Những cuộc đối đầu của tàu ngầm Nga - Mỹ

Thứ Ba, 04/07/2023, 21:41

Suốt thời Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm của Liên Xô và Mỹ thường xuyên va chạm, trong quá trình truy đuổi nhau ở vùng nước sâu của các đại dương hoặc trong các phi vụ trinh sát táo bạo tới bờ biển của đối phương. May mắn thay, trong những sự cố này họ vẫn đủ kiềm chế để tránh hậu quả đáng tiếc.

Ngày 15/11/1969, tàu ngầm hạt nhân USS Gato (SSN-615) của Mỹ đang thử nghiệm thiết bị đánh chặn sóng vô tuyến mới nhất ở độ sâu 60m trong vùng lãnh hải của Liên Xô ở Biển Barents, bất ngờ bị một tàu ngầm hạt nhân K-19 trang bị tên lửa đạn đạo của Liên Xô đụng trúng.

Cuộc chơi “mèo vờn chuột”

Theo tường thuật của RBTH, đối với cả hai tàu, vụ va chạm xảy ra là điều bất ngờ, mặc dù chỉ huy phòng ngư lôi của tàu Gato quả quyết rằng người Nga đã cố tình đâm vào tàu ngầm Mỹ và chuẩn bị khai hỏa. Lệnh tấn công đã bị chỉ huy tàu hủy bỏ vào phút chót.

tau ngam 1.jpg -0
Một tàu ngầm hạt nhân Liên Xô

Cả hai tàu ngầm đều chịu thiệt hại đáng kể, nhưng đều đã cố gắng tìm cách quay trở lại căn cứ của mỗi bên. Sau này các chuyên gia Liên Xô cho rằng, nếu tàu K-19 di chuyển nhanh hơn hai hoặc ba hải lý/giờ thì nó đã cắt đôi tàu Mỹ.

Trò chơi mèo vờn chuột này đã trở thành một nét đặc trưng trong cuộc đối đầu dưới nước của hai bên trong Chiến tranh Lạnh. Khi một tàu ngầm Liên Xô mang tên lửa đạn đạo thực hiện một hành trình dài, nó thường bị một tàu ngầm “truy đuổi” của Mỹ theo dõi.

Để tránh bị phát hiện, người Mỹ sẽ theo sát phía sau tàu ngầm Liên Xô. Ở vị trí này, do tiếng ồn của các cánh chân vịt, sonar (định vị thủy âm) của Liên Xô “bị mù”.

Thỉnh thoảng, các tàu ngầm Liên Xô phải kiểm tra "điểm mù". Họ thực hiện các thao tác chuyển hướng, cua gấp tàu sang mạn trái hoặc mạn phải 120-150 độ. Người Mỹ gọi những thao tác như vậy là “Ivan khùng”.

Và sau một cú ngoặt “Ivan khùng” ở Bắc Băng Dương vào ngày 20/6/1970, tàu ngầm K-108 (Dự án 675) của Liên Xô đã bị tàu USS Tautog (SSN-639) của Mỹ đang theo đuôi nó đâm phải.

Tàu của Liên Xô chìm xuống nhanh chóng, nhưng thủy thủ đoàn đã xoay xở để lấy lại sự ổn định của con tàu và kiểm soát tình hình. Một chiếc tàu kéo đã tiếp cận được khu vực tàu ngầm Liên Xô đang gặp nạn và đưa nó về lại căn cứ. Tàu Tautog cũng bị hư hại cấu trúc thượng tầng, nhưng cũng đã quay trở về nhà mà không có thương vong.

Năm 1974, một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô và tàu ngầm hạt nhân Pintado của Mỹ, đều mang vũ khí hạt nhân, va chạm khi tàu Pintado đang thực hiện thu thập thông tin tình báo cho Hải quân và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) tại vùng lãnh hải của Liên Xô ở Thái Bình Dương.

Tờ báo Mỹ nói tàu Pintado đã ở trong vùng biển của Liên Xô để thu thập thông tin tình báo và kiểm tra khả năng quân sự của Liên Xô.

Mặc dù vụ va chạm không được báo cáo công khai, nhưng các nhà lãnh đạo hàng đầu của lưỡng viện Mỹ được cho là đã được thông báo về vụ việc. Vụ va chạm không gây ra sự phản đối chính thức nào từ Chính phủ Liên Xô.

San Diego Evening Tribune nói rằng họ dựa vào các cuộc trò chuyện với các thủy thủ tàu ngầm, các quan chức Bộ Hải quân, các nguồn tin từ Quốc hội và một quan chức Đại sứ quán Liên Xô ở Wasington, D. C.

Tờ báo Mỹ nói tàu Pintado đang di chuyển dưới nước ở độ sâu gần 70m trên vùng biển gần căn cứ hải quân Liên Xô tại Petropavlovsk trên Bán đảo Kamchatka khi sự cố xảy ra.

Các thiết bị định vị thủy âm không phát hiện một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Yankee của Liên Xô đang tiến đến, và hai tàu dưới đáy biển gần như va chạm trực diện.

Tàu ngầm Liên Xô nổi lên trong vòng 30 giây sau vụ va chạm. Tờ báo Mỹ nói không có thông tin nào về mức độ thiệt hại hay thương vong đối với thủy thủ đoàn Liên Xô, ước tính khoảng 120 người.

Vụ va chạm gần như phá hủy hoàn toàn sonar của tàu Pintado, một thiết bị phức tạp được trang bị khoảng 1.800 cảm biến điện tử. Ngoài ra, cửa sập ống phóng ngư lôi ở mạn phải bị kẹt và một vây điều khiển lặn bị hư hại.

Tàu Pintado rời hiện trường với tốc độ tối đa dưới nước để đến căn cứ tàu ngầm của Mỹ trên đảo Guam, nơi nó được đưa vào ụ tàu để sửa chữa trong gần 2 tháng.

San Diego Evening Tribune cho rằng một phần nhiệm vụ của con tàu có thể là kiểm tra tính hiệu quả của các cảm biến cảnh báo điện tử của Liên Xô được đặt ở lối vào bến cảng.

Pintado, một trong những tàu ngầm chạy êm thuộc lớp Sturgeon được thiết kế đặc biệt để phát hiện và “chống lại các tàu ngầm cường quốc, được trang bị ngư lôi thông thường và hạt nhân cùng với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn từ ống phóng ngư lôi”.

Theo RBTH, ngày 23/5/1981, tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân K-211 Petropavlovsk-Kamchatsky của Liên Xô đang trên đường trở về căn cứ từ một khu vực huấn luyện chiến đấu ở biển Barents. Một thời gian ngắn sau khi hoàn thành thao tác kiểm tra “điểm mù” để phát hiện sự hiện diện của những vị khách không mời, nó đã bị đụng mạnh vào phần đuôi tàu từ một chiếc tàu ngầm đi ngang qua bên dưới.

Dù có thiệt hại nhưng không đáng kể, tàu K-211 nổi lên và quay trở lại căn cứ. Khi kiểm tra bên ngoài, các thủy thủ Liên Xô tìm thấy các mảnh kim loại từ một tàu ngầm không xác định trong chân vịt của con tàu.

Phía Liên Xô cho rằng kẻ săn đuổi tàu ngầm của họ nhiều khả năng là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Sturgeon (SSN-637) của Mỹ. Theo một giả thiết khác, đó là một tàu ngầm lớp Swiftsure của Anh mang số hiệu S-104. Cho dù đó là gì, sự cố cũng đã kết thúc mà không có rủi ro lớn nào đối với tàu ngầm “truy đuổi”.

Trò chơi mèo vờn chuột dưới nước không đi đến hồi kết khi Chiến tranh Lạnh kết thúc mà tiếp diễn với hai đối thủ Mỹ-Nga.

Những vụ va chạm “chết người”

Theo trang web của Trung tâm Kiểm soát vũ khí, năng lượng và nghiên cứu môi trường (Nga), USS Baton Rouge, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles và tàu ngầm lớp Sierra của Nga đã va chạm vào lúc 20 giờ 16 phút, theo giờ Moscow, ngày 11/2/1992 ở trong hoặc gần lãnh hải Nga ngoài khơi cảng Murmansk. Trong khi các vụ va chạm tàu ngầm như vậy đã từng xảy ra, vụ va chạm này dường như đã tạo ra nhiều phản ứng trên báo chí hơn những vụ trước đó. Các bản tin khác nhau và trái ngược nhau về vụ va chạm, được xuất bản ở cả Mỹ và Nga, đặt ra hai câu hỏi: Tàu ngầm Mỹ đã làm gì gần các cơ sở hải quân Murmansk? Và làm thế nào một vụ va chạm như vậy có thể xảy ra?

tau ngam uss tautog cua hai quan my.jpg -0
Tàu ngầm USS Tautog của hải quân Mỹ

Tuy nhiên, hai câu hỏi có vẻ đơn giản này đặt ra câu hỏi thứ ba liên quan các vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với việc lập kế hoạch an ninh ở cả Nga và Mỹ: Vụ va chạm này có cho chúng ta biết điều gì quan trọng về khả năng tiến hành các hoạt động chống tàu ngầm thế hệ mới nhất của các tàu ngầm Mỹ hay không? Còn đối với tàu ngầm Nga thì sao?

Phân tích của Trung tâm Kiểm soát vũ khí, năng lượng và nghiên cứu môi trường chỉ ra rằng ở vùng biển nông phía Bắc, ngay cả trong điều kiện môi trường tốt nhất, khả năng kỹ thuật của các tàu ngầm hoạt động bí mật (ở thời điểm xảy ra vụ va chạm) không cho phép phát hiện các tàu ngầm bí mật khác ở khoảng cách hơn vài trăm mét.

Hải quân Mỹ tuyên bố rằng vụ va chạm xảy ra cách bờ hơn 12 dặm, tại một địa điểm trong vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, Nga sử dụng một bộ quy tắc khác để xác định ranh giới giữa lãnh hải và vùng biển quốc tế và theo đó, địa điểm va chạm bên trong lãnh hải của họ.

Vấn đề chính xác khu vực nào của đại dương ven biển có thể được coi là vùng biển quốc tế là rất quan trọng vì vùng nước ven biển quốc tế có thể được sử dụng cho nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động hải quân trong phạm vi lãnh hải hoặc vùng biển quốc tế. Trong trường hợp cụ thể ở Murmansk, rõ ràng Nga có những lo ngại về an ninh và hoạt động của các tàu chiến Nga gần cảng nhà. Khu vực Murmansk có căn cứ lớn nhất của Hạm đội Phương Bắc thuộc hải quân Nga.

Theo các quan chức Mỹ, vụ va chạm xảy ra khi tàu Sierra đang nổi lên bên dưới tàu Baton Rouge, khi đó ở độ sâu 20m. Các bức ảnh trinh sát của Mỹ về Sierra được cho là cho thấy một vết lõm lớn ở phần trước cấu trúc “cánh buồm” của nó và cho thấy rằng cấu trúc này của tàu ngầm Nga có thể đã va vào phần bên dưới phía sau của tàu Baton Rouge.

Theo báo cáo của phía Liên Xô, tàu Sierra bị hư hại nhẹ ở cấu trúc “cánh buồm”, nơi phần lớn thành phần của vỏ của tàu ngầm Mỹ - gốm sứ, nhựa và các thành phần khác - đã được tìm thấy. Sau khi tàu Baton Rouge quay trở lại căn cứ ở Norfolk hai tuần sau đó, các thợ lặn tiến hành kiểm tra dưới nước đã phát hiện các vết xước, lõm và hai vết cắt nhỏ ở khoang dằn (một trong hai khoang trên chiếc tàu ngầm). May mắn thay, vụ tai nạn đã không gây ra bất kỳ thương vong nào.

Vì sao tàu Baton Rouge lại ở đó?

Hải quân Mỹ đã không đưa ra lời giải thích về lý do tại sao tàu Baton Rouge hoạt động quá gần bờ biển Nga. Tuy nhiên, các nguồn tin trong Lầu Năm Góc nói Baton Rouge đang thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo vào thời điểm xảy ra vụ va chạm. Lời giải thích này cũng đã được đề cập trong các bài báo về vụ việc.

Có một số loại nhiệm vụ tình báo có thể, ít nhất là về nguyên tắc, đưa tàu ngầm lớp Los Angeles đến gần bờ biển Nga, theo chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát vũ khí, năng lượng và nghiên cứu môi trường. Một loại nhiệm vụ chỉ nhằm mục đích tích lũy kinh nghiệm hoạt động ở vùng nước nông càng gần bờ biển Nga càng tốt. Mặc dù một bài báo nói rằng "ngày nay có rất ít lý do chiến thuật để tàu ngầm Mỹ hoạt động gần bờ biển Nga như vậy", hải quân Mỹ có thể vẫn chưa đưa ra kết luận tương tự.

Việc thu thập tình báo bằng tàu ngầm cũng có thể mang lại các thông tin về hoạt động của Hải quân Nga, có thể hữu ích trong việc giúp dự đoán các hành động và chuyển động của Hạm đội phương Bắc.

Theo các nguồn am hiểu trong Hải quân Nga, thu thập thông tin tình báo là hoạt động thường xuyên của tàu ngầm Mỹ gần bờ biển Nga, điển hình có từ 1 - 2 tàu ngầm Mỹ hoặc Anh hoạt động sát bờ biển Nga ngoài khơi Murmansk, 1-3 chiếc ngoài khơi bán đảo Kamchatka và 1 chiếc ngoài khơi Vladivostok.

Thu thập thông tin tình báo bên trong hoặc ngay bên ngoài lãnh hải Liên Xô là các chiến dịch dài hạn của Hải quân Mỹ mang tên Holystone, Pinnacle, Bollard và Barnacle.

Những hoạt động này rõ ràng bao gồm cả việc chụp ảnh cận cảnh mặt dưới tàu chiến và tàu ngầm của Liên Xô; tiếp cận cáp liên lạc dưới nước của Liên Xô để chặn các thông tin quân sự cấp cao và các thông tin liên lạc khác được coi là quá quan trọng, không thể gửi bằng vô tuyến hoặc các phương tiện kém an toàn khác; quan sát các cuộc thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Liên Xô; ghi âm tiếng ồn do tàu ngầm Liên Xô vận hành phát ra. Một khả năng, phù hợp với các báo cáo nói nhiệm vụ của tàu là thu thập thông tin tình báo, là Baton Rouge đang thực hiện nhiệm vụ cài đặt (hoặc thu hồi) các thiết bị thu thập thông tin tình báo từ đáy biển gần bờ.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.
.