Leonid Kvasnikov - nhà khoa học hoạt động tình báo

Thứ Hai, 11/11/2024, 08:10

Bốn năm sau vụ thử vũ khí nguyên tử đầu tiên tại bãi thử Alamogordo ở New Mexico vào tháng 7/1945 và vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945, Liên Xô đã thử bom nguyên tử tại bãi thử Semipalatinsk. Tình báo đóng vai trò to lớn trong việc có được những bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong số nhiều nhà tình báo Liên Xô cũng như ngoại quốc đã quên mình giúp Liên Xô đạt được sự ngang bằng về hạt nhân, có một nhà khoa học đã tham gia hoạt động này đến tận cùng - Leonid Kvasnikov.

Suốt đời ông đã giữ im lặng và chỉ đến tuổi cao niên Kvasnikov mới bắt đầu viết hồi ký, nhưng ông có một trí nhớ phi thường và có thể ghi lại toàn bộ dữ liệu kỹ thuật chính xác đến từng chi tiết. Kvasnikov chưa bao giờ mơ ước trở thành một nhà tình báo. Ông không quan tâm gì đến ngoại ngữ, bắn súng hay võ thuật, nhảy dù. Ông có thị lực kém và đeo kính cận dày cộp.

Leonid Kvasnikov - nhà khoa học hoạt động tình báo  -0
Nhà hóa học - tình báo viên Leonid Kvasnikov.

Làm việc tại NKVD

Leonid Kvasnikov sinh ngày 2/6/1905 tại nhà ga Uzlovaya. Cha ông làm việc ở đường sắt và mẹ ở nhà chăm nom bốn đứa con. Tuổi thơ của Kvasnikov trôi qua trong nghèo đói của thời chiến và thời hậu chiến. Tốt nghiệp trường Kỹ thuật đường sắt, năm 1926 Kvasnikov trở thành trợ lý và một năm sau là người lái đầu máy xe lửa. Ông đã phát triển và thực hiện một số cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng sửa chữa đầu máy toa xe, giảm cường độ lao động và chi phí.

Sau đó ông đến Moscow học tại Viện Công nghệ hóa chất, năm 1934 nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc và được cử đến làm việc tại nhà máy hóa chất, nơi sản xuất phosgene. Ông được đăng ký học cao học tại Moscow. Năm 1938 ông được mời vào Ủy ban đặc biệt về Công nghiệp đạn dược Quốc phòng và nhận nhiệm vụ phát triển thiết bị cơ giới hóa việc nạp đạn pháo. Ngay sau đó, một giải pháp kỹ thuật của ông được triển khai tại tất các các cơ sở lắp ráp và thiết bị. Kvasnikov đã chuẩn bị luận án tiến sĩ nhưng không có điều kiện bảo vệ luận án, ông được thông báo sẽ làm việc tại NKVD do giám đốc tình báo mới Pavel Fitin đề xuất. Fitin cần những thanh niên có trình độ kỹ thuật cao để thay thế những người vì những lý do khác nhau đã rời bỏ NKVD.

Khi đó với cấp bậc Trung úy an ninh, Kvasnikov làm việc tại Cục Tình báo Khoa học kỹ thuật với chức danh phó trưởng phòng. Tại đây, ông không ngại tranh chấp với cấp trên và bảo vệ quan điểm của mình đến cùng và bị gửi đến “Ba Lan cũ” do Đức chiếm đóng. Công việc mới không liên quan gì đến chuyên môn của ông: giám sát việc hồi hương người Ba Lan đến và đi từ Liên Xô. Ngoài ra, ông còn phải tuyển mộ và tiến hành trinh sát trong vùng chiếm đóng của Đức mặc dù không được đào tạo chuyên biệt và không có kinh nghiệm về vấn đề này.

Leonid Kvasnikov - nhà khoa học hoạt động tình báo  -0
Tòa nhà Lubyanka, tổng hành dinh của NKVD.

Phương Tây đình bản tài liệu nghiên cứu nguyên tử

Vào đầu tháng 12/1939, Kvasnikov trở lại Moscow và làm công việc mà ông thành thạo nhất - phân tích. Trong khi xem một tạp chí khoa học, ông nhận thấy không có tài liệu nào về nghiên cứu nguyên tử, trong các ấn phẩm khoa học khác của Anh, Canada và Mỹ cũng vậy, thậm chí không có tên của các nhà vật lý nổi tiếng. Kvasnikov đã xem qua tất cả các tạp chí được chuyển giao cho Liên Xô và tin chắc rằng tất cả đều ngừng công bố tài liệu về chủ đề hạt nhân. Ông hiểu rằng họ làm điều đó là có lý do: dường như Mỹ và Anh đã bắt đầu nghiên cứu việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích quân sự, và vào thời điểm đó, nếu không phải là kẻ thù trực tiếp của Anh và Mỹ, nhưng chắc chắn Liên Xô không phải là đồng minh của họ. Các tạp chí của Đức thậm chí còn ngừng sớm hơn việc xuất bản các tài liệu hạt nhân.

Năm 1940, các nhà khoa học Liên Xô Yuli Khariton và Ykov Zeldovich đã tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực vật lý hạt nhân. Đầu năm 1941, Kvasnikov đã chuẩn bị và gửi tới các trụ sở lưu trú ở London, Washington, New York, Ottawa, Montreal, Melbourne và Berlin bức điện yêu cầu, có chữ ký của Fitin, việc tìm kiếm dữ liệu về những nghiên cứu trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Bức điện tín này tạo bước khởi phát của một trong những hoạt động tình báo thành công nhất của Liên Xô, được đặt tên là “Enormous”. Kvasnikov hiểu rằng để cho nổ một quả bom, nó cần phải được chuyển địa điểm, và ông còn tìm kiếm thông tin về hàng không, vô tuyến điện tử, radar. Sau đó, các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển theo hướng này đã được mở rộng.

Vào tháng 12/1939, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã áp đặt lệnh cấm cung cấp công nghệ và vật liệu kỹ thuật hàng không cho Liên Xô. Vì trong nhiều lĩnh vực về thiết bị quân sự, Liên Xô tụt hậu so với các đối thủ của mình, nên một trong những nhiệm vụ chính của các điệp viên là tình báo công nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu về nguyên tử còn khá mơ hồ, thực chất là tìm kiếm thứ mà mình không biết và còn chẳng rõ là ở đâu. Người đứng đầu Tổng cục An ninh Nhà nước Vevolod Merkulov và ngay cả Chính ủy Lavrentiy Beria không thực sự thích điều này và chỉ trích họ. Fitin đã gặp rắc rối ngay từ bước đầu tiên.

Bức điện tín trên đã lâu không có phản hồi và Kvasnikov đã nghĩ rằng việc ông và Fitin bị chỉ trích từ ban lãnh đạo không hẳn là vô lý. Sự hồi đáp chỉ đến vào tháng 9/1941 từ trụ sở London bởi Anatoly Gursky vừa từ Moscow trở về: tài liệu của Ủy ban uranium của Anh đã được Donald McLane, một thành viên của bộ Ngũ “Cambridge Five” nổi tiếng đem đến cho ông. Dữ liệu từ London cho thấy người Anh đã tiến khá xa, không chỉ về lý thuyết mà thực tế họ còn làm được nhiều điều để tạo ra điện tích hạt nhân chiến đấu và bom nguyên tử có thể xuất hiện chỉ sau vài năm nữa.

Fitin đã báo cáo tài liệu này cho Beria và ông này, sau khi tham khảo ý kiến với các nhà vật lý hạt nhân, lo ngại rằng thông tin từ McLane có thể chỉ là thông tin sai lệch, quyết định báo cáo lên Stalin, nhưng lại không đúng lúc: quân Đức đang tiến về Moscow, và ngay cả khi không có bom nguyên tử, mọi thứ vẫn có thể kết thúc trong thảm họa.

Leonid Kvasnikov - nhà khoa học hoạt động tình báo  -0
Giám đốc tình báo Pavel Fitin.

Dự án Mahattan

Các tài liệu đến từ Anh ngày càng được xác nhận và được bổ sung bởi thông tin đến từ Mỹ. Tháng 6/1942 tại Washington, Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt đã thỏa thuận nỗ lực hợp tác nghiên cứu hạt nhân và cùng nhau xây dựng các cơ sở tại Mỹ. Điều này xảy ra bởi người Đức đã ném bom nước Anh. Tại Mỹ, chương trình hạt nhân được gọi là Dự án Mahattan. Trung tâm chính nằm ở thị trấn Los Alamos trên sa mạc Nevada.

Kvasnikov đã làm báo cáo về việc quân Đồng minh đang giấu Liên Xô, bí mật phát triển bom nguyên tử và ông còn đề nghị tổ chức việc chế tạo vũ khí hạt nhân ở Liên Xô. Chính ông đề xuất thành lập một cơ quan cố vấn để điều phối công việc của tất cả các nhà khoa học và các tổ chức liên quan đến lĩnh vực này, cũng như để các nhà khoa học làm quen với dữ liệu thu được từ tình báo. Beria thông báo cho Stalin về bản báo cáo của Fitin-Kvasnikov vào cuối tháng 8/1942. Stalin đã gọi Igor Kurchatov và nhà khoa học này đánh giá cao dữ liệu tình báo. Vào tháng 9/1942, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, bằng sắc lệnh mật số 2352ss đã thành lập Phòng thí nghiệm số 2 do Kurchatov đứng đầu.

Hoạt động tình báo tại Mỹ

Vào thời điểm này, các nhà vật lý hạt nhân người Anh bắt đầu đến Mỹ và điều này làm giảm đáng kể luồng thông tin từ London. Vì vậy, điều khẩn trương và quan trọng là củng cố trụ sở tại Mỹ thông qua tình báo khoa học kỹ thuật và Kvasnikov được phái ra nước ngoài. Mùa xuân năm 1943, ông và gia đình đến New York và Kvasnikov bắt đầu làm việc với tư cách là đại diện bán hàng nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với các doanh nhân và đi khắp đất nước. Tại New York, Kvasnikov gặp Semyon Semenov (biệt danh “Twain”) là người có liên hệ với hơn 20 nguồn tin có giá trị. Tuy nhiên, “Twain” luôn bị FBI theo dõi, căn hộ và văn phòng của ông bị cài đặt thiết bị nghe lén.

Kvasnikov đã gặp các trợ lý - Anatoly Yatshkov và Alexander Feklisov, họ làm việc ở các lĩnh vực khác và được Trung tâm biệt phái cho Kvasnikov. Họ trở thành những người chính thức gặp gỡ với đặc vụ - bản thân Kvasnikov không thể làm được việc này do thị lực kém. Kvasnikov đã nghĩ ra một số cách kết hợp thông minh và đáng tin cậy giúp ông “cắt đuôi”.

Dữ liệu đã nhận được truyền tới Moscow dưới dạng mã hóa và đây là một trở ngại: làm cách nào để mã hóa một công thức mà trước đó chưa ai từng thấy? Những tài liệu như vậy thường được chuyển bằng chuyển phát nhanh qua Canada, hoặc cùng lắm là bằng thư ngoại giao. Nhưng vì thư được chuyển bằng đường biển nên rất lâu. Thế nên vợ của Kvasnikov, Anatonina đã vài lần tới Canada để “chiêm ngưỡng thác Niagara”.

Dự án Mahattan được bảo vệ cẩn mật. Các nhà khoa học sống trong những ngôi làng khép kín, họ chỉ có thể đi ra ngoài theo nhóm và không thể đến gần họ. Các chuyên gia ở các bộ phận không biết được công việc của nhau. Tưởng chừng như người ngoài không thể tiếp cận những bí mật của dự án, nhưng Kvasnikov đã làm  được nhiều điều. Các đặc vụ của ông đã thuyết phục được một số nhà khoa học rằng không nên độc quyền về vũ khí hạt nhân, nếu không thế giới sẽ sụp đổ.

Liên Xô đã bị tàn phá bởi chiến tranh và sẽ không cầm cự được bởi cuộc chiến thứ hai như vậy và để tránh lặp lại điều đó thì cần phải khẩn trương tự chế tạo bom. Tình báo Liên Xô đã giúp rút ngắn công việc được vài năm và tiết kiệm hàng tỷ ruble. Mặc dù trong nhiều năm, vai trò của tình báo bị che giấu: người ta nói rằng bom nguyên tử là thành quả công trình của các nhà vật lý Liên Xô và nhà quản lý Beria.

Leonid Kvasnikov - nhà khoa học hoạt động tình báo  -0
Nhà vật lý hạt nhân Igor Kurchatov.

Làm việc tại quê hương

Vào tháng 12/1945, Kvasnikov được triệu hồi gấp về Moscow. Lý do là nhân viên mật mã của đài Canada, Igor Guzenko đã đến gặp người Mỹ, trao mật mã Liên Xô cho FBI và ông biết mặt một số nhân viên tình báo. Sau khi Kvasnikov rời đi, nữ đặc vụ Liên Xô Elizabeth Bentley tự nguyện đầu hàng FBI và tiết lộ toàn bộ mạng lưới tình báo Liên Xô đã được người từng tuyển dụng bà là Yakov Golos xây dựng trong nhiều năm. Bà quyết định đầu hàng sau hai năm sau cái chết đột ngột của Golos vì cơn đau tim.

Tại Lubyanka, Kvasnikov được giao nhiệm vụ giám sát dự án nguyên tử của Liên Xô qua hoạt động tình báo. Đến ngày 29/8/1949 quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô RDS-1 đã được thử nghiệm tại bãi thử Semipalatinsk. Công suất của nó tương đương với một trong ba quả bom nguyên tử của Mỹ tại Alamogordo, Hirosima và Nagasaki. Các trạm địa chấn của Mỹ ghi nhận một chấn động mạnh dưới lòng đất, nhưng sự hiện diện của vũ khí nguyên tử tại Liên Xô chỉ được Phó Chủ tịch HĐBT Liên Xô, Nguyên soái Kliment Voroshilov tuyên bố vào ngày 8/3/1950, tức 7 tháng sau đó.

Tuy vậy, đúng hai tháng sau cuộc thử nghiệm, ngày 29/10/1949 những người tham gia dự án nguyên tử đã được nhận Huân chương Lenin, cùng đợt có Kvasnikov, Kurchatov, các nhà vật lý khác và Beria. Pavel Fitin không được trao giải thưởng bởi thời điểm đó ông đang hoạt động bí mật.

Đại tá Kvasnikov nghỉ hưu năm 1966 và bắt đầu viết hồi ký nhưng khi ông còn sống nó đã không được xuất bản, bởi trong đó có quá nhiều thông tin bí mật. Vào ngày 15/10/1993, Leonid Kvasnikov qua đời và ba năm sau ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga.

Hải Yến
.
.
.