ISWAP - bóng ma khủng bố ở Tây Phi

Thứ Bảy, 04/03/2023, 09:29

Nhà nước Hồi giáo tỉnh Tây Phi (ISWAP) là một tổ chức khủng bố Thánh chiến chuyên hoạt động tại Lưu vực hồ Chad, nơi có địa bàn phạm vi của 4 nước: Nigeria, Cameroon, Chad và Niger. ISWAP được hình thành từ năm 2015, nhưng gốc rễ của nó có vẻ thâm căn cố đế hơn. Quả vậy, ISWAP thuộc về môi trường Thánh chiến - Salafi đã đạt được động lực nhất quán trong suốt thập niên 1990 tại Đông Bắc Nigeria.

Tiền thân của ISWAP là một giáo phái tôn giáo, và nhóm khủng bố kế tiếp đó có cái tên khá dài: Jama’at Ahl as-Sunna li-da’wa wa l’Jihad, hay còn gọi tắt với cái tên khét tiếng Boko Haram. Sau khi nổi tiếng ở thế giới phương Tây khi gây ra vụ bắt cóc các nữ sinh trường Chibok vào năm 2014, Boko Haram và các tổ chức khác bắt nguồn từ nó vẫn tiếp tục là mối đe dọa đáng kể đối với hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Nigeria nói riêng và toàn bộ Lưu vực hồ Chad nói chung.

ISWAP - bóng ma khủng bố ở Tây Phi -0
Cờ hiệu có biểu tượng của ISWAP. Ảnh nguồn: Daily Post Nigeria.

Nguồn gốc và sự phát triển của ISWAP trong Lưu vực hồ Chad

Boko Haram tìm thấy nguồn gốc từ việc phát tán các quan điểm Salafist bởi tổ chức Izala kháng Sufi đã từng hoạt động ở miền Bắc Nigeria từ cuối thập niên 1970. Sau thời gian chinh chiến ở Izala trong suốt thập niên 1990, Mohammed Yusuf đã trở thành thủ lĩnh của Tổ chức thanh niên Hồi giáo (MYO) có trụ sở ở Maiduguri vào năm 2002, đã đổi tên và góp phần vào quá trình cực đoan hóa của tổ chức này. Trọng tâm chính của Yusuf là phê phán những mâu thuẫn sâu sắc ngay trong xã hội Nigeria cùng đại dịch tham nhũng tràn lan. Thêm nữa, mục tiêu hùng biện chính yếu khác của Boko Haram là văn hóa Tây phương. Thực vậy, MYO đề xuất quay trở lại đạo Hồi thuần túy bằng cách áp dụng phiên bản cực đoan của Luật Hồi nhằm chữa lành sự bất lực và suy đồi của Abuja (thủ đô Nigeria). Từ đây, “Boko” một từ trong ngôn ngữ Hausa có nghĩa là “lừa đảo”, còn “Haram” trong tiếng Arab có nghĩa là “cấm”.

Khoảng tháng 7/2009, MYO quyết định nâng cao mức độ đấu tranh bằng cách chuyển sang biện pháp bạo lực và phát động khởi nghĩa. Tuy vậy, nỗ lực này đã thất bại thảm hại với hàng trăm cái chết của các thành viên, còn bản thân Yusuf bị sát hại ngoài vòng pháp luật ngay trong thời gian cảnh sát giam giữ ông ta. Sau âm mưu khởi nghĩa bất thành, Boko Haram đã sống trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Có lẽ vậy khi mà sự đàn áp thẳng tay của quân đội Nigeria khiến đe dọa đến sự tồn tại của tổ chức này, do đó buộc những thành viên còn lại phải thay đổi phương pháp. Abubakar Shekau đã thế vào chiếc ghế lãnh đạo và trực tiếp thống lĩnh Boko Haram tiếp tục chiến đấu thông qua phương thức khủng bố. Đôi khi còn được gọi bằng cái tên al-Zarqawi nhằm nhấn mạnh đến sự hung dữ của mình, Abubakar Shekau đã lạm dụng bạo lực một cách bừa bãi. Những cuộc tấn công của y nhắm vào tất cả những ai bị quy chụp là chống đối, không tha cho cả thường dân Hồi giáo.

Và chính thái độ bạo ngược này đã làm gia tăng sự hoài nghi ngay trong tổ chức. Năm 2012, những phần tử đào tẩu khỏi Boko Haram đã thành lập nên Jama’atu Ansaril Muslimina fi Biladis Sudan hoặc chỉ gọi đơn giản là Ansaru. Họ từ bỏ sử dụng bạo lực để tấn công và quay trở lại chủ nghĩa hòa bình Salafi. Bất chấp sự thay đổi này, Boko Haram vẫn tiếp tục giành quyền lực, thay đổi chiến lược và quyết định phát động một chiến dịch nổi dậy khác vào năm 2014. Ban đầu, chiến dịch này đã thành công khi kiểm soát một lãnh thổ xấp xỉ tương đương nước Bỉ, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng dịch chuyển lớn. Chính xác thì Boko Haram chiếm một phần đáng kể diện tích Đông Bắc Nigeria (các bang Borno, Yobe, Gombe và  Adamawas), Đông Nam Niger (khu vực Diffa), Tây Nam Chad (khu vực Hồ) và Tây Bắc Cameroon (vùng cực bắc của nước này).

Tuy nhiên sau một năm chiến đấu và sự ra đời của Đặc  nhiệm chung đa quốc gia – một khuôn khổ điều phối quân sự giữa các nước ven hồ Chad mà Boko Haram đã hứng chịu nhiều thất bại cũng như mất phần lớn diện tích lãnh thổ đã kiểm soát. Kết quả là, một lần nữa tổ chức này phải từ bỏ nổi dậy trong lúc tìm nơi ẩn náu trong rừng Sambisa, nằm gần biên giới Borno với Cameroon. Trên bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn, Boko Haram đã thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo của al-Baghdadi và trở thành Nhà nước Hồi giáo tỉnh Tây Phi (ISWAP) trong năm 2015. Shekau đã được IS gửi viện trợ vật chất, các huấn luyện viên, cùng các khuyến nghị về ý thức hệ và chiến thuật. Sự hỗ trợ này đã giúp ISWAP hồi sinh. Tuy nhiên “tuần trăng mật” sớm kết thúc vì những bất đồng quan trọng.

Quả vậy, thời gian trôi đi, những cách thực hành tàn bạo của Shekau như tuyển phụ nữ cho các vụ “tấn công cảm tử” và binh lính trẻ con được cho là thiếu tuân thủ tôn giáo, cũng như việc ông ta miễn cưỡng tuân theo IS đã gây ra những căng thẳng ngày càng gia tăng đáng chú ý ngay trong tổ chức ISIL. Năm 2016, sự chống đối nội bộ có vẻ không khoan nhượng đối với thái độ bất phục tùng của Shekau, đã dẫn đến sự tuyệt giao. Thế rồi đột nhiên nhóm ly khai (Boko Haram) nhận được sự hỗ trợ của al-Barnawi, (con trai của cố thủ lĩnh Yusuf) lên cầm quyền và chuyển về hướng Bắc, gần lưu vực hồ Chad hơn. Bất chấp sự chia rẽ lực lượng vào năm 2016 cùng cuộc cạnh tranh đẫm máu giữa Boko Haram và ISWAP, những nỗ lực chống khủng bố đã không thể chấm dứt các hoạt động xung đột này. Vào nửa đầu năm 2021, Boko Haram và ISWAP đã lao vào cuộc chiến giành quyền lực tối cao.

ISWAP - bóng ma khủng bố ở Tây Phi -0
Binh lính và phương tiện của ISWAP. Ảnh nguồn: Soufan Center.

Cuộc xung đột đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 5/2021 khi ISWAP thực hiện cuộc tấn công trực diện vào sào huyệt của Boko Haram (khu rừng Sambisa). Trận đánh này khiến Shekau thiệt mạng. Sau khi thủ lĩnh bị thanh toán, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi (tổ chức Bakura) còn thì toàn bộ tàn dư của Boko Haram đều thuần phục ISWAP,  khôi phục lại vết đứt gãy 5 năm và củng cố cơ sở cho những cuộc nổi dậy nguy hiểm mới. Tuy nhiên chỉ trong tháng 9/2021, al-Barnawi (thủ lĩnh của ISWAP) đã bị giết trong cuộc đụng độ với một phe đối địch khác. Đầu năm 2022, sau 10 năm im lặng, Ansaru đã thề sẽ trung thành với al-Qaeda ở Islamic Maghreb (AQMI). Đây là một tổ chức chiến binh Hồi giáo (thuộc al-Qaeda) nhằm mục đích thành lập chính phủ Algeria và thành lập một nhà nước Hồi giáo. Cuối cùng, tổ chức này đang tham gia vào các chiến dịch nổi dậy ở 2 khu vực Maghreb và Sahel.

Kể từ khi tấn công Châu Âu (bao gồm Tây Ban Nha và Pháp) cùng các mục tiêu Mỹ, tổ chức này đã bị Liên hợp quốc, Australia, Canada, Malaysia, Nga, UAE, Anh và Mỹ cùng chỉ đích danh là tổ chức khủng bố). Cho đến nay ISWAP vẫn ở ngoài lề khi chỉ thực hiện vài cuộc tấn công ở Trung Tây Nigeria. 

Những phát triển mới nhất của ISWAP

Năm 2022 (lần đầu tiên kể từ năm 2017), nạn bạo lực tại lưu vực hồ Chad xuất phát từ Boko Haram và ISWAP đã giảm 27% kể từ năm 2021. Thực tế này đã đảo ngược xu thế nguy hiểm kéo dài 5 năm. Tuy nhiên, thực tế này không có nghĩa là ISWAP đã hoàn toàn bị đánh bại. Ngược lại, ISWAP vẫn duy trì quân số từ 3.500-5.000 người, cũng như vẫn cắm quân dày đặc ở hồ Chad và khu rừng Alagarno. Một số nguồn tin tình báo còn hé lộ những khoản doanh thu nhằm duy trì hoạt động của ISWAP.  Theo đó, tổ chức này đã củng cố chuỗi cung ứng kinh tế linh hoạt và nguồn thu nhập đảm bảo đáng tin cậy cho dòng chảy nguồn vốn và hàng hóa.

 Ngoài việc kiểm soát các thị trường ở Marte và Abadam, ISWAP còn thành lập các nhóm đặc biệt chuyên hoạt động ở Kano, Kaduna, Lagos (Nigeria), N’Djamena (Chad) và Kolofata (Cameroon). Những nguồn doanh thu chính của ISWAP đến từ các lĩnh vực như thuế ngư nghiệp, gia súc và nông sản; bắt cóc đòi tiền chuộc; cướp có vũ trang; tài trợ nước ngoài; tiền phạt và những hoạt động thương mại; bắt gia súc; buôn lậu vũ khí; buôn lậu ma túy gồm tramadol và cocaine; tuồn lậu nhiên liệu.

ISWAP - bóng ma khủng bố ở Tây Phi -0
Khu vực quan tâm chính của Nhà nước Hồi giáo tỉnh Tây Phi (ISWAP) tại Đông Bắc  Nigeria. Ảnh nguồn: ArcGIS.

Những hoạt động này đã tạo ra doanh thu ước tính 5 triệu USD/ tháng, tức tương đương 2,3 tỷ Nairas (đồng nội tệ Nigeria). Cuối cùng, ISWAP cố gắng duy trì những mối quan hệ tích cực với người dân địa phương nhằm tạo dựng và duy trì một cơ sở xã hội thuận lợi. Người địa phương Kanuri là những người dễ bị ảnh hưởng nhất và vô hình trung đã góp phần tăng trưởng phục hồi của ISWAP. Thật vậy, ISWAP đã thay mặt nhà nước khi đảm nhiệm vai trò cung cấp dịch vụ tại một số khu vực, cụ thể là những giao dịch liên quan đến hệ thống tư pháp. Ngoài ra cần phải hiểu rõ vì sao lại ra đời ISWAP? Có thể giải thích thế này, trước hết đó là do nạn tham nhũng tràn lan cùng thái độ săm soi của cảnh sát Nigeria. Vị trí của ISWAP nằm ở chót bảng trong chỉ số cảnh sát và an ninh nội bộ tại Nigeria năm 2016. Thêm nữa, ảnh hưởng của những hành vi lạm dụng quân sự thường xuyên và không bị trừng phạt nhắm vào thường dân trong quá trình cực đoan hóa là có liên quan.

Hơn 40% các tay súng của Boko Haram khi bị thẩm vấn thường phàn nàn rằng họ bị ngược đãi trong quá trình cực đoan hóa. Sau cùng, nạn tham nhũng hoành hành cùng sự dễ dàng tương đối khi những kẻ khủng bố xâm nhập vào các lực lượng nhà nước, đã không giúp ích gì cho nhiệm vụ tế nhị của họ. Ngay cả khi tổ chức khủng bố không trực tiếp tham gia vào quá trình cực đoan hóa thì chính sự thiếu cơ hội việc làm là nguyên nhân khiến nhiều thành phần bất mãn và nổi loạn. Chẳng hạn như vào năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở bang Borno (Nigeria) là 65%. Mặt khác, mối đe dọa nhân lên của biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các sinh kế khác nhau, đáng chú ý là sự cạnh tranh giữa những người chăn thả gia súc và nông dân. Ngay cả khi nếu lưu vực hồ Chad hiện đang trong giai đoạn mở rộng thì sự gián đoạn khí hậu đang làm trầm trọng thêm những biến động hàng năm của nó, từ đây làm thúc đẩy sự cạnh tranh cộng đồng và tài nguyên.

Do 90% dân số sống lệ thuộc vào nước hồ Chad và lượng mưa nên những thay đổi này đã gây ra tác động sâu sắc. Trong bối cảnh này, các nhóm vũ trang đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên dễ bay hơi này. Cuối cùng, sợi dây liên kết giữa ISWAP và Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) mà cụ thể là thông qua buôn lậu ma túy và tuồn lậu vũ khí cỡ nhỏ và vũ khí nhẹ (SALW) đã thu về nhiều lợi nhuận và khiến cho ISWAP ngày càng lớn mạnh trong lưu vực hồ Chad.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.
.