Câu chuyện của viên siêu kim cương Koh-i-Noor

Thứ Hai, 26/09/2022, 11:17

Là ngôi sao nằm trên chiếc vương miện Anh, bảo vật Ấn Độ này có một lịch sử đẫm máu của chinh phạt thực dân. Tác giả bài viết: Lorraine Boissoneault, một nhà văn kỳ cựu chuyên viết về 2 mảng lịch sử và khảo cổ học, đã kể lại câu chuyện lần đầu tiên công bố chi tiết về siêu kim cương Koh-i-Noor, bảo vật trấn quốc của Hoàng gia Anh.

Viên kim cương Koh-i-Noor có xuất xứ từ mỏ của Ấn Độ. Theo tín ngưỡng Ấn Độ giáo, bảo vật này được tôn sùng bởi các vị thần như Krishna ngay cả khi nó ẩn chứa bên trong một lời nguyền. Kim cương Koh-i-Noor đã đi qua nhiều âm mưu hung tợn trong các triều đình xứ Ấn trước khi kết thúc chễm chệ trên vương miện Anh vào khoảng giữa thập niên 1800. Một nhà địa chất nghiệp dư người Anh đã tiến hành phỏng vấn nhiều chuyên gia về kim cương và sử gia về nguồn gốc của viên kim cương để viết nên lịch sử của Koh-i-Noor. Song theo 2 sử gia Anita Anand và William Dalrymple thì hết thảy các nhà địa chất học đều sai.

Câu chuyện của viên siêu kim cương Koh-i-Noor -0
Vương miện gắn viên kim cương Koh-i-Noor đặt trên quan tài Hoàng thái hậu Elizabeth, tháng 4-2002.

Trong cuốn sách mới nhất của họ mang tựa đề “Koh-i-Noor: Lịch sử của viên kim cương nhơ nhuốc nhất thế giới”, 2 sử gia Anita Anand và William Dalrymple cho hay họ đã khảo cứu xuyên suốt 4 thế kỷ lịch sử của Ấn Độ nhằm tìm ra câu chuyện chân thực đằng sau siêu kim cương. Và câu chuyện chân thực của nó có phần kịch tính. Đối với ông William Dalrymple thì “Đó là một bộ sử thi theo phong cách “Trò chơi vương quyền”.

Và một câu hỏi nghiêm trọng hơn vẫn chưa được trả lời rõ ràng: các quốc gia hiện đại nên làm thế nào để xử lý di sản thuộc địa bị cướp bóc? Với nhiều quốc gia (bao gồm Ấn Độ, Pakistan và  Afghanistan) việc tuyên bố là chủ sở hữu kim cương Koh-i-Noor vẫn là một đề tài đang gây tranh luận gay gắt. Để hiểu nơi ra đời siêu kim cương đòi hỏi phải đào sâu vào quá khứ khi Ấn Độ bị cai trị bởi ngoại tộc: Đế quốc Mô Gôn.

Trên ngai vàng kim cương

Suốt nhiều thế kỷ, Ấn Độ là nguồn khai thác kim cương duy nhất thế giới, kim cương được lấy từ lục địa này cho mãi đến năm 1725 khi người ta phát hiện ra các mỏ kim cương ở Brazil. Phần lớn số châu báu đều là phù sa đồng nghĩa chúng được sàng lọc từ cát sông, và những nhà cai trị của tiểu lục địa Ấn Độ đã trở thành những người đầu tiên sành sỏi về kim cương. Trong cuốn sách của mình, 2 tác giả Anita Anand và William Dalrymple viết: “Trong triều đình Ấn cổ xưa, thay vì bận quần áo, người ta thường đeo trang sức đầy người và nó là dấu hiệu dễ thấy về phẩm trật trong triều đình, với nhiều quy tắc nghiêm ngặt được đề ra nhằm xác định bậc cận thần nào được đeo đá quý và dùng chúng trong những hoàn cảnh nào”. Văn bản ngọc học xa xưa nhất thế giới cũng đến từ Ấn, chúng bao gồm những hệ thống phân cấp tinh vi đối với việc sử dụng các loại đá quý khác nhau.

Thủ lĩnh Turco-Mô Gôn là  Zahir-ud-din Babur đến từ Trung Á thông qua đèo Kyber (ngày nay là địa danh nằm giữa Afghanistan và Pakistan) đã xâm lược Ấn Độ vào năm 1526 và thành lập nên triều đại Hồi quốc Mô Gôn và mở ra một kỷ nguyên châu ngọc vàng son. Các hoàng đế Mô Gôn cai trị Bắc Ấn suốt 330 năm, không ngừng mở rộng lãnh thổ của họ ôm trọn gần như địa giới ngày nay của Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Đông Afghanistan, cùng say sưa trong hàng núi châu ngọc mà họ thừa hưởng hoặc cướp đoạt.

Dù không thể biết chính xác Koh-i-Noor đến từ đâu và khi nào nó trở thành vật sở hữu của các hoàng đế Mô Gôn, song có một điểm xác định về nó trong bút lục xưa. Đó là năm 1628, hoàng đế Shah Jahan (triều đại Mô Gôn) đã đặt thợ kim hoàn chế tác một ngai vàng lộng lẫy cẩn đá quý. Chiếc ngai nạm ngọc vốn lấy nguồn cảm hứng từ ngai vàng Solomon, vị vua người Do Thái đã đi vào lịch sử đạo Hồi, Do Thái và Cơ Đốc giáo. Mất 7 năm mới làm xong ngai vàng của vua Shah Jahan và chi phí bằng gấp 4 lần xây dựng lăng Taj Mahal (cũng đang được xây dựng khi đó).

Câu chuyện của viên siêu kim cương Koh-i-Noor -0
Vua Ba Tư, Nader Shah, trên ngai vàng chim công có đính kim cương Koh-i-Noor.

Nhà viết biên niên sử triều đình Ahmad Shah Lahore đã viết về ngai vàng của hoàng đế Shah Jahan: “Bên ngoài cái lọng bằng men được đính vô số châu ngọc, bên trong được đính la liệt hồng ngọc, thạch lựu cùng các loại bảo ngọc khác…tất cả cùng được chống bởi những hàng cột ngọc lục bảo. Trên đầu mỗi cột có đặt 2 con công bằng đá quý, giữa 2 con công là một cái cây được đính hồng ngọc và kim cương, lục bảo và trân châu”. Và giá trị hơn hết thảy là hồng ngọc Timur (được các hoàng đế Mô Gôn hết sức yêu chuộng bởi màu sắc của chúng) và kim cương Koh-i-Noor.

Viên kim cương được đặt trên đỉnh của ngai vàng, ngay trong đầu của con công lấp lánh. Suốt một thế kỷ sau khi hoàn công ngai vàng chim công, đế quốc Mô Gôn vẫn ở đỉnh cao quyền lực tại Ấn Độ và lân bang. Đó là nhà nước giàu nhất châu Á; kim thành Delhi có 2 triệu dân (nhiều hơn London và Paris gộp lại). Sự giàu có đó đã thu hút sự chú ý của các “diều hâu” ở Trung Á bao gồm vua Ba Tư, Nader Shah.

Khi Nader Shah đem đại binh thảo phạt Delhi vào năm 1739, cuộc đồ sát đã tước đi sinh mạng hàng vạn người, ngân khố Ấn Độ cạn kiệt. Lúc rời Delhi, Nader đã đem theo rất nhiều vàng và châu báu được chở bởi 700 con voi, 4000 lạc đà và 12.000 con ngựa. Nader không quên rinh luôn ngai vàng chim công nhưng tháo hồng ngọc Timur và kim cương Koh-i-Noor để đeo chúng trên băng tay mình. Kim cương Koh-i-Noor thế là đã rời khỏi Ấn Độ suốt 70 năm. Sau đó nó rơi vào tay của nhiều vua chúa trong những cuộc soán ngôi đẫm máu không hồi kết (gồm một vị vua phải làm mù mắt con trai mình, hay một nhà vua khác bị phế ngôi với cái đầu cạo trọc). Với tất cả các cuộc giao tranh bởi các phe phái ở Trung Á, cùng khoảng trống quyền lực ngày càng tăng ở Ấn Độ, người Anh sớm nhận ra lợi thế ngàn năm có một đó.

Tiểu vương và vương miện Anh

Đầu thế kỷ 19, công ty Đông Ấn của Anh đã mở rộng kiểm soát lãnh thổ của mình từ các thành phố duyên hải đến nội địa của tiểu lục địa Ấn Độ. Hai sử gia Willam Dalrymple và Anita  Anand viết về các chiến dịch Anh “cuối cùng họ đã sát nhập nhiều lãnh thổ hơn hết thảy các cuộc chinh phạt của Napoleon ở châu Âu”. Ngoài việc tuyên bố làm chủ nhiều khoáng sản và các thương cảng, người Anh cũng để mắt tới kho báu vô giá: Koh-i-Noor.

Sau nhiều thập tử chiến đấu, viên kim cương đã trở lại đất mẹ Ấn Độ và lần này nó lọt vào tay nhà cai trị Ranjit Singh của đạo Sikh vào năm 1813. Hai sử gia Anand và Dalrymple viết trong cuốn sách: “Không chỉ bởi vì Ranjit Singh cuồng kim cương và đánh giá cao giá trị tiền tệ khổng lồ của viên đá, mà bản thân bảo vật đó còn có một ý nghĩa biểu tượng lớn hơn đối với ngài. Ranjit Singh đã giành lại được từ tay triều đại Durran (Afghanistan) hầu như mọi đất đai của người Ấn mà họ đã cướp từ thời đại Ahmad Shah (người đã cướp bóc kinh thành Delhi vào năm 1761)”.

Sử gia Anita Anand nhấn mạnh: “Quá trình chuyển đổi thật đáng kinh ngạc khi viên kim cương đã trở thành biểu tượng của sức mạnh hơn là vẻ đẹp của nó. Viên đá đã trở thành chiếc nhẫn trong phim “Chúa tể nhẫn”, một cái nhẫn cai trị tất cả”. Đối với người Anh, thậm khó mà cưỡng lại được biểu tượng uy tín và quyền lực. Nếu họ có được bảo vật Ấn Độ thì cũng đồng nghĩa sẽ có được ưu thế thuộc địa và quyền lực tột đỉnh. Đó là viên kim cương đáng để chiến đấu và tiêu trừ, giờ đây hơn lúc nào hết.

Khi người Anh nghe được tin hoàng đế Ranjit Singh băng hà vào năm 1839, cùng di chúc trao Koh-I-Noor cùng các châu báu khác cho một giáo phái của Ấn Độ giáo, người Anh tức thì động nộ. Một bài xã luận ẩn danh đã viết: “Viên đá quý đắt nhất trần gian được cam kết trao cho một tổ chức tư tế phàm tục, sùng bái thần thánh và hám lợi”. Tác giả của nó kêu gọi Công ty Đông Ấn Anh phải làm mọi cách có thể nhằm theo dõi Koh-i-Noor, mà cuối cùng là vào tay họ.

Sau khi tiên đế Ranjit Singh băng hà vào năm 1839, ngai vàng Punjab qua tay lần lượt 4 nhà vua chỉ trong vòng hơn 4 năm. Vào cuối thời kỳ bạo lực đó, người duy nhất giành lấy ngai vàng là Duleep Singh (khi đó là một cậu bé) cùng mẹ đẻ Rani Jindan. Năm 1849, sau khi bắt giam hoàng thái hậu Rani Jindan, người Anh đã ép vua Duleep phải ký văn bản pháp lý để sửa đổi Hiệp ước Lahore, trong đó yêu cầu vua Duleep phải từ bỏ Koh-i-Noor cùng mọi tuyên bố chủ quyền. Đó là năm nhà vua mới 10 tuổi.

Kể từ đó viên kim cương trở thành vật sở hữu đặc biệt của nữ hoàng Victoria. Nó được trưng bày tại sự kiện Đấu xảo London năm 1851. Trong ấn phẩm tháng 6 năm 1851, tờ Times viết:  “Nhiều người khó tin được rằng nhìn bề ngoài viên kim cương chả khác nào một miếng thủy tinh thông thường”. Thế rồi Vương tế Albert (chồng của nữ hoàng Victoria) đã cắt gọt và đánh bóng viên đá khiến cho bảo vật rực rỡ hơn.

Buổi ban đầu nữ hoàng Victoria dùng Koh-I-Noor như thể một chiếc trâm cài, cuối cùng nó được an vị trên vương miện, đầu tiên là trên vương miện của hoàng hậu Alexandra (vợ vua Edward VII là con trai cả của nữ hoàng Victoria), tiếp đó là vương miện của hoàng hậu Mary (vợ vua George V, cháu trai của nữ hoàng Victoria). Năm 1937, viên kim cương đặt ở vị trí danh dự hiện tại ngay phía trước vương miện của hoàng thái hậu (vợ của vua George VI và là mẹ đẻ của cố nữ hoàng Elizabeth II). Năm 2002, lần cuối cùng công chúng Anh còn thấy chiếc vương miện này khi nó được đặt trên quan tài của hoàng thái hậu nhân tang lễ của bà.

Câu chuyện của viên siêu kim cương Koh-i-Noor -0
Vua Duleep Singh, năm ngài 10 tuổi đã bị người Anh ép ký văn kiện từ bỏ quyền sở hữu kim cương Koh-I-Noor.

Làm sáng tỏ lịch sử

Đối với sử gia Anita Anand, chuyện trao trả viên kim cương Koh-i-Noor về lại cho khổ chủ là một câu hỏi hóc búa. Sinh ra và lớn lên ở Anh, gia đình bà là người gốc Ấn và họ hàng thường xuyên ghé thăm. Khi họ tham quan Tháp London và nhìn thấy kim cương Koh-i-Noor trên vương miện, họ hàng của bà Anand đã rất chưng hửng.

Theo ông Richard Kurin, tác giả cuốn sách “Kim cương hy vọng: Lịch sử huyền thoại của bảo vật bị nguyền rủa” thì “Lý do khiến người ta nói rằng viên kim cương bị “nguyền rủa” thì thực tế là khi kẻ quyền lực cướp đi thứ giá trị của kẻ yếu thế hơn thì họ không còn cách nào khác là nguyền rủa kẻ cướp bóc”. Giống như Koh-i-Noor, kim cương Hy vọng cũng xuất xứ từ Ấn Độ và được trưng bày tại Đấu xảo London vào năm 1851 (giờ đây nó được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia) đã được hiến tặng bởi ông Harry Winston, người đã mua nó hợp pháp.

Ông Richard Kurin và sử gia William Dalrymple cùng chỉ ra rằng những nhà cai trị từng sở hữu những trân châu bảo ngọc vô giá của những quốc gia đã lâu không còn tồn tại. Một trong những khác biệt lớn nhất giữa những món đồ vật bị lấy đi trong những cuộc chinh phục thuộc địa và kho báu bị cướp bởi Đức Quốc xã, khó khăn trong việc xác định ai là người có yêu cầu đầu tiên và tuyên bố hợp pháp với bất kỳ thứ gì. Sau rốt việc làm sáng tỏ lịch sử thuộc địa của món đồ vật mới là phức tạp nhất.

Kim cương Koh-i-Noor không phải là châu báu duy nhất hiện đang gây tranh cãi ở Anh. Gây tranh cãi không kém là Elgin Marbles, những bức tượng được chạm khắc từ 2500 năm trước đã bị lấy khỏi đền thờ Parthenon ở Athens bởi lãnh chúa Elgin vào đầu thập niên  1800. Cho đến nay vương quốc Anh vẫn giữ quyền sở hữu các bức tượng và viên kim cương bất chấp khổ chủ kêu gọi trả lại.

Sử gia Anita Anand nghĩ rằng có một giải pháp mà không cần loại bỏ kim cương Koh-i-Noor khỏi nước Anh đó là làm cho lịch sử của bảo vật trở nên rõ ràng hơn. Ông William Dalrymple nhất trí rằng phổ biến lịch sử chân thực của viên kim cương thực sự là nửa trận chiến. Kim cương Koh-i-Noor không sớm rời khỏi vương miện Anh, nhưng hai tác giả Anand và Dalrymple đều hy vọng rằng công việc của họ đang đi đúng hướng bằng cách làm sáng tỏ đường đi thực sự của thứ bảo vật vô giá, cũng như giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định của riêng họ về điều cần làm tiếp theo.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.
.