Biến cố sông Áp Lục và thất bại của tình báo Mỹ

Thứ Ba, 22/03/2022, 13:15

Suốt hàng thập kỷ, việc thu thập và phân tích về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) luôn là ưu tiên tình báo hàng đầu của Mỹ. Mỗi đời tổng thống Mỹ kể từ Harry Truman đều muốn thông tin tốt hơn, chính xác hơn và kịp thời hơn về DPRK. Tuy vậy, đây là một mục tiêu cực kỳ khó. Sự cô lập với thế giới bên ngoài khiến DPRK trở thành một hố đen cho thu thập thông tin. Và người Mỹ nhắm vào nước này cho một thử thách tình báo lớn hơn: Tìm hiểu về Trung Quốc, hàng xóm quan trọng nhất của DPRK.

Một năm sau khi thành lập, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) đã tham gia chiến tranh Triều Tiên và đánh Mỹ, cùng các đồng minh Liên Hợp Quốc (UN) đang nắm quyền kiểm soát bán đảo liên Triều. Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 khi quân miền Bắc tiến xuống miền Nam. Chỉ trong vài ngày vượt biên giới, người miền Bắc đã thắng áp đảo quân miền Nam và tiếp quản Seoul.

Đến tháng 9 năm 1950, Douglas MacArthur, một anh hùng của thời Thế chiến II, đã ngăn chặn bước tiến của DPRK và tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ tập hậu vào phòng tuyến của họ tại Inchon, tái chiếm giữ Seoul khiến quân miền Bắc phải rút lui. Washington không chắc lắm về việc giải phóng Seoul, song tướng MacArthur vẫn quyết định hành binh về miền Bắc đến sông Áp Lục và biên giới Trung Quốc.

Về phần mình, đầu tháng 10 năm 1950, Chủ tịch Mao Trạch Đông quyết định phái binh vượt sông Áp Lục. Có điều quân đội Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Tập đoàn quân số 8, đã chuẩn bị rất kém cho cuộc chiến. Các lực lượng chiếm đóng ở Nhật Bản được dồn đến mặt trận Triều Tiên có vẻ chưa sẵn sàng nghênh chiến. Nhiều sĩ quan quá già so với các điều kiện tiền tuyến. Việc đánh nhanh, thắng nhanh quân DPRK ở Inchon đã khiến người Mỹ sinh ra tự mãn trong số các chỉ huy và binh lính, rằng cuộc chiến đã kết thúc. MacArthur hứa trước ba quân rằng sẽ trở về nhà vào dịp giáng sinh 1950.

Biến cố sông Áp Lục và thất bại của tình báo Mỹ -0
Tướng Charles Willoughby, giám đốc tình báo (G2) trong chiến tranh Triều Tiên. Ảnh nguồn: ARSOF History.

Công tác tình báo bị coi nhẹ

MacArthur hiểu rõ rằng “kiểm soát tình báo là biết chính xác quyết định điều binh”. Ông đã xây dựng một cộng đồng tình báo trong khu vực chỉ huy của mình, chăm chú lắng nghe những gì ông muốn và trao tin tức có giá trị để củng cố quan điểm đã có của mình. MacArthur muốn toàn quyền kiểm soát chiến tranh và thực thi nó, không phải lo cấp dưới đoán già đoán non, hoặc sự can thiệp từ bên ngoài bởi chính quyền Washington, đặc biệt là Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Nếu sở chỉ huy Tokyo của ông chỉ thuần chịu trách nhiệm về thu thập và đánh giá tình báo đối phương, thì bản thân MacArthur có thể quyết định độ lớn của mối đe dọa từ phía đối phương và phải làm gì.

Quyền lực của MacArthur đã đặt cơ quan tình báo dân sự tương đối mới mẻ của Mỹ - Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) – vào tình thế khó xử: không được phép có đại diện ở Tokyo, hoặc tham dự vào công tác ước tính tình báo cho Tập đoàn quân số 8. Trong suốt Thế chiến II, MacArthur đã làm điều tương tự, loại trừ tiền thân của CIA là Cục tình báo chiến lược (OSS) từ chỉ huy mặt trận Tây Nam Thái Bình Dương của mình.

MacArthur thường ưa thích ngủ trong tổng hành dinh ở Nhật Bản, không muốn có kẻ thách thức tình báo bên ngoài. Sau này có một sử gia viết rằng: “Chỉ sau khi chuốc thất bại thảm hại trong khu vực và hiểu ra ý đồ của quân đội PRC, cuối cùng CIA mới vào cuộc”. Giám đốc tình báo của MacArthur (G2) là Tướng  Charles Willoughby, người đã làm việc với vị chỉ huy kể từ khi phục vụ ở Philippines từ năm 1939, trước Thế chiến II. Sau này Willoughby đã viết tiểu sử về MacArthur dày hơn 1.000 trang.

Tháng 6 năm 1950, ông Willoughby chắc chắn với chỉ huy MacArthur rằng DPRK sẽ không xâm phạm miền Nam bất chấp những cảnh báo từ giám đốc CIA khi đó là Đô đốc Roscoe Hillenkoetter. Mùa Thu năm 1950, văn phòng của Willoughby từ chối tin hoặc xác nhận các báo cáo về hàng ngàn lính Trung Quốc ở DPRK. Ngay cả khi tù binh Trung Quốc khi bị bắt, Willoughby cũng đuổi đi với niềm tin họ là cố vấn hoặc chuyên gia chứ không phải binh lính.

G2 ở Tokyo nhận ra một số sư đoàn Trung Quốc đã tiến vào miền Bắc (DPRK), song lại cho rằng họ không phải các đơn vị chiến đấu tổng lực. Willoughby “nghiên cứu thông tin tình báo nhằm cho phép các lực lượng MacArthur đi đến nơi họ muốn: bên bờ sông Áp Lục, mà không gặp bất đồng chính kiến nào từ phía Tokyo hoặc Washington”. Tokyo ước tính rằng số lượng lính Trung Quốc ở DPRK không đầy 1/10 so với thực tế.

Ngày 15 tháng 10 năm 1950, MacArthur họp với Tổng thống Truman trên đảo Wake (giữa Thái Bình Dương). Vị tổng tư lệnh cam kết với ông chủ rằng chiến cuộc sẽ kết thúc vào dịp Lễ Tạ ơn và nhiều binh sĩ sẽ hồi hương để ăn Giáng sinh. Khi Truman hỏi dò xét “Thái độ người Trung Quốc thế nào?”, thì MacArthur nói rằng họ sẽ không can dự. Ngay cả nếu như Trung Quốc can thiệp thì cũng không thể đưa được 5 vạn quân vượt sông Áp Lục, MacArthur khẳng định lấy nguồn tình báo của G2. Nhưng thực tế thì vào ngày 19 tháng 10 năm 1950, 260.000 lính Trung Quốc đã vượt sông tiến thẳng vào DPRK.

Biến cố sông Áp Lục và thất bại của tình báo Mỹ -0
Sư đoàn Kỵ binh số 1 Hoa Kỳ đổ bộ lên bờ biển Pohang vào tháng 7 năm 1950 trong chiến tranh Triều Tiên. Ảnh nguồn: AP.

Ngay cả những lần chạm trán đầu tiên với các lực lượng Trung Quốc trên chiến trường cũng không làm lung lay các ước tính tình báo thiếu chính xác của viên chỉ huy. Cuối tháng 10 năm 1950, Tập đoàn quân số 8 đã lâm vào cuộc chiến khốc liệt và cay đắng tại Unsan. Người Mỹ đã tiến sâu nhưng sau đó người Trung Quốc nhử mồi, họ muốn cho người Mỹ chui sâu hơn vào bẫy đã giăng sẵn nhằm chặn đường tiếp tế để cô lập nó ngay gần biên giới Trung Quốc. Willoughby cho rằng trận Unsan chỉ là con tép và tiếp tục tuyên bố người Trung Quốc sẽ không can thiệp bằng vũ lực. MacArthur nghe theo.

Chiến thuật đánh bẫy của PRC với một đơn vị lính Mỹ ở Unsan cũng tương tự như việc PRC từng xâm lược Ấn Độ chỉ 12 năm sau đó (năm 1962) khi đó họ cũng dùng chung chiến thuật: tấn công, ngừng và tấn công trở lại để đánh bại quân. MacArthur đã thực hiện một trong những chuyến đi chớp nhoáng từ Tokyo đến Hàn Quốc vào ngày 24 tháng 11 năm 1950 để nói với đại sứ Mỹ ở Seoul rằng chỉ có 25.000 quân Trung Quốc ở bán đảo Triều Tiên.

Sau đó MacArthur bay trên sông Áp Lục về lại Tokyo trong tư cách trinh sát không phận nhằm gây ấn tượng với giới truyền thông. Báo cáo của ông gửi về Washington có nội dung bác bỏ sự can thiệp của Trung Quốc. Ba ngày sau đó quân đội của Mao Chủ tịch đã tấn công lực lượng Mỹ khi họ đang hành binh qua sông Áp Lục.

Kết quả là Tập đoàn quân số 8 trúng kế và quân đồng minh Hàn Quốc bị tiêu diệt. Hàng ngàn binh sĩ đồng minh tử trận hoặc bị thương. Sử gia Anh, Max Hastings mô tả sự kiện này rằng “sự tan rã hệt như cú sụp đổ của người Pháp trước sự xâm lược của Đức Quốc xã năm 1940 và người Anh thua Nhật Bản ở Singapore năm1942”.

Đến ngày 31 tháng 12 năm 1950, quân Mỹ bị đẩy lùi 120 dặm về hướng Nam, trở lại vĩ tuyến 38, và tiếp tục lui binh. Seoul rơi vào tay người Trung Quốc ngay đầu năm 1951. Cho đến nay đây được cho là sự thất thủ tồi tệ nhất mà lực lượng vũ trang Mỹ phải gánh chịu trong toàn bộ thế kỷ 20. Một chỉ huy Mỹ mới toanh, Tướng Mathew Ridgeway, đã thay quyền MacArthur ở Hàn Quốc. Một trong những hành động đầu tiên của Ridgeway là đưa CIA ra sân khấu nhằm cung cấp một quan điểm tình báo thay thế từ quan điểm của Willoughby tại trụ sở Tokyo.

Cái giá của thông tin đa chiều

Như đã nói ở phần trên, Ấn Độ đã cố gắng cảnh báo Mỹ rằng Trung Quốc sẽ tham gia chiến tranh Triều Tiên, và thực tế đã chứng minh đúng. Ngay từ lúc khơi mào chiến tranh, Ấn Độ đã cố gắng tiến hành một hiệp định đình chiến. Tháng 7 năm 1950, chính quyền của Thủ tướng Nehru đã gợi ý với các đồng minh rằng Trung Quốc có thể gây sức ép buộc Hàn Quốc phải đình chiến dọc theo vĩ tuyến 38, qua đó khôi phục lại nguyên trạng, nếu người Mỹ cho phép Trung Quốc kiểm soát ghế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) vẫn do chính phủ Trung Hoa dân quốc kiểm soát. Washington không đếm xỉa tới đề xuất này.

Ấn Độ - nước từ chối gửi quân tham gia các lực lượng UN ở Hàn Quốc – là một trong những nước đầu tiên chính thức công nhận PRC và mở đại sứ quán ở Bắc Kinh. Đại sứ của Ấn Độ là một nhà ngoại giao lão làng tên là K.M. Panikkar, người này cũng viết một số đầu sách về cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc phương Tây ở Châu Á.

Tháng 9 năm 1950, những cuộc tiếp xúc quân sự của Panikkar ở Bắc Kinh đã khiến ông nắm được nguồn tin quan trọng rằng PRC sẽ không cho phép các lực lượng UN bao gồm Tập đoàn quân số 8 hành binh đến Áp Lục. Giới chức quân đội Trung Quốc rỉ tai với Panikkar rằng Mao Chủ tịch chuẩn bị chiến tranh hạt nhân nhằm chặn đứng các đại quân nước ngoài. Đại sứ quán Ấn Độ ở Bắc Kinh nhận được mật tin rằng các đoàn tàu chở lính Trung Quốc đang chạy đến khu vực gần biên giới, và chính phủ Ấn Độ đã gửi các báo cáo này cho Washington và London.

Vào ngày 2 tháng 10 năm 1950, ngay lúc nửa đêm, Panikkar được triệu tập để gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và được nói rằng nếu quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38 thì Trung Quốc sẽ can thiệp. Lúc 1 giờ 30 phút sáng ngày đó, Panikkar gọi điện cho Nehru và ông này đã chuyển tin cho các đồng minh UN. Người Anh đặc biệt lo lắng trước các thông điệp của Ấn Độ. Vương quốc Anh và các đồng minh Khối thịnh vượng chung có đạo quân lớn thứ 2 (gồm 2 lữ đoàn) trong các lực lượng UN ở Hàn Quốc.

Biến cố sông Áp Lục và thất bại của tình báo Mỹ -0
Quân Trung Quốc chuẩn bị vượt sông Áp Lục. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Người Anh cũng lo rằng nếu khiêu khích Trung Quốc ở Triều Tiên thì có thể khiến họ tấn công vào thuộc địa Anh ở Hong Kong. Tham mưu trưởng Liên quân Anh là chỉ huy các lực lượng Anh ở Ấn Độ và Miến Điện trong suốt Thế chiến II, Nguyên soái Sir William Slim, người hiểu Trung Quốc rất sâu sắc.

Ông Slim lo rằng kể từ tháng 7, việc di chuyển qua vĩ tuyến 38 sẽ chọc tức Trung Quốc. Khi thông điệp của Panikkar chuyển tới London nó càng củng cố sự lo âu của nguyên soái Slim. Cộng đồng tình báo Anh được dẫn đầu bởi Ủy ban tình báo hỗn hợp (JIC) đã rất thận trọng khi nghĩ đến sự can thiệp tiềm năng của Trung Quốc. Nhưng JIC đã bác bỏ cảnh báo của Thủ tướng Chu Ân Lai vì cho rằng không thể có chuyện đó xảy ra.

Khi JIC lưu ý việc này vào cuối năm 1951, thì mới hay rằng cộng đồng tình báo Anh trong năm 1950 đã không hiểu đúng mức độ rằng Mao Chủ tịch mới là người ra lệnh cuối cùng ở Bắc Kinh, và quyết định của ông chỉ nhằm các lợi ích của Trung Quốc, khác với suy nghĩ của phương Tây về chính trị toàn cầu. Cảnh báo giảm nhẹ của JIC đã không làm yên lòng các tướng lĩnh ở London.

Tại Tokyo, MacArthur và Willoughby nhất loạt bác bỏ cảnh báo của Ấn Độ, cho rằng nó chỉ là đòn hù gió của phe Cộng sản từ một nguồn không đáng tin cậy. Các nhà phân tích CIA ở Washington lại cho rằng cảnh báo của Panikkar là chính xác, nhưng dưới sự ảnh hưởng từ trụ sở Tập đoàn quân số 8 nên họ cũng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực. CIA chuẩn bị Bản ước tính tình báo quốc gia (NIE) thu thập quan điểm của toàn thể cộng đồng tình báo ở Washington vào ngày 6 tháng 11 năm 1950, tuy nhiên NIE đánh giá rằng chỉ có 3 vạn quân PRC ở phía Nam sông Áp Lục.

Ngày 24 tháng 11 năm 1950 là bản cập nhật mới nâng số lượng quân PRC lên 7 vạn chia thành 4 sư đoàn. Ngay ở Washington, Ngoại trưởng Dean Acheson (một trong những người thông minh nhất của chính quyền Truman) cũng cho rằng Trung Quốc không can thiệp. Acheson cho rằng sẽ là “sự điên rồ hết mức” nếu Mao Chủ tịch đối đầu với Mỹ.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.
.