Ai hưởng lợi khi cuộc chiến chống IS kéo dài?

Thứ Hai, 31/08/2015, 07:20
Đối với Trung Đông và cả thế giới, sự lớn mạnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thật sự là thảm họa khủng khiếp. Nhưng đối với Tập đoàn Lockheed Martin cũng như một số nhà thầu quốc phòng khác thì cuộc chiến chống IS sẽ đem lại những món lợi vô cùng béo bở.

Đội ngũ "quân sư hậu trường"

Khi cuộc chiến chống IS bắt đầu mở rộng, Công ty Lockheed Martin - trụ sở chính tại Bethesda, bang Maryland - nhận được đơn đặt hàng là hàng ngàn tên lửa Hellfire (lửa địa ngục). Công ty AM General thì bận rộn với những đơn hàng cung cấp cho chính quyền Iraq 160 chiếc xe quân sự Humvee, trong khi đó General Dynamics giải quyết bán cho quân đội Mỹ số đạn pháo xe tăng trị giá hàng triệu USD. SOS International (SOSi) - doanh nghiệp gia đình trụ sở tại New York City - là một trong những công ty ăn nên làm ra nhất ở Iraq.

Một phân xưởng của tập đoàn Lockheed Martin.

Trong ban chuyên gia cố vấn của công ty này có cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz (được coi là một trong những người thiết kế cuộc chiến tranh xâm lược Iraq) và Paul Butler (từng là trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld). Theo trang web của SOSi, tổng giá trị các hợp đồng ở Iraq năm 2015 là hơn 400 triệu USD.

Trong đó, bao gồm hợp đồng trị giá 40 triệu USD cung cấp mọi thứ - từ bữa ăn cho quân đội, vành đai an ninh cho đến các dịch vụ y tế tại Khu phức hợp Besmaya ở Iraq, một trong những địa điểm quân đội Mỹ sử dụng để huấn luyện binh sĩ Iraq. Quân đội Mỹ còn ký riêng với SOSi hợp đồng trị giá 100 triệu USD vào cuối tháng 6 vừa qua để cung cấp các dịch vụ tương tự tại Trại Taji cũng ở Iraq. Theo Lầu Năm Góc, hợp đồng sẽ kéo dài đến tháng 6/2018.

Các thành viên của Blackwater.

Một năm sau khi Mỹ tấn công IS, bắt đầu bằng những cuộc không kích ở Iraq, có đến 3.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tại quốc gia này để huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq. Theo yêu cầu của các chiến dịch quân sự, con số các nhà thầu tham gia cung cấp dịch vụ ngày càng tăng lên.

Theo đó, có khoảng 6.300 nhà thầu thực hiện hợp đồng với quân đội Mỹ, trong đó có các công ty an ninh tư nhân như: Control Risks Group, DynCorp, Erinys, ArmorGroup, Hart, Kroll… Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn hợp đồng với tài xế, chuyên gia ngôn ngữ học và an ninh tư nhân làm việc tại các cơ sở ở Iraq. Mặc dù những con số này chưa thấm tháp gì so với hơn 163.000 nhân sự làm việc tại Iraq vào thời cao điểm của cuộc chiến, song chúng đang tăng một cách vững chãi.

Với cuộc chiến chống IS dự kiến có thể kéo dài vài năm nữa, người ta cho rằng cơ hội kiếm tiền đang mở ra cho các nhà thầu trên mọi lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh cho đến hậu cần. Bà Laura Dickinson, giáo sư Khoa Luật Đại học Washington vừa mới hoàn thành công trình về các nhà thầu quân sự tư nhân, nhận xét: "Điều đó cho phép Mỹ duy trì bộ mặt phi quân sự ngay trên lãnh thổ Iraq đồng thời vẫn tác động ngày càng nhiều đến nước này".

Trang web của SOSi.

Hiện nay, Afghanistan vẫn tiếp tục là mảnh đất làm ăn thuận lợi cho các nhà thầu dân sự. Theo báo cáo hàng quý mới nhất của Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ (Centcom) giám sát các chiến dịch ở Trung Đông, tháng 4/2015 có 30.000 nhà thầu dân sự đang hoạt động ở Afghanistan. Con số đã giảm bớt nếu so với tháng 4/2014 là hơn 60.000 nhà thầu dân sự Mỹ ở Afghanistan. Trong khi đó, số lượng các nhà thầu hỗ trợ bán vũ khí cho đến cung cấp an ninh cho chính quyền Iraq đang tăng đều. Tháng 6 vừa qua, SOSi cũng giành được hợp đồng trị giá 700.000 USD cung cấp các nhóm chuyên gia cố vấn an ninh làm việc thời hạn một năm cho Bộ Quốc phòng Iraq và chính quyền khu vực người Kurd của Iraq. Hợp đồng béo bở này cũng có khả năng được gia hạn thêm 4 năm nữa với giá trị tổng cộng 3,7 triệu USD.

Trang web SOSi cũng đăng tuyển những người "có kinh nghiệm từ một năm trở lên để làm việc cho Bộ Quốc phòng Iraq". Công ty cũng sẽ cung cấp một cố vấn cho chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq và 4 cố vấn cho chính quyền Baghdad, theo Frank Helmick - trung tướng quân đội Mỹ từng phục vụ tại Iraq từ năm 2003 đến 2011 và hiện là Phó chủ tịch phụ trách bộ phận Các Giải pháp sứ mạng cho SOSi.

Ông Helmick cho biết: "Những vị trí này rất quan trọng. Họ không chỉ là người phiên dịch mà còn cố vấn cho những quyết định khác". Phần đông họ là những người Mỹ gốc Iraq có quyền sử dụng thông tin mật. Trong 2 nhiệm kỳ phục vụ, Frank Helmick chịu trách nhiệm tuyển mộ, huấn luyện và tổ chức các lực lượng an ninh Iraq cho nên ông hoàn thành tốt nhiệm vụ với vị trí hiện tại ở SOSi. Helmick thừa nhận các nhà thầu hiện nay đang đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho chính quyền Iraq. Ông nói rằng: "Các nhà thầu đang làm cho sự hiện diện của Mỹ tại Iraq dày đặc thêm lên. Nếu binh sĩ được gửi đến Iraq để cố vấn và huấn luyện thì các nhà thầu gửi nhân lực đến để nấu ăn cho họ, giặt giũ quần áo hay bảo vệ an ninh cho họ. Các nhà thầu giúp cho quân đội Mỹ hay đồng minh tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của họ".

Tiền, tiếng tăm và tai tiếng

SOSi không là công ty duy nhất cung cấp cố vấn cấp cao cho chính quyền Iraq. ABM, trụ sở tại New York, đăng tuyển nhân sự cho công việc gọi là "Cố vấn hỗ trợ an ninh" làm việc trực tiếp với các quan chức chống khủng bố cao cấp của Iraq. Theo mô tả công việc của ABM, vị trí đòi hỏi "sự hỗ trợ trực tiếp cho Ban cố vấn chống khủng bố trực thuộc Thủ tướng để hướng đến sự phát triển năng lực của cơ quan Chống khủng bố Iraq phục vụ yêu cần an ninh và điều hành đất nước hiệu quả".

4 thành viên Blackwater bị tuyên án trong vụ nổ súng ở quảng trường Nisour ở Baghdad năm 2007 - (từ trái sang) Dustin Heard, Evan Liberty, Nicholas Slatten và Paul Slough.

Không chỉ hỗ trợ chính quyền Iraq mà các nhà thầu còn tham gia vào các chiến dịch quân sự chống IS. Hiện nay vai trò của các nhà thầu tư nhân trên chiến trường vẫn còn gây nhiều tranh cãi, một phần do những vụ việc bê bối như lãng phí, lừa đảo và lạm dụng quyền lực xảy ra quá nhiều ở Iraq cũng như Afghanistan trong thập niên qua. Ủy ban về Nhà thầu Thời chiến (CWC) - tổ chức điều tra lưỡng đảng được Quốc hội Mỹ thành lập năm 2008 - đánh giá: Chính quyền Mỹ bị mất từ 31-60 tỉ USD bởi những vụ bê bối do nhà thầu tư nhân gây ra ở Iraq và Afghanistan.

Frank Helmick.

Và các nhà thầu an ninh vẫn tiếp tục đối mặt với sự dò xét đặc biệt sau hàng loạt những vụ lạm dụng quyền lực. Đặc biệt gây tổn hại nghiêm trọng đến bộ mặt nước Mỹ là vụ nổ súng của lực lượng an ninh tư nhân Blackwater (nay đổi tên là Xe Services) ở Quảng trường Nisour trung tâm Baghdad vào năm 2007 giết chết 17 dân thường Iraq và làm bị thương 22 người khác - vụ án gây chấn động thế giới đồng thời chôn vùi tiếng tăm của Blackwater.

Ngày 16/9/2007 trong khi bảo vệ đoàn xe của Bộ Ngoại giao Mỹ, các thành viên Blackwater đã nổ súng bừa bãi khi đi ngang qua Quảng trường Nisour. Vụ việc sau đó bị chính quyền Mỹ tiến hành điều tra và buộc tội tàn sát dân thường đối với 4 thành viên của Blackwater. Blackwater còn dính líu đến nhiều vụ bê bối khác liên quan đến sở hữu vũ khí bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, gây cản trở nhiều cuộc điều tra của chính quyền liên bang Mỹ.

Do những vụ bê bối hàng loạt như thế mà hiện nay hoạt động giám sát chặt chẽ các nhà thầu tư nhân được tăng cường ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Ví dụ, Lầu Năm Góc đã có một số thay đổi nội bộ nhằm cải thiện bộ máy xem xét và sử dụng mạng lưới nhà thầu tư nhân. Theo Helmick, ông quan sát thấy có sự thay đổi về số lượng nhà thầu tư nhân ở Iraq từ khi ông đến nước này vào năm 2003 cho đến nay.

Ví dụ, tỷ lệ giữa nhân viên nhà thầu và quân nhân Mỹ chưa đến 1 - 1, hay ít nhất là đối với SOSi. Vào thời kỳ cao điểm chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, số lượng nhân viên nhà thầu tư nhân vượt quá số lượng binh sĩ Mỹ! Môi trường kinh doanh an ninh hiện nay ở khu vực Trung Đông cũng trở nên cạnh tranh quyết liệt hơn bởi có quá nhiều công ty tham gia hơn so với trước kia.

William Beaver, Tổng biên tập trang DangerZoneJobs.com, cho rằng: Sự tăng trưởng của thị trường đặc thù này trở nên mạnh mẽ hơn bởi vì có nhiều nhà thầu dạn dày kinh nghiệm sau 14 năm chiến tranh trong khu vực. Ngoài ra, cũng kể thêm một số lượng đông đảo cựu binh sĩ muốn tìm kiếm việc làm ở hải ngoại. Beaver cũng cho rằng chính yếu tố này dẫn đến thực tế là tiền lương cũng hạ thấp hơn nhiều so với trước kia.

Nhưng hiện vẫn còn một yếu tố chưa hề thay đổi là sự thiếu minh bạch xung quanh các hợp đồng với môi trường tư nhân. Không hề có cơ sở dữ liệu tập trung chính thức để điều tra mà chỉ có thể thực hiện tìm kiếm trên FedBizOps.com, trang web của bộ phận phụ trách thông tin về công việc và thông báo hàng ngày của Lầu Năm Góc. Ví dụ, người ta chưa nắm rõ được danh tánh các nhà thầu nào hỗ trợ cho 935 quân nhân Mỹ và liên quân trong công tác tuyển mộ và huấn luyện cho quân nổi dậy ôn hòa ở Syria. Những gì có thể biết được là nhân viên nhà thầu tư nhân được kết nạp vào những đội vận hành máy bay do thám không người lái và phân tích những video thu thập được để cung cấp thông tin quan trọng cho quân đội tiến hành những cuộc tấn công vào mục tiêu của IS ở Syria và Iraq.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.
.