Nhiều nghệ sĩ bị CIA sử dụng trong chiến tranh Lạnh

Thứ Ba, 02/11/2021, 22:39

Những hồ sơ, tài liệu công bố gần đây ở Mỹ đã tiết lộ nhiều hoạt tình báo của CIA trên phạm vi rộng lớn thuộc Trung và Tây Phi trong các thập niên 1950 và 1960. Trong đó, CIA đã từng sử dụng nhiều nghệ sĩ nhạc rock và Jazz nổi tiếng phục vụ cho chiến tranh tâm lý tại lục địa đen.

“Chú ngựa thành Troy” ở Congo

Một buổi tối tháng 11-1960 đã trở thành buổi tối đáng nhớ đối với Louis Armstrong, nghệ sĩ thổi kèn trumpet, vừa là ca sĩ kiêm trưởng ban nhạc Jazz lẫy lừng. Tối đó, ông cùng vợ và một nhà ngoại giao ở Đại sứ quán Mỹ được mời đi ăn tối tại nhà hàng tại Léopoldville, thủ đô của nước Congo mới vừa giành độc lập (nay là thủ đô Kinshasa của nước Cộng hòa Dân chủ Congo).

Bữa ăn tối đó do Larry Devlin, một nhân vật được giới thiệu là tùy viên chính trị Đại sứ quán Mỹ chiêu đãi. Armstrong vốn là nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng của nước Mỹ thời đó, với biệt danh là Satchmo. Thời điểm đó ông đang thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh châu Phi kéo dài nhiều tháng, do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức và đài thọ nhằm mục đích quảng bá hình ảnh nước Mỹ tại các quốc gia vừa mới giành độc lập từ các chế độ thuộc địa.

Điều mà Armstrong không biết chính là bí mật của chủ nhân bữa tiệc: Larry Devlin không phải là tùy viên chính trị như giới thiệu mà đích thực là người đứng đầu chi nhánh CIA tại Congo. Ông cũng hoàn toàn không thể biết được làm thế nào tay điệp viên đó đã thu thập được những thông tin quan trọng từ bất cứ ai mà ông ta trò chuyện ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc để phục vụ cho những hoạt động bí mật của ông ta.

Nhiều nghệ sĩ bị CIA sử dụng trong chiến tranh Lạnh -0
Louis Armstrong và ban nhạc của ông biểu diễn ở Congo năm 1960.

Trong một quyển sách mới phát hành nhan đề “White Malice” viết về các hoạt động tâm lý chiến của CIA ở Trung và Tây Phi thời chiến tranh Lạnh, tác giả Susan Williams, một nhà nghiên cứu tại Đại học London (Anh), cho rằng Armstrong về cơ bản là “chú ngựa thành Troy” phục vụ cho lợi ích của CIA. “Ông ấy bị lợi dụng để phục vụ cho lợi ích hoàn toàn trái ngược với nhận thức của ông ấy về cái đúng, cái sai” - nhà nghiên cứu Susan Williams nói.

“Chú ngựa thành Troy” nhà nghiên cứu Susan Williams đề cập là điển tích về một chú ngựa bằng gỗ trong truyện thần thoại Hy Lạp cổ đại, được quân Hy Lạp sử dụng để đánh lừa quân thành Troy trong “cuộc chiến thành Troy”. Quân Hy Lạp do đánh không thắng nổi quân Troy nên dùng kế tạo chú ngựa gỗ khổng lồ bên trong bụng là nơi trú ẩn của binh sĩ và đánh lừa quân Troy khiến họ nhầm tưởng chú ngựa là một món quà nên không chú ý đề phòng, chỉ lo ăn mừng chiến thắng, từ đó binh sĩ trong bụng chú ngựa xông ra đánh chiếm thành Troy.

Armstrong hoàn toàn không hay biết rằng Larry Devlin và các điệp viên ngầm của CIA tại Congo đã lợi dụng danh nghĩa chuyến lưu diễn của ông để tiếp cận tỉnh Katanga, một tỉnh rất giàu có và quan trọng về mặt chiến lược nhưng đã tách ra khỏi Congo trước đó vài tháng. Tuy đồng tình với đường lối chính trị của lãnh đạo tỉnh Katanga, nhưng nước Mỹ về mặt chính thức không thể công khai công nhận Katanga với tư cách một quốc gia độc lập trong khi vẫn đang có quan hệ ngoại giao với Congo.

CIA có rất nhiều mối quan tâm ở Katanga, từ các quan chức cấp cao mà họ không thể gặp mặt cho đến cơ sở hạ tầng khai thác mỏ quan trọng, với 1.500 tấn uranium và tiềm năng rất lớn. Chuyến lưu diễn của Armstrong đến Katanga là một cơ hội hoàn hảo, vì vậy Devlin và những cộng sự của ông ta đã từ thủ đô Leopoldville bay đến Katanga cùng với Armstrong và ban nhạc nổi tiếng của ông. Chuyến lưu diễn của Armstrong và ban nhạc của ông đã trở thành vỏ bọc hoàn hảo cho CIA thực hiện ý đồ của mình.

Chưa hết, còn câu chuyện bí mật động trời khác ẩn chứa bên trong hoạt động bình phong của trạm CIA mà ông Armstrong không hay biết. Đó là việc trạm CIA do Devlin đứng đầu tại Léopoldville còn đang âm mưu sát hại Tổng thống đầu tiên quốc gia độc lập Congo: Patrice Lumumba, lúc đó mới tròn 35 tuổi, vì lo sợ rằng Tổng thống Lumumba sẽ dẫn dắt đất nước của ông về cùng phe với Liên Xô.

Ở cách nơi Armstrong và Devlin ăn tối khoảng một dặm, Tổng thống Lumumba đang bị những người lính theo phe của tướng Joseph-Désiré Mobutu giam giữ tại dinh thự của ông. Tướng Mobutu không ai khác chính là một cộng tác viên đắc lực của CIA. Trên thực tế, Mobutu thâu góm quyền lực từ vài tuần trước khi Armstrong đến Congo, đã chỉ huy binh sĩ dưới quyền bắt giữ Tổng thống Lumumba.

Hai tháng sau khi Devlin và ban nhạc của Armstrong đến Katanga, Tổng thống Lumumba bị các quan chức tỉnh Katanga và nhóm sĩ quan cảnh sát nước ngoài đến từ Bỉ sát hại. Vài năm sau, tướng Mobutu chính thức lên làm Tổng thống Congo, thâu tóm mọi quyền hành trong tay, trở thành vị tổng thống độc tài nổi tiếng, tại vị lâu nhất lịch sử nước này và là một nhân vật thân Mỹ hàng đầu trong khu vực.

Về sau này, Larry Devlin thừa nhận rằng CIA có trách nhiệm trong cái chết của Tổng thống Lumumba. Devlin khai nhận trong một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ rằng, mọi chi tiết trong “vụ đảo chính của Mobutu” thực chất đều do CIA dàn xếp, hỗ trợ và đạo diễn.

Cái chết của Tổng thống Lumumba là một trong những sự kiện tai tiếng nhất của chiến tranh Lạnh và đã gây nên sự phẫn nộ trên khắp thế giới. Dù nhận trách nhiệm về vụ đảo chính của Mobutu, nhưng CIA lại né tránh, không thừa nhận vai trò liên quan trong vụ việc.

Năm 1975, Devlin khai trong một cuộc điều tra khác của chính phủ Mỹ rằng CIA đã từng tìm cách ám sát ông Lumumba vài tháng trước đó nhưng đã dừng hành động này khá lâu trước khi ông Lumumba bị sát hại thực sự. Tuy nhiên, các hồ sơ mới giải mật ở Mỹ gần đây cho thấy sau khi tuyên bố dừng nỗ lực ám sát ông Lumumba, CIA vẫn cử một điệp viên mang mật danh là WI/ROGUE đến thành phố Thysville, nơi ông Lumumba bị giam cầm không lâu trước khi xảy ra vụ ám sát.

CIA đã bắt đầu phát triển mạng lưới điệp viên, thuê người trợ giúp, cộng tác viên và khách hàng ở châu Phi ngay sau khi thành lập vào năm 1947, dựa trên công việc đã làm trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đến năm 1960, mạng lưới rộng lớn này bao gồm các nhà lãnh đạo công đoàn, doanh nhân, người của các tổ chức văn hóa và giáo dục, doanh nghiệp và thậm chí cả các hãng hàng không.

Cũng trong giai đoạn này, CIA đã nhúng tay vào nhiều sự kiện nổi cộm ở lục địa đen. Một trong những sự kiện nổi cộm nhất chính là vụ bắt giam lãnh tụ đấu tranh giải phóng dân tộc nổi tiếng của Nam Phi, ông Nelson Mandela. Năm 1962, CIA đã mật báo cho chính quyền kỳ thị chủng tộc Apartheid ở Nam Phi dẫn đến việc bắt và giam giữ ông Mandela suốt 27 năm. Rồi CIA cũng bị cáo buộc đã nhúng tay vào cuộc đảo chính quân sự năm 1966 lật đổ Tổng thống Kwame Nkrumah, tổng thống đầu tiên của Ghana.

Nhiều nghệ sĩ bị CIA sử dụng trong chiến tranh Lạnh -0
Tổng thống Congo Patrice Lumumba (bên phải).

Cuộc chiến “xuất khẩu văn hóa” của người Mỹ

Nghệ sĩ Louis Armstrong cùng nhiều nghệ sĩ nhạc jazz, nhạc rock và các thể loại văn hóa khác thời đó đã nhiệt tình nhận lời thực hiện nhiều chương trình giao lưu văn hóa, nhiều chuyến lưu diễn tại các quốc gia mà Mỹ và các đồng minh trong giai đoạn chiến tranh Lạnh xem là đối thủ cần phải chinh phục.

Kho hồ sơ lưu trữ các tài liệu của cựu Thượng nghị sĩ J William Fulbright - nhà sáng lập chương trình học bổng trao đổi giáo dục Fulbright – tại thư viện Đại học Arkansas chứa đựng rất nhiều tài liệu về chương trình giao lưu, xuất khẩu văn hóa của chính phủ Mỹ như một thứ vũ khí trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng cũng như cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Liên Xô cùng khối Hiệp ước Warsaw.

Năm 1947, guồng máy chiến tranh tâm lý của Mỹ bắt đầu chuyển trạng thái từ “chiến tranh nóng” sang “chiến tranh lạnh”. Mọi hoạt động chiến tranh tâm lý, chiến tranh văn hóa đều chĩa mũi dùi về phía Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw. Phần mình, CIA cũng đã xây dựng một loạt cấu trúc bình phong để hoạt động nhằm theo đuổi “chủ nghĩa bá chủ văn hóa Mỹ”, bắt đầu với Kho Tài sản Tuyên truyền (Propaganda Assets Inventory - PAI), đã tuyên bố có ảnh hưởng gián tiếp trên 800 ấn phẩm và vào năm 1950 với Bộ phận Tổ chức Quốc tế (IOD) dưới sự điều hành của Thomas Braden, cựu tổng thư ký của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York.

Không thể ngồi yên trước đà phát triển của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, PAI và IOD, với sự giật dây của CIA, đã phát động một chiến dịch chiến tranh văn hóa chống Liên Xô. Một Đại hội Tự do văn hóa (CCF) đặt dưới sự điều hành và tài trợ của CIA và giao cho Nicolas Nabokov, nhà soạn nhạc Nga sống lưu vong ở Mỹ, trực tiếp điều phối. Nhiệm vụ của CCF là tổ chức các đại nhạc hội và hoạt động chống cộng trá hình tri thức ở Liên Xô và các nước khối Hiệp ước Warsaw, như tạp chí Encounter có trụ sở tại London và do Stephen Spender làm chủ biên.

Nhiều nghệ sĩ bị CIA sử dụng trong chiến tranh Lạnh -0
Dizzy Gillespie, nghệ sĩ nhạc jazz đầu tiên tham gia chiến dịch “xuất khẩu văn hóa” của Mỹ.

Trung tâm của cuộc chiến âm nhạc là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thế kỷ 20, Dmitri Shostakovich. CIA cùng nhiều cơ quan khác của Mỹ đã tìm mọi cách để lôi kéo Shostakovich đào tẩu khi ông được cử đến dự Đại hội Văn hóa và Khoa học vì Hòa bình Thế giới ở New York vào năm 1949. Nhưng Shostakovich đã khiến phương Tây thất vọng và bối rối. Ông đã không những không đào tẩu mà còn quay trở lại Nga và được xem là một “đồng chí trung thành” ở Liên Xô, trái ngược với quan điểm của phương Tây cho rằng ông là một người bất đồng chính kiến.

Sự khinh miệt của Liên Xô đối với chủ nghĩa hiện đại phương Tây là một lời mời để tình báo Mỹ quảng bá âm nhạc như vậy. Theo đó, vào năm 1952, CCF đã tổ chức Liên hoan các kiệt tác nghệ thuật hiện đại của thế kỷ 20 tại Paris. Dàn nhạc giao hưởng Boston được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ để biểu diễn kiệt tác The Rite of Spring của nhà soạn nhạc Stravinsky. CIA tự hào cho rằng màn trình diễn “đã mang lại cho nước Mỹ nhiều sự hoan nghênh hơn cả những bài phát biểu của Tổng thống Dwight Eisenhower”.

Đối lại, Liên Xô đã cho dàn nhạc giao hưởng Leningrad Philharmonic đã đi lưu diễn tại Lễ hội âm nhạc BBC Proms của Anh và nhiều nơi khác vào năm 1971 và thậm chí còn giữ nhạc trưởng Arvid Jansons trong vai trò chỉ huy khách mời chính tại dàn nhạc Hallé ở Manchester.

Vụ can thiệp nổi tiếng nhất của CIA đối với văn học liên quan đến tác phẩm Darkness at Noon (Bóng tối giữa trưa) của Arthur Koestler và Animal Farm (Trại súc vật) của George Orwell. Các bản in của tác phẩm Darkness at Noon mang nội dung chống cộng được đưa qua Bức màn Sắt bằng khinh khí cầu và bị các đảng viên cộng sản tiêu hủy hàng loạt.

Sau đó, CIA còn mua quyền chuyển thể tác phẩm Animal Farm thành phim điện ảnh nhằm gia tăng mức độ tuyên truyền tâm lý chiến. CIA đã can thiệp vào kịch bản phim, chỉnh sửa đoạn cuối theo ý đồ tuyên truyền của mình, bất chấp lời khuyến cáo của tác giả bản gốc.

Tuy nhiên, cho dù CIA nỗ lực tác động thế nào, chúng đều không mang lại kết quả như mong muốn và thường bị chính những đối tượng chinh phục làm cho thất bại. Sau thập niên 1960, những trào lưu văn hóa mới xuất hiện, và cũng từ đó cuộc chiến “xuất khẩu văn hóa” mà CIA theo đuổi cũng dần đi vào quên lãng.

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.
.