Hồ sơ vụ không tặc thảm khốc ở Quảng Châu, Trung Quốc

Thứ Tư, 04/08/2021, 08:30

Ngày 2 tháng 10 năm 1990, một vụ tai nạn lớn đã xảy ra tại sân bay Bạch Vân Quảng Châu: Một chiếc Boeing 737 của Hãng hàng không Hạ Môn bay từ Hạ Môn đến Quảng Châu bị không tặc. Trong lúc hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Bạch Vân,  đã xảy ra việc ẩu đả giữa phi công và tên không tặc làm máy bay mất phương hướng, đâm vào một chiếc Boeing 707 và một chiếc Boeing 757 đang đậu trên đường băng. Vụ tai nạn đã làm 128 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, cả 3 máy bay đều bị phá hủy.

Ngày 2 tháng 10 năm 1990, chiếc máy Boeing 737 mang số hiệu 2510 của Hãng hàng không Hạ Môn bay từ sân bay Hạ Môn đến Quảng Châu cất cánh lúc 6:57. Trên đường bay, một đối tượng côn đồ ngồi ở ghế 16 hàng D bất ngờ rời khỏi chỗ ngồi lao về phía buồng lái dùng thuốc nổ dọa cho nổ tung máy bay. Tên không tặc đuổi tất cả phi hành đoàn khỏi buồng lái, chỉ để lại cơ trưởng điều khiển máy bay,  khi Cục hàng không dân dụng Quảng Châu biết tin này thì máy bay đã bay đến Quảng Châu.

  Các nhân viên của sân bay Bạch Vân nhớ lại rằng chưa bao giờ cùng một lúc ở sân bay lại có nhiều máy bay đang đỗ trên đường băng như vậy. Những người ở dưới đất nhìn lên trời với vẻ mặt lo lắng, chiếc máy bay B737 bay vòng ngược chiều kim đồng hồ theo hướng bắc nam rồi biến mất khỏi tầm mắt và một lúc sau lại xuất hiện trở lại.

Hồ sơ vụ không tặc thảm khốc ở Quảng Châu, Trung Quốc -0
Quang cảnh sau vụ không tặc. 

Ngay lúc đó, có một người cũng lo lắng như bao người khác, đó là cơ trưởng Tăng Hiến Vũ của chiếc Boeing 757 mang số hiệu 2812 đỗ trên đường băng bởi vì anh biết chính xác là chiếc máy bay đang bay trên trời đã bị không tặc. Chuyến bay do Tăng Hiến Vũ chỉ huy sẽ bay đi Thượng Hải sau 10 phút nữa, tất cả hành khách đã hoàn thành thủ tục và ngồi yên lặng trên máy bay. Các tiếp viên hàng không cũng vào vị trí của họ, nhưng đến lúc này, bộ phận kiểm soát không lưu và phi công lái máy bay bị không tặc mới liên lạc được với nhau.

“Máy bay bị không tặc”, Tăng Hiến Vũ nghe thấy giọng nói căng thẳng của viên phi công. Trong cuộc trò chuyện sau đó, anh được biết chiếc máy bay bị không tặc là của Hãng hàng không Hạ Môn. Tên không tặc mang thuốc nổ trên người đã đột nhập vào buồng lái. Điều nguy hiểm chết người là chiếc máy bay này đã bay đến sân bay Bạch Vân Quảng Châu và đang ở trên không trung.

Từ cuộc trò chuyện tại tháp không lưu, Tăng Hiến Vũ cũng biết được rằng nhiều lãnh đạo của thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và Cục hàng không dân dụng Quảng Châu đã có mặt tại tại tháp không lưu để chỉ huy và anh nhận được lệnh      “không được cất cánh”.

Hồ sơ vụ không tặc thảm khốc ở Quảng Châu, Trung Quốc -0
Chiếc Boeing 707 bị gãy làm đôi sau vụ va chạm. 

Ngay thời điểm đó, một chiếc Boeing 707 của hãng hàng không Tây Nam bay từ Thành Đô hạ cánh xuống sân bay Bạch Vân. Sau khi tất cả hành khách rời khỏi máy bay, phi hành đoàn nhanh chóng rời đi, không phải vì họ biết tin tức về vụ không tặc mà là để đến chợ rau quả gần sân bay càng sớm càng tốt. Ở Quảng Châu có rất nhiều chợ trái cây và rau quả và giá lại rẻ, thời đó việc các tiếp viên hàng không từ các thành phố khác đến mua trái cây và rau quả mang về nhà là chuyện thường. Trên chiếc máy bay B707 chỉ còn một người ở lại sắp xếp đồ đạc. 

Lúc này, máy bay mắc kẹt đang đỗ đầy trên đường băng. Chiếc máy bay bị không tặc vẫn vòng đi vòng lại trên không. Xe cứu hỏa chạy đến dừng ở đầu phía bắc của đường băng, không lâu sau, một toán cảnh sát vũ trang tiến vào sân bay.

Trong thời gian này, cơ trưởng Tăng Hiến Vũ ngồi trong ca bin máy bay B757-2812 đang lắng nghe cuộc trò chuyện giữa tháp điều khiển không lưu và chiếc máy bay bị không tặc. Đúng ra là tiếp viên hàng không phải túc trực ở các vị trí trên máy bay nhưng do tình thế nguy cấp nên tất cả tiếp viên trên máy bay cũng tập trung lại để nghe ngóng tình hình, động thái vô thức này khiến họ may mắn thoát chết. Các hành khách trên khoang không may mắn như vậy. Tăng Hiến Vũ nói: “Thật kỳ lạ khi nói rằng ngày hôm đó các hành khách rất yên lặng, họ cứ ngồi ở vị trí của mình mà không có hành động gì”. 

Hồ sơ vụ không tặc thảm khốc ở Quảng Châu, Trung Quốc -0
Giải cứu hành khách sau vụ tai nạn. 

Ba chiếc máy bay va chạm nhau

Chiếc máy bay bị không tặc chỉ có phi công điều khiển lại bị tên không tặc đe dọa, phi công nói rằng nhiên liệu không đủ bay đi Đài Loan nên yêu cầu đến sân bay Hong Kong để tiếp nhiên liệu nhưng tên không tặc không đồng ý và dọa sẽ cho nổ tung máy bay nếu hạ cánh xuống Hong Kong. Trong tình trạng hết nhiên liệu nên lúc 9:04,  phi công đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Bạch Vân. Khi máy bay vừa hạ cánh, tên cướp đã có hành động bạo lực với phi công làm máy bay mất lái và chệch khỏi đường băng ...

Chiếc máy bay bị không tặc theo hướng Bắc – Nam hạ cánh xuống đường băng và mọi thứ dường như bình thường cho đến khi máy bay tiếp đất. Tuy nhiên, khi chiếc B737 chạy trên đường băng được khoảng 300m thì bất ngờ mũi máy bay lệch hướng về bên phải rồi băng qua bãi cỏ lao về phía nhà ga. Sau khi lao qua 5 làn đường nối giữa đường băng và sân đỗ, máy bay tiếp tục tăng tốc lao đến cuối đường băng phía Nam thì đâm trực diện vào một ôtô điện làm chiếc ôtô điện bị lăn tròn bốn vòng rồi lật ngửa.

Một lúc sau mọi người kinh hoàng khi thấy chiếc máy bay B737 đã quay đầu chạy đà cất cánh nhưng khi vừa cất cánh nó đâm vào đầu chiếc B707 và toàn bộ phần mũi của B707 đã bị cắt rời. Sau đó, chiếc máy bay B737 tiếp tục lao về phía trước đâm vào cánh của chiếc B757 của cơ trưởng là Tăng Hiến Vũ. Chỉ nghe thấy một tiếng nổ lớn và một ngọn lửa bùng lên từ chiếc B757 một đám mây hình nấm bốc lên bầu trời. Chiếc B737 rơi xuống đất rồi vỡ tan tành, toàn bộ quá trình va chạm diễn ra chưa đầy một phút.

Sau khi chiếc B737 đâm vào chiếc B757 nó bị vỡ và có thể nhìn thấy người rơi xuống từ chỗ vỡ trên thân máy bay. Xe cứu hỏa nhanh chóng chạy đến dập tắt đám cháy. Sau khi khói tan, cửa chiếc B757 đã được mở ra, hành khách thoát ra từ cầu trượt. 

“Tốc độ chiếc B737 quá nhanh, nó đã đâm vào chiếc Boeing 707 và sau đó lại đâm vào máy bay của tôi”. Tăng Hiến Vũ nói rằng không có cách nào để đối phó với nó. “Tôi chỉ nghe thấy một tiếng nổ, cabin đột nhiên khói mù mịt không nhìn rõ cái gì nữa”. Tăng Hiến Vũ lập tức cắt mọi nguồn điện mở cửa cabin và chuẩn bị máng trượt để hành khách thoát ra ngoài trước. “Tôi đã không rời máy bay cho đến khi không còn một người nào”. Tăng Hiến Vũ xác nhận rằng anh là người cuối cùng rời khỏi máy bay.

Sau khi xuống máy bay, người Tăng Hiến Vũ đầy vết thương và máu. Anh được nhân viên cấp cứu nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Sau vụ tai nạn trên chiếc máy bay B737-2510 có 75 hành khách thiệt mạng, 18 người bị thương, đoàn phi hành viên có 7 người thiệt mạng. Trên chiếc máy bay B757-2812 có 46 hành khách thiệt mạng nhưng phi hành đoàn bình an vô sự. Trên chiếc máy bay B707-2402 chỉ có một thành viên phi hành đoàn bị thương ở đầu. Trong vụ tai nạn này, tổng cộng 128 người thiệt mạng, trong số này có nhiều người nước ngoài, người Hong Kong, Macao và Đài Loan.

Hồ sơ vụ không tặc thảm khốc ở Quảng Châu, Trung Quốc -0
Hình ảnh khi xảy ra vụ tai nạn. 

Xử lý hậu quả và cuộc điều tra tai nạn

 Cơ trưởng Tăng Hiến Vũ cho biết, ngay buổi chiều Cục hàng không dân dụng đã triệu tập các thành viên phi hành đoàn để họp và hỏi họ về vụ việc. Tối hôm đó, tin tức truyền hình đưa tin buổi chiều hôm đó Thủ tướng Trung Quốc đã bay đến sân bay Bạch Vân và một đội xử lý vụ tai nạn đã được thành lập. 

Theo kết quả điều tra tại chỗ trong buồng lái của chiếc máy bay B737-2510, người ta thấy có hai thi thể, một người là phi công Kim Long Dụ, người còn lại có thẻ căn cước tên là Tương Tiểu Phong sinh ngày 11 tháng 8 năm 1969, người huyện Lâm Lệ, tỉnh Hồ Nam. Sau khi kiểm tra cơ thể của Tương Tiểu Phong không có vật liệu nổ nào.

Cục công an Quảng Châu, Cục hàng không dân dụng và các cơ quan an ninh công cộng có liên quan đã cử nhân viên đến Lâm Lệ, Hồ Nam, Hạ Môn, Phúc Kiến và những nơi khác để tiến hành một số lượng lớn các cuộc điều tra và thu thập chứng cứ về Tương Tiểu Phong. Cuối cùng người ta xác nhận rằng Tương Tiểu Phong chính là kẻ không tặc trên chiếc máy bay B737-2510.

Theo nguồn tin do Cơ quan công an cung cấp, Tương Tiểu Phong là nhân viên thu mua hàng của Công ty vật tư huyện Lâm Lệ tỉnh Hồ Nam. Tháng 9 năm 1988, hắn bị giam giữ vì tội trộm cắp. Ngày 13 tháng 7 năm 1990, Tương lừa đảo đơn vị số tiền 17.000 tệ rồi bỏ trốn và hắn bị Viện kiểm sát huyện Lâm Lệ khởi tố vụ án và phát lệnh truy nã.  

Tờ “Nam Phương cuối tuần” có một bài báo thảo luận về vấn đề “chống khủng bố” của Trung Quốc. “Việc đối phó với các vụ không tặc qua một quá trình cũng có một số thay đổi: Trong thời gian đầu, nguyên tắc là không thỏa hiệp với bọn không tặc, khuyến khích phi hành đoàn và hành khách chiến đấu chống lại bọn không tặc.

Sự cố ở sân bay Bạch Vân Quảng Châu năm 1990 làm 3 máy bay bị phá hủy và 128 người chết và các bộ phận liên quan xác định rằng việc bảo vệ hành khách và an toàn máy bay là ưu tiên hàng đầu trong công tác chống không tặc và từ đó đưa ra nguyên tắc không khuyến khích phi hành đoàn và hành khách đối đầu với không tặc.

Sau vụ tai nạn hàng không này, một chính sách mới được đưa ra: Khi xảy ra không tặc, những người trên máy bay không nên chiến đấu chống lại bọn không tặc và phải đáp ứng tối đa các yêu cầu của không tặc để đảm bảo an toàn cho hành khách và máy bay. Trong những năm 1990 đã có 7 vụ không tặc và tất cả đều được yêu cầu bay đến Đài Loan, Trung Quốc. Năm 1993, Trung Quốc xảy ra một loạt sự việc quái gở gây chấn động ngành hàng không dân dụng thế giới. Năm đó, có tổng cộng 10 máy bay hàng không dân dụng ở Trung Quốc bị bọn tội phạm cướp và cùng điểm đến là sân bay Quốc tế Đào Viên Đài Bắc. 

Năm 1993, hoạt động không tặc của Trung Quốc đạt đến cao điểm. Theo số liệu, năm đó hàng không dân dụng của Trung Quốc đã xảy ra 21 vụ không tặc trong đó 10 vụ không tặc thành công. Các điểm đến của vụ không tặc đều là Đài Loan, Trung Quốc. Mỗi lần xảy ra không tặc, hành khách và phi hành đoàn là nạn nhân trực tiếp nhất. Việc không tặc xảy ra thường xuyên đã gây áp lực lớn đến tâm lý của nhân viên hàng không dân dụng và hành khách, đồng thời, các hãng hàng không phải gánh chịu thiệt hại lớn về kinh tế; uy tín của hàng không dân dụng Trung Quốc cũng bị tổn hại nghiêm trọng.  

Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)
.
.
.