Kia
Mobifone

Nhật Bản với kế hoạch cải tổ quốc phòng

Thứ Hai, 02/09/2024, 09:38

Đẩy mạnh việc chế tạo vũ khí hiện đại, thúc đẩy xuất khẩu vũ khí cho các đối tác và đồng minh, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực an ninh là những bước đi của Nhật Bản nhằm gia tăng khả năng phòng thủ quốc gia.

Nhật Bản sẽ đưa vào sử dụng tên lửa "sát thủ tàu chiến" mới nhất sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu mà theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, lý do là sự cấp thiết đối phó với các mối đe dọa trong khu vực, theo tờ SCMP.

Chi tiết về tên lửa đất đối hạm Type-12 nâng cấp đã được tiết lộ trong sách trắng thường niên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được công bố vào đầu tháng 7. Theo sách trắng, tên lửa nâng cấp đã "trải qua nhiều cuộc thử nghiệm trên thực địa" và sẽ sẵn sàng triển khai vào năm tới. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói, vũ khí siêu thanh của nước này sẽ sẵn sàng được biên chế vào năm 2026.

Nhật Bản với kế hoạch cải tổ quốc phòng -0
Lục quân Nhật Bản tập trận đổ bộ.

Tăng cường năng lực phòng thủ

Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara cho biết trong sách trắng rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với "môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp" và việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng quân đội, tăng cường các hoạt động hải quân là thách thức chính. Ông nói sẽ ưu tiên phát triển hệ thống tên lửa phòng thủ của đất nước.

“Nhật Bản sẽ trang bị nhiều loại tên lửa tầm xa sớm hơn dự kiến, bao gồm tên lửa Tomahawk (do Mỹ chế tạo) và tên lửa đất đối hạm Type-12 nâng cấp”, ông Kihara được dẫn lời trên SCMP.

Sách trắng không tiết lộ tầm bắn của tên lửa mới, nhưng các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin trước đó rằng tên lửa này có tầm bắn 900 km và mục tiêu của quân đội Nhật Bản là tăng tầm lên 1.200 km đến 1.500 km.

SCMP, tờ báo có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, với tầm bắn 900 km, một tên lửa Type-12 nâng cấp được phóng đi từ đầu phía nam đảo Kyushu Nhật Bản có thể vươn tới vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở biển Hoa Đông hiện vẫn năm trong sự kiểm soát của Nhật Bản. Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Nếu tầm bắn được mở rộng lên 1.500 km, tên lửa thậm chí có thể tấn công các mục tiêu gần phía bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, một đơn vị Type-12 “đời đầu” đã được triển khai tới Ishigaki, một trong những hòn đảo phía Nam Nhật Bản gần Đài Loan (Trung Quốc) nhất. Quân đội Nhật Bản đã đặt hàng mua 400 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk tầm bắn 1.600 km do Mỹ sản xuất với giá 2,35 tỷ USD.

Việc giao tên lửa Tomahawk cũng đã được đẩy lên sớm một năm, dù theo kế hoạch là 2026. Điều này có nghĩa là khả năng phòng thủ của Nhật Bản sẽ được tăng cường đáng kể vào năm tới khi cả tên lửa Type-12 cải tiến và tên lửa Tomahawk do Mỹ sản xuất được bổ sung vào kho vũ khí của nước này.

Ngoài Type-12 nâng cấp biến thể đất đối hạm, Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục phát triển các biến thể phóng từ tàu chiến và máy bay, có kế hoạch triển khai ít nhất 11 đơn vị tên lửa này, theo sách trắng.

Nhật Bản cũng đã nghiên cứu các loại bom lượn siêu tốc (HVGP) và tên lửa siêu thanh (tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh) kể từ năm 2018, là một phần nỗ lực tăng cường "năng lực cản trở và đánh bại các lực lượng thù địch ở khoảng cách xa, ngăn chặn một cuộc xâm lược Nhật Bản". HVGP của Nhật được sản xuất loạt từ năm ngoái với mục tiêu bắt đầu biên chế vào năm 2026.

Hiến pháp sau Thế chiến II của Nhật Bản hạn chế mở rộng năng lực tấn công của nước này. Nhưng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã nhanh chóng bổ sung kho vũ khí tấn công trong những năm gần đây, viện dẫn các mối đe dọa từ các láng giềng mạnh.

Sách trắng cho biết "Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng thủ từ xa để ứng phó từ bên ngoài vùng nguy cơ, bao gồm tên lửa phòng không, các hệ thống chống hạm và chống đổ bộ".

Nhật Bản với kế hoạch cải tổ quốc phòng -0
Hệ thống tên lửa đất đối không Type-11 do Nhật Bản chế tạo.

Xuất khẩu vũ khí - “Nhất tiễn hạ song điêu”

Những thay đổi trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản đã diễn ra trong một thập kỷ qua. Ngoài việc tăng cường nghiên cứu chế tạo vũ khí phòng thủ, Nhật Bản còn thúc đẩy việc xuất khẩu vũ khí, khí tài sang các nước đối tác hay đồng minh và đây cũng là cách gián tiếp để bảo vệ chính Nhật Bản. Đồng minh hay đối tác mạnh lên cũng sẽ san sẻ bớt gánh nặng phòng thủ cho Tokyo.

Theo trang của Diễn đàn Quốc phòng Châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản gần đây đã sửa đổi các quy định, cho phép xuất khẩu thiết bị quốc phòng được sản xuất theo giấy phép của nước ngoài. Các nhà phân tích cho biết động thái chiến lược này, song trùng với nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường năng lực phòng thủ, đang định hình lại động lực an ninh khu vực và toàn cầu.

Sự thay đổi chính sách cho phép Nhật Bản xuất khẩu tên lửa đất đối không Patriot sang Mỹ (dù Mỹ là nước chế tạo ban đầu), giúp Washington duy trì đủ cơ số vũ khí cần thiết trong khi tiếp tục cung cấp tên lửa cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý rằng động thái này "tăng cường sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara nói việc chuyển giao vũ khí giúp thúc đẩy hợp tác an ninh Nhật Bản - Mỹ và đảm bảo hòa bình khu vực.

Tiến sĩ Jeffrey Hornung, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức nghiên cứu Rand Corp. (Mỹ) cho rằng các quy định mới chỉ là một khía cạnh trong chiến lược phòng thủ của Nhật Bản, lưu ý rằng nước này đã đầu tư đáng kể phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, củng cố mạng lưới mặt đất của hệ thống phòng thủ hàng không vũ trụ, giải quyết lỗ hổng tiềm ẩn trong các liên kết và mạng lưới thông tin.

Hợp tác phòng thủ tên lửa Nhật-Mỹ cũng đang tiến triển. Ông Hornung lưu ý rằng Mỹ và Nhật Bản, hai đồng minh lâu năm, đã hợp tác phát triển tên lửa đất đối không SM3 Block IIA và các hệ thống đánh chặn tiên tiến nhằm đối phó với mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh.

Tiến sỹ Hornung cho rằng, Nhật Bản xuất khẩu radar sang Philippines và cải thiện việc chia sẻ thông tin với Hàn Quốc là hai trong những bước đi quan trọng nhằm bố trí một không gian phòng thủ rộng hơn. Theo The Nikkei, việc tăng cường xuất khẩu vũ khí, khí tài là bước đi “nhất tiễn hạ song điêu”, một mặt tăng cường quan hệ đối tác an ninh của Nhật Bản, trực tiếp và gián tiếp nâng cao khả năng phòng thủ, mặt khác nhằm phục hồi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước vốn sa sút sau Thế chiến II. Tuy nhiên, không phải mặt hàng quốc phòng nào cũng mặc nhiên được xuất khẩu. Các nhà lập pháp sẽ xem xét theo từng trường hợp cụ thể.

“Ngành công nghiệp quốc phòng tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong khi các điều kiện xuất khẩu được nới lỏng giúp giảm chi phí, điều này cũng sẽ có lợi cho kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia”, tiến sỹ Hornung nhận định. Xuất khẩu nhiều hơn, giá thành hạ cũng đồng thời giúp Nhật Bản có điều kiện làm phong phú thêm kho vũ khí của quân đội nước nhà.

Ông Hornung nói các thay đổi chính sách quốc phòng cũng giúp Nhật Bản đạt được vị thế lớn hơn đối với an ninh khu vực và toàn cầu, củng cố liên minh với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Tháng 12/2022, Nhật Bản tuyên bố sẽ phát triển tên lửa phản công và các năng lực khác, ưu tiên đổi mới và tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2024 xác định Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất” của nước này. Báo cáo ghi nhận sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở biển Hoa Đông - đặc biệt là xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang tăng cường các cuộc tập trận quân sự xung quanh đảo Đài Loan và mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo và đưa ra các yêu sách lãnh thổ bất chấp luật pháp quốc tế.

Sách trắng nêu: "Những thay đổi đơn phương đối với nguyên trạng bằng vũ lực và những nỗ lực như vậy là một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế hiện tại".

Nhật Bản với kế hoạch cải tổ quốc phòng -0
Binh sĩ Nhật Bản trong cuộc tập trận chung với lực lượng Mỹ, Pháp, diễn ra tháng 5/2021 tại Ebino, Nhật Bản.

Vấn đề đau đầu

Tăng cường khả năng phòng thủ, mở rộng hợp tác với các đối tác, đầu tư dây chuyền sản xuất vũ khí mới, tất cả đều dẫn đến việc tăng chi tiêu quốc phòng. Nhưng một trong những việc gây đau đầu nhất cho những người muốn Nhật Bản lấy lại vị thế cường quốc quân sự là thuyết phục công chúng nước này đồng ý tăng thêm tiền cho quân đội.

Theo một bài nhận định trên trang của RUSI, tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Anh, sau nhiều thế hệ được giáo dục rằng Nhật Bản là một quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình và dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh cho đất nước, xã hội Nhật Bản và và nhiều phe phái trong chính phủ và quốc hội chưa sẵn sàng gật đầu trước các đề nghị chi thêm tiền cho quân đội, chưa đồng thuận với ý tưởng cần phải cung cấp cho đất nước các nguồn lực đủ để tự đảm nhận trách nhiệm bảo vệ đất nước trong thời đại “thay đổi cán cân quyền lực”, như Sách trắng quốc phòng 2023 nhận định.

Tháng 12/2022, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng đã gây ra tranh cãi. Ban đầu, Thủ tướng Fumio Kishida đề xuất tạo nguồn tiền thông qua tăng thuế nhưng vấp phải phản đối. Điều này một phần phản ánh mối quan ngại về tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật Bản, hiện đang ở mức trên 250%. Những người chủ trương tăng thuế nhằm tạo nguồn cho quốc phòng tin rằng lựa chọn thuế thay vì vay nợ là giải pháp bền vững hơn. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, đến năm 2027, Nhật Bản sẽ có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, những lời phản đối cách tiếp cận này xuất phát từ nhiều phía và ngay cả bên trong đảng cầm quyền LDP đã khiến ông Kishida phải lùi bước.

Theo tiến sỹ Philip Shetler-Jones, chuyên gia về an ninh khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của RUSI, Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2023 hầu như không có thông tin mới nào về các mối đe dọa mà Nhật Bản phải đối mặt và năng lực mà nước này cần để đối phó với chúng. Thay vào đó, nội dung sách dường như nhằm mục đích giúp người dân Nhật Bản và những người khác hiểu rõ hơn về sự cần thiết phải tăng cường năng lực phòng thủ để đạt được khả năng răn đe trong bối cảnh hiện tại. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó là Yasukazu Hamada mở đầu lời tựa sách trắng bằng nhận định được xem là “táo bạo” và mang tính cảnh báo: “Thế giới đang ở bước ngoặt trong lịch sử. Cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ Thế chiến II và chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên khủng hoảng mới”.

Cơ quan quốc phòng của Nhật Bản đưa ra hai kết luận chính: cần phải tự mình bảo vệ đất nước (ngụ ý là không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ) và đạt được năng lực răn đe khiến đối thủ hiểu rằng "tấn công Nhật Bản sẽ không đạt được mục tiêu". Nhật Bản có đủ năng lực tài chính và công nghệ. Vấn đề chính là đồng thuận quốc gia. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người dân Nhật Bản nghĩ rằng tăng cường năng lực của quân đội là điều cấp thiết.

Nguyễn Xuân Thủy

.