Hồ sơ trại tập trung Jasenovac

Chủ Nhật, 23/10/2022, 16:34

Trại tập trung Jasenovac của Croatia là nơi đang gây  tranh cãi về những sự thật khủng khiếp bị che giấu tinh vi mà mãi gần đây mới được lộ sáng một phần. Tác giả bài viết: Tiến sĩ Efraim Zuroff, “thợ săn” Đức Quốc Xã (ĐQX) kiêm giám đốc Văn phòng Israel và quan hệ Đông Âu của Trung tâm Simon Wiesenthal (Los Angeles, Mỹ). Quyển sách nổi tiếng của ông mang tiêu đề “Người dân chúng ta: Phơi bày tội diệt chủng người Do Thái bị che giấu ở Lithuania”.

Hầu như mọi quốc gia tại châu Âu, những nơi diễn ra bi kịch diệt chủng người Do Thái (ngoại trừ Anh và 6 quốc gia trung lập khác) đều có những địa điểm biểu tượng về Shoah (diệt chủng người Do Thái). Ngoài Đông Âu, những địa điểm này là các trại trung chuyển và địa điểm nơi số lượng lớn người Do Thái bị sát hại hoặc vây bắt. Lấy ví dụ ở Pháp có 2 địa điểm như thế là sân vận động đạp xe Paris Vélodrome dHiver và trạm trung chuyển Drancy.

Hồ sơ trại tập trung Jasenovac -0
Tay “đao phủ” Vjekoslav “Maks” Luburic, kẻ chịu trách nhiệm quản lý các trại tập trung của phong trào Ustasha.  Ảnh nguồn: Espreso.

Tháng 7/1942, 13.000 người Do Thái đã bị giam trong sân vận động này nhiều ngày trước khi họ bị chuyển đến trại trung chuyển rồi bị trục xuất đến Auschwitz-Birkenau. Tại Hà Lan, 2 địa điểm hắc ám đó là Hollandsche Schouwburg và trại trung chuyển Westerbork Dutch. Hàng vạn người Do Thái Hà Lan bị giam trước khi chuyển tới Westerbork, từ đây họ bị đày đến các “trại tử thần” Auschwitz và Sobibor. Ở Bỉ, có trại trung chuyển Mechlen (Malines) mà từ đó dân Do Thái bị đưa vào cửa tử.

Tại Đông Âu có các địa điểm biểu tượng về Shoah như Auschwitz (Ba Lan), Babi Yar (Kyiv, Ukraine), Maly Trostinec (Minsk, Belarus), Ponar (Vilna, Lithuania) và Rumbula (Riga, Latvia), những địa điểm này thường được tổ chức các sự kiện tưởng niệm cấp nhà nước trên khắp châu Âu, và một số còn bao hàm các trung tâm giáo dục.

Mặt khác, không giống với những địa điểm khét tiếng ở Tây Âu, nơi lịch sử tội ác được thừa nhận và các nạn nhân được nghiên cứu tỉ mỉ, và được chấp nhận về tính chính xác, thì những địa điểm hắc ám ở Đông Âu lại là đề tài tranh cãi gay gắt, cùng những câu chuyện lịch sử khác biệt. Không lâu sau khi Ba Lan chuyển đổi sang nền dân chủ, một ủy ban gồm các nhà sử học danh tiếng đã được thành lập và họ xác nhận rằng có khoảng 1,3 triệu người bị sát hại ở trại Auschwitz, trong đó có 1,1 triệu người Do Thái.

Địa ngục Jasenovac

Cho đến ngày nay, số liệu nạn nhân Do Thái bị sát hại vẫn chưa được điều chỉnh một cách chính xác nhất tại các quốc gia Đông Âu. Có một nơi đau thương mà các nạn nhân mãi mãi im lặng trong lòng đất và những sự thật từng tồn tại ở nơi đó vẫn chưa được biết đầy đủ. Đó là trại tập trung Jasenovac ở Croatia, một nơi được mệnh danh là “Trại Auschwitz vùng Balkan”.

Jasenovac không phải là trại tập trung lớn nhất châu Âu, càng không phải là nơi có nhiều người bị sát hại nhất, tuy nhiên nó có 4 đặc điểm riêng biệt: 1) Trung tâm hoạt động của 3 chiến dịch diệt chủng được tổ chức bởi chính phủ của Quốc gia độc lập Croatia (ISC) nhằm chống lại người Serb, người Do Thái và người La Mã; 2) Là trại tập trung duy nhất được thành lập tại một nhà nước vệ tinh ĐQX, nơi có số người chết rất cao; 3) Là trại tập trung duy nhất có một tiểu trại riêng biệt dành cho trẻ em; 4) Cho đến nay số lượng các nạn nhân chính xác vẫn đang gây tranh cãi căng thẳng giữa người Serb, Do Thái, La Mã và Croatia.

Trong khi người Serb trích dẫn số liệu ban đầu là 700.000 nạn nhân hoặc nhiều hơn thế, thì những người ủng hộ Ustasha ở Croatia và những thành phần dân túy cực đoan lại tuyên bố rằng Jasenovac thực sự chỉ là một trại lao động dưới chế độ Ustasha trong Thế chiến II, và biến thành “trại tử thần” sau chiến tranh, nơi chế độ cộng sản Nam Tư đã giết hại những thành phần “phản động”. Để hiểu sự tranh cãi này cần phải tìm hiểu lịch sử của lãnh thổ Nam Tư trong Thế chiến II cũng như lịch sử của chính bản thân trại Jasenovac.

Nam Tư (Vương quốc Nam Slav) là một trong nhiều quốc gia được thành lập trong làn sóng tự quyết của thời hậu Thế chiến I, dẫn đến sự tan rã của đế quốc Nga phong kiến và cả đế quốc Áo – Hung. Khác với các nhà nước khác, Nam Tư không phải là nhà nước của một dân tộc cụ thể mà là nhà nước bao gồm một số nhóm dân tộc. Trong đó người Serb là đông nhất, kế đó là người Croatia, người Hồi giáo Bosnia, người Slovenia, người Macedonia, người Albania, người Montenegro.

Hồ sơ trại tập trung Jasenovac -0
Sử gia Antun Miletic tuyên bố rằng tổng số người chết ở trại tập trung Jasenovac là 1,1 triệu nạn nhân. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Đầu tháng 4 năm 1941, Đức và Ý cùng xâm lược Nam Tư và nhanh chóng cát cứ nước này, cắt Nam Tư thành nhiều phần, mỗi phần có một số phận riêng. Ngày 10 tháng 4 năm 1941, Đức và Ý đã thành lập Quốc gia độc lập Croatia (ISC) với lãnh thổ bao gồm Croatia và Bosnia-Herzegovina ngày nay, cũng như một phần nhỏ Serbia (Syrmia). Dân số ISC vào khoảng 6,3 triệu người chiếm một nửa trong số đó là người Công giáo Croatia.

Nhóm thiểu số lớn nhất là người Serb theo Chính thống giáo với 1,9 triệu người, ngoài ra là 44 vạn dân Do Thái và 33 vạn dân La Mã, bên cạnh đó là hàng trăm ngàn người Hồi giáo Croatia, cùng một số nhỏ cộng đồng Đức, Hung. Quyền cai trị thực tế được giao cho phong trào Ustasha do Ante Pavelic đứng đầu, một dạng nguyên thủ quốc gia được mô phỏng theo mô hình của Hitler và Mussolini. Ustasha là một phong trào cực đoan, phát xít, phân biệt chủng tộc người Croatia được thành lập ở Ý vào năm 1929, nhằm thành lập một nhà nước Croatia độc lập.

Lý thuyết của phong trào Ustasha coi người Do Thái, La Mã và Slav là những kẻ hạ đẳng. Vì thế không mấy ngạc nhiên khi chỉ sau vài tháng cầm quyền, phong trào Ustasha đã sát hại hàng ngàn người Serb, Do Thái và La Mã. Trại tập trung Jasenovac đóng vai trò chính cho hoạt động này. Được thành lập vào tháng 8 năm 1941 nằm gần ngôi làng cùng tên, đây là phức hợp gồm 5 phân trại khác nhau trải dài trên một khu vực rộng 80 dặm vuông ở cả hai bờ sông Sava và Una. Jasenovac được xây dựng và vận hành bởi Cục III của “Cục giám sát Ustasha” – lực lượng cảnh sát đặc biệt.

Đa số tù nhân của trại Jasenovac là người Serb, nhiều người bị chuyển đến đó sau khi họ từ chối theo đạo Công giáo. Ước tính từ 6 đến 8 vạn người Serb bị giam ở đây. Người Do Thái là nhóm tù lớn thứ hai, dao động từ 1,3 vạn đến 2,5 vạn người, và hầu hết đều bị giết trước tháng 8 năm 1942, khi hoạt động trục xuất người Do Thái Croatia đến Auschwitz bắt đầu. Số nạn nhân người La Mã cũng tương tự Do Thái, và vài ngàn người Croatia kháng phát xít đã bị sát hại ở Jasenovac.

Jasenovac không có thiết bị giết người hàng loạt, nhưng theo những người sống sót kể lại thì nó có “trại triệt tiêu”, thuật ngữ ám chỉ đến các buồng hơi ngạt hoặc van hơi ngạt. Sự tàn ác khủng khiếp đến từ đám lính canh Ustasha, những kẻ tìm kiếm lạc thú trên nỗi đau khổ tột cùng của các nạn nhân. Việc đối xử với nữ tù nhân còn tồi tệ hơn, bao gồm hiếp dâm, cắt vú, xẻo tử cung của sản phụ đang mang thai. Các tù nhân thường xuyên bị bỏ đói một cách có hệ thống và không có điều kiện vệ sinh nào, họ bị ép lao động 11 tiếng mỗi ngày, kinh hãi là sẽ có ai đó bị tra tấn hoặc bị hành quyết ngẫu nhiên.

Bất kỳ ai đến trại Jasenovac với một bản án không xác định (từ 1 hoặc 3 năm) thì ngay lập tức bị xử tử. Rất nhiều cách thức giết người rất kinh dị: một số người bị giết bằng cách hỏa táng khi đang còn sống (có thể bị đánh thuốc mê) trong những cái lò của xưởng gạch tại Jasenovac, hoặc bị đầu độc ở tiểu trại Stara Gradiska, ở đó có những phòng hơi ngạt sử dụng chất độc Zyklon B.

Một trong những địa điểm diễn ra những vụ “thanh trừng” là “Granik”: một bến tàu trên sông Sava dùng để bốc dỡ hàng hóa. Tay “đao phủ” Vjekoslav “Maks” Luburic, kẻ chịu trách nhiệm quản lý các trại tập trung của phong trào Ustasha, đã nghĩ ra cách dùng cần cẩu để treo cổ các nạn nhân và xác họ sẽ rơi xuống sông và bị dòng nước cuốn đi. Hoặc các nạn nhân bị trói thành từng cặp và ném xuống sông Sava để cho chết đuối.

Phong trào Ustasha còn dùng địa điểm Gradina (gần các ngôi làng Gradina và Ustica) để giết người hàng loạt và chôn xác. Các nạn nhân bị giết bằng dao hoặc bị đập bể đầu bằng những cái vồ. Hơn 100 ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy ở Gradina, 21 ngôi mộ khác ở Ustica. Vjekoslav “Maks” Luburic thực hiện hàng loạt tội ác này cùng với 5 chỉ huy khác của trại Jasenovac là Ljubo Milos, Miloslav Filipovic, Ivica Matkovic, Ante Vraban và Dinko Sakic.

Cuối Thế Chiến II, giới chức Ustasha cố gắng hủy bằng chứng tội ác, bắt đầu đào bới và đốt xác các nạn nhân ở trại Jasenovac. Việc giết người vẫn tiếp diễn đến đầu tháng 4 năm 1945, những thường dân sống sót từ Sarajevo và 1.590 tù nhân khác của nhà tù Lepoglava đã bị đưa đến Jasenovac và bị giết hại.

Ngày 19/4/1945, Luburic hạ lệnh cho binh sĩ phá hủy trại Jasenovac và Ustasha đã nhẫn tâm giết hại những nhân viên y tế cuối cùng, các tù nhân ốm đau và cả những công nhân tay nghề cao mà cho đến lúc đó vẫn chưa được tha. Hai ngày sau đó, từ 700 đến 900 phụ nữ bị xử tử. Ngày 22/4/1945, 600 tù nhân nam (trong số 1.073 người) đã nổi dậy nhưng chỉ có 92 người sống sót. Tất cả các tù nhân còn lại đều bị giết, trại Jasenovac bị phóng hỏa và phá hủy.

Hồ sơ trại tập trung Jasenovac -0
Hai vợ chồng ông bà Nadir và Fatima Dedic, những nạn nhân sống sót của trại tập trung Jasenovac. Ảnh nguồn: Damir Krajac / CROPIX.

Xét xử cựu chỉ huy trại Jasenovac

Kể từ khi chấm dứt Thế chiến II, số lượng chính xác các nạn nhân bị sát hại ở trại Jasenovac đã là đề tài tranh luận từ các chương trình nghị sự về ý thức hệ. Sử gia Ivo Goldstein (một trong những học giả hàng đầu về nạn diệt chủng Do Thái ở Croatia và Jasenovac) đã quả quyết rằng Ustasha tìm mọi cách để che đậy tội ác. Nhiều nạn nhân bị đưa thẳng đến bờ sông Sava để xử tử mà không được đăng ký tại trại, cũng như các hồ sơ đăng ký đều bị Ustasha cho đốt sạch sau đó.

Vào những tháng tồn tại cuối cùng của trại Jasenovac đã diễn ra việc đốt xác ồ ạt. Một cuộc điều tra vào tháng 11 năm 1945 về các tội ác của Ustasha đã đánh giá số lượng nạn nhân tại Jasenovac dao động từ nửa triệu đến 60 vạn người, con số này cũng được các học giả Israel trích dẫn vào cuối năm 1990. Một thập kỷ sau đó, sử gia Antun Miletic (giám đốc Lưu trữ quân sự Belgrade) đã tuyên bố rằng tổng số người chết ở trại tập trung Jasenovac là 1,1 triệu nạn nhân.

Tại thời điểm đó Croatia đã tách khỏi Nam Tư tạo thành một nước độc lập, một sự phát triển có ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề liên quan đến Jasenovac (trại chính và đài tưởng niệm quốc gia đặt ở Croatia, trong khi đó các cánh đồng giết người Dona Gradina lại thuộc về Cộng hòa Srpska – một phần của Serbia và Bosnia-Herzegovina).

Dưới sự ủng hộ của giáo hội Công giáo, năm 1996, Tổng thống Croatia – Franjo Tudjman – đã đề xuất xét xử lại thủ phạm Ustasha cùng với các nạn nhân ở trại Jasenovac: một sáng kiến đã bị cản trở bởi sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Israel, người Do Thái, và những người cánh tả Croatia. Cùng năm đó, Tổng thống Franjo Tudjman tuyên bố người Do Thái đã thổi phồng số lượng nạn nhân từ 1 triệu lên thành 6 triệu người, và người Do Thái đã điều hành trại Jasenovac tới năm 1944, và rằng số lượng nạn nhân ở Jasenovac thực sự dao động từ 3 đến 4 vạn người. Đáp trả lại, Israel từ chối quan hệ ngoại giao đầy đủ với Croatia, có thể đó là một trong các lý do khiến Croatia truy tố chỉ huy trại Jasenovac, Dinko Sakic, không lâu sau đó.

Phiên tòa xét xử Dinko Sakic diễn ra ở Zagreb vào năm 1999, đó là lần đầu tiên kể từ khi Croatia giành được độc lập, đưa vụ việc Jasenovac thành tâm điểm của dư luận. Dinko Sakic, một trong 6 chỉ huy của Jasenovac, đã tham gia vào ban quản lý trại này từ mùa Xuân năm 1941, trở thành phó chỉ huy năm 1942, và làm chỉ huy trưởng từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1944. Sau khi kết thúc Thế chiến II, Sakic đào tẩu cùng với các tội phạm Ustasha khác đến Argentina. Vào thời điểm bị xét xử, Sakic là chỉ huy sống sót cuối cùng của trại Jasenovac. Sự thiếu ăn năn đầy kiêu ngạo của Sakic tại tòa cũng giúp thuyết phục chính phủ Croatia rằng Jasenovac đã từng diễn ra 3 lần diệt chủng khủng khiếp, nhưng không có nhân tố nào để chứng minh số lượng các nạn nhân.

Trong cuộc triển lãm tại Bảo tàng tưởng niệm Jasenovac vào năm 2006 đã không hề có mặt các dụng cụ giết người của Ustasha, cũng không có bức ảnh về bất kỳ chỉ huy nào của trại Jasenovac chịu trách nhiệm cá nhân. Tháng 12/2021 đã diễn ra một hội nghị học thuật về vấn đề Jasenovac tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) với sự tham dự của nhiều học giả hàng đầu trong lĩnh vực này. Kết luận của họ là số lượng các nạn nhân ở Jasenovac dao động từ 9 vạn đến 13 vạn người. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng ít nhất đối với các nạn nhân và gia đình của họ, cuối cùng vấn đề này sẽ được giải quyết một cách thuyết phục và được chấp nhận bởi người Serb, Do Thái, La Mã và Croatia.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.
.