Vụ tai tiếng đánh cắp và buôn bán trẻ sơ sinh ở Tây Ban Nha

Thứ Năm, 03/11/2011, 14:20
Mới đây, xã hội Tây Ban Nha rúng động với nhiều cáo buộc về nạn trộm và buôn bán bất hợp pháp hàng ngàn trẻ em. Điều gây phẫn nộ dư luận là tệ nạn này lại được thực hiện bởi các nữ tu sĩ, thầy tu và bác sĩ - những người luôn được mọi tầng lớp trong xã hội kính trọng - bắt đầu từ thời của tướng độc tài Franco và kéo dài tới thập niên 90 của thế kỷ trước.

Manoli Pagador sống ở Getafe, khu lao động ở ngoại ô Madrid (Tây Ban Nha). Bà Pagador đã có 3 cô con gái và nhiều cháu ngoại, nhưng bà chưa bao giờ quên được nỗi đau mất đi đứa con trai đầu lòng cách đây gần 40 năm.

Năm 1971, Manoli - lúc đó 23 tuổi và mới kết hôn - sinh được một cậu bé kháu khỉnh (theo như lời người ta nói vậy), nhưng ngay tức thì cậu bé bị đưa đi để làm một số "kiểm tra thông thường". 9 giờ dài dằng dặc trôi qua, một nữ tu (cũng là y tá) xuất hiện, lạnh lùng báo tin con trai mới chào đời của bà đã chết.

Manoli kể: "Họ thậm chí không cho tôi nhìn mặt con và không hề cho hay khi nào sẽ làm tang lễ". Vì quá hoang mang, Manoli đã không nghĩ tới việc chất vấn các nhân viên bệnh viện.

40 năm qua, Manoli Pagador âm thầm chôn trong lòng nỗi đau mất con, cho đến khi 2 người đàn ông - Antonio Barroso và Juan Luis Moreno, hai người bạn thời thơ ấu sống ở một thị trấn ven biển gần Barcelona - khám phá rằng họ được mua từ một nữ tu. Cha mẹ họ không phải là cha mẹ ruột và cuộc đời của họ được xây dựng trên sự dối trá.

Đôi bạn Antonio Barroso và Juan Luis Moreno đã đưa câu chuyện của họ đến báo chí.

Juan Luis Moreno phát hiện sự thật khi người cha nuôi của anh hấp hối. Anh kể: "Ông nói đã mua tôi từ một thầy tu ở Zaragoza. Ông cũng nói rằng Antonio cũng được mua về như tôi". Đôi bạn bị tổn thương và họ cảm thấy mình như 2 chú chó được mua về từ cửa hàng bán thú cưng. Đôi bạn tìm tới báo chí và câu chuyện của họ xuất hiện ở mọi nơi. Các bà mẹ mất con bắt đầu đến từ mọi miền đất nước Tây Ban Nha với cùng câu chuyện như Manoli.

Sau nhiều tháng nhận được lời thỉnh cầu từ Hãng tin BBC, chính quyền Tây Ban Nha cuối cùng cũng chịu đưa Angel Nunez từ Bộ Tư pháp ra điều trần về vụ trẻ con bị đánh cắp. Khi được hỏi về số trẻ đã bị đánh cắp là bao nhiêu, ông này thận trọng cho biết: "Tôi không dám nói về con số, nhưng theo thống kê từ nhiều cuộc điều tra chính thức thì tôi dám nói rằng con số đó là hàng trăm ngàn!".

Vào thập niên 30, dưới thời cầm quyền của viên tướng độc tài Franco, những đứa trẻ sinh ra từ những gia đình nghèo khó, hoặc vướng vòng lao lý sẽ bị tách khỏi cha mẹ đẻ và được trao cho những gia đình có nhu cầu nhận con muôi.

Giáo hội Thiên Chúa - dưới thời Franco là tổ chức đóng vai trò quan trọng trong nhiều dịch vụ xã hội ở Tây Ban Nha, bao gồm bệnh viện, trường học và cô nhi viện. Các nữ tu và linh mục thu thập danh sách chờ của những người nhận con nuôi trong khi bác sĩ lừa dối nhiều bà mẹ về số phận của đứa con mới sinh của họ. Tên của một trong số bác sĩ đó là Eduardo Vela, xuất hiện trong danh sách điều tra của một số nạn nhân.

Vào năm 1981, nhiều nguồn tin cho thấy 70% ca sinh tại Bệnh viện San Ramon của bác sĩ Vela ở Madrid được đăng ký là "sản phụ vô danh" - điều này theo luật của Tây Ban Nha là hợp pháp và có ý nghĩa bảo vệ danh tính của những bà mẹ chưa kết hôn, nhưng cũng bị lợi dụng để che giấu nạn đánh cắp và buôn bán trẻ sơ sinh. Khi một nữ phóng viên của BBC tìm cách gặp Eduarlo Vela với những vật chứng rõ ràng được trưng ra, vị bác sĩ kia vẫn khăng khăng là luôn hành động đúng luật.

Việc Chính phủ Tây Ban Nha từ chối thành lập ban chuyên án quốc gia để điều tra vụ tai tiếng này đã làm tuyệt vọng nhiều gia đình bị mất con - nhiều người trong số họ đang thực hiện điều tra riêng theo cách tốt nhất mà họ có thể. Mộ phần của những đứa trẻ bị cho là đã chết đang được khai quật trên khắp đất nước Tây Ban Nha để xét nghiệm ADN. Nhiều mộ được đào lên trống rỗng bên trong và không gì khác ngoài một đống đá, trong khi những ngôi mộ khác thì chôn thi thể của người lớn.

Vụ tai tiếng này đang vấp phải một rào cản: Luật bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha cấm ngân hàng ADN chia sẻ dữ liệu hoặc tham chiếu chéo dữ liệu. Vì vậy, niềm hy vọng của những bà mẹ mất con, và những người con không biết tung tích cha mẹ ruột của mình đang trở nên rất mong manh

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.
.