Francis Foley: Vị bồ tát của thời kỳ diệt chủng

Thứ Sáu, 07/07/2023, 09:03

Trong thời gian làm việc tai Đại sứ quán Anh ở Berlin, Francis Edward Foley, sĩ quan Cục Tình báo mật (MI.6) đã giúp hơn 10.000 người Do Thái thuộc các thành phần khác nhau, từ giáo sư đến người bình thường, rời khỏi Đức Quốc xã và lôi kéo nhiều gián điệp Đức về phía Anh.

Sau chiến tranh, điệp viên MI.6 Francis Foley đã phát hiện ra một mạng lưới tân phát xít ở Đức. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chiến công thầm lặng nhưng vĩ đại của ông.

Vào một buổi sáng tháng 4/1938, nhà luyện kim Áo Paul Rosbaud đến Đại sứ quán Anh ở Berlin. Ông muốn xin thị thực cho bà vợ người Do Thái và cô con gái của mình để cứu họ thoát khỏi bọn Đức Quốc xã. Nhân viên làm hộ chiếu Francis Foley hứa sẽ giúp đỡ -  Rosbaud biết Francis Foley làm việc tại Đại sứ quán Anh dưới vỏ bọc, thực ra ông phục vụ trong cơ quan tình báo Anh.

Francis Foley: Vị bồ tát của thời kỳ diệt chủng -0
Francis Edward Foley.

Một thời gian sau, vợ và con gái của Rosbaud quả thực đã đến được London. Bản thân nhà khoa học vẫn ở lại Đức và tràn đầy quyết tâm chống lại chế độ quốc xã. Trong Thế chiến II, ông đã cung cấp nhiều thông tin về chương trình hạt nhân của Đức cho các cơ quan tình báo Anh. Về phần Foley, bà Rosbaud là một trong số hàng nghìn người Do Thái được ông giúp chạy khỏi chế độ Đức Quốc xã.

Francis Edward Foley sinh năm 1884 trong gia đình một công nhân đường sắt người Anh. Hồi trẻ, ông dự định trở thành linh mục, sau đó - chuyên gia về thời cổ đại, nhưng Thế chiến I đã thay đổi kế hoạch của Foley, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia tại Sandhurst và ít lâu sau gia nhập Trung đoàn bộ binh Hertfordshire. Tháng 9/1917, Foley bị thương nặng. Sau sáu tuần điều trị tại bệnh viện, rõ ràng, sức khỏe không cho phép ông ra tiền tuyến nữa. Lúc bấy giờ, là người rất giỏi tiếng Đức và tiếng Pháp, Foley gia nhập quân đoàn tình báo quân đội Anh và nhanh chóng được  Cục Tình báo mật (MI.6) tuyển mộ. Đầu những năm 1920, ông được cử sang làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Berlin dưới vỏ bọc ngoại giao.

 Trước năm 1933, Foley chủ yếu tham gia thu thập thông tin về những người Đức hợp tác với Đảng Bolshevik và theo dõi hoạt động của các nhân viên tình báo Liên Xô ở Berlin. Khi bọn Đức Quốc xã lên cầm quyền, ông được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về các công trình quân sự của Đức.

Foley và vợ, Kay, thuê một căn hộ ở Wilmersdorf, khu vực có nhiều người Do Thái thuộc tầng lớp trung lưu sinh sống. Chứng kiến "Binh đoàn bão táp" (Sturmabteilung) của Đảng Quốc xã đàn áp dã man người Do Thái, ông kinh hoàng trước tình cảnh tuyệt vọng mà người Do Thái bị chính quyền đẩy vào.

Francis Foley: Vị bồ tát của thời kỳ diệt chủng -0
Chiếc tàu chở những người Do Thái rời khỏi Đức Quốc xã.

Năm 1935, sau khi Luật Nuremberg được thông qua, số người Do Thái tìm cách rời khỏi nước Đức tăng lên đột ngột. Hàng nghìn đơn xin phép vào Vương quốc Anh hoặc Palestine dưới quyền ủy trị của Anh được đặt trên bàn làm việc của Foley. Trong khi đó, số lượng cho phép rất hạn chế: người Anh cố gắng không đối đầu với Đức Quốc xã lẫn người Palestine. Foley có thể thẳng thừng từ chối - xét cho cùng, đây là quyết định của chính phủ Anh. Nhưng thay vào đó, ông đã sử dụng mọi cơ sở pháp lý có thể và những kẽ hở trong các quy định nhập cư của Anh để tạo cơ hội cho người Do Thái có được thị thực rời khỏi Đức. Thậm chí Foley giấu những người Do Thái trong nhà mình và sử dụng các kỹ năng và quan hệ của mình để giúp họ có được hộ chiếu và thị thực.

Chẳng hạn, theo lệnh của chính quyền Anh, để được định cư tại Palestine, một người phải trả 1.000 bảng Anh. Vào thời điểm đó, đây là một khoản tiền lớn, nằm ngoài tầm với của nhiều người Do Thái, bởi tiền tiết kiệm ngân hàng và các tài sản khác của họ đã bị chính quyền Đức Quốc xã đóng băng. Elisheva Lernau, một phụ nữ Do Thái, chỉ có thể trả 10 bảng Anh, nhưng Foley đã cấp cho bà thị thực đến Palestine, ông chỉ ghi chú rằng 990 bảng còn lại sẽ được trả ngay khi Lernau đến cảng Haifa. Hoặc Foley cho phép nhập cảnh trên cơ sở giấy cam đoan của người thân rằng tiền sẽ được trả sau khi đương sự rời khỏi biên giới nước Đức. Tổng cộng, Foley đã cấp khoảng 10.000 thị thực và hộ chiếu.

 “Những người Do Thái định chạy khỏi nước Đức xếp hàng dài bên ngoài lãnh sự quán Anh, hy vọng sẽ được cấp hộ chiếu hoặc thị thực, - bà Kay, vợ của Foley, nhớ lại. Ngày này sang ngày khác, chúng tôi thấy họ bám vào các bức tường của hành lang, chờ đến lượt mình. Một số người nổi cơn bực bội. Nhiều người đã khóc. Đối với họ, kết luận "có" hoặc "không" của Francis có nghĩa là bắt đầu một cuộc sống mới hoặc con đường dẫn đến trại tập trung. Francis và các trợ lý của anh ấy đã làm việc không ngừng nghỉ từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm để giải quyết hết số đơn mà họ có thể".

Tháng 11/1938, sau sự kiện “Đêm thủy tinh” (Kristallnacht) ở Đức, 20.000 đàn ông Do Thái đã bị bắt và đưa đến các trại tập trung. Tháng 1/1939, người đứng đầu cơ quan an ninh của Đệ tam Đế chế, Reinhard Heydrich, đã ra lệnh thả các tù nhân Do Thái khỏi các trại tập trung, nếu họ có giấy tờ nhập cư. Foley đã lợi dụng cơ hội này: với tư cách nhân viên của Đại sứ quán Anh, ông đến thăm các trại tập trung của Đức và đưa ra khỏi đó những người nằm dưới sự bảo vệ của nước Anh. Làm điều đó, Foley đã mạo hiểm mạng sống của mình và những người thân trong gia đình: ông không có tư cách ưu đãi và miễn trừ ngoại giao.

Ngày 25/8/1939, một tuần trước khi Thế chiến II bùng nổ, Francis Foley được lệnh rời nước Đức. Ông đến Oslo để thành lập chi nhánh tình báo của MI.6 - và từ đấy lãnh đạo các điệp viên  Anh ở lại Đệ tam Đế chế. Ngày 7/4/1940, Foley nhận được thông tin về kế hoạch tấn công Na Uy của Đức. Ông đã giúp bộ chỉ huy quân đội Na Uy liên lạc với Vương quốc Anh để thỏa thuận về việc viện trợ quân sự. Tuy nhiên, Đức Quốc xã đã sớm phá vỡ được sự kháng cự của quân đội Na Uy. Ngày 1/5, Foley được hạm đội Anh sơ tán từ Na Uy về London.

Francis Foley: Vị bồ tát của thời kỳ diệt chủng -0
Một gia đình Do Thái được Foley cấp thị thực đến Anh.

Tháng 5/1941, Francis Foley được giao nhiệm vụ thẩm vấn phó lãnh tụ Rudolf Hess, thành viên hàng đầu của đảng Quốc xã. Vì lý do nào đó y đã một mình lái máy bay vượt qua eo biển La Manche và hạ cánh xuống Scotland. Chuyến bay kỳ lạ này đã kết thúc sự nghiệp chính trị của Hess. Foley đã "làm việc" với Hess suốt 10 tháng, nhưng không thuyết phục được y giải thích lý do của chuyến bay hoặc thu được thông tin nào có giá trị. Vợ của Foley nói rằng chồng bà đôi khi thậm chí còn ăn tối với Hess, tìm cách lấy lòng y. Kết quả thu được ngược lại: y rơi vào hoảng loạn vì sợ các cơ quan tình báo giết. Bà Kay nói: “Hess nghi thức ăn của mình bị nhiễm độc. Thế là Francis đổi đĩa cho y và uống cạn ly rượu vang của y. Francis tin chắc rằng y bị điên”. Về sau, tại Tòa án Nuremberg, Hess bị kết án tù chung thân về tội ác chống lại hòa bình và bị chuyển tới nhà tù Spandau. Năm 1987, y  tự tử ở tuổi 93.

Tháng 6/1942, Foley tham gia chiến dịch tìm kiếm và thuyết phục gián điệp Đức hoạt động chống lại Đức Quốc xã. Kết quả là Foley đã làm việc với Johann Jebsen, một sĩ quan cấp cao của Abwehr, cơ quan tình báo quân sự và phản gián của Đệ tam Đế chế. Ngày 10/11/1943, Foley gặp Johann Jebsen ở Lisbon và nhận được rất nhiều thông tin về mạng lưới gián điệp của Đệ tam Đế chế cũng như tình hình nội bộ ở Đức.

Theo kế hoạch, Foley sẽ giúp Jebsen sơ tán đến Anh, nhưng ban lãnh đạo MI.6 cho rằng kế hoạch này quá mạo hiểm. Tháng 4/1944, Jebsen bị phản gián Đức bắt cóc ở Bồ Đào Nha và trục xuất về nước. Sau khi thẩm vấn, ông ta bị giải đến trại tập trung Oranienburg. Sự biến mất của Jebsen là một thất bại lớn đối với quân Đồng minh: Jebsen biết tên của các điệp viên hai mang khác được coi là cung cấp cho quân Đức thông tin đánh lạc hướng kế hoạch đổ bộ ở Normandy. Tuy nhiên, Jebsen không tố giác ai và về sau ông ta bị giết trong trại tập trung Sachsenhausen.

Vào cuối Thế chiến II, Foley phụ trách bộ phận đặc biệt của MI.6 chuyên săn lùng các cựu thành viên của lực lượng vũ trang SS. Năm 1946, dưới sự lãnh đạo của ông, các cơ quan tình báo Anh đã tiến hành chiến dịch “Vườn ươm SS”: Phát hiện và bắt giữ các cựu thành viên Đoàn thanh niên Hitler và Liên đoàn các cô gái Đức, những kẻ lên kế hoạch khôi phục chế độ Đức Quốc xã ở Đức.

Năm 1949, Foley nghỉ hưu và cùng với vợ định cư ở một thị trấn tỉnh lẻ. Ông qua đời năm 1958 ở tuổi 73. Ông ra đi gần như lặng lẽ - chỉ một vài lá thư cảm ơn của những người được ông cứu sống đăng trên tờ “The Daily Telegraph”. Chiến công của Foley chỉ được biết đến sau khi ông qua đời. Nhiều thập kỷ sau, năm 1999, nhà báo Michael Smith của “The Daily Telegraph” đã xuất bản cuốn sách “Francis Foley: điệp viên đã cứu 10.000 người Do Thái”, dựa trên lời khai của những người đã được ông cứu sống và tài liệu cá nhân của nhà tình báo. Cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của dư luận tới tên tuổi người điệp viên mật này. Cùng năm đó, Trung tâm tưởng niệm các nạn nhân của Holocaust “Yad Vashem” đã công nhận Francis Foley là vị Thánh của các dân tộc trên thế giới.

Dần dần, chiến công của nhà tình báo đã được chính quyền Anh công nhận. Cuối năm 2004, một tấm biển lưu niệm dành cho Foley đã được gắn tại tòa nhà của Đại sứ quán Anh ở Berlin. Năm 2007, người Anh quyết định làm một bộ phim nghệ thuật về Foley và đề nghị Cục Tình báo mật  MI.6 cung cấp các tài liệu liên quan đến ông, nhưng cơ quan này từ chối. Vậy là bộ phim về James Bond của thời đại Holocaust không được ra mắt. Tuy nhiên, năm 2018, tại Stourbridge, nơi Foley đã sống những năm cuối đời, tượng đài Foley đã được khánh thành để vinh danh ông. Cùng năm đó, một bức tượng bán thân của Foley đã được dựng tại trụ sở của MI.6 ở London.

Kim Thanh Hằng (Tổng hợp)
.
.
.