Câu chuyện chưa có hồi kết của Hồ sơ Pandora: “Gót chân Achilles” của Đức vua Jordan?
Ngày 3-10, vụ rò rỉ “Hồ sơ Pandora” - một trong những kho dữ liệu tài chính lớn nhất trong vài năm gần đây - đã phơi bày tài sản và các giao dịch bí mật của một số nhà lãnh đạo, chính trị gia và tỷ phú trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý có sự xuất hiện của Quốc vương Jordan Abdullah II cùng một “đế chế” bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD.
Trở lại thời điểm tháng 10-2019, lực lượng an ninh Jordan đã từng bất ngờ bắt giữ luật sư Moayyad al-Majali tại nhà riêng, thu giữ máy tính xách tay, điện thoại và cáo buộc ông với một trong những tội danh bị xem là nghiêm trọng nhất tại nước này. Đó là tội vu khống người cai trị đất nước, Quốc vương Abdullah II, chỉ với một câu hỏi: Nhà vua sở hữu bao nhiêu đất?
Khối tài sản xa xỉ
Các tài liệu cho thấy vị quốc vương nắm quyền lâu nhất thế giới Arab đã dành nhiều thập kỷ qua để đầu tư cho một khối bất động sản có tổng giá trị 106 triệu USD, nằm rải rác ở nhiều nơi trên thế giới, từ Malibu, California đến Washington DC và trung tâm London, vốn đều là những nơi có mức sống đắt đỏ. Theo hồ sơ được Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) chia sẻ với truyền thông, ông đã ngụy tạo quyền sở hữu thông qua một loạt công ty nước ngoài được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Có lẽ tài sản lộng lẫy nhất và đắt nhất của nhà vua được tiết lộ trong “Hồ sơ Pandora” là một bất động sản rộng lớn tại bờ biển Malibu của California. Theo The Guardian, bất động sản này được mô tả là một “dinh thự lớn có quy mô như một khách sạn nghỉ dưỡng”, gồm 26 phòng, nhìn ra một đoạn bờ biển được cho là địa điểm quay cảnh cuối của bộ phim “Planet of the Apes” năm 1968. Hồ sơ công khai cho thấy các nhà sản xuất ở Hollywood đã chuyển dinh thự này cho các tỷ phú kinh doanh qua mạng Internet. Dinh thự này được ông Abdullah mua vào tháng 8-2014 với giá 33,5 triệu USD, theo ước tính là mức giá kỷ lục đối với bất động sản trong khu vực. Sau đó, ông tiếp tục mua lại hai bất động sản lân cận. Trong hai năm qua, Vua Abdullah đã mua ba căn hộ chung cư ở Washington DC với tổng giá trị 13,8 triệu USD.
Vụ rò rỉ hồ sơ cũng cho thấy Quốc vương Jordan đã bí mật mua lại danh mục đầu tư gồm 7 bất động sản sang trọng ở Anh, trong đó có 3 bất động sản ở Belgravia, London. Được mua trong giai đoạn từ năm 2003-2011, hiện các bất động sản này ước tính có giá thị trường khoảng 38 triệu USD.
Bảo mật chi tiêu
Vua Abdullah cho biết ông sở hữu khối tài sản này với tư cách cá nhân. Mặc dù không có bằng chứng về bất kỳ hành vi sai trái nào, và tài sản ròng cũng như nguồn thu nhập của ông vẫn được giữ bí mật chặt chẽ. Các luật sư của Quốc vương Abdullah cho biết: “Nhà vua không hề lạm dụng tiền công hoặc sử dụng bất kỳ khoản viện trợ nào… Nhà vua luôn quan tâm sâu sắc đến Jordan, luôn hành động chính trực và vì lợi ích tốt nhất của đất nước cũng như người dân”. Hôm 3-10, vài giờ trước khi thông tin về “Hồ sơ Pandora” được công bố, Jordan dường như đã chặn trang chủ của ICIJ.
Ông Abdullah đã cai trị Jordan kể từ sau khi cha ông là Hussein qua đời vào năm 1999, người đã coi vương quốc này như một đồng minh quan trọng của phương Tây và được biết đến với lối sống có phần xa hoa. Khi tiếp quản vị trí của người cha, Vua Abdullah vẫn duy trì các mối liên kết với phương Tây nhưng ít công khai hơn về chi tiêu. Tuy nhiên, theo thông tin từ “Hồ sơ Pandora”, nhà vua đã chi hàng triệu USD cho danh mục tài sản của mình. Ngân sách gần đây nhất của Jordan cho thấy khoản tiền hàng năm trị giá khoảng 35 triệu USD trong công quỹ được chi cho việc bảo trì cung điện hoàng gia, nhưng không liệt kê bất kỳ khoản lương nào của Quốc vương hoặc các thành viên khác trong hoàng gia.
DLA Piper, một văn phòng luật ở London, đại diện cho Vua Abdullah khẳng định quyền sở hữu tài sản nước ngoài của ông là để sử dụng cho cá nhân. Trong một bức thư phản hồi yêu cầu bình luận từ ICIJ, The Washington Post và các đối tác khác, DLA Piper lên tiếng bảo vệ thân chủ: “Bất kỳ ý kiến nào cho rằng có điều gì đó không đúng về quyền sở hữu tài sản của ông (Vua Abdullah) thông qua công ty nước ngoài đều phải bị bác bỏ... Nguồn tài sản của nhà vua không phải từ tiền công mà là từ các nguồn cá nhân”.
Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm một bản ghi nhớ nội bộ vào tháng 2-2017 giữa các nhà quản lý tại công ty luật Alcogal của Panama, trong đó nêu rõ rằng một khách hàng quốc tịch Jordan - tên là Abdullah Al Hussein, sinh ngày 30-1-1962 (ngày sinh của Vua Abdullah II) và có địa chỉ là “Cung điện Raghadan” (Thuộc tổ hợp Cung điện Hoàng gia Al-Maquar ở Amman, Jordan) - là chủ sở hữu thực sự của 16 công ty nắm giữ các tài sản khác nhau ở Mỹ, Anh và Jersey. Trong số các công ty nói trên, Nabisco Holdings SA, Setara Limited và Timara Limited là 3 công ty đã mua các bất động sản tại Malibu, cùng nhiều thực thể khác sở hữu tài sản của ông Abdullah ở Washington DC và Vương quốc Anh.
Theo hồ sơ, nhân viên của Alcogal đã nỗ lực bảo vệ bí mật của nhà vua bằng cách xác nhận ông không liên quan đến chính trị, đồng thời tìm cách tránh lưu giữ danh tính của ông. Các tài liệu cho thấy cố vấn tài chính của Vua Abdullah từ chối mọi yêu cầu tiết lộ thông tin dù chỉ ở mức tối thiểu. Trong khi đó, DLA Piper cho rằng việc Quốc vương Abdullah sử dụng các công ty nước ngoài để giao dịch là điều cần thiết vì lý do an ninh. Công ty này cho biết vua Abdullah và gia đình ông “là đối tượng của các mối đe dọa khủng bố và các nhóm gây bất ổn khác”.
Trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng”
Quốc vương Abdullah được cho là đã chi hàng triệu USD cho các tài sản trên trong bối cảnh người dân Jordan phải thắt chặt chi tiêu. Theo số liệu năm 2020, có khoảng 25% người dân Jordan chịu cảnh thất nghiệp, mặc dù nước này đã thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong ba thập niên qua để đổi lấy việc tiếp cận các khoản vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Khác với các quốc gia giàu có ở Vịnh Ba Tư, Jordan là một trong những nước nghèo nhất tại Trung Đông. Nước này có trữ lượng dầu khí không đáng kể, diện tích đất canh tác ít ỏi, nguồn cung cấp nước không đầy đủ và một cảng biển duy nhất nhưng lại nằm quá xa trung tâm, nên không có nhiều lợi thế kinh tế. Thay vào đó, Jordan duy trì kinh tế nhờ hàng tỷ USD viện trợ do có vai trò ổn định tình hình trong một khu vực đang xảy ra xung đột, cũng như sẵn sàng tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ các nước láng giềng đang có chiến tranh.
Với mong muốn củng cố hình ảnh một nhà cai trị thân thiện với phương Tây, Mỹ đã tăng viện trợ tài chính cho Jordan lên tới tổng cộng 22 tỷ USD vào năm 2018 và thêm hàng tỷ USD trong những năm tiếp theo. Tính riêng năm 2020, Jordan đã nhận được 1,5 tỷ USD từ Mỹ, trở thành đối tượng nhận viện trợ nước ngoài lớn thứ ba của Washington chỉ sau Israel và Afghanistan. Các quan chức Mỹ cho biết khoản viện trợ này được theo dõi một cách cẩn thận, cũng như không có bằng chứng nào cho thấy chúng bị sử dụng sai mục đích. Trong phần lớn thời gian được các báo cáo đề cập, Anh cũng gửi viện trợ song phương cho Jordan tới 100 triệu bảng/năm.
Các động thái này đã dẫn đến nhiều đợt tăng thuế cũng như cắt giảm trợ cấp lương thực, điện và nhiên liệu. Chính phủ Jordan cũng đang phát động một chiến dịch xóa bỏ tình trạng gian lận thuế nhằm kiềm chế nợ công, trái ngược hoàn toàn với tác động của việc “thắt lưng buộc bụng” đối với nhà vua. Các luật sư nói: “Theo luật của Jordan, Quốc vương không phải nộp thuế”.
Xây dựng hình ảnh
Mặc dù vậy, các luật sư cũng cho biết Vua Abdullah đã dành “một tỷ lệ lớn” tài sản cá nhân của mình cho các hoạt động từ thiện, phù hợp với “tầm nhìn hướng tới một xã hội bình đẳng”.
Quốc vương Abdullah, được nhiều người Hồi giáo coi là hậu duệ của nhà tiên tri Muhammad, là thành viên hàng đầu của gia tộc Hashemite quản lý các đền thờ quan trọng ở Jerusalem. Trong suốt hai thập kỷ cầm quyền, ông đã xây dựng hình ảnh một nhà vua giàu có nhưng vị tha, là thành viên của tầng lớp thượng lưu toàn cầu ngay cả khi ông đang điều hành một đất nước phụ thuộc vào dòng viện trợ khổng lồ.
Các tài khoản mạng xã hội của Vua Abdullah và Nữ hoàng Rania cho thấy họ mặc những bộ trang phục hàng hiệu, ngồi trên những chiếc xe sang, tạo dáng chụp ảnh tại cung điện hoặc trên một chiếc máy bay riêng. Tuy nhiên, họ cũng thường xuyên thăm hỏi dân làng, tham quan các trường học và bệnh viện, cũng như tham gia các sự kiện từ thiện.
Sự giàu có phản ánh qua các giao dịch bí mật trên hoàn toàn trái ngược với nguồn gốc nghèo khó của gia đình đức vua. Riedel, tác giả của cuốn sách về lịch sử quan hệ Mỹ-Jordan, cho biết: “Mẹ của Vua Hussein đã bán chiếc xe đạp của ông ấy khi ông lớn lên vì họ cần tiền. Tôi không chắc rằng Abdullah đã từng sống trong cảnh nghèo khó như cha mình, nhưng ông ấy cũng là thế hệ kế cận”.
Theo hồ sơ, Vua Hussein sở hữu nhiều bất động sản bên ngoài Jordan, bao gồm cả dinh thự gần Lâu đài Windsor ở Anh và một khu nhà trên sông Potomac ở Maryland. Tuy nhiên, tài sản của Vua Hussein phần lớn được coi là dinh thự của nhà nước, nơi các quan chức Mỹ gặp gỡ Quốc vương. Đôi khi, ông Hussein sử dụng những tài sản đó để đánh bóng hình ảnh của mình với tư cách là một công chức, trong đó nổi bật là việc bán một ngôi nhà ở Anh vào đầu những năm 1990 để tài trợ cho việc trùng tu đền thờ Dome of the Rock tại Jerusalem.
Sau khi vua Hussein qua đời vào năm 1999, một số tài sản và tiền thu được từ việc bán bất động sản dường như đã được chuyển cho Nữ hoàng Noor, người vợ thứ tư của ông. Sự sắp xếp đó đã làm xuất hiện những đồn đoán trong vương quốc về việc Abdullah - con trai người vợ thứ hai của Hussein, Công chúa Muna - được chỉ định là người thừa kế chỉ vài ngày trước khi vua Hussein mất.
Khi mối đe dọa với triều đại của mình qua đi, Vua Abdullah chuyển sang các động thái cải cách quen thuộc. Ông tuyên bố thành lập một ủy ban nghiên cứu những thay đổi về bầu cử nhằm mang lại nhiều quyền lực hơn cho người dân Jordan, đồng thời khởi động kế hoạch xử lý nạn tham nhũng. Tháng 6-2021, chính phủ Jordan đã công bố kế hoạch bổ sung ngân khố của vương quốc bằng cách truy lùng các tài sản bị che giấu trong tài khoản ở nước ngoài. Và giờ đây, việc “Hồ sơ Pandora” có phải là “gót chân Achilles” của chính ông hay không đang được thế giới đi tìm lời giải đáp.