Kế hoạch “đổi kinh tế lấy an ninh” của Israel

Thứ Sáu, 24/09/2021, 10:03

Chính phủ mới ở Israel đang bắt đầu triển khai một kế hoạch mới nhằm giải quyết vấn đề xung đột với người Palestine tại khu Bờ Tây sông Jordan và các vùng lãnh thổ khác của người Palestine do Israel chiếm đóng sau cuộc chiến Trung Đông năm 1967.

Đổi kinh tế lấy hòa bình

Kế hoạch gọi nôm na là “đổi kinh tế lấy an ninh” do nhà triết học chính trị nổi tiếng Micah Goodman đề xuất trong một quyển sách nhan đề “Catch-67: The Left, the Right, and the Legacy of the Six-Day War” (Nghịch lý 67: Tả, hữu, và di sản cuộc chiến 6 ngày), với nội dung luận bàn về xung đột nội tại của Israel đối với vấn đề khu Bờ Tây sông Jordan, xuất bản từ năm 2017. Quyển sách trở thành sách bán chạy nhất Israel do đụng chạm vấn đề lớn được nhiều người quan tâm nhất ở Israel.

Trong quyển sách, ông Goodman đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề xung đột với người Palestine theo hướng làm giảm thiểu cuộc xung đột nhưng không chấm dứt hẳn nó. Nói cách khác, đó là các giải pháp mang tính chất “sống chung với đại dịch” mà ông Goodman gọi là “đổi kinh tế lấy hòa bình”, lấy việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho người Palestine, giúp người Palestine cải thiện cuộc sống để họ không còn quan tâm đến cuộc đấu tranh đòi xây dựng nhà nước độc lập nữa.

Quyển sách gây chú ý và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Israel Naftali Bennett và các bộ trưởng thuộc cả cánh tả và hữu của chính phủ. Kể cả chính quyền Mỹ cũng quan tâm đến các giải pháp của Goodman. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho rằng có thể áp dụng các giải pháp của Goodman để “xây dựng lòng tin” giữa người Israel và người Palestine nhằm giải quyết các vấn đề gai góc giữa hai bên.

Vậy kế hoạch “đổi kinh tế lấy an ninh” bao gồm những giải pháp gì? Đó là một loạt các bước để cải thiện đời sống kinh tế, an ninh và tự quản của người Palestine ở khu Bờ Tây, như tăng cường cấp giấy phép lao động cho người Palestine bên trong Israel và cải thiện khả năng tiếp cận thương mại của người Palestine hoặc xây dựng các công trình cầu đường nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thành phố của người Palestine, đồng thời đóng băng xây dựng khu định cư bên ngoài các trung tâm dân cư chính của người Do Thái ở khu Bờ Tây và cấp cho người Palestine nhiều đất hơn để họ xây dựng nhà ở.

Trong những tuần gần đây, Israel đã bắt đầu áp dụng một số biện pháp được nêu trong kế hoạch này, bao gồm cấp 15.000 giấy phép lao động mới trong lãnh thổ Israel cho người Palestine, chuyển cho chính quyền Palestine khoản vay 500 triệu USD; thành lập lại Ủy ban Kinh tế hỗn hợp để thảo luận về các dự án trong tương lai; cho phép đoàn tụ, tức là cấp tư cách pháp lý cho vợ hoặc chồng người Palestine ở khu Bờ Tây; và dự kiến phê duyệt 2.000 đơn vị nhà ở mới cho người Palestine ở khu Bờ Tây dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Israel.

Kế hoạch “đổi kinh tế lấy an ninh” của Israel -0
Ông Micah Goodman.

Bỏ ngỏ với Dải Gaza

Nhưng Goodman chỉ đề cập vấn đề ở khu Bờ Tây sông Jordan. Còn Dải Gaza thì sao? Tuy ủng hộ các giải pháp “đổi kinh tế lấy hòa bình” của Goodman, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Israel Yair Lapid khẳng định Israel “không nói chuyện với khủng bố”, tức phong trào Hamas ở Dải Gaza.

Phát biểu tại Viện Quốc tế về Hội nghị chống khủng bố tại Đại học Reichman hôm 12-9, Bộ trưởng Ngoại giao Lapid đã trình bày kế hoạch chi tiết của riêng mình. Ông Lapid bác bỏ giả thuyết “phân hai” cho rằng Israel có thể tái chiếm Gaza hoặc tiếp tục các cuộc chiến định kỳ với Hamas và các nhóm khủng bố khác ở Gaza.

Ông Lapid cho rằng Israel nên thúc đẩy việc thực hiện theo công thức “đổi kinh tế lấy an ninh” mà không cần phải thương lượng với Hamas. Ông Lapid cho rằng Israel cần đưa ra điều kiện tạo thuận lợi cho người Palestine phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống ở Dải Gaza nếu Hamas và các nhóm vũ trang người Palestine khác chịu hạ vũ khí. Bằng không, người Palestine ở Dải Gaza sẽ phải tiếp tục chịu cảnh chiến tranh chết chóc, đời sống khó khăn.

Ông cho rằng, chiêu thức dùng đòn bẩy kinh tế này có thể tạo áp lực lên lực lượng Hamas buộc họ phải tự nguyện buông vũ khí mà không cần phải thương lượng. Ông Lapid cho rằng Israel cần phải khiến cho người Palestine ở Dải Gaza suy nghĩ rằng Hamas đang đẩy họ vào cảnh điêu tàn, kinh tế suy sụp do sự bao vây, bóp nghẹt của Israel.

Kế hoạch “đổi kinh tế lấy an ninh” của ông Lapid sẽ được triển khai trong thời gian dài và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một bao gồm việc tái thiết nhân đạo Gaza để đổi lấy nỗ lực phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn Hamas tăng cường quân sự. Hệ thống điện sẽ được sửa chữa, kết nối khí đốt, một nhà máy khử muối trong nước sẽ được xây dựng, những cải tiến đáng kể đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và việc xây dựng lại nhà ở và cơ sở hạ tầng giao thông sẽ được triển khai. Đổi lại, Hamas sẽ cam kết giữ im lặng lâu dài. Cộng đồng quốc tế sẽ phải sử dụng ảnh hưởng của mình để đảm bảo im lặng và ngăn chặn Hamas tự trang bị vũ khí.

Nếu không có sự giám sát đó, Israel sẽ không cho phép đầu tư tiền vào Gaza. Trong giai đoạn này, Israel sẽ duy trì quyền kiểm soát điện và nước ở Gaza. Chỉ những kết quả tích cực lâu dài mới mang lại sự độc lập về năng lượng. Chính quyền Palestine sẽ chịu trách nhiệm về các tuyến giao thông vào Gaza, ngoại trừ cửa ngõ Rafah do Ai Cập kiểm soát.

Nếu giai đoạn đầu tiên thành công, giai đoạn thứ hai sẽ cho phép nền kinh tế của Gaza thay đổi đáng kể, bao gồm việc xây dựng một cảng đảo nhân tạo ngoài khơi và kết nối giao thông với khu Bờ Tây. Giai đoạn thứ hai sẽ thúc đẩy các dự án kinh tế với Israel, Ai Cập và Chính quyền Palestine, bao gồm các khu công nghiệp gần ngã ba sông Erez, với đầu tư quốc tế từ EU, Mỹ, IMF, Ngân hàng Thế giới và UAE. Khu Bảo vệ sẽ chịu trách nhiệm quản lý dân sự của Dải Gaza. Lapid cho biết kế hoạch của ông sẽ “củng cố Chính quyền Palestine... với mục đích đạt được một giải pháp hai nhà nước”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.