“Hồ sơ thiên đường” hay số phận một điệp viên
Là điệp viên cao cấp của Cơ quan tình báo Liên Xô KGB, Vladimir Ippolitovich Vetrov được cử sang Pháp với mục đích thu thập thông tin về những phát triển công nghệ tiên tiến của các nước phương Tây trong lĩnh vực quân sự. Thế nhưng sau đó Vetrov lại nhận lời cộng tác với Cơ quan tình báo đối ngoại Pháp DST và đã cung cấp cho DST 4.000 trang tài liệu mật, trong đó có danh sách của gần 500 sĩ quan KGB đang hoạt động ở châu Mỹ, châu Âu…
Con đường phản bội
Sinh năm 1932 tại Liên Xô, sau khi tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật điện tử, Vladimir Vetrov được KGB tuyển mộ. Năm 1965, kết thúc chương trình huấn luyện nghiệp vụ tình báo với hạng xuất sắc, Vetrov được cử sang Pháp dưới vỏ bọc nghiên cứu chuyên ngành công nghệ máy tính nhưng thực tế, Vetrov là sĩ quan trực thuộc Ban T, KGB, có nhiệm vụ thu thập những tiến bộ về khoa học kỹ thuật của các nước phương Tây, chủ yếu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, giám sát bầu trời, mặt biển bằng radar quân sự, các loại tên lửa, bóng bán dẫn (transistor) dùng trong công nghệ thông tin…
Để giúp Vetrov thực hiện nhiệm vụ, một thời gian ngắn sau khi đến Paris, Vetrov được một tùy viên thương mại thuộc Sứ quán Liên Xô sắp xếp làm quen với Jacques Prévost, kỹ sư tập đoàn Thomson-CSF, Pháp, chuyên sản xuất màn hình radar độ phân giải cao. Theo thời gian, những bữa ăn do Prévost chiêu đãi với rượu sâm-panh đắt tiền cùng những món ngon vật lạ đã khiến cả hai trở nên thân thiết bởi Prévost không đề cập gì đến chính trị. Dưới mắt Vetrov, Prévost chỉ thuần túy là một nhà khoa học kết hợp kinh doanh. Trong thâm tâm, Vetrov so sánh những bữa ăn ấy với những khó khăn, thiếu thốn ở Liên Xô, khi mà thực phẩm vẫn được cung cấp bằng chế độ tem phiếu.
Nhớ lại giai đoạn này, Prévost nói: “Có lần tôi mời Vetrov món gan ngỗng sốt giấm đen. Vừa ăn anh ta vừa hỏi tôi thịt ngỗng sẽ làm gì? Khi nghe tôi trả lời rằng loài ngỗng này nuôi chỉ để lấy gan, còn thịt chẳng ai dùng thì anh ta tròn mắt…”.
Năm 1978, Vetrov đột ngột bị gọi về Moscow. Tại trụ sở KGB, với cấp hàm đại tá, Vetrov được giao nhiệm vụ quản lý hồ sơ của các điệp viên Liên Xô đang hoạt động ở nước ngoài, đồng thời thẩm tra tính xác thực của những tài liệu do họ gửi về. Mặc dù đây là sự thăng tiến trong nghề nghiệp nhưng với Vetrov, ông ta cho rằng những người đứng đầu KGB không đánh giá đúng năng lực của ông ta, rằng ông ta bị hạ tầng công tác, chưa kể khi trở về Moscow, mọi thú vui hưởng thụ vật chất xem như cũng chấm dứt.
Ngày qua ngày, nỗi bất mãn mỗi lúc một tăng lên. Cuối năm 1980, Vetrov bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của Jacques Prévost, nội dung cho biết Prévost sẽ sang Liên Xô trong một chương trình hợp tác giữa Tập đoàn Thomson-CSF, Pháp và Tập đoàn Leningrad, Liên Xô, chuyên sản xuất máy truyền hình. Tuy nhiên có điều mà Vetrov không ngờ là bên trong cái vỏ bọc kỹ sư, Prévost còn là sĩ quan thuộc Cơ quan tình báo đối ngoại Pháp DST. Bằng nhiều nguồn, DST biết được cương vị của Vetrov ở KGB nên thông qua Tập đoàn Thomson-CSF, họ đã dàn dựng một kịch bản danh chính ngôn thuận nhằm đưa Prévost sang Liên Xô để tiếp cận Vetrov.
Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Prévost và Vetrov diễn ra vào đầu năm 1981. Nhớ lại chuyện này, Prévost nói: “Tôi mời ông ấy đến căn hộ mà Tập đoàn Leningrad đã bố trí cho tôi ở Moscow. Chúng tôi uống rượu Henessy, ăn một số món tôi đem qua từ Pháp. Trong bữa ăn, tôi khéo léo hỏi về cuộc sống của Vetrov. Thật ngạc nhiên khi ông ta luôn miệng than thở, rằng KGB đã đánh giá sai lầm năng lực của ông ta.
Sự bất mãn của Vetrov lên đến cao độ khi ông ta nói: “Bọn họ - ám chỉ những nhà lãnh đạo KGB - đâu biết rằng một thử nghiệm mới về một thiết bị quân sự tuyệt mật nào đó của phương Tây diễn ra hồi tuần trước thì chỉ tuần sau, hồ sơ chi tiết đã nằm trên bàn làm việc của tôi”. Khi Prévost báo cáo chuyện này về Paris, những nhà lãnh đạo DST lập tức vạch kế hoạch để từng bước, tuyển mộ Petrov làm gián điệp.
Giữa năm 1981, cũng trong một bữa ăn, Prévost lật bài ngửa bằng cách cho Vetrov biết “có khách hàng nước ngoài rất quan tâm đến việc những người Nga đang hoạt động ở quốc gia họ, đã thu thập được những gì trong lĩnh vực quân sự, và họ sẽ trả tiền hậu hĩnh nếu ai cung cấp thông tin cho họ” thì Vetrov trầm ngâm. Theo Prévost, hẳn là trong đầu ông ta đang có một cuộc đấu tranh tư tưởng rất gay gắt. Mãi đến khi bữa ăn kết thúc và lúc Prévost tiễn Vetrov ra cửa, ông ta quay lại rồi nói rằng: “Tôi sẽ suy nghĩ”.
Một tuần sau, Vetrov hẹn gặp Prévost lúc chiều tối nhưng Vetrov đề nghị Prévost tự mình lái xe, địa điểm gặp là một con phố vắng người, có vài trường đại học. Khi Prévost đến thì thấy Vetrov đang lững thững đi bộ trên vỉa hè như một khách nhàn du. Mở cửa xe cho Vetrov vào và vừa ngồi xuống ghế, Vetrov lập tức đưa cho Prévost một cái túi nilon chứa nhiều tờ giấy cùng câu nói: “Chiều mai cũng giờ này, anh trả nó lại cho tôi…”.
Tối hôm ấy, Prévost chụp lại tất cả những tài liệu mà Vetrov đã đưa. Ông ta kể: “Tôi nhận ra một số bản vẽ thiết kế một loại bóng bán dẫn công suất cao với đầy đủ thông số kỹ thuật của Hải quân Pháp, một số khác là công nghệ giảm thiểu sự phản xạ của máy bay trước sóng radar do người Mỹ phát minh… Đến lúc ấy, tôi hiểu rằng điệp viên KGB đã thâm nhập sâu vào các tập đoàn công nghiệp quân sự Pháp, Mỹ”.
Từ đó, cứ 1 hoặc 2 tuần, Prévost và Vetrov lại gặp nhau một lần, vẫn là trong chiếc xe hơi của Prévost với một túi tài liệu nhưng không lần nào Vetrov đề cập đến vấn đề tiền bạc trong lúc ở Paris; lãnh đạo DST đặt cho Vetrov mật danh là Farewell (Thiên đường), còn điệp vụ do Prévost tiến hành được gọi là “Hồ sơ Thiên đường”. Bên cạnh đó, DST cũng quyết định chia sẻ thông tin do Vetrov cung cấp cho Cơ quan tình báo Anh MI.5 và Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA. Thâm ý của DST là với cái tên Farewell thuần Mỹ như thế, nếu có bại lộ thì KGB sẽ cho rằng vụ việc được đạo diễn bởi CIA.
Cũng nhằm giảm bớt nguy cơ bại lộ, DST quyết định rút Prévost ra khỏi cuộc chơi mà thay vào đó, người trực tiếp gặp gỡ Vetrov để nhận tài liệu là Xavier Ameil, kỹ sư chịu trách nhiệm bảo trì mạng lưới điện của Sứ quán Pháp ở Moscow, một công việc vô thưởng vô phạt! Hồ sơ do DST giải mật sau ngày Liên Xô sụp đổ cho thấy sở dĩ họ thay thế Prévost vì ông này không thuộc diện ngoại giao nên nếu bị bắt, Prévost sẽ lãnh án tử hình hoặc tù chung thân với tội danh gián điệp thay vì chỉ bị trục xuất.
Theo Prévost, lần cuối cùng gặp gỡ Vetrov, ông ta cho biết mình phải trở về Pháp rồi đưa cho Vetrov một cái túi, trong đó có 25.500 rúp (tương đương với tiền lương 4 năm làm việc của Vetrov) cùng các quy ước về việc tiếp xúc với người thay thế ông ta là Xavier Ameil. Thoạt đầu, Vetrov từ chối không nhận nhưng trước sự nài nỉ của Prévost, ông ta mới chịu cầm. Prévost kể: “Tôi còn nhớ rõ khi cầm túi tiền, Vetrov đã nói “tôi làm việc này không phải vì tiền mà vì những kẻ bất tài nhưng lại là sếp của tôi”. Vẫn theo Prévost, những tài liệu mật mà Vetrov chuyển cho ông ta đã giúp DST và CIA vô hiệu hóa 422 sĩ quan KGB và 54 điệp viên của các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa hoạt động ở châu Âu và Mỹ. Điều này đã làm chậm lại quá trình hiện đại hóa ngành công nghiệp quân sự của Liên Xô trong nhiều năm.
Khi cuộc chơi kết thúc
Sau khi Prévost về Pháp, những cuộc tiếp xúc giữa Vetrov và người thay thế là Xavier Ameil cũng thưa dần. Rất nhiều lần, Vetrov không đến điểm hẹn như đã quy ước mà nguyên nhân là Vetrov đang có mối bất hòa với cô nhân tình của ông ta, kém ông ta gần 10 tuổi. Lời khai của Vetrov trước tòa sau này cho thấy ông nghi ngờ cô ta ngoại tình.
Tối 27/2/1982, sau khi đã uống khá nhiều rượu, Vetrov và nhân tình cãi nhau dữ dội trong xe hơi, dừng cạnh một đường cao tốc. Trong một giây mất kiểm soát, Vetrov rút dao đâm nhân tình nhiều nhát. Lúc này, một cảnh sát thấy chiếc xe với một người đàn ông và một phụ nữ đỗ lại khá lâu, anh ta nghi ngờ họ quan hệ tình dục nên anh ta tiến đến với ý định ký giấy phạt. Tuy nhiên Vetrov lại cho rằng viên cảnh sát đã biết anh ta giết người nên mở cửa xe lao ra, đâm liên tiếp vào người viên cảnh sát. Được người qua đường đưa đến bệnh viện nhưng sau vài tiếng, viên cảnh sát tử vong vì vết thương quá nặng.
Tháng 9/1982, Vetrov ra tòa rồi nhận bản án 12 năm tù thay vì 20 năm do có sự chiếu cố về quá trình công tác trong cương vị sĩ quan cao cấp của KGB. Mọi chuyện tưởng như đã kết thúc, hoạt động gián điệp của Vetrov cho DST sẽ mãi mãi chìm trong bóng tối nhưng chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà một hôm, quản giáo trại giam khi kiểm duyệt lá thư của Vetrov gửi cho người em ruột, đã đọc được câu “năm 1981, 1982, anh đã từng tham gia một việc động trời, làm rung chuyển cả Liên Xô và cả thế giới…”.
Lá thư của Vetrov nhanh chóng được chuyển cho KGB. Đối chiếu với khoảng thời gian Vetrov phụ trách quản lý hồ sơ các điệp viên KGB hoạt động ở nước ngoài và thời gian những điệp viên này bị bắt, bị trục xuất, bộ phận phản gián của KGB quyết định thẩm tra. Chỉ một thời gian ngắn, Vetrov đã viết bản thú tội, kể lại từng chi tiết về những hoạt động gián điệp cho DST, trong đó ngoài việc cung cấp danh sách những sĩ quan KGB nằm vùng ở nước ngoài cùng những thông tin tình báo do họ thu thập, ông ta còn khiến KGB kinh ngạc khi khai rằng mình chính là người đã vạch trần vai trò gián điệp của Dieter Gerhardt, sĩ quan cao cấp trong Bộ Tư lệnh Hải quân Nam Phi, làm gián điệp cho Liên Xô trong suốt 20 năm mà đến khi Dieter Gerhardt bị Cơ quan Tình báo Nam Phi bắt, KGB vẫn không biết vì sao Dieter Gerhardt bị lộ.
Ngày 23/1/1985, Vetrov bị Toà án tối cao Liên bang Xôviết kết án tử hình vì tội phản quốc. 3 ngày sau ở Paris, Prévost nhận được tin này qua Sứ quán Pháp ở Moscow. Trả lời phỏng vấn của tờ Le Monde nhiều năm sau đó, Prévost nói: “Những đóng góp của Vetrov đã giúp Pháp, Anh, Mỹ và một số nước đồng minh chơi trò tương kế tựu kế. Chúng tôi cung cấp những thông tin giả để Vetrov lồng vào những báo cáo của các điệp viên KGB gửi về Moscow. Vì vậy, một số ngành khoa học kỹ thuật quân sự của Liên Xô đã tụt hậu so với chúng tôi nhiều lần”.
Theo đánh giá của cả DST lẫn CIA, Vetrov “là một trong số rất ít những điệp viên làm việc cho phương Tây, hoạt động rất hữu hiệu trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Ông ta chết không phải vì sai sót nghiệp vụ hay bị phản bội mà là… chết vì tình”.