Cuộc vượt ngục kinh hoàng từ trại tử thần Sobibor

Thứ Hai, 17/07/2023, 10:30

Trại tử thần Sobibor của Đức Quốc xã được thành lập ở phía đông nam Ba Lan vào mùa xuân năm 1942 như một phần của chương trình tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu. Trại tồn tại chỉ chưa đầy một năm rưỡi, nhưng trong thời gian này có khoảng 250.000 người Do Thái từ Ba Lan và các nước châu Âu khác đã bị sát hại tại nơi này.

“Cỗ máy” giết người

Phương thức giết người của trại cực kỳ đơn giản - một tuyến đường sắt nhỏ chở tù nhân đến khu trại Sobibor ở trong rừng. Ngay lập tức họ được gửi đến nơi được gọi là “nhà tắm”, thực chất là một phòng hơi ngạt, tại đây những người mới đến sẽ bị giết trong vòng 15 phút. Sau đó, số tù nhân còn sống sẽ mang các thi thể đi chôn dưới một con mương đặc biệt ở gần trại.

Cuộc vượt ngục kinh hoàng từ trại tử thần Sobibor -0
Tuyến đường sắt chạy tới khu vực trại tử thần Sobibor.

Ngoài những người bị giết ngay lập tức, còn có khoảng 500 tù nhân khác được giữ lại làm những công việc thông thường bên trong trại. Trên thực tế, “băng tải tử thần” được phục vụ bởi những người sẽ sớm trở thành nạn nhân của chính nó. Theo đánh giá của quân phát xít, cách làm này có lợi hơn về mặt kinh tế. Trại được bảo vệ bởi những tên lính SS và các thành viên của đội cộng tác có vũ trang. Tại Sobibor, những người này phần lớn là người Ukraine, đặc biệt là trong số đó có tên Ivan Demjanjuk khét tiếng tàn bạo.

Trong thời gian trại tử thần này tồn tại, có một số nỗ lực để vượt ngục đã được thực hiện, nhưng hầu như tất cả đều thất bại. Cho đến mùa thu năm 1943, tình hình đã thay đổi khi một nhóm tù nhân chiến tranh người Do Thái của Liên Xô, trong đó có Alexandr Pechersky bị chuyển đến Sobibor.

Cuộc vượt ngục kinh hoàng từ trại tử thần Sobibor -0
Đài tưởng niệm tại khu vực của trại Sobibor trước đây.

Kế hoạch trốn trại của trung úy Pechersky

Alexandr Aronovich Pechersky sinh năm 1909 trong một gia đình Do Thái ở Kremenchug. Cha của ông là luật sư. Năm 1915, gia đình chuyển đến Rostov-on-Don, nơi Alexandr sẽ sống phần lớn cuộc đời. Sau giờ học, chàng trai làm thợ tiện tại một nhà máy. Sau khi tốt nghiệp đại học ngay trước chiến tranh, Alexandr trở thành người lãnh đạo nhóm nghệ thuật nghiệp dư.

Ngày 22/6/1941, Alexandr Pechersky 32 tuổi được gọi nhập ngũ. Vì có trình độ đại học nên anh được phong quân hàm thiếu úy, sau đó được chứng nhận là kỹ thuật viên quân sự hạng 2, tương đương với cấp bậc trung úy. Anh đã chiến đấu gần Smolensk trong hàng ngũ của trung đoàn pháo binh số 596 của quân đoàn 19. Đơn vị của Alexandr đã bị bao vây ở gần Vyazma. Sĩ quan quân đội Pechersky đã cùng với những người lính khác đã cứu chính ủy trung đoàn ra khỏi vòng vây. Họ đã lang thang trong đầm lầy suốt một thời gian dài, cả nhóm đã giao tranh với kẻ thù cho đến khi hết đạn và rơi vào tay địch.

Trung úy Pechersky bị chuyển từ trại này sang trại khác vì anh không muốn phục tùng và không từ bỏ kế hoạch bỏ trốn. Quân Đức đã không phát hiện ra ngay rằng Pechersky là người Do Thái. Sau khi phát hiện ra điều này, ngay lập tức chúng chuyển Pechersky đến trại Sobibor để tiêu diệt. Ngày 23/9/1943, đợt tù binh đầu tiên của Liên Xô đã đến Sobibor. Trong số 600 người đã có khoảng 520 người đã bị hành quyết ngay lập tức. 80 người được chọn làm những công việc thông thường, trong số này có Pechersky sau khi được một người bạn thuyết phục tự nhận mình là thợ mộc.

Trung úy Pechersky không hề ảo tưởng về sự may mắn của mình. Anh hiểu rõ rằng, những ai chưa bị giết ngay thì sau đó không lâu cũng sẽ bị sát hại. Và anh quyết định sử dụng thời gian được sống sót để cố gắng quyết chiến với Đức Quốc xã trong một trận chiến cuối cùng. Vào thời điểm đó, có một nhóm hoạt động ngầm đã tồn tại ở Sobibor do Leon Feldhendler đứng đầu.

Tuy nhiên, những công dân thuần túy tham gia nhóm lại thiếu kinh nghiệm và sự quyết tâm. Vì thế, họ tin tưởng dành sự lãnh đạo cho Alexandr Pechersky. Trung úy Pechersky đã đề nghị từ bỏ ý định trốn thoát đơn lẻ mà thực hiện một cuộc nổi dậy. Pechersky nhấn mạnh rằng tất cả mọi người nên bỏ trốn, vì bất luận thế nào quân Đức cũng sẽ giết những người còn lại. Pechersky cũng thẳng thắn nói rằng nhiều người sẽ chết, nhưng một số sẽ có cơ hội trốn thoát. Hầu hết các tù nhân đều ủng hộ kế hoạch của Trung úy Pechersky.

Cuộc vượt ngục kinh hoàng từ trại tử thần Sobibor -0
Trung úy A.Perchersky, người tổ chức cuộc vượt ngục.

Kế hoạch của Pechersky như sau: những người nổi dậy phải giết ban lãnh đạo trại và đơn vị lính canh, thu giữ vũ khí và thoát ra ngoài. Nhưng làm cách nào để có thể thực hiện được điều này?

Vào ngày đã định là 14/10/1943, quân Đức Quốc xã bắt đầu dụ từng người một đến xưởng với những cái cớ hợp lý như thử đồng phục. Tại đây, họ đã bị bóp cổ hoặc bị giết bằng những nhát rìu. Pechersky giao nhiệm vụ cho các đồng đội của mình là các tù nhân chiến tranh- những người có kỹ năng chiến đấu tay đôi nên sẽ dễ dàng đối phó với lính canh hơn.

Pechersky chỉ ở lại trại trong ba tuần, nhưng ý chí và quyết tâm của anh đã giúp biến các tù nhân thành một biệt đội có khả năng hành động thành thục và rõ ràng. Vào ngày 14/10, quân nổi dậy đã thanh toán 11 lính SS và cả đội cảnh sát Ukraine gần như án binh bất động. Tuy nhiên, sau đó những tên lính canh sống sót đã gióng chuông báo động.

Từ lúc đó, các tù nhân của Sobibor đã tạo ra bước đột phá. Một khẩu súng máy nhả đạn từ tòa tháp. Các tù nhân chiến tranh đã thu giữ vũ khí, tham gia giao chiến với lính canh. Mọi người lao đến hàng rào thép gai, dùng cả cơ thể để phá rào. Có những người nổi dậy đã bị chết dưới làn đạn, bị nổ tung trong bãi mìn xung quanh trại, nhưng không gì có thể ngăn cản họ. Sau khi phá cổng, nhiều người tìm cách thoát ra ngoài.

Trong số 550 tù nhân ở trong trại có 130 người không tham gia nổi dậy, có những người bị ốm hoặc thể lực bị suy kiệt không thể tham gia chiến đấu. Cũng có người hy vọng rằng sự phục tùng tuyệt đối sẽ giúp họ được sống sót. Nhưng điều này đã không xảy ra. Vào ngày hôm sau bọn Đức đã điên cuồng bắn chết tất cả những tù nhân còn lại trong trại. Có khoảng 80 người khác đã chết ở Sobibor trong thời gian xảy ra giao chiến. Hơn 300 tù nhân đã được tự do. Trong hai tuần tiếp theo, những người chạy trốn đã bị cuốn vào một cuộc săn đuổi thực sự. Có khoảng 170 người đã bị Đức Quốc xã phát hiện và tiêu diệt.

Sau khi bỏ trốn, số phận của nhiều người đã được quyết định bởi sự lựa chọn mà họ đưa ra sau đó - hoặc là đi theo Trung úy Pechersky, người đã kêu gọi họ rời khỏi Ba Lan đến Belarus hoặc lẩn trốn ở Ba Lan.

Hầu hết những người rời đi cùng với Trung úy Pechersky (chủ yếu là những tù nhân chiến tranh của Liên Xô) đã trốn thoát. Phần lớn những người ở lại Ba Lan đã chết. Tuy vậy, nhiều người bị chết không phải dưới bàn tay của Đức Quốc xã, mà bởi bàn tay người Ba Lan. Có khoảng 90 tù nhân của Sobibor, những người đã trốn thoát khỏi các cuộc săn lùng của Đức Quốc xã lại trở thành nạn nhân của những kẻ tay sai, cũng như của những thường dân địa phương bài Do Thái.

Cuộc vượt ngục kinh hoàng từ trại tử thần Sobibor -0
Tượng đài tại Sobibor ngày nay.

Công trạng bị lãng quên

Người Đức đã rất tức giận với cuộc nổi dậy ở Sobibor. Sau đó trại này đã nhanh chóng bị phá hủy, tại địa điểm  xảy ra vụ thảm sát đất bị cày xới và Đức Quốc xã đã cho trồng bắp cải và khoai tây lên đó.

Thủ lĩnh của cuộc nổi dậy, Alexandr Pechersky đã chiến đấu trong một đội du kích ở Belarus, và sau khi Belarus được giải phóng khỏi quân Đức, ông đã bị các cơ quan phản gián SMERSH kiểm tra. Thời gian sau, sự mô tả các sự kiện từ các nguồn khác nhau và từ các nhân chứng là cực kỳ mâu thuẫn. Người sĩ quan Liên Xô từng là tù binh trong hai năm đã làm dấy lên nghi ngờ trong lòng các nhân viên phản gián.

Theo một số báo cáo, Trung úy Pechersky được xung vào tiểu đoàn hình sự, ông đã bị thương ngay trong trận chiến đấu đầu tiên và đã được phục hồi với việc “chuộc lỗi bằng xương máu”. Theo những người khác thì “vụ Pechersky” đã sớm được giải quyết và ông đã bị thương trong trận chiến với tư cách là một sĩ quan chính thức. Cho dù là bằng cách nào chăng nữa thì Alexandr Pechersky đã được đón ngày Chiến thắng với cấp bậc Đại úy.

Pechersky đã viết một cuốn sách về cuộc nổi dậy ở Sobibor, nhưng ông không thuộc số những anh hùng nổi tiếng nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước Xô Viết. Tổ quốc cũng không trao cho ông các giải thưởng. Alexandr Pechersky chỉ nhận được huy chương “Vì chiến thắng phát xít” và “Vì cống hiến quân sự”.

Có một số lý do về thái độ lạnh lùng đối với sự kiện ở Sobibor. Ở Liên Xô khi ấy không quá chú trọng đến chiến công trong chiến tranh của những người thuộc tộc đơn sắc và cuộc nổi dậy ở Sobibor là sự vụ của người Do Thái. Ngoài ra, ở miền đất hứa, sự kiện nổi dậy ở Sobibor được vinh danh ở cấp nhà nước đã không nhận được sự hưởng ứng của ban lãnh đạo Liên Xô và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Liên Xô và Israel.

Còn một khía cạnh quan trọng khác - câu chuyện về những tù nhân trốn thoát đã chết dưới bàn tay người Ba Lan có nguy cơ phá hủy mối quan hệ giữa Liên Xô và Ba Lan thời đó. Vì vậy, người ta đã cố gắng không nhớ đến sự kiện Sobibor.

Alexandr Aronovich Pechersky đã sống suốt thời kỳ hậu chiến ở Rostov-on-Don, cũng là nơi ông qua đời vào tháng 1/1990. 3 năm trước khi ông qua đời, một bộ phim có tên là “Cuộc trốn chạy khỏi Sobibor” đã được quay ở Hollywood, diễn viên Rutger Hauer đóng vai Pechersky. Bản thân Pechersky đã được mời tham dự buổi ra mắt của bộ phim nhưng ông đã không đến Mỹ. Có một số lần, các nhà hoạt động xã hội đã cố gắng để chiến công của Alexandr Pechersky được ghi nhận tại Nga ở cấp nhà nước, nhưng đã không đạt kết quả.

Tuy vậy, vào năm 2007, một bảng tưởng niệm đã được xuất hiện tại ngôi nhà, nơi Alexandr Pechersky từng sống ở Rostov-on-Don.

Bích Nguyễn (Theo AIF.ru)
.
.
.