Bạn biết gì về vũ khí của các điệp viên?
Chính quyền Hàn Quốc cách đây không lâu đã bắt giữ một sát thủ được trang bị những vũ khí chết người, trong đó có thiết bị giống với vũ khí trong phim Điệp viên 007.
Một "quan chức điều tra" của Hàn Quốc, trò chuyện với CNN, đã mô tả các vũ khí như sau: Một thiết bị có đầu tẩm độc được chế tạo trông giống như bút bi Parker; một cây bút thứ hai được trang bị để bắn những viên đạn chứa đầy chất độc trực tiếp vào da; và một chiếc đèn pin nhỏ được lắp để bắn ba viên đạn ở cự ly gần.
"Bạn sẽ nhận thấy đây là một khẩu súng", vị quan chức nói, "nhưng những vũ khí này lợi hại đến mức chúng có thể dễ dàng giết chết ai đó mà không cần cảnh báo. Tôi sẽ chết ngay lập tức”. Đó là 3 trong nhiều loại thiết bị giết người đầy sáng tạo được sản xuất dành riêng cho điệp viên trên thế giới.
Dưới đây là một số vũ khí giết người khác được các tổ chức tình báo thiết kế từng xuất hiện:
Bom làm từ sô-cô-la
Trong Thế chiến II, Thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh đạo Đức Quốc Xã có mối quan hệ căng thẳng. Điều này được chứng minh trong một bức thư do một quan chức tình báo cấp cao của Anh viết. Bức thư cũng nhắc đến âm mưu kỳ lạ của Đức Quốc xã nhằm ám sát thủ tướng Anh bằng bom sô-cô-la.
“Chúng tôi đã nhận được thông tin nói rằng, kẻ thù sử dụng một thiết bị bằng thép chứa chất nổ và một số cơ chế trì hoãn, bên ngoài được phủ lớp sô-cô-la rất mỏng”, quan chức tình báo Anh Victor Rothschild viết. “Thật may là điệp viên Anh đã phát hiện quả bom ngọt này trong phòng ăn của Ủy ban Chiến tranh trước khi có người nào đó nếm thử”.
Để tự vệ và đôi khi tham gia ám sát nhân vật quan trọng, các điệp viên còn được trang bị những loại súng sáng tạo và hiểm độc nhất với vẻ ngoài không ai ngờ tới.
Súng son môi
Súng soi môi còn được mệnh danh là “nụ hôn tử thần”. Đây là một khẩu súng nổi tiếng xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh và bề ngoài giống một cây son bình thường. Nó được Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) thiết kế và giao cho nữ điệp viên thực hiện những nhiệm vụ ám sát. Khẩu súng này bắn ra một viên đạn 4,5mm và giết chết nạn nhân. Súng son môi lần đầu tiên được phát hiện tại biên giới Tây Berlin, Đức.
Súng găng tay
Là một sản phẩm khác của KGB thời chiến tranh Lạnh, súng găng tay được kích nổ bằng động tác co ngón tay. Vũ khí này giúp sát thủ tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần trước khi bắn ra một viên đạn gây chết người.
Súng hình móc chìa khóa
Khẩu súng hình móc chìa khóa vô cùng lợi hại do các kỹ sư tình báo Bulgaria chế tạo. Nó có khả năng bắn được 32 viên đạn có chứa chất độc gây chết người.
Bình thường, trông khẩu súng giống như một chiếc lắc chìa khoá hình chữ nhật vô hại, nhưng nếu bấm một nút nhỏ trên đó, nó có thể khai hỏa hai nòng súng bí mật bên trong. Tuy nhiên, khẩu súng hình lắc chìa khóa có kích cỡ nhỏ và nòng súng ngắn nên khi bắn thường giật rất mạnh, tiếng nổ lớn và không được chính xác. Nó được các chuyên gia coi là sự lựa chọn cuối cùng cho điệp viên khi không còn cách nào khác.
Thuốc lá tẩm độc
Một điệp viên Nikolai Khokhlov người Nga khi đào ngũ sang Tây Đức năm 1954, đã tiết lộ cho giới tình báo phương Tây một loại vũ khí độc đáo và lợi hại giấu trong bao thuốc lá. Khẩu súng đặc biệt này sẽ tự động bắn ra một loại đạn chứa đầy thuốc độc khi "bao thuốc lá" được mở để "mời" ai đó.
Ngày 16/8/1960, một quan chức Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được giao một hộp thuốc xì-gà ưa thích của nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro và các hướng dẫn tẩm chúng bằng một chất độc chết người. Các điếu xì-gà được tẩm chất độc có tên botulinum, loại độc hại đến mức có thể giết chết nạn nhân nếu người này châm thuốc. Một số báo cáo nói rằng, mặc dù số thuốc trên được tẩm độc đúng cách, nhưng không rõ liệu chúng có tiếp cận được với lãnh đạo Fidel Castro hay không.
Súng tấn công tim
Trong một phiên điều trần của Thượng viện giữa những năm 1970, các quan chức Mỹ hé lộ một loại súng bắn phi tiêu có khả năng gây đau tim cho nạn nhân. Loại đạn này có thể xuyên qua quần áo, để lại một vết đỏ nhỏ như muỗi đốt trên da, sau đó tự tan và giải phóng độc tố chết người. Theo InfoWars, lợi thế của loại vũ khí này là gây ra một cái chết giống như tự nhiên trong trường hợp nạn nhân được khám nghiệm tử thi. Hiện chưa rõ loại súng trên đã được sử dụng trong thực tế hay chưa.
Súng Harmonica
Thiết bị này giống với một cây kèn Harmonica, nhưng tốt hơn là không nên đặt nó vào miệng đâu nhé. Đây là một trong những khẩu súng có công suất cao đầu tiên với các lỗ đạn đặt ngang chứ không phải theo chiều dọc thông thường. Trong băng đạn, đầu đạn, hạt nổ và thuốc súng được nạp riêng trong từng buồng, bắn xong một phát đạn phải đẩy băng đạn bằng tay. Để sử dụng loại vũ khí này, xạ thủ cũng cần dùng tay để đẩy băng đạn nằm ngang trên thân súng.
Tuy nhiên, người bắn cần khéo léo để viên đạn không nằm sai vị trí. Nếu viên đạn nằm sai chỗ, việc nổ súng sẽ thổi bay những ngón tay của người siết cò luôn. Không khó để đánh giá rằng chúng là 1 loại vũ khí khó sử dụng, nhưng nói về gọn nhẹ và khả năng ngụy trang thì nghe cũng thú vị đấy chứ.
Súng cối cầm tay
Đây là loại súng được sử dụng vào cuối thế kỷ 17 và 18 để ném lựu đạn xa hơn 1 bàn tay có thể ném nó. Mặc dù nó không phải là một trong những phương tiện chiến đấu phổ biến, nhưng hầu hết các đội quân của Châu Âu vào giai đoạn này đều sử dụng chúng cho đến khi những thiết bị hiệu quả cao hơn được phát minh.
Nhìn qua ảnh thì cũng chẳng thể nào biết được cách sử dụng, nhưng có cái mà ta có thể khẳng định được đó là chúng không chỉ quái mà còn có chút gì đó nhảm nhí nữa.
Súng ô
Chỉ một ngày trước khi qua đời năm 1978 ở London, Anh, nhà văn bất đồng quan điểm Bulgaria Georgi Markov cảm thấy bị một vật sắc nhọn chích vào đùi. Lúc đó ông nhìn thấy một người đàn ông cầm ô đứng sát mình và bỏ chạy. Chiếc ô bắn ra một phi tiêu chứa đầy ricin, một chất độc rất tinh vi. Bên cạnh đó, viên đạn cũng được bọc bởi một chất sáp đặc biệt được thiết kế để tan chảy theo nhiệt độ cơ thể và giải phóng chất độc vào máu nạn nhân. Sát thủ được cho là một thành viên của cảnh sát mật Bulgaria và chưa bao giờ bị bắt.
Chuột mang bom
Trong Thế chiến II, tổ chức thực hiện hoạt động đặc biệt của Anh (SOE) nghĩ ra một kế hoạch thông minh cho nổ tung các nồi hơi của kẻ thù. Họ giấu những con chuột chứa chất nổ trong thân vào các đống than của Đức. Sau đó, nếu kẻ thù không để ý và vứt những con chuột chết vào đống lửa để đốt xác thì sẽ gây ra vụ nổ lớn. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó thất bại vì giới chức Đức Quốc xã bắt giữ được lô hàng bom chuột đầu tiên và sau đó giới thiệu loại vũ khí này ở những học viện quân sự hàng đầu đất nước.
Vespa 150 TAP
Đây có vẻ là điều mà nhiều người mơ ước khi được dùng vũ khí này trong quân đội? Vespa 150 TAP được quân đội Pháp thiết kế cho lính nhảy dù để chống lại các lực lượng du kích tại Algeria vào những năm 1950. Điểm đặc biệt của chiếc xe này, trên xe lắp một pháo không giật M20 cỡ 75mm, ở bên trái xe khoét một lỗ để nhét nòng pháo và cố định nó. Thông thường, khi pháo bắn sẽ tạo độ giật cao do toàn bộ khí đẩy viên đạn lên cho tới khi đạn rời nòng súng và tạo thành khí phản lực tạo độ giật lớn thì đặt nó trên khung một chiếc xe máy là điều không tưởng. Chiếc xe có thể "vỡ tan" ngay khi một phát đạn được bắn.
Nhưng nếu đó là pháo không giật thì lại là chuyện khác, người ta nạp đạn vào pháo qua bệ khóa nòng phía sau, khi bắn cùng với lượng khí thoát ra đầu nòng súng thì có một lượng khí thoát ra phía sau với áp lực gần tương đương với áp lực khí đẩy viên đạn ra khỏi nòng. Với hai luồng phản lực ngược nhau, sức mạnh tương đương nên sẽ tự triệt tiêu nhau làm giảm đến mức tối đa độ giật. Nhờ vậy, chiếc Vespa mỏng manh hoàn toàn có thể chịu được khi khẩu pháo không giật cỡ 75mm bắn, đạn khẩu pháo này có thể xuyên giáp xe tăng dày tới 100mm.
Vào thời điểm những năm 1950-1960, một chiếc Vespa có giá 500 USD, còn pháo M20 thì nhiều vô kể. Không lạ khi người Pháp đã chế tạo tới 800 chiếc loại này triển khai trong cuộc chiến tại Algieria.