy người Serb đứng canh gác hai bên đường cao tốc Bakhmut.

Khó có hồi kết

Brussel đang gây sức ép lên Serbia phải tìm cách ngăn chặn công dân của mình ra nước ngoài tham chiến. Các quốc gia Đông Âu cũng đã có những động thái ngoại giao của riêng mình. Thậm chí cách đây không lâu Đại sứ Ukraine tại Serbia Oleksandr Aleksandrovy đã có cuộc đấu khẩu trên báo chí với Thủ tướng Aleksandar Vucic về vấn đề này.

Để “hạ nhiệt” căng thẳng, Serbia đã mở một loạt cuộc điều tra những cá nhân tham gia chiến đấu cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Sau kết quả công bố, các nhà điều tra đã khởi tố 28 đối tượng tất cả, nhưng chưa đến một nửa số đó bị kết án. Điều này là do hệ thống pháp luật Serbia vẫn chưa hoàn chỉnh. Bộ luật xét xử những đối tượng tham chiến ở nước ngoài vẫn đang trong quá trình chờ Quốc hội Serbia xét duyệt, ước tính phải đến năm sau mới được chính thức ban hành.

Mặt khác, ở ngay trong Serbia cũng có những lực lượng chính trị ủng hộ việc người Serb chiến đấu ở nước ngoài. Chính quyền Belgrade muốn làm vừa lòng những tổ chức này ít nhất là đến cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3 - 4 năm sau. Nếu họ xử lý vấn đề lính đánh thuê quá mạnh tay, rất có thể  đảng SNS của Tổng thống Aleksandar Vucic sẽ mất đi những lá phiếu quan trọng, thậm chí là khiến liên minh cánh hữu cầm quyền tan rã.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.
.