Cuộc đời của một lính đánh thuê cho cartel Mexico

Thứ Năm, 29/09/2022, 20:47

Các băng đảng ma tuý Mexico (còn gọi là cartel) không hề ngần ngại công khai hình ảnh của chúng trên mạng xã hội. Biệt thự, siêu xe, súng mạ vàng... không chỉ là cách các ông trùm khoe của cải, quyền lực. Tại một đất nước còn nhiều người nghèo, những thứ đồ xa xỉ kia như lời dụ dỗ thanh niên trở thành tội phạm. Nhưng liệu cuộc đời của những người đã “nhúng chàm” có được sung sướng như trong ảnh?

Sa ngã

Carlos (tên giả) sinh ra tại Guatemala. Giống như rất nhiều gia đình khác ở đất nước Trung Mỹ này, cha mẹ Carlos buộc phải tìm đường sang Mỹ kiếm tiền nhằm thoát cảnh nghèo đói, còn con để bà nội nuôi.

binh linh.jpg -0
Binh lính và cảnh sát vũ trang đứng gác tại thành phố Apatzingán, Mexico.

Cũng như nhiều đứa trẻ Guatemala khác thiếu tình yêu của cha mẹ, Carlos bỏ học rồi trở thành kẻ lang thang. Anh nhớ lại: “Tôi với mấy đứa bạn lập thành một nhóm thay vì nhập vào hai cartel là Mara Salvatrucha (băng đảng MS-13 khét tiếng) và Barrio 18. Mỗi sáng chúng tôi chung tiền mua một chai rượu rum Venado Especial 6 USD rồi chia nhau uống. Khi đứa nào cũng say thì kéo nhau đi sơn graffiti lên tường hay đánh nhau với các nhóm khác”.

Năm Carlos 17 tuổi, bà nội anh không thể chịu thêm được nữa. Bà gọi cho mẹ Carlos bảo đem con sang Mỹ vì sợ rằng có ngày Carlos sẽ gia nhập một cartel nào đó rồi bỏ mạng. Do Carlos đã quá tuổi đi học nên khi sang Mỹ, anh nhận làm việc cắt đá cẩm thạch lát sàn nhà, tủ bếp, v.v… Carlos trở thành bạn thân với một người đồng nghiệp gốc Mexico tên Pepe. Anh không thể ngờ rằng tình bạn sẽ là thứ lôi anh vào con đường tội lỗi.

Ban đầu Carlos và Pepe gia nhập vào băng đảng Surenos. Ở Mỹ có hàng chục băng đảng Surenos khác nhau, nhóm nào cũng tự nhận rằng mình có nguồn gốc từ những nhà tù Mexico. Vài năm sau đó, Carlos bị bắt khi đang sử dụng ma túy. Anh ta bị trục xuất khỏi Mỹ. Carlos lấy vợ, có con, rồi cũng như cha mẹ mình phải tìm đường sang Mỹ kiếm việc làm. Nhưng khi đến được biên giới Mỹ- Mexico, Carlos lại lỡ chuyến tàu sang bên kia biên giới và bị tống vào nhà tù vì tội vượt biên trái phép.

Carlos thuật lại: “Những anh em ở trong tù chỉ cần nhìn thấy hình xăm Surenos trên tay tôi là đối xử với tôi tử tế ngay. Nhưng sự tôn trọng trong tù là con đường hai chiều. Đã là người của Surenos nghĩa là bạn phải tuyệt đối nghe lời “anh cả”. “Anh cả” có bảo bạn nhảy vào lửa, bạn cũng phải nhảy… Sau một thời gian tôi ở trong tù, họ bắt đầu nói với tôi về việc làm lính đánh thuê cho các ông trùm”.

Carlos tuy vậy đã chán việc phải vào tù. Ra tù, anh cố gắng làm người lương thiện bằng cách nhận đủ mọi công việc. Nhưng ở Mexico hay Guatemala, chẳng có mấy công việc kiếm đủ tiền để nuôi gia đình bốn miệng ăn. Người ta cũng không muốn tạo công ăn việc làm cho cựu tù như Carlos. Sự lựa chọn duy nhất còn lại cho anh là gia nhập băng đảng.

Cuộc đời của một lính đánh thuê cho cartel Mexico -0
Carlos trong khi còn làm cho băng đảng Cárteles Unidos.

Bạn Carlos là Pepe khi đó giữ một vị trí quan trọng trong mạng lưới phân phối thuốc lắc từ bang Michoacán (Mexico) sang Texas (Mỹ). Qua lời giới thiệu của Pepe, Carlos trở thành đàn em của một ông trùm địa phương tên Cherry. Cũng như những ông trùm khác, Cherry có hẳn một đội quân riêng của mình. Chúng tập hợp thành một liên minh mang tên Cárteles Unidos thống trị cả một vùng rộng lớn ở miền Bắc Mexico. Đối thủ chính của Cárteles Unidos là Cartel de Jalisco Nueva Generación (gọi tắt là Jalisco), tức tổ chức cartel mạnh thứ nhì Mexico.

Carlos thuật lại những ngày đầu tiên ở trại huấn luyện: “Tôi cùng vài chục thanh niên khác xếp thành hàng ngũ để Cherry “duyệt binh”. Cherry hỏi tên từng người rồi đưa họ một xấp tiền để tiêu vặt… Đến ngày thứ ba, tôi được phát súng trường M-16. Cứ sáng đến thì tôi vác súng ra trường bắn tập, còn tối đến thì ôm súng mà ngủ. Ai cũng được ra lệnh làm vậy”.

Công việc hằng ngày của một lính đánh thuê là bảo vệ Cherry 24/24h, trừ khi ông trùm ra lệnh làm những việc khác như trông coi các “căn cứ” chứa vũ khí và ma tuý, hay canh giữ tuyến đường mà các ông trùm hay qua lại nhằm tránh bị phục kích. Lính của các cartel phải tuân theo những luật lệ nghiêm ngặt: Không được dùng ma tuý tổng hợp; không được hãm hiếp hay cướp bóc dân lành; không được sử dụng mạng xã hội, v.v… Hình phạt cho những ai vi phạm là cực hình.

Carlos kể: “Có một người làm mất khẩu súng mới được phát. Các “sỹ quan” mới trói tay anh ta lại rồi chùm một cái túi nylon lên đầu anh. Họ bóp cổ anh ta đến khi mặt mũi tím tái lại mới thả ra. Họ làm thế năm lần rồi mới chịu thôi, khi đó thì người kia đã ngất xỉu”.

Một lính đánh thuê chỉ nhận được 3.000 Peso/tuần (khoảng 150 USD), nhưng đối lại băng đảng cho họ nhà ở và thức ăn. Đôi khi ông trùm lại gửi rượu, thuốc phiện và gái điếm đến mua vui cho đám lính. Đổi lại Carlos và những người khác phải luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Để giữ cho binh lính lúc nào cũng manh động, các cartel sẵn sàng cấp phát thuốc phiện và cần xa miễn phí cho họ.

Trận chiến đầu tiên mà Carlos tham gia diễn ra tại một trang trại trồng chanh bỏ hoang. Khoảng 50 lính của Cárteles Unidos đã tổ chức đào hào và dựng bao cát. Phía bên kia chiến tuyến, binh lính của Jalisco cũng làm như vậy. Cả hai bên đều có lính bắn tỉa trang bị súng 50 ly, xe tải hạng nặng cải biến thành xe bọc thép và máy bay điều khiển từ xa. Vì phe Jalisco có nhiều xe bọc thép hơn nên Cárteles Unidos cho đào ổ voi và gài mìn khắp các tuyến đường. Đổi lại phía Jalisco dùng máy bay điều khiển từ xa thả lựu đạn xuống kẻ thù đang nấp trong chiến hào.

Binh lính hai bên chỉ đánh nhau vào lúc chập tối, còn buổi sáng thì họ vật vờ dưới chiến hào. Những người làm hậu cần chạy khắp các con hào để đem đồ ăn, nước uống và ma túy cho lính tráng. Một số người không thể chịu nổi áp lực nên hóa điên. Họ nhảy khỏi hào mà chạy trốn giữa làn đạn. Theo lời Carlos, một trong số những người như vậy bị bắt lại, tra tấn và xử tử.

Đơn vị của Carlos cứ đóng ở tiền tuyến được ba ngày thì lại rút về nghỉ ngơi. Carlos đi được khoảng chục kỳ như vậy thì có lệnh ông trùm kéo dài thời gian chiến đấu lên bốn ngày. Thế rồi đến tháng thứ hai kể từ khi trận chiến mở đầu, vị trí của Carlos bị kẻ địch tấn công. Trước hết băng Jalisco thả hàng chục chiếc máy bay không người lái, rồi chờ đến khi băng Cárteles Unidos mải đối phó với lũ “giặc bay” mới đẩy xe bọc thép lên xung phong. Carlos một mình với khẩu súng 50 ly cầm cự quân địch gần hai tiếng. Anh chỉ kịp thoát chết khi viện binh mò được đến vị trí của mình.

Cuộc đời của một lính đánh thuê cho cartel Mexico -0
Các cận vệ của ông trùm ma túy Mexico như Carlos được trang bị không kém gì binh lính chuyên nghiệp.

Cái giá của sự trung thành

Khi Carlos gặp Cherry, “ông trùm” mới chỉ có 29 tuổi nhưng đã là thế lực cát cứ một vùng. Mà trong thế giới ngầm Mexico, thành công luôn đi cùng sự đố kị. Các băng đảng khác trong liên minh Cárteles Unidos chỉ chờ đến lúc xảy ra tranh chấp với cấp phó của Cherry để đồng loạt tấn công y.

Carlos thuật lại: “Tôi đang ngủ trong doanh trại thì nghe thấy tiếng còi báo động. Cấp trên ra lệnh cho chúng tôi cuốn gói hết mọi thứ rồi lên xe tải lái đến một thị trấn gần đó. Chúng tôi trốn trong một trang trại gần hai tháng. Cherry tìm cách thỏa thuận với các ông trùm khác, nhưng họ yêu cầu Cherry phải giải tán đội quân và giết hết những người đến từ Trung Mỹ như tôi. Cuối cùng Cherry đành phải liên hệ với một người “bà con” trong băng Jalisco”.

Cherry nhập hội với Jalisco thì Carlos cũng trở thành lính Jalisco. Họ cùng sống trong một căn nhà nhỏ dưới sự kiểm soát của Jalisco. Carlos có cơ hội được nói chuyện với một số người Guatemala khác cũng làm lính đánh thuê. Họ nói rằng những tên buôn người lừa họ đến Mexico để làm công trong trang trại, nhưng khi đến nơi thì bị Jalisco buộc xung lính.

Sau vài tháng xây dựng lại lực lượng, Cherry được nhận nhiệm vụ trừ khử tàn quân của băng đảng Sinaloa khỏi địa bàn mà Jalisco mới chiếm được. Cherry bèn mở một cuộc xử tử công khai. Người bị chém đầu là một kẻ chuyên đi tiền trạm cho Sinaloa, còn khán giả là 15 đối tượng “có quyền thế” ở địa phương, trong đó có cả sỹ quan cảnh sát.

Đến bây giờ Carlos vẫn không giấu nổi sự sợ hãi khi kể lại vụ giết người: “Người của băng Sinaloa bị tra tấn 3 giờ liền trước khi đâm chết. Kẻ giết người là một sĩ quan cấp cao của Jalisco.

Cherry ra lệnh cho Carlos làm một việc ghê rợn, đó là chặt xác người. Anh ta khai: “Tên sĩ quan ra lệnh cho tôi chặt chân còn lại, nhưng tôi viện cớ để cái chân đó cho người khác thực hành… Tôi dùng bao nhiêu xà phòng mà vẫn có cảm giác không thể rửa nổi vết máu và mỡ người dính lên tay tôi”.

Cuộc đời của một lính đánh thuê cho cartel Mexico -0
Ngôi nhà bỏ hoang này là một trong nhiều chỗ trú ẩn của băng đảng Calisco.

Vụ giết người khiến Carlos hạ quyết tâm tìm mọi cách thoát khỏi cartel. Cùng lúc đó anh và nhóm người khác được đưa đến trại huấn luyện để chuẩn bị cho chiến dịch mới nhắm vào băng Sinaloa. Họ ở trên núi được gần hai tháng thì bị quân đội chính phủ tấn công. Nhân lúc hỗn loạn, Carlos cùng một số lính gốc Trung Mỹ khác rủ nhau chạy chốn. Họ bỏ hết quần áo trên người rồi bơi qua sông để xóa hết mọi dấu vết.

Theo lời Carlos thì: “Chúng tôi đêm đi, ngày nghỉ thì mò được đến một thị trấn. Sau đó chúng tôi dốc hết tiền túi cho những kẻ buôn người để chúng chở về nước. Chúng tôi không dám đi cùng một lúc mà một người rời đi, những người khác chờ vài ngày để nghe ngóng tin tức rồi mới đi tiếp”.

Hành trình kéo dài gần một tháng cuối cùng cũng đưa Carlos trở về Guatemala. Đấy là lần đầu tiên anh gặp lại gia đình sau hơn 10 năm. Vợ của Carlos đã đơn phương ly dị anh từ lâu và đưa con trai út đi. Gia đình Carlos chỉ còn lại anh, bà nội và con gái lớn đã 13 tuổi. Carlos lao mình vào công việc cắt đá cẩm thạch xưa như một cách để quên đi tội lỗi của mình. Nhưng quá khứ vẫn còn bám theo anh. Carlos đôi khi vẫn nhận được những tin nhắn đe dọa từ Cherry. Y dọa sẽ tìm đến tận Guatemala và tra tấn từng người thân của Carlos trước mắt anh.

Carlos chỉ là một trong số hàng nghìn lính đánh thuê đang tham gia cuộc chiến ma túy tại Mexico. Sống tại các quốc gia mà nền kinh tế - xã hội đang rệu rã như Guatemala khiến bạo lực trở thành sự lựa chọn duy nhất đối với không ít thanh niên. Kể cả khi họ có cố gắng dứt khỏi con đường tội lỗi thì cơ hội làm lại cuộc đời đối với họ cũng là rất ít.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)

.
.
.