Badri 313- đơn vị đặc nhiệm của Taliban

Thứ Hai, 16/01/2023, 21:53

Badri 313 được coi là phiên bản về các đơn vị hoạt động đặc biệt tinh nhuệ (SOF) rất ít người biết của Taliban. Badri 313 được biết là có kết nối khá mạnh mẽ với mạng lưới Haqqani vốn có ảnh hưởng lớn ngay trong chính phủ của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (được thành lập vào năm 1996 ngay sau khi lực lượng Taliban bắt đầu cai trị Afghanistan và kết thúc khi họ bị lật đổ trong năm 2001, tới năm 2021 thì nhà nước này lại được khôi phục và hiện tại đang quản lý lãnh thổ Afghanistan trên thực tế). Nhìn bề ngoài người ta dễ lầm lẫn Badri 313 với các đơn vị đặc nhiệm khác của bất kỳ nước nào.

Badri 313 “lộ sáng” sau khi Taliban tái tiếp quản đất nước Afghanistan vào tháng 8/2021. Taliban đã công khai ra mắt cỗ máy chiến tranh hiện đại của mình thông qua một số video có nội dung tuyên truyền. Badri 313 được trang bị tốt hơn so với cấp bậc và hồ sơ phổ biến của các đơn vị khác của Taliban. Nhiều loại vũ khí và trang thiết bị vốn là chiến lợi phẩm thu được trong chiến tranh. Chúng cũng bao gồm bộ vũ khí của Quân đội quốc gia Afghanistan đã sử dụng trước đây. Taliban đã trang bị cho lính Badri 313 những chiến lợi phẩm này sau khi lính Mỹ bỏ lại chúng trên hành trình rút quân khỏi Afghanistan. Badri 313 nằm trong những thành phần tham chiến, chiến thuật trực tiếp cho Taliban trong những hoạt động được ưu tiên cao nhất.

Badri 313- đơn vị đặc nhiệm của Taliban -0
Lính đặc nhiệm Badri 313. Ảnh nguồn: Siasat.

Học thuyết và lịch sử hình thành

Badri 313 hoạt động với phương châm “Chúng tôi tấn công để hủy diệt”. Cái tên Badri 313 vốn ám chỉ đến trận chiến Badr lịch sử, trong đó nhà hiền triết Muhammed đã chỉ huy 313 người lính chiến đấu anh dũng và giành chiến thắng trong việc chống lại đạo binh hơn 1.000 người của bộ tộc Quraysh (bộ tộc thương gia mạnh mẽ đã nắm quyền kiểm soát Mecca và Ka'aba và theo truyền thống Hồi giáo, là hậu duệ của Ishmael). Bằng cách đặt tên cho các lực lượng đặc biệt của họ sau một trận chiến kinh thiên động địa, Taliban đã củng cố quan điểm về Badri 313: một tổ chức có thể làm nên công trạng khi mọi lợi thế có vẻ chống lại họ. Badri 313 có chung quan điểm về hệ tư tưởng với Al-Qaeda (viết tắt AQ), và các đơn vị AQ cũng có những tên tương tự chẳng hạn như quân đội Badr vốn đã thực hiện những cuộc tấn công đầu tiên trong năm 2011.

Mạng lưới Haqqani đã nắm quyền kiểm soát Badri 313 và giải thích rõ ràng họ có liên kết với AQ, từ đó cho thấy mạng lưới Haqqani cũng đóng vai trò trung gian giữa Taliban và AQ. Trên hết, Badri 313 chỉ chấp nhận những người lính nếu họ muốn tự nguyện tử vì đạo (Mushtashid). Mục tiêu hành động của Badri 313 là cứu nguy cho đất nước và nhân dân Afghanistan, cũng như về mặt tổ chức thì nó là đơn vị được xây dựng cho nhiệm vụ này. Do đó suy rộng ra Badri 313 muốn bảo vệ các giá trị của Taliban cũng như cam kết thi hành Hồi luật ở Afghanistan. Badri 313 chịu trách nhiệm cho các hoạt động cận chiến, chiến tranh sa mạc, hành động trực tiếp, hoạt động đặc biệt, và cả chiến tranh du kích.

Badri 313- đơn vị đặc nhiệm của Taliban -0
Chỉ huy Hafiz Badri cùng 2 lính vũ trang của Lữ đoàn Badri 313.

Cơ cấu tinh giản, tác chiến cảm tử

Badri 313 được lãnh đạo bởi Abdul Hafeez Hafiz, một thành viên của mạng lưới Haqqani và cũng là một đồng minh thân cận của Sirajuddin Haqqani tức thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani. Đơn vị đặc biệt này đang tăng trưởng về quy mô do kết quả có nhiều binh sĩ mới tốt nghiệp từ trại huấn luyện của nó. Ngày 26/5/2022, một tài liệu của Liên hiệp quốc (UN) ước tính rằng có độ 700 chiến binh hoạt động dưới trướng của Badri 313. Đơn vị này là một phần của quân đội Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Họ tạo thành một phần của các sư đoàn đặc nhiệm nằm ngay trong quân đội mới của Afghanistan, lấy trụ sở chính là Học viện quân sự Salahaddin Ayyubi (Thủ đô Kabul). Do đó chế độ Taliban đã giao trọng trách cho Badri 313 là duy trì hòa bình ở Afghanistan. Điều nên biết là Badri 313 đã nhận các khóa huấn luyện từ mạng lưới Haqqani – tổ chức vốn đang phụ trách an ninh ngay trong lãnh thổ Afghanistan bao gồm cả thủ đô Kabul.

Nhân tố Taliban nắm quyền kiểm soát Badri 313 và do mối quan hệ gần gũi của mạng lưới Haqqani với Badri 313 nên rất có thể đơn vị này đã nhận được các hoạt động huấn luyện đặc biệt do ISI (Cục Tình báo liên ngành của Pakistan) cung cấp. Theo nguồn tin tình báo mà tác giả bài viết này có được thì Badri 313 nhận được đào tạo tốt hơn nhiều so với chiến binh Taliban cách đây 20 năm. Thời gian đào tạo kéo dài từ 4 tuần đến 6 tháng với mục đích cuối cùng là được triển khai để chống lại IS-K (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant tỉnh – tỉnh Khorasan, tự xưng là một nhánh của nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant hoạt động ở Afghanistan và Pakistan. Lĩnh vực hoạt động của Khorasan bao gồm những khu vực khác ở Nam Á) và các khu vực núi non của Afghanistan, đồng thời cung cấp an ninh cho vùng thủ đô. Bên cạnh đó Badri 313 cũng bảo vệ các nguyên thủ Taliban trong tư dinh tổng thống.

Badri 313- đơn vị đặc nhiệm của Taliban -0
Quân phục và khí giới của Badri 313. Ảnh nguồn: Siasat.

Vì tất cả các thành viên của Badri 313 đều tìm kiếm nhiệm vụ tử vì đạo nên có khả năng cao những người này đã tham gia vào các vụ tấn công cảm tử trước khi Taliban lên cầm quyền. Thêm nữa, Badri 313 còn tiến hành thực hiện tấn công cảm tử vào khu phức hợp G4S (một hãng an ninh Anh) trong năm 2018, các binh sĩ Badri 313 đã xâm nhập vào bên trong tòa nhà sau khi họ kích nổ một quả bom tự sát bên ngoài. Những đoạn video và hình ảnh tuyên truyền về SOF Badri 313 đều có trang bị các chiến lợi phẩm. Đó là những chiến thắng chống lại quân đội thân phương Tây trước đây của Afghanistan cũng như sự rút quân của người Mỹ. Cần biết rằng Mỹ đã cung cấp cho quân đội quốc gia Afghanistan số vũ khí trị giá tới 28 tỷ USD, và giờ đây chúng đã lọt vào tay lực lượng Taliban và các lực lượng quân sự mới của họ.

Cụ thể thì đơn vị Badri 313 đã được trang bị những thứ như sau, gồm quân phục ngụy trang, áo giáp, bộ đàm chiến thuật, kính nhìn ban đêm (thứ được các quan chức quốc phòng Taliban đặc biệt quan tâm), xe Humvee bọc thép, súng trường M4, súng trường M16, các loại vũ khí phụ như 2 loại súng lục Glocks và 1911. Taliban và các lực lượng đặc nhiệm của họ hiện được trang bị tốt hơn quân đội của một số quốc gia nhỏ, điều này không chỉ gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai muốn lật đổ Taliban mà còn đối với an ninh trong khu vực. Ngày hôm nay Taliban đang nắm quyền kiểm soát các loại vũ khí hiện đại như các loại trực thăng tấn công cùng những hệ thống tên lửa.

Những chiến dịch của Badri 313

Không còn nghi ngờ gì nữa chính Badri 313 là lực lượng chuyên trách đã giúp Taliban giành hàng loạt chiến thắng trước lực lượng Afghanistan. Sau khi lên cầm quyền Taliban đã đặt đơn vị Badri 313 duy trì an ninh trên toàn quốc mà quan trọng nhất là sân bay của thủ đô Kabul trong lúc Mỹ rút quân. Một thực tế khác là mặc dù Taliban đã nắm quyền kiểm soát phần lớn đất nước Afghanistan nhưng họ vẫn đang tiếp tục chiến đấu ở thung lũng Panjshir (phía Đông Bắc Afghanistan, nơi có dân số hơn 100.000 người mà người Tajikistan chiếm số đông áp đảo). Những cuộc tấn công gần đây chống lại Taliban đã đến từ Mặt trận kháng chiến quốc gia ở Panjshir (còn được gọi là Kháng quân Panjshir hoặc Kháng chiến thứ hai. Đây là một liên minh quân sự của các cựu thành viên Liên minh phương Bắc và các chiến binh chống Taliban, những người tự gọi mình là Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, được thành lập sau cuộc tấn công của Taliban năm 2021) đã khơi mào cho cuộc chiến với Taliban.

Badri 313- đơn vị đặc nhiệm của Taliban -0
Makhdoom Mohammad Alem Rabbani (chỉ huy Taliban địa phương ở tỉnh Faryab nơi giáp biên giới Turkmenistan) bị Badri 313 ngờ rằng đã thông đồng với IS-K. Ảnh nguồn: Twitter.

Với việc Taliban có thể gặp khó khăn ở thung lũng Panjshir nên không có gì phải ngạc nhiên khi lực lượng này đã phái đơn vị SOF Badri 313 tinh nhuệ đến chiến đấu, họ hoạt động ngay trong khu vực thung lũng. Nhưng một số báo cáo nội bộ cho thấy Badri 313 đang hứng tổn thất nặng nề ở Panjshir. Một nhiệm vụ khác cũng có sự tham gia của Badri 313 đó là tranh chấp đường biên giới giữa Afghanistan với Pakistan. Taliban đã triển khai Badri 313 tới biên giới Afghanistan-Pakistan, trong lịch sử nơi này có tên là Lằn Durand (đường biên giới quốc tế dài 2670 km2 ngăn đôi 2 nước tại khu vực Nam Á. Điểm cực Tây của Lằn Durand là Iran, còn điểm cực Đông là Trung Quốc. Lằn Durand được thiết lập năm 1893 như là đường biên giới quốc tế giữa Ấn Độ và Tiểu vương quốc Afghanistan bởi ngài Mortimer Durand, nhà ngoại giao người Anh thuộc Dịch vụ dân sự Ấn Độ và Tiểu vương Abdur Rabman Khan tức vua Afghanistan. Người Anh xem Afghanistan là một quốc gia độc lập khi đó mặc dù họ nắm quyền kiểm soát ngoại giao).

Đây là một nỗ lực của chính quyền Taliban nhằm ngăn ngừa người Pakistan dựng hàng rào dọc biên giới này. Nó cũng cho thấy sức mạnh mà người Taliban hiện tự tin là họ có thể để đối phó tình hình, bằng cách triển khai SOF Badri 313 tinh nhuệ, Taliban có thể đương đầu với phản ứng từ một thế lực lớn hơn. Tuy nhiên không rõ Taliban có chứng kiến bất kỳ cuộc giao tranh nào trong khu vực Lằn Durand đó hay không. Và hoạt động chống IS-K cũng có mặt đơn vị Badri 313 tinh nhuệ. Sự hiện diện ngày càng tăng của IS-K ở Afghanistan là một mối lo ngại nghiêm trọng đối với Taliban. Vì rằng IS-K liên tục gây hấn chống lại Taliban nên chính quyền này khó có thể đem lại an ninh khu vực như đã hứa lúc lên cầm quyền. Vì lẽ đó, Taliban buộc phải triển khai Badri 313 đến 2 tỉnh Nangahar và Kunar ngay trong tháng Giêng năm 2022 khi Taliban tăng gấp đôi nỗ lực nhằm quyết ý đánh bại IS-K.

Ngoài ra Badri 313 còn thực hiện “thanh trừng” nội bộ của Taliban vì có một báo cáo của Liên hiệp quốc (UN) nói rằng Makhdoom Mohammad Alem Rabbani (chỉ huy Taliban địa phương ở tỉnh Faryab nơi giáp biên giới Turkmenistan. Là người gốc Uzbekistan nên Alem Rabbani có ảnh hưởng khi làm việc với các thủ lĩnh địa phương cũng như trưởng lão của các nhóm sắc tộc ở miền Bắc Afghanistan và đảm bảo lòng trung thành của những vùng đó với Taliban) bị cáo buộc đã thông đồng với IS-K. Do đó vào tháng 12 năm 2021, Badri 313 đã tước vũ khí của một số chiến binh người gốc Uzbekistan dưới trướng của Alem Rabbani với lý do những người này đang làm việc cho IS-K.

Có một thực tế là các quan chức thuộc chính quyền cũ Afghanistan (hiện đang sinh sống ở nước ngoài) chỉ ra hành vi của Taliban, cũng như việc bắt giữ các chỉ huy dân tộc thiểu số tại các địa phương, là bằng chứng cho thấy Taliban do người Pashtun thống trị và sẽ khó đối xử bình đẳng với các nhóm sắc tộc khác. Nhiều người ở miền Bắc Afghanistan dường như cũng có những lo ngại tương tự và bất chấp cảnh báo của Taliban về các cuộc biểu tình, không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng trong khu vực sẽ sớm hạ nhiệt.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.
.