Những cựu điệp viên trong Nghị viện Anh

Thứ Hai, 30/09/2024, 14:21

Không rõ tờ The Daily Telegraph đạt được điều gì khi đưa tin lên trang nhất rằng ứng viên thủ lĩnh đảng bảo thủ, Rory Stewart, từng là thành viên của Cơ quan tình báo mật (MI.6). Ít nhất thì lời khẳng định này là tin cũ và nó dường như không gây tổn hại tới vị thế của ông Stewart trong số các thành viên của Đảng bảo thủ.

Đã nhiều lần ông Stewart lên tiếng phủ nhận song ông cũng thoải mái thừa nhận rằng việc phủ nhận của mình sẽ chính xác là điều mà người ta mong đợi nếu ông được SIS (tên khác của MI.6) tuyển dụng.

Khi các cựu điệp viên ngồi trong nghị viện

Ông Rory Stewart không phải là cựu điệp viên đầu tiên ngồi trong quốc hội nắm giữ chức vụ bộ trưởng hay thậm chí giữ quyền lãnh đạo đảng của họ. Sự thận trọng của các sĩ quan tình báo có nghĩa là rất khó xác định có bao nhiêu người đã ngồi trên các hàng ghế đỏ và xanh lá cây tại Cung Westminster, song đã từng có một số minh họa nổi bật có niên đại từ 100 năm qua.

Trong những năm gần đây, sự cởi mở hơn đối với sự tồn tại của các cơ quan tình báo và an ninh có nghĩa là những nhân viên cấp cao của các cơ quan tình báo được nêu tên công khai, và thường dấy lên không ít tranh luận về vai trò của các cơ quan tình báo qua những bài phát biểu công khai và báo chí. 

Những cựu điệp viên trong nghị viện Anh -0
Ông Christopher Mayhew, điệp viên của SOE, người đã thành lập Bộ phận nghiên cứu thông tin (IRD) của cơ quan đặc biệt Anh.

Khi nghỉ hưu, một số cựu điệp viên được mời ngồi vào ghế của Thượng nghị viện vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Hai Tổng giám đốc gần đây nhất của Cục An ninh Anh (MI.5) là bà Eliza Manningham-Buller và ông Jonathan Evans cũng đã có chân trong Thượng viện với tư cách là những người đồng cấp không thuộc đảng phái, ở đó họ đã tạo ra những cuộc tranh luận về chống khủng bố và sức mạnh điều tra mà hiện tại đang được các chủ cũ của họ triển khai. Trong khi các cựu giám đốc MI.5 đã được bổ nhiệm vào những chiếc ghế độc lập thì hai đảng Bảo thủ và Lao động cùng tìm cách thu hút chuyên gia từ cộng đồng tình báo vào nhóm bộ trưởng của họ, bằng cách tạo ra tước quý tộc trọn đời. Mặc dù không phải là cựu thành viên của cơ quan tình báo nhưng nữ Nam tước Pauline Neville-Jones đã trở thành chủ tịch của Ủy ban tình báo chung (JIC) vào đầu thập niên 1990 và đến năm 2007, bà được phong tước quý tộc trọn đời của đảng Bảo thủ.

Bà Pauline Neville-Jones được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh và chống khủng bố sau khi thành lập chính phủ liên minh vào năm 2010. Người tiền nhiệm bà Neville-Jones với tư cách Bộ trưởng An ninh là lãnh chúa Tây Spithead, nguyên giám đốc tình báo Quốc phòng, ông cũng được phong quý tộc trọn đời năm 2007 và ngay lập tức gia nhập hàng ngũ bộ trưởng như là một phần của cái gọi là “chính phủ của mọi tài năng” của ông Gordon Brown. Bộ trưởng An ninh hiện tại, nghị sỹ của đảng bảo thủ, ông Ben Wallace, cũng có xuất thân trong lĩnh vực tình báo đã từng làm sĩ quan tình báo Quân đội tại Bắc Ireland. Hai sĩ quan lâu năm của SIS đã ngồi ở hai phía đối lập trong Thượng nghị viện Anh vào những năm gần đây. Thứ nhất, bà Daphne Park quá cố đã từng phục vụ trong Cục chiến dịch đặc biệt (SOE) trong suốt Thế chiến II và có hơn 20 năm công tác ở SIS vào thời Chiến tranh Lạnh tại một loạt những vị trí đòi hỏi cao gồm Moscow, Hà Nội và Congo.

Những cựu điệp viên trong nghị viện Anh -0
Ông Reginald ‘Blinker’ Hall, Giám đốc Tình báo Hải quân Anh trong Thế chiến I.

Sau khi nghỉ hưu, bà Daphne Park được phong quý tộc trọn đời vào năm 1979. Đối lập với bà Daphne Park trên băng ghế đảng Lao động là một sĩ quan SIS khác là nữ Nam tước Meta Ramsay từng làm việc ở SIS từ năm 1969 đến năm 1991 trước khi trở thành cố vấn đặc biệt về đối ngoại cho thủ lãnh đảng bảo thủ là ông John Smith. Bà Meta Ramsay được phong quý tộc trọn đời vào năm 1996 và cũng có vinh dự là cựu thành viên duy nhất của cơ quan tình báo từng phục vụ trong Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội, chịu trách nhiệm giám sát đơn vị cũ của bà. Có lẽ sự tương đồng duy nhất với ông Rory Stewart đặc biệt nếu ông trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ là cựu thủ lãnh đảng Dân chủ tự do, ông Paddy Ashdown.

Giống như ông Stewart, ông Ashdown từng có thời gian phục vụ trong lực lượng vũ trang trước khi làm việc cho Bộ Ngoại giao như một thứ vỏ bọc để ông làm việc cho SIS. Cũng như Stewart, ông Ashdown rất kín tiếng về sự tham gia của mình trong công tác mật, hoặc tỏ vẻ vui khi cho phép người khác nhắc đến nó như một cách nâng cao hình ảnh của mình với cử tri như trong hồ sơ của ông trên tờ The Times ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 1997.

Điệp viên Anh thời hậu chiến

Những năm thời hậu chiến có lẽ là giai đoạn đỉnh cao cho các cựu quan chức tình báo trong quốc hội khi các cơ quan tình báo bị thu hẹp vào lúc cuối Thế chiến II, còn các cựu nhân viên nỗ lực tìm việc làm thay thế. Ông Julian Amery (nghị sĩ đảng Bảo thủ ở Brighton từ năm 1969 đến năm 1992) từng có sự nghiệp thời chiến với SOE tại Đông Địa Trung Hải và sau đó được SIS triệu hồi vào cuối thập niên 1940 nhằm giúp kích động bất ổn ở Albania (dù bất thành). Hay ông Christopher ‘Monty’ Woodhouse (nghị sĩ của đảng Bảo thủ ở Oxford trong các giai đoạn 1959-1966 và 1970-1974) là một nhân viên SOE thâm niên đã được SIS sử dụng trong Chiến tranh Lạnh.

Trong trường hợp ông Woodhouse, ông đã làm việc cùng lúc với CIA để thúc đẩy việc lật đổ nhà lãnh đạo Iran, Mohammed Mossadeq, năm 1953. Hoặc ông Airey Neave (nghị sĩ của đảng Bảo thủ ở Abingdon trong giai đoạn 1953-1979, một nhân vật thành công dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher) đã có sự nghiệp thời chiến xuất sắc tại MI.9 khi tổ chức thành công các hoạt động đào tẩu khỏi Châu Âu do Đức Quốc xã (ĐQX) chiếm đóng sau khi ông trốn thoát khỏi Colditz.

Những cựu điệp viên trong nghị viện Anh -0
Ông Samuel Hoare, người duy nhất trong Quốc hội Anh làm việc cho cả hai cơ quan tình báo MI.5 và MI.6.

Ông Neave viết khá nhiều sách về thời chiến của mình. Và không quên kể đến ông Dick Brooman-White (nghị sĩ ở Rutherglen trong giai đoạn 1951-1963), đã từng làm việc cho phân đội Tây Ban Nha của MI.5 trước khi chuyển sang Phân đội V của SIS vào năm 1940, chịu trách nhiệm quản lý bán đảo Iberia, nơi ông nhận sự hỗ trợ đắc lực của Kim Philby. Trên băng ghế của đảng Lao động có ông Kenneth Younger (nghị sĩ ở Grimsby trong giai đoạn 1945-1959) là người đứng đầu phân đội E của MI.5 trong thời chiến, chịu trách nhiệm chống thế lực thù địch ở Anh.

Một người khác được đảng Lao động tuyển dụng vào năm 1945 là ông Christopher Mayhew (nghị sĩ đảng Lao động ở Nam Norfolk trong giai đoạn 1945-1950 và ở Woolwich East trong giai đoạn 1951-1974) đã có những năm tháng chiến tranh làm việc cho SOE. Trong tư cách là Ngoại trưởng Anh vào cuối thập niên 1940, ông đã góp công lớn trong việc thành lập Bộ phận nghiên cứu thông tin (IRD - một cơ quan sử dụng các chiến thuật và nhân sự của SOE để tiến hành các chương trình tuyên truyền chiến thuật chống lại khối Xôviết).

Niall Macdermot (nghị sĩ ở Lewisham North trong giai đoạn 1957-1959 và Derby North trong giai đoạn 1962-1970) đã làm việc cho tình báo Quân đội trong Thế chiến II, và cũng như làm việc cho Ủy ban kiểm soát Anh (BCC) ở Đức ngay sau chiến tranh. Những người khác có kinh nghiệm tình báo thời chiến sau này đã vào quốc hội để làm trong các lĩnh vực khác. Nam tước Trumpington và lãnh chúa Briggs cùng làm việc tại Bletchley Park trong suốt Thế chiến II.

Bà Jean Trumpington (Barker) là nhân vật hàng đầu trong chính phủ bảo thủ suốt nhiều năm trước khi được Thủ tướng Margaret Thatcher phong tước quý tộc trọn đời vào năm 1980. Briggs là một sử gia đáng kính, người đã giữ những chức vụ cao tại các trường đại học Leeds và Oxford trước khi được phong quý tộc trọn đời vào năm 1976. Dù cả hai đều giữ im lặng về các hoạt động thời chiến của mình, nhưng Trumpington và Briggs cùng viết về khoảng thời gian họ làm việc ở Bletchley Park trong những cuốn hồi ký mới được xuất bản gần đây.

Những cựu điệp viên trong nghị viện Anh -0
Những người lính trong Thế Chiến II.

Có một làn sóng nhân viên tình báo khiêm tốn hơn đã diễn ra sau Thế chiến I nhưng họ lại đáng chú ý khi họ chuyển từ thế giới bí mật sang văn phòng công khai và là trường hợp duy nhất được biết đến về một sĩ quan tình báo đang tại vị trong quốc hội. Ông Reginald ‘Blinker’ Hall là giám đốc tình báo Hải quân Anh trong Thế chiến I và chịu trách nhiệm thành lập hoạt động giải mã huyền thoại trong phòng 40 của tòa nhà Admiralty, cũng như chịu trách nhiệm giải mã bức điện tín Zimmerman.

Sau khi rời Admiralty, ông Hall đắc cử nghị sĩ đảng Bảo thủ phụ trách ở Liverpool West Derby trong giai đoạn 1919-1923 và tiếp sau đó là ở Eastbourne giai đoạn 1925-1929. Theo lịch sử chính thức của MI.6 thì không giống như các cựu điệp viên khác, ông Hall đã không ngần ngại kể những câu chuyện bí mật của mình nhằm nâng cao triển vọng bầu cử.

Sau khi rời khỏi thế giới bí mật, tất cả các nhân vật kể trên đã bước chân vào quốc hội. Trong khi một số người chắc chắn vẫn giữ liên lạc với chủ cũ của họ và có thể truyền đạt các mẫu thông tin nào đó, thì lại có một ví dụ duy nhất về một cá nhân đã gia nhập cơ quan tình báo sau khi đắc cử vào quốc hội. Ngài Samuel Hoare là thành viên của Quốc hội Anh khi gia nhập SIS lúc cơ quan này mới thành lập vào năm 1915.

Ông Hoare (nói tốt tiếng Nga) đã trở thành người đứng đầu sứ mệnh thời chiến của SIS tại Petrograd. Sau đó ông chuyển sang sứ mệnh Anh ở Rome, nơi đó có lẽ ông đã chuyển sang làm việc cho Cục An ninh Anh (MI.5). Không rõ thời điểm nào là mốc thời gian chính xác ông Hoare được bổ nhiệm vào MI.5, song ông đã có một sự nghiệp bộ trưởng lâu dài và có sự khác biệt độc đáo khi là Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ duy nhất cùng phục vụ cho cả MI.5 và MI.6.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.
.