Bí mật bên trong chiếc cặp đựng tài liệu của điệp viên Kim Philby

Thứ Tư, 15/05/2024, 20:15

Sau khi nghiên cứu các tài liệu cá nhân của Kim Philby và trò chuyện với Charlotte, cháu gái của ông, phóng viên báo “Izvestia” cho biết trong thời gian sống ở Liên Xô, điệp viên huyền thoại Kim Philby gửi trứng cá và áo khoác lông về anh. đổi lại, ông nhận được bánh mứt kẹo yêu thích của các học trò bí mật. trong chiếc cặp đựng tài liệu của ông được lưu giữ tại căn hộ ở Moscow, có những lá thư của nhiều người hâm mộ và các con ông.

"Hoạt động tình báo là sở thích của cháu"

Kim Philby là thủ lĩnh của nhóm "Cambridge Five" nổi tiếng và một trong những nhà lãnh đạo của tình báo Anh, đồng thời ông được coi là điệp viên Liên Xô xuất sắc nhất trong lịch sử. Suốt ba thập kỷ, Kim Philby không bị phát hiện. Còn thư từ riêng của ông được lưu giữ trong một chiếc cặp tại một căn hộ ở Moscow.

Trong chiếc cặp này có những tấm bưu thiếp của các con ông gửi bố sau khi ông bỏ trốn từ Beirut đến Liên Xô. Ngoài ra, ở đây còn có những bức thư của nhiều chiến hữu và người cùng chí hướng trên khắp thế giới gửi Kim sau khi bài phỏng vấn của ông được công bố trên tờ “The Times”, và thư của các học viên KGB mà ông đã đào tạo trước khi làm việc ở nước ngoài. Philby đích thân đến nhận những bức thư này ở tòa nhà của Tổng cục Bưu điện trên phố Myasnitskaya, Moscow.

2- phòng làm vi-c kim.jpg -0
Phòng làm việc của Kim Philby ở Moscow.

Trên phong bì, một số người thường ghi số hộp thư của người nhận, số khác thậm chí chỉ ghi “Moscow, Quảng trường Đỏ, Philby” - những bức thư như vậy cũng đã đến tay người nhận. Và như thường lệ, họ đều được Kim hồi đáp. Nhiều người xin bút tích của ngôi sao tình báo, đặc biệt, có một người Ấn Độ xin việc làm. Một cô bé người Anh thú nhận rằng cô quyết định giấu bố mẹ bày tỏ lòng ngưỡng mộ Kim, còn một thanh niên Ba Lan nói đùa rằng vì biết anh viết thư cho Kim, các  đồng chí ở MI-6 giờ đây cấm anh ta nhập cảnh vào phương Tây.

Đặc biệt đáng chú ý là bức thư của Kevin Korengold, một sinh viên ở Cambridge, được gửi vào tháng 4/1988 - một tháng trước khi Kim Philby qua đời. “Cháu hiện là sinh viên luật năm thứ nhất tại Trường Cao đẳng Trinity. Một trong những sở thích của cháu là hoạt động tình báo. Cháu đọc nhiều sách về tình báo, trong đó có cuốn “Cuộc chiến bí mật của tôi” (hồi ký của Kim Philby). Nhiều cuốn trong số này liên quan đến cuộc sống của bác ở Cambridge. Tuy nhiên, cháu không tìm thấy thông tin nào về những căn phòng mà Guy Burgess, Anthony Blunt (các thành viên khác của “Cambridge Five”) và bác đã sống. Cháu rất biết ơn, nếu bác giúp giải đáp thắc mắc của cháu".

Được biết, chàng trai trẻ đam mê hoạt động tình báo nay đã trở thành một luật sư tóc bạc sống ở Brussels. 34 năm sau, chúng tôi quyết định viết thư cho Kevin Korengold thay Kim, nhưng không có hồi âm. Tuy nhiên, một tình tiết thú vị khác lại nảy sinh trong câu chuyện này: hóa ra, bố của chàng cựu sinh viên là Robert (Bud) Korengold, một quân nhân, nhà báo và nhà ngoại giao Mỹ nổi tiếng.

Trong Chiến tranh Triều Tiên, Robert Korengold là lính hải quân, sau đó làm phóng viên thường trú ở Paris, London, Geneva, rồi phụ trách văn phòng của tạp chí “Newsweek” và các cơ quan truyền thông khác ở Moscow. Không có gì bí mật là các nhà báo quân đội thường được phân công giữ những chức vụ chủ chốt như vậy. Hơn nữa, năm 1959 ở Moscow, Robert Korengold đã gặp kẻ đào tẩu Lee Harvey Oswald (cựu binh lính thủy đánh bộ Mỹ, người đã ám sát Tổng thống John F. Kennedy ngày 22/11/1963). Lúc bấy giờ, Robert Korengold định phỏng vấn y nhưng bị từ chối. Đành phải cử một nữ nhà báo xinh đẹp đến gặp Oswald, và cuộc trò chuyện đã diễn ra.

1- kim.jpg -0
Điệp viên huyền thoại Kim Philby.

Tiện thể xin nói, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Tổng thống Mỹ, Robert Korengold viết rằng vài giờ sau vụ ám sát ở Dallas, ông đã thông báo với văn phòng Hãng thông tấn UPI (United Press International) ở Boston về mối liên hệ của Oswald với Liên Xô. Và mấy phút sau, cả nước Mỹ biết được thông tin chi tiết về kẻ ám sát Kennedy.

Năm 1977, Korengold - bố chuyển sang hoạt động ngoại giao. Ông từng làm tùy viên báo chí và cố vấn quan hệ công chúng của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở nhiều nước châu Âu, đồng thời là điều phối viên của Nhà Trắng tại cuộc gặp giữa Gorbachyov và Reagan ở Geneva. Phần đời còn lại ông sống ở Normandy.

“Vào đầu những năm 90, khi tôi gặp Bud Korengold ở Paris, ông ấy là một trong những quan chức ngoại giao nổi tiếng nhất tại Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ”, - Miller Crouch, đồng nghiệp của ông nhớ lại.

Như vậy, có thể kết luận rằng chàng sinh viên Cambridge viết thư cho Kim Philby ở Moscow, rõ ràng là với sự đồng ý của ông bố nổi tiếng... Quả thật, có Chúa mới biết vì mục đích gì.

4- nhà báo robert k.jpg -0
Nhà báo kiêm nhà ngoại giao Robert Korengold.

Gửi trứng cá và áo lông cho các con

Philby kết hôn bốn lần. Với người vợ Nga Rufina Pukhova ông không có con, nhưng từ cuộc hôn nhân thứ hai, ông có ba con trai và hai con gái ở quê nhà. Họ không biết gì về cuộc đời bí mật của ông, và việc Kim bị phát hiện làm gián điệp cho Liên Xô là một cú sốc lớn đối với họ. John, Josephine và Miranda tiếp tục giữ quan hệ ấm áp với bố sau tất cả những gì đã xảy ra - điều đó thể hiện rõ trên những tấm bưu thiếp được gửi đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đi du lịch rất nhiều nơi, trên những tấm thiệp gửi bố, họ chia sẻ những ấn tượng của mình về những gì đã nhìn thấy. Josephine gọi Kim là “Bố thân yêu”. Còn John đã đến dự đám tang của bố năm 1988.

Từ Marbella, Tây Ban Nha, không ghi rõ năm: “Chúng con đã sống những ngày đầy nắng, với đồ ăn và thức uống không chê vào đâu được! Trước kia, có lẽ đây là một địa điểm tuyệt vời, hiện nay xung quanh quá nhiều người Anh và cái mà con gọi là "ảnh hưởng của người Anh". Chúng con vẫn chưa ăn món cơm thập cẩm Paella, nhưng trước lúc đi, thế nào cũng phải nếm thử”.

Từ Pháp, năm 1980: “Chúng con đã trở lại nền văn minh sau khi cắm trại ở Ý. Ngay cả Frank cũng thích, ngoại trừ việc bị côn trùng cắn. Có thể, chúng con đã chọn sai địa điểm, quả thật nước Ý không ấn tượng lắm - các thành phố khá khô cằn, còn con người nói chung không mấy thân thiện".

Từ Vương quốc Anh, năm 1982: “Mọi người rất thích những món quà bố gửi về qua John, từ món trứng cá đến chiếc áo khoác lông; và những chiếc mũ trông thật tuyệt. Trứng cá rất ngon!”.

5- thu c-a m. bogdanov.jpg -0
Thư của học trò cũ Michael (Mikhail Bogdanov).

Lựa chọn giữa gia đình và hệ tư tưởng

Trong cặp có cả một tấm bưu thiếp do cháu Charlotte vẽ: “Kính gửi ông Kimski, cháu yêu ông”. Khi Kim qua đời, Charlotte mới 5 tuổi. Tuy nhiên, một số ký ức thời thơ ấu đã khắc sâu vào trí nhớ của cô bé. Về ngoại hình, Charlotte rất giống ông, sau này cô bé trở thành nhà báo và nhà văn, đã xuất bản một số tác phẩm trinh thám.

Không lâu trước lúc qua đời, bà Rufina Philby đã đọc một cuốn trong số đó. Mãi đến năm 2010, Charlotte mới trở lại Moscow: cô đến thăm các quán bar và bảo tàng yêu thích của ông nội, thăm căn hộ của ông, nơi cô nhìn thấy bức chân dung của mình. Trong những năm này, Charlotte không muốn tiếp xúc với các báo Nga, trừ tờ “Izvestia”.

- Ký ức đầu tiên của tôi về nước Nga gắn với hình ảnh tôi ngồi trong chiếc ô tô phóng như bay trên con đường cao tốc, nhìn ra khu rừng và cảm thấy rất hồi hộp. Tôi cũng nhớ cái sân chơi trẻ em gần nhà ông nội mà chúng tôi gọi là “công viên gấu” vì hình những chú gấu bằng gỗ mà tôi rất thích. Tôi nhớ ông nội là một cụ già giản dị mặc chiếc quần có dây đeo, thích chơi nhiều trò chơi với tôi và chơi cờ với bố tôi”, - Charlotte kể với phóng viên báo “Izvestia”. - Tôi nghĩ rằng đối với tôi, việc nghiên cứu di sản của ông nội là một nỗ lực để hiểu con người thực của ông phía sau tấm mặt nạ. Hiểu sự lựa chọn của ông giữa gia đình và hệ tư tưởng và cuộc sống hai mặt ảnh hưởng đến ông như thế nào - đối với tôi, vấn đề này thú vị hơn vấn đề ông đúng hay sai.

Tháng 3/2022, Charlotte xuất bản cuốn sách mới của mình “Edith và Kim”, viết về Edith Tudor-Hart, người phụ nữ đã giới thiệu Kim với Arnold Deitch, nhà tình báo Liên Xô đã tuyển mộ Kim năm 1934. Sách giới thiệu phiên bản những bức thư Kim gửi cho gia đình từ những năm 1960 đến khi ông qua đời vào năm 1988.

Những món quà của học trò cũ

Kim cũng thường xuyên trao đổi thư từ với các học trò cũ của mình. Vào những ngày thứ Sáu, họ tập trung tại một căn hộ bí mật, nơi Kim giảng phương pháp làm việc ở nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm quý báu và nghĩ ra những tình huống bất ngờ khác nhau. Sau khi ra nước ngoài, họ trao đổi thư từ và gửi tặng thầy những món quà từ quê nhà - ví dụ như món mứt yêu thích của Kim. Tất cả đều được chuyển qua các kênh ngoại giao.

Trích thư của 5 học viên, tháng 8/1978: “Thầy Kim kính mến! Xin bày tỏ lòng biết ơn của chúng em vì những bài giảng, hội thảo, các giờ thực hành và những câu chuyện vui của thầy. Chúng em đánh giá cao nỗ lực to lớn của Thầy và xin hứa rằng những kiến thức chúng em thu được trong những ngày thứ Sáu đáng nhớ ấy sẽ phục vụ một cách hiệu quả cho mục đích chung của chúng ta. Chúng em luôn ngưỡng mộ Thầy như một người bạn, một nhà thông thái, người đồng đội”.

Trích thư của Michael (Mikhail Bogdanov), năm 1982: “Em vẫn ổn, đang chiến đấu chút ít. Tình hình khá căng thẳng (Ba Lan, chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân, vô số tiết lộ về gián điệp, v.v.). Nhưng khó có thể mong đợi điều gì khác. Em xin gửi Thầy một ít đồ ngọt. Rất mong được gặp Thầy ở Moscow”.  Mikhail Bogdanov về sau trở thành đại tá của Cục Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), hiện đã nghỉ hưu.

Trích thư của Kim gửi Michael, tháng 10/1980: “Michael thân mến, thầy rất vui khi nhận được tấm bưu thiếp của em với hình ảnh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô và được biết rằng em đã nhận chức vụ mới quan trọng hơn. Chúc em may mắn! Năm nay thầy lại bắt đầu một lớp cũ với hai học viên mới, cộng thêm một hoặc hai học viên cũ. Hôm nay thầy mới gặp họ lần thứ hai và đang vắt óc suy nghĩ xem phải nói gì với họ mà họ chưa biết. Thầy chúc em thành công trong sự nghiệp và nếu có cơ hội được góp phần vào đó, thầy sẽ rất tự hào và hạnh phúc".

Trần Hậu
.
.
.