Harro Schulze-Boysen: Nhà quý tộc Đức trở thành điệp viên Liên Xô

Thứ Năm, 17/08/2023, 09:35

Xuất thân từ tầng lớp thượng lưu trong xã hội, Harro Schulze-Boysen gần gũi với những người cộng sản ngay trong những năm 1930 của thế kỷ trước, khi đang theo học khoa luật ở trường đại học. Thiện cảm của Harro với hệ tư tưởng cánh tả không thay đổi, khi ông bỏ nghề luật sư vào phục vụ tại Bộ Hàng không Đức. Năm 1940, ông đồng ý làm việc cho tình báo Liên Xô với bí danh “Thủ lĩnh”.

Những người bạn cùng chí hướng

Harro Schulze-Boysen sinh ngày 2/9/1909 trong gia đình sĩ quan hải quân chuyên nghiệp  Erich Edgar Schulze. Phần thứ hai trong họ của ông - Boysen - lấy từ họ mẹ là Marie Lousie Boysen. Cha đỡ đầu và ông trẻ của ông là thủy sư đô đốc nổi tiếng Alfred Peter Friedrich von Tirpitz, nhà sáng lập học thuyết hải quân Đức và bạn thân của Hoàng đế Đức Wilhelm II.

Harro Schulze-Boysen: Nhà quý tộc Đức trở thành điệp viên Liên Xô -0
Nhà tình báo Harro Schulze-Boysen.

Harro học Luật và Khoa học chính trị ở  Đại học Freusburg và Đại học Berlin. Ông được tiếp thu một nền học vấn xuất sắc, rất giỏi tiếng Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch,  Hà Lan và bắt đầu học tiếng Nga vào cuối những năm 30. Năm 1932,  Schulze-Boysen cùng bạn ông là Henri Erlander xuất bản tờ tạp chí chống phát xít "Der Herner" ("Đối phương"), vì thế năm 1934 họ bị bắt. Trong tù, cả hai bị tra tấn dã man, Harro sống sót, còn bạn ông bị đánh đến chết.

Harro giả vờ “tự sửa chữa” và bắt đầu sống một cuộc sống thượng lưu. Ông làm quen với  Libertas Viktoria Haas-Heye, con gái của một giáo sư nghệ thuật và nữ bá tước. Lâu đài của họ nằm cạnh trang ấp của Thống chế Hermann Gring, và nữ bá tước thường đến hát cho y nghe. Harro và Libertas tổ chức đám cưới vào ngày 26 tháng 7 năm 1936, và nhận được thư chúc mừng của Hermann Gring.

Nhờ được Hermann Gring bảo trợ, Harro tốt nghiệp trường phi công quan trắc, sau đó vào làm việc tại Bộ Hàng không Đức, trong những hoàn cảnh khác, điều này rất khó xảy ra, bởi quá khứ "thiên tả" của ông có thể bị phát hiện.

Sau khi nhận quân hàm thượng úy dự bị, Harro được phân vào tổ "nghiên cứu báo chí định kỳ hàng không nước ngoài", thực chất là được nhận vào cơ quan tình báo không quân của Đức Quốc xã.

Mặc dù được một nhân vật cao cấp bảo trợ, được bổ nhiệm và có điều kiện sống cuộc sống vương giả, nhưng Harro vẫn không từ bỏ quan điểm chống phát xít của mình. Hành động đầu tiên của ông chống lại chế độ phát xít là báo trước cho sứ quán Liên Xô về trận oanh kích dữ dội xuống thành phố Barcelona năm 1937. Theo yêu cầu của ông, nữ thành viên nhóm chống phát xít do ông thành lập Gizella fon Pollnitz, con gái một nhà ngoại giao cao cấp, đã bỏ vào hòm thư của Đại sứ quán Liên Xô bức thư cảnh báo bằng tiếng Pháp.

Harro Schulze-Boysen: Nhà quý tộc Đức trở thành điệp viên Liên Xô -0
Nhà tình báo Arvid Harnack.

Tham gia nhóm chống phát xít của Schulze-Boysen còn có nhà điêu khắc Kurt Schumacher và vợ, hai vợ chồng Cuckh, nữ diễn viên ba lê Oda Schottmller và một số đại diện của giới trí thức. Họ có chung nỗi căm thù chế độ phát xít.

Một người bạn và chiến hữu thân thiết nhất của Harro Schulze-Boysen là tiến sĩ Arvid Harnack. Đó là một con người xuất chúng. Ông sinh năm 1901 ở Thringen. Bố ông là giáo sư Trường Kỹ thuật cao cấp, bác ông là nhà thần học nổi tiếng. Năm 30 tuổi, Arvid tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ: tiến sĩ triết và tiến sĩ luật. Sau khi nhận được học bổng của quỹ Rockefeller, Arvid vào học Đại học Wisconsin, nơi ông làm quen với Mildred Fish. Chẳng bao lâu, cô trở thành vợ và bạn chiến đấu của ông. Cả Arvid và Mildred đều có quan điểm xã hội chủ nghĩa, là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Đức, và là những người bạn chân thành của Liên Xô.

Harro Schulze-Boysen: Nhà quý tộc Đức trở thành điệp viên Liên Xô -0
Libertas Schulze-Boysen, vợ của Harro Schulze-Boysen.

Bắt đầu hoạt động tình báo

Năm 1932, Harnack đến thăm Liên Xô và năm 1935, ông được cơ quan tình báo Liên Xô tuyển mộ. Như vậy, từ năm 1935, Harnack không chỉ là điệp viên Liên Xô mà còn lãnh đạo một nhóm thông tin viên đông đảo hơn 60 người. Theo đề nghị của cơ quan tình báo Liên Xô, Harnack cắt đứt mọi liên lạc với đảng Cộng sản Đức, gia nhập Đảng Quốc xã và Hội luật sư Quốc xã, thậm chí, ông còn là người lãnh đạo chi hội của hội này tại Bộ Kinh tế.

Schulze-Boysen và Arvid Harnck đã thành lập một mạng lưới điệp viên rộng khắp mà trong lịch sử được gọi là "Dàn đồng ca đỏ" (xin được gọi là "Dàn đồng ca đỏ Berlin” để phân biệt với "Dàn đồng ca đỏ Bỉ”). 

Ngay trước chiến tranh, những thông tin của mạng lưới này đã rất được quan tâm, nhưng khi chiến tranh sắp xảy ra thì chúng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong các báo cáo của Cơ quan tình báo Liên Xô, rất khó phân biệt đâu là tin của Schulze-Boysen (bí danh "Thủ lĩnh") và đâu là tin của Arvid Harnack (bí danh "Thủy thủ Baltic").

Có thể nói, những thông tin của họ giống như tiếng chuông cảnh báo rằng chiến tranh không thể tránh khỏi. Tiếc thay, tiếng chuông đó không được lắng nghe, hoặc được lắng nghe, nhưng bị coi thường.

Harro Schulze-Boysen: Nhà quý tộc Đức trở thành điệp viên Liên Xô -0
Mildred Fish, vợ của Arvid Harnack.

Cựu giám đốc cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên Xô P.M. Fitin nhớ lại rằng ngày 17/7/1941, ông cùng Ủy viên nhân dân Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô báo cáo với Stalin về những thông tin nhận được của "Thủ lĩnh”. Không ngẩng đầu lên, Stalin chỉ nói: "Tôi đã đọc báo cáo của các anh rồi. Thì ra, nước Đức định tấn công Liên Xô ư?... Tác giả của những thông tin này là người như thế nào?". Tôi trả lời: "...một người gần gũi với chúng ta về tư tưởng, làm việc tại Bộ Hàng không Đức và rất thạo tin... Chúng ta không có cơ sở hoài nghi tính chân thực của những thông tin mà anh ta cung cấp". Bước lại bàn làm việc, rồi quay về phía chúng tôi, Stalin nói: "Thông tin giả đấy! Các anh được tự do".

Trước chiến tranh, người ta đã kể và viết khá nhiều về hoạt động của "Dàn đồng ca đỏ Berlin”, về những thông tin họ cung cấp và về phản ứng của Stalin. Nhưng hầu như không ai kể gì về những việc mà Schulze-Boysen, Harnack và các bạn bè của họ đã  làm được sau khi chiến tranh nổ ra và trước khi họ qua đời. Ngay cả trong Từ điển Bách khoa toàn thư “Brockhaus và Efron” của Đức, về mục từ "Dàn đồng ca Đỏ Berlin" các tác giả viết như sau: "Vai trò của nó trong tiến trình và kết quả của chiến tranh không được xác định rõ ràng".

Nhưng không phải như vậy. Schulze-Boysen đã thông báo cho Moskva về những kế hoạch mà Bộ chỉ huy quân sự Đức Quốc xã vạch ra vào mùa thu và mùa đông năm 1941, chẳng hạn, về việc Bộ chỉ huy quân sự Đức không có ý định tấn công Leningrad mà tìm cách bóp chết thành phố này trong vòng cương tỏa. Nhờ ông người ta biết được kế hoạch tấn công vào các khu vực dầu mỏ ở Kavkaz của Bộ chỉ huy quân sự Đức năm 1942. Schulze-Boysen còn thông báo trụ sở đại bản doanh của Hitler, rằng ở Petsamo (Phần Lan), quân Đức đã cướp được mật mã ngoại giao của Liên Xô, và trong những tháng đầu chiến tranh, lực lượng không quân Đức đã tổn thất rất lớn.

Tất cả những thông tin này đã được chuyển về Moskva không phải trực tiếp từ Berlin, mà qua các nhân viên điện đài của "Dàn đồng ca đỏ Bỉ”.

 Vì đường liên lạc bằng điện đài với Berlin bị cắt đứt nên người ta phải gửi đến đây hai điệp viên - nhân viên điện đài trong số các tù binh Đức. Nhưng cả hai đều rơi vào tay Gestapo. Albert Hssler từ chối hợp tác với chúng, còn Robert Dart đồng ý.

Harro Schulze-Boysen: Nhà quý tộc Đức trở thành điệp viên Liên Xô -0
Thống chế Hermann Gring.

Trả giá đắt

Vòng vây bao quanh "Dàn đồng ca đỏ Berlin" bị thắt chặt, và Gestapo đã lần ra dấu vết của Schulze-Boysen. Biết thông tin qua một người bạn trẻ, điện báo viên vô tuyến, ông muốn thông báo cho các đồng chí của mình, nhưng không kịp. Ngày 31/8/1942, Schulze-Boysen bị bắt ngay trong phòng làm việc của mình. Ngồi thay vào chỗ của ông là một sĩ quan Gestapo, y ghi lại tất cả những số điện thoại gọi đến. Chẳng bao lâu, Gestapo đã có trong tay danh sách những mối liên lạc của Schulze-Boysen.

Bắt đầu những vụ bắt bớ hàng loạt. Đến cuối tháng 9, chỉ riêng ở Berlin đã có gần 70 người bị bắt và đến cuối tháng 11, hơn 100 người.

Sau khi nghe Himmler báo cáo về “Dàn đồng ca Đỏ Berlin”, Hitler nổi cơn thịnh nộ: “Nếu không có lũ gián điệp Nga này, chúng ta đã đánh bại quân đội của chúng từ lâu… Những kẻ chủ mưu này sẽ phải trả giá đắt vì đã đâm sau lưng quân đội Đức".

Các cuộc thẩm vấn những người bị bắt diễn ra theo một chế độ đặc biệt, họ bị tra tấn và đánh đập dã man. Cũng như các chiến sĩ chống phát xít khác Schulze-Boysen đã tỏ ra rất dũng cảm, thậm chí vào các buổi sáng ông vẫn tập thể dục.

Khi phát biểu lời cuối cùng, các bị cáo tuyên bố rằng họ hành động một cách tự giác, vì lợi ích của nước Đức. Phần lớn họ bị kết án tử hình: 31 đàn ông bị treo cổ, 18 phụ nữ lên máy chém. 7 người tự sát trong quá trình điều tra, 7 người bị đưa vào trại tập trung, 25 người bị đưa đi lao động khổ sai, 8 người bị đưa ra mặt trận, một số người bị bắn.

Schulze-Boysen cùng với vợ là Libertas và Arvid Harnack bị kết án tử hình ngay tức khắc, còn vợ của Harnack là Mildred cùng Erika von Brockdorff, một thành viên của tổ chức “Dàn đồng ca Đỏ Berlin” bị kết án tù. Biết tin đó, Hitler nổi cơn thịnh nộ, y đòi xem xét lại bản án. Cuối cùng, Mildred và Erika cũng bị tử hình.

Trong nhà tù Pltzensee, nơi diễn ra các vụ hành quyết này, hiện còn lưu giữ bản sao tờ biên bản viết rằng lưỡi dao máy chém rơi xuống chính xác ba phút một lần. Nhưng các tờ hóa đơn được chuyển cho thân nhân của những người bị hành quyết mới thật kinh ngạc: “Tiền đưa phạm nhân đến nơi hành quyết...”, “Tiền dây treo cổ…”, “Tiền thù lao cho đao phủ…”, “Tiền dọn dẹp trường bắn”... Các khoản tiền đã được thanh toán!

Năm 1969, nhà nước Liên Xô đã trao tặng huân chương và huy chương cho 32 thành viên của phong trào kháng chiến và đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Đức. 29 người trong số đó được truy tặng. Trong số những người được truy tặng có Harro Schulze-Boysen, Arvid Harnack và 15 người nữa trong các nhóm của họ.

Trần Đình (Tổng hợp)
.
.
.