Điệp viên Mỹ đầu hàng Đức Quốc xã
Sau khi hoàn thành Liên minh 1(U1) và hộ tống phi công Simon trở về Anh an toàn, Ortiz lại tất tả bắt tay vào Liên minh 2 (U2), đó là một nhiệm vụ xâm nhập bí mật vào lãnh thổ Pháp. Vào ngày 14/6, Ortiz ghé trụ sở OSS tại trung tâm London. OSS đã đồng tình và sắp xếp để trao cho Ortiz một Huân chương thập tự hải quân đầu tiên vì đã có công trong việc tổ chức và huấn luyện Maquisard Lực lượng kháng chiến Pháp cũng như đã chiến đấu với quân Đức và giải cứu các phi công Đồng Minh bị bắn rơi (trong đó có phi công Simon).
Cả OSS và SOE đều không ngần ngại bật đèn xanh cho U2 của Ortiz, dự định nó sẽ trùng với việc quân Đồng Minh đổ bộ lên đất Pháp trong những tháng tới. Ortiz đã tập hợp đội hình của mình gồm một sĩ quan tên là Francis L. Coolidge từ một cộng đồng người Mỹ nhỏ bé (những người này từng phục vụ trong Binh đoàn lê dương Pháp ở Bắc Phi) và 5 hạ sĩ quan khác từ lực lượng nhảy dù Thủy quân, tất cả cùng tình cờ ở Anh.
Ngày 1 tháng 8 là ngày Ortiz quay lại Pháp, một ngày lý tưởng để bay. Gầm lên với tốc độ 150 hải lý/giờ và bay ở độ cao 121,9m trên mặt đất, 78 chiếc oanh tạc cơ B-17 của Mỹ đã thả 864 thùng hàng tiếp tế (cùng với Ortiz và 6 đồng đội của mình) trực chỉ một cao nguyên gần đèo Col des Saisies ở Savoie.
Dù được khuyến khích bởi lượng đồ tiếp tế khổng lồ nhưng những người kháng chiến Pháp đang chờ đợi trên mặt đất đã thất kinh khi Trung sĩ Charles L. Perry đã tiếp đất mạnh, nằm bất động dưới chân họ. Khi đó cả quân kháng chiến Pháp và người Mỹ đều bất đắc dĩ hiện diện tại đám tang của Perry. Thay vì chôn cất vội vàng đồng đội rồi nhanh chóng rời đi thì những người lính đứng cạnh một nấm mồ tươm tất được chất đầy hoa cùng một cây thánh giá dài 1,2m.
Sau đám tang, Ortiz và các đồng đội mới để ý đến hoàn cảnh của họ. Đã 2 tháng trôi qua kể từ lần đổ bộ D-Day đầu tiên ở Normandy, dù không chiếm được Paris nhưng quân Đồng Minh đã đẩy lùi được quân Đức ra bờ biển. Sự giải phóng chỉ còn là vấn đề thời gian; người Pháp (gồm cả phụ nữ) ùn ùn kéo tới quân kháng chiến. Một số người Pháp và thậm chí cả du kích Mỹ hăng hái lao vào chiến đấu.
Ortiz. và người của ông đã huấn luyện và trang bị cho lực lượng kháng chiến Pháp trước khi thực hiện những hoạt động tuần tra do thám nhằm lập danh mục những điểm mạnh của quân Đức và triển vọng tấn công. Chỉ đến ngày 12 tháng 8, Ortiz mới kết luận rằng: “Thời khắc chiến đấu đã đến!”. Quân kháng chiến dường như có thể đẩy bọn Đức ra khỏi các thung lũng núi.
Trong khi một máy bay trinh sát Đức lượn vòng trên cao, Ortiz và các đồng đội đã tiến vào thôn Montgirod để ăn bữa trưa với bánh mì, phô mai và thịt thỏ, trong khi 200 chiến sĩ kháng chiến ở gần đó. Ngay sau đó đạn súng cối bắt đầu rền vang làm 4 bị thương 4 du kích, 2 người trong số đó thương tích nặng hơn và không thể di chuyển. Họ nghĩ đến việc nương náu an toàn trong một nhà thờ cạnh bên.
Ortiz dừng bữa trưa để đến vùng đồi cạnh đó, ở độ cao 242m, họ thấy lửa cháy sáng trời đêm ở Montgirod. Họ nhanh chóng nắm tin rằng bọn Đức đã hành quyết những lính du kích bị thương, tàn phá nhà thờ và đốt cháy thôn xóm, quang cảnh khiến người ta gợi lại ký ức đau thương về vụ thảm sát tháng 7 ở Vassieux-en-Vercors khi những tên lính Không quân Đức đã giết hại 72 người Pháp và thiêu cháy thị trấn ra tro.
Bị quân Đồng minh tấn công liên tục và lo sợ rơi vào các trận phục kích ven đường, bọn Đức giờ đây hành xử như những con thú cùng đường, đặc biệt là khi cảm thấy bị khiêu khích bởi quân kháng chiến Pháp và lính biệt kích Đồng minh. (Lệnh biệt kích của Adolf Hitler vào tháng 10 năm 1942 ra chỉ thị rằng các thành viên của lực lượng đột kích và trinh sát sẽ bị xử tử ngay lập tức nếu vẫn còn mặc quân phục và đang có ý đồ đầu hàng). Chiến dịch Dragoon, cuộc xâm lược của quân Đồng Minh vào Provence vào ngày 15 tháng 8 càng gây căng thẳng ở miền Nam, nó khiến Ortiz gặp rủi ro cao khi hành quân vào ngày 16 tháng 8. “Pete (tên gọi của Ortiz), chúng ta đã bị chúng (lính Đức) nhìn thấy!”, tiếng Coolidge hét lên khi cả đám cẩn thận di chuyển xuôi một con đường ra khỏi ngôi làng Centron về phía Montgirod nằm cách đó vài dặm.
Ortiz hét lên và bắn trả để tìm chỗ nấp. Tiếng súng vang lên từ đoàn xe Đức, khoảng 200 chiếc đang chạy rầm rập trên xa lộ quốc gia cắt ngang con đường. Súng trường và súng máy bắn dữ dội khiến Ortiz không còn lựa chọn nào khác là quay lại làng Centron, nơi chỉ còn một cụm nhà dân và một nhà thờ.
Trong lúc rối bời, cả đội chia làm 2. Ortiz đề nghị các đồng đội bắn nhanh nhất có thể. Quân Đức xộc lên và bao vây ngôi làng. Ortiz nghe rõ tiếng dân thường vật nài ông đừng tiến lên nữa bởi lo sợ lại xảy ra thêm một vụ thảm sát như ở Vassieux. Sau này Ortiz xúc động kể: “Tôi cảm nhận sâu sắc trách nhiệm của mình đối với sinh mệnh dân thường”. Không chút do dự, Ortiz đã quyết định đầu hàng để giải thoát cho dân thường. Ông nghĩ rằng kế tiếp mình sẽ bị tra tấn và thậm chí bị giết hại trong bàn tay quân thù.
Trong khi né đạn quân Đức, Ortiz giải thích cho các đồng đội trốn đi để mình đương cự, nhưng cả hai cười và thề “quyết tử”. Nghĩ rằng cuộc đời đã kết thúc, Ortiz chộp lấy một tờ giấy trắng của người làng và tiến về phía bọn Đức hét lên bằng 3 thứ tiếng Đức, Anh và Pháp với ngụ ý đầu hàng. Lúc đầu bọn Đức tiếp tục bắn, đạn cày xới đất tung bụi mù mịt trước mặt Ortiz, sau đó chậm lại rồi ngừng hẳn.
Chuyện kể rằng một tay thiếu tá Đức tên là Johann Kolb đã mời Ortiz 1 điếu thuốc, ông từ chối và tự hút thuốc lá của mình. Ortiz đề nghị được đầu hàng và yêu cầu không được làm hại đến người của mình và dân làng Centron. Ortiz hét lớn yêu cầu Risler và Bodnar ra ngoài. Tưởng rằng mình đang chiến đấu với một trung đội từ 40 đến 50 binh sĩ, nhưng bọn Đức đã hết sức tức giận và kinh ngạc tại sao nhóm nhỏ của Ortiz lại có hỏa lực mạnh dữ vậy?
Tuy vậy, Kolb đã giữ lời: người làng Centron được cứu sống; trong khi Ortiz, Risler, Bodnar cùng một người Pháp đóng giả lính thủy đánh bộ đã bị giam. Người Đức biết rất nhiều về 2 tuần của U2, nhưng lại không kết nối Ortiz với U1. Kolb đã bảo vệ các tù nhân khỏi tay SS cùng những đối xử hà khắc mà các tù nhân Đức Quốc xã đã gặp phải. Kolb đã di lý các tù nhân tới giam ở một loạt các trại tù chiến tranh ở Bắc Đức, nơi họ được đối xử nhân đạo hơn. Tới tháng 4 năm 1945, lính Anh đã giải phóng các trại tù này, còn các cựu lính thủy được hồi hương.
Hollywood đón nhận Ortiz vào những năm sau chiến tranh. Ông làm việc trong vai trò cố vấn kỹ thuật cho bộ phim gián điệp thời Thế chiến II mang tựa đề “13 Rue Madeleine” công chiếu năm 1947 có sự thủ vai của James Cagney. Bộ phim “Chiến dịch mật” công chiếu năm 1952 cũng lấy cảm hứng từ chiến công của Ortiz.
Trong khi nổi tiếng bởi nhiều bộ phim lấy từ cuộc đời thực của mình thì Ortiz trái lại là người không thích đứng trước máy quay phim, cũng như không quan tâm tới những bài báo giật tít về cuộc đời mình. Ông không trở thành siêu sao cũng như không có khoản lương ổn định. Giữa lúc đóng các vai trò trong những bộ phim, Ortiz đã đi khắp Bắc Mỹ trong một ngôi nhà cơ động và 2 lần đến Mexico với bà xã Jean và cậu con trai Pete Jr.
Trong các chuyến đi, Ortiz dạy triết học và gây quỹ cho các trại trẻ mồ côi và sơ cấp cứu cho các nạn nhân vùng bão. Năm 1947, Ortiz quay lại châu Âu trong một nhiệm vụ gián điệp bí ẩn. Tháng 10 năm 1985, sau khi được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối, Ortiz viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ là ông George Shultz (giai đoạn tại nhiệm 1982-1989) đề nghị chính phủ Mỹ giao mình cho các phần tử Hồi giáo cực đoan để đổi lại là phóng thích các con tin vô tội. Lời đề nghị này cũng bị từ chối. 3 năm sau đó, Ortiz được an giấc ngàn thu tại Nghĩa trang quốc gia Arlington, cùng với 2 đồng đội cũ là Risler và Bodnar.