Josefina Guerrero - nữ điệp viên gan dạ

Thứ Hai, 20/05/2024, 21:02

Họ đang lao vào tử địa, và tấm bản đồ duy nhất cảnh báo hiểm nguy cho họ đang nằm trong tay người phụ nữ này. Nhiệm vụ được giao mười phần nguy hiểm, còn Guerrero đã “xưng tội và ăn năn” trước khi giao mật tin cho lính Mỹ. Vì lòng dũng cảm của Guerrero trong suốt nhiều năm ngặt nghèo mà bà đã được Thiếu tướng Mỹ, George F. Moore, cảm thán: “Bà có lòng dũng cảm phi thường của người lính trên sa trường”.

Những ngày đầu của chiến tranh 

Cuộc sống buổi đầu của Guerrero không có dấu hiệu gì của một điệp viên tương lai. Tên khai sinh của bà là Josefina Veluya, chào đời ở tỉnh Quezon vào năm 1917, bà sớm trở thành trẻ mồ côi và thời thơ ấu khốn khổ với căn bệnh lao. Sau này bà Guerrero đã nhớ lại: “Tôi đã đóng giả Joan of Arc, và nghe thấy những giọng nói lạ”. Guerrero tỏ ra yêu thích ca nhạc và thơ ca, cũng như đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động thể thao và ngoại khóa. Năm 1934, bà lấy ông Renato Maria Guerrero, khi đó là một sinh viên trường y. Họ có một cô con gái tên là Cynthia, và có cuộc sống sung túc ở Manila.

Năm 1939, chiến tranh bùng nổ ở Châu Âu, Châu Á đang trên bờ vực của cuộc xung đột tàn khốc. Cũng khi đó những triệu chứng bệnh bắt đầu hành hạ Guerrero: đau nhức mình mẩy, sốt, cơ thể nổi mọng nước. Bệnh ngày càng tệ khiến bà không thể che giấu. Bác sĩ chẩn đoán bà đã mắc bệnh phong (ngày nay nó được gọi bằng cái tên Bệnh Hansen’s, chứng bệnh gây nỗi thống khổ vì bị kỳ thị suốt hàng ngàn năm).  

Sợ rằng sẽ bị đẩy đến bệnh viện phong ám ảnh, gia đình đã lặng lẽ che giấu bệnh của Guerrero, nhưng chính vì điều này mà nhà cửa xáo xào. Ông Ben Montgomery, tác giả cuốn sách “Điệp viên cùi: Chuyện đời một người hùng khó ngờ trong Thế chiến II”, phát biểu: “Thậm khó để hình dung ra một hoàn cảnh đau thương kéo dài lê thê cả đời người, bắt đầu với việc nhận thức được rằng bà ấy đã bị phong cùi. Thời điểm đó (đặc biệt là ở Manila) đồng nghĩa thế là kết thúc. Một kẻ bị ghét bỏ”. Họa tai nối tiếp nhau.

Cuộc tấn công Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 của phát xít Nhật đã làm leo thang hàng loạt cuộc không kích vào các căn cứ không quân ở Philippines vốn khi đó là một lãnh thổ của Mỹ. Tháng 1/1942, Nhật xâm lược quần đảo Philippines, đụng độ với các binh sĩ bản xứ và lính Mỹ được chỉ huy bởi Tướng quân Douglas MacArthur. Những người lính đã chiến đấu trong 3 tháng khốn khó. Tướng MacArthur  hứa hẹn sẽ gấp gáp tăng viện, song chúng không khi nào thành hiện thực.

Josefina Guerrero - nữ điệp viên gan dạ -0
Bà Guerrero được tiêm thuốc tại Bệnh viện phong quốc gia ở Carville (tiểu bang Louisiana, Mỹ).

Khẩu phần ăn cạn kiệt và lính tráng bắt đầu đói khát, ốm đau và thương tật, các lực lượng Đồng Minh buộc đầu hàng vào ngày 9/4/1942. Hàng vạn lính Philippines và hàng trăm lính Mỹ bị giải làm tù binh đến các trại tù binh trong suốt Cuộc hành quân tử thần Bataan: dài 65 dặm với số lượng lên tới 1 vạn, những người lính đói lả và kiệt sức hoặc bị hạ sát bằng lưỡi lê của lính Nhật. Tướng MacArthur thề sẽ quay lại Philippines, song muốn vậy cuộc chiến phải diễn ra ở mặt trận Thái Bình Dương trước đã. Sự thất bại của Đồng Minh đã làm nhen nhóm các lực lượng du kích trên khắp quần đảo rộng lớn. Họ gầy dựng nên một nguồn tình báo nhỏ nhưng rất quan trọng cho Cục tình báo Đồng Minh (AIB), chuyển thông tin bằng thư tín, vô tuyến hoặc tin nhắn đến các tàu ngầm ngoài khơi xa. Theo tướng MacArthur: “công sức các điệp viên này đã gửi về bộ chỉ huy những thông tin chính xác và chi tiết về các hoạt động hành quân và những thiết lập lớn của người Nhật trên khắp quần đảo Philippines, dọn đường cho lính Mỹ quay lại”.

Trong số các điệp viên đó có Guerrero. Thời điểm này, bà chọn cách dùng vẻ ngoài bệnh tật của mình để hoạt động tình báo với câu nói nổi tiếng: “Với tôi, sống hay chết không quan trọng”. Chẳng bao lâu Guerrero đã theo dõi sát sao những chuyển động của quân Nhật gần nhà mình cùng các công sự của địch trải dọc theo vịnh Manila, các bản phác thảo súng phòng không và chuyển thông tin cho quân du kích. Với cơ thể lở loét của người mắc bệnh phong đã khiến lính Nhật ghê tởm và xua tay, nhờ thế Guerrero an toàn vượt qua mọi chốt gác. Hoạt động moi tin của Guerrero hết sức đa dạng.

Một lần nọ, Guerrero đã khéo léo giấu một chiếc xe tải giấu “lốp xe dự phòng” (thực tế là chất nổ thô) khi nó rơi xuống nhà bà vào lúc khuya khoắt. Ngày hôm qua, du kích sử dụng thứ này để đốt cháy các kho đạn dược của quân Nhật. Nói về hoạt động gián điệp tại nơi có quân Nhật chiếm đóng trong thời chiến, ông James M. Scott, tác giả cuốn sách “Cơn thịnh nộ MacArthur, Yamashita và chiến địa Manila”, nhận xét: “Ở các tỉnh thành khác trên đất Philippines, quân du kích hoạt động rất năng nổ. Nhưng với số đông người Nhật ở Manila, việc đó là hết sức nguy hiểm”.

Tác giả James M. Scott quả quyết: “Nếu bị bắt, Guerrero phải chịu nhiều hình thức thẩm vấn khủng khiếp mà có thể dẫn đến cái chết. Hết thảy đều khiếp vía với Hiến binh Nhật “thường bắt những người mà họ nghi ngờ là du kích… và tra tấn họ rất tàn bạo”. Sở chỉ huy du kích quân ra cảnh báo rằng nếu Guerrero bị bắt, bà sẽ bị từ chối. Nhiều lần Guerrero suýt chết. Chẳng hạn như có lần bà giấu mật tin vào trong đế giày khi đi qua một trạm kiểm soát. Trên đường ra khỏi khu căn cứ du kích, Guerrero bị bọn lính Nhật chĩa lưỡi lê xung quanh. Không nao núng, bà giả vờ la ó: “Đồ ngốc. Tôi mà là gián điệp à? Tôi mới từ chỗ giặt đồ đi ra đây mà. Làm nghề giặt đồ thuê thôi”.

Hoạt động trong lòng địch

Bà Guerrero có thời gian im hơi lặng tiếng rồi sau đó mới hoạt động trở lại, như cách bà với báo Reader’s Digest “chỉ là người chạy việc vặt”. Làn sóng chiến tranh ở mặt trận Thái Bình Dương đã chuyển hướng có lợi cho phe Đồng Minh vào đầu năm 1945. Liên quân nhận ra Philippines sẽ là cửa ngõ cuối cùng vào đất liền Nhật Bản. Người Nhật cũng làm mọi khả năng nhằm làm chậm bước tiến của quân Đồng Minh khi gài rất nhiều mìn, bẫy, và nổ tung các cây cầu. Tác giả James M. Scott giải thích: “Người Nhật nghĩ ra nhiều tình huống khác nhau nhằm nghiền nát càng nhiều quân Mỹ càng tốt”.

Vì lý do này mà nhiệm vụ cuối cùng và có lẽ là nguy hiểm nhất của điệp viên Guerrero là làm thế nào trao kịp mật tin khi sư đoàn bộ binh 37 đang hành quân thần tốc tới Manila, từ Calumpit, bà phải vội vàng di chuyển 8 dặm về phía Nam để bắt kịp họ. Linh mục Dòng Tên người Mỹ tên là Forbes J. Monaghan đã viết trong cuốn sách của mình mang tiêu đề “Dưới mặt trời đỏ: Thư từ Manila”, ngạc nhiên thốt lên: “Lạy Chúa! Tôi không thể tin nổi có người phụ nữ Philippines gan dạ đến thế!”.

Căn nguyên cho sự vội vã của Sư đoàn 37 là bởi có hơn 37 tù binh dân sự chen chúc nhau tại Đại học Santo Tomas (Manila), một số trong đó đã chết vì đói khát. Bà Gertrude Hornbostel, một trong những tù nhân đó sau này đã viết rằng, “Có tin rằng khi các lực lượng Đồng Minh tiến sát Manila, tất cả chúng tôi sẽ bị xếp thành hàng và bị hạ gục bằng hỏa lực súng máy”. (Vài tuần trước đó, bọn Nhật đã đốt, đâm lưỡi lê và bắn chết 139 tù binh Mỹ trên đảo Palawan). Bóng ma ám ảnh treo lởn vởn khiến việc giải cứu tù nhân được đặt lên hàng đầu.

Ở Manila, thành phố hoàn toàn bị hủy diệt vì cái giá của giải phóng. Người dân bị kìm kẹp cho đến ngày 3/3/1945. Ước tính 10 vạn thường dân đã bị sát hại bằng cả hỏa lực Mỹ và những lần thảm sát có hệ thống do quân Nhật gây ra. Tác giả James M. Scott dẫn giải: “Trận chiến Manila quá khủng khiếp, nó hầu như không giống với bất kỳ trận chiến nào ở mặt trận Thái Bình Dương”. Trong lằn ranh sinh tử đó, bà Guerrero đã chăm sóc cho nhiều người bị thương hoặc đang hấp hối.

Josefina Guerrero - nữ điệp viên gan dạ -0
Du kích quân Philippines dưới sự chỉ huy của Đại úy Jesus Olmedo gặp gỡ Thiếu tướng A.V. Arnold tại Bộ chỉ huy Sư đoàn số 7 của quân đội Mỹ năm 1944 .

Đấu tranh cho quyền của bệnh nhân phong

Rồi thì bà Guerrero nhận được tin sét đánh: quân cảnh địa phương Manila đang sắp sửa lưu đày bà tới trại phong Tala khét tiếng ở Novaliches, một địa danh cách Manila độ 1 giờ lái xe. Linh mục Monaghan khi viếng thăm nơi này đã xót xa nói: “Thật sự là nơi bị cả Chúa và con người bỏ rơi… Tôi mong không muốn nhìn thấy lần nào nữa”. Hồ sơ bệnh án khi bà Guerrero nhập trại đã mô tả một chuỗi những nỗi thống khổ mà bà đã chịu đựng kể từ năm 1939 với những sưng phù, sốt, và đau thần kinh nghiêm trọng.

Rồi bà bắt đầu mua những chiếc cũi của quân đội Mỹ và kêu gọi sự chú ý đến hoàn cảnh của các bệnh nhân bất kỳ khi nào có thể. Tiếng kêu của bà Guerrero đã lọt vào tai Bệnh viện phong quốc gia ở Carville (tiểu bang Louisiana, Mỹ) nơi những cảm tình viên Mỹ hăng hái thu thập hàng hóa và gửi đến trại phong Tala.

Nhờ những nỗ lực của bà Guerrero mà báo giới Philippines đã vạch trần những điều kiện tồi tệ tại trại phong do chính phủ quản lý. Cần biết rằng vào thập niên 1940, Carville là nơi có những biện pháp trị bệnh phong mới đầy hứa hẹn khi sử dụng thuốc Sulfone. Gần nửa thế kỷ, các bệnh nhân khi được chuyển tới đây đã được các bà sơ chăm sóc, thường là trong suốt quãng đời còn lại của họ. Giờ đây Carville đang được cho là mang lại hứa hẹn cho các bệnh nhân. Những cảm tình viên Mỹ đã vận động cho bà Guerrero vào làm việc ở Carville. Nhưng nếu cảm tình thôi thì chưa đủ vì Luật di trú của Mỹ năm 1917 có viết “cấm người ngoài nhập cư vào Mỹ nếu họ có mắc một căn bệnh truyền nhiễm hoặc nguy hiểm”. Vụ việc thế là đến tai Bộ trưởng Tư pháp Tom Clark. Trong chiến dịch này, Thiếu tướng Mỹ, George F. Moore, đã trao cho điệp viên Guerrero tấm Huy chương Tự do ngay trong buổi lễ ngày 29/5/1948 tại trại phong Tala.

Không đầy 2 tuần sau buổi lễ đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Tom Clark, đã cấp phép cho bà Guerrero lên tàu sang Mỹ. Bà được chào đón nồng nhiệt ở San Francisco bởi những người lính đã từng được biết “Joey” (tên họ gọi bà Guerrero một cách thân mật) khi được bà tuồn thức ăn nuôi sống họ trong nhà tù ở Philippines. Guerrero đến Carville vào ngày 11/7/1948 và được các bệnh nhân phong chào đón nồng nhiệt. Cơ sở này khi đó được chu cấp đầy đủ kem, soda, giường ngủ êm ái. Sự xuất hiện của bà Guerrero trùng khớp với sự thúc đẩy từ các bệnh nhân và những người nổi tiếng nhằm kêu gọi chống kỳ thị những người mắc bệnh Hansen’s.

Ngày 20/8/1951, quyền miễn trừ cho phép Guerrero ở lại Mỹ đã hết hạn, sự việc này đã gây trở ngại cho công tác của bà suốt 13 năm sau đó. Việc điều trị mà Guerrero mơ ước đã mất nhiều năm hơn dự kiến, bà ở lại Carville tới năm 1957. Lễ tốt nghiệp trung học phổ thông của bà Guerrero năm 1953 đã được nhắc đến trên tờ Time với hơn 4.000 lá thư từ độc giả gửi về tòa báo.

Ngày 5/8/1964, cựu điệp viên Guerrero được cấp quyền thường trú trên đất Mỹ. Một thời gian sau đó, bà Guerrero tìm mọi cách che giấu chiến công thời chiến của mình và chọn lối sống giản dị ít người biết hơn. Tuy vậy đời tư của cựu điệp viên ít nhiều cũng được báo giới để ý. Theo đó cuộc hôn nhân của bà với người chồng Renato (họ đã không gặp suốt nhiều năm) đã đi đến ly dị vào ngày 12/12/1956. Trong một lá thư gửi từ Madrid vào năm 1970 cho người bạn thân, bà Guerrero viết: “Lý do mà người ta ngỡ tôi đã chết là vì tôi cố gắng xóa bỏ quá khứ. Hoặc chỉ đơn giản là quên phứt nó đi! Quá khứ quá đau thương và nó khiến tôi thổn thức không ngừng”.

Joey Leaumax là cái tên hợp pháp ngày nay của Guerrero. Bắt đầu từ năm 1977, bà Guerrero chọn sống lặng lẽ ở Washington, D.C., duy trì quan hệ với một số người bạn biết rất ít về quá khứ của bà. Guerrero duy trì thời gian ở Quân đoàn hòa bình, làm thư ký và tình nguyện viên ở Trung tâm Kennedy. Cáo phó năm 1996 của Guerrero viết rằng bà sinh ra ở Manila nhưng lại không có dòng nào đả động tới thời chiến của mình.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.
.