Văn hào Ernest Hemingway và hệ quả của trò chơi gián điệp

Thứ Tư, 06/04/2016, 09:25
Với tiểu thuyết “Ông già và biển cả” ra mắt độc giả năm 1952, văn hào Ernest Hemingway trở thành chủ nhân của Giải thưởng Pulitzer, giải thưởng báo chí và văn học uy tín nhất nước Mỹ, vào năm 1953. Một năm sau đó, ông đoạt Giải Nobel Văn học. Nhưng có một góc khuất ít ai biết được rằng, ông từng có thời gian hoạt động tình báo cho Mỹ và được Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) tuyển mộ.

Có phải chính vì lối sống không che giấu quan điểm thiên tả của mình mà quãng thời gian cuối đời, E. Hemingway đã bị đặt vào tầm ngắm của FBI trong một thời gian dài và căng thẳng đến độ ông phải tìm đến cái chết?

Nhà văn Hotchner (bên trái ảnh) và E. Hemingway trong một chuyến đi săn ở Ketchum, bang Idaho.

Giữa những năm 1990, khi còn là nhân viên KGB, Alexander Vasiliev có điều kiện ra vào kho lưu trữ hồ sơ của cơ quan tình báo Liên Xô để đọc và nghiên cứu tài liệu. A. Vasiliev phát hiện văn hào người Mỹ Ernest Hemingway từng được KGB tuyển mộ vào năm 1941. Tài liệu lưu trữ của KGB còn giữ lại những ghi chép về việc Hemingway "đã không chỉ một lần bộc lộ ước muốn và sự sẵn sàng giúp đỡ chúng ta" khi gặp các điệp viên KGB ở La Habana (Cuba) và London (Anh).

Sau này, Vasiliev di cư sang Anh. Dựa trên những trang hồ sơ mật chụp trộm được trong kho lưu trữ của KGB khi xưa, Vasiliev cùng hai nhà sử học người Mỹ là John Earl Haynes và Harvey Klehr, đã cho ra mắt cuốn sách: “Điệp viên: Bước đường thăng trầm của KGB tại Mỹ” (Spies: The Rise and Fall of the KGB in America).

A.Vasiliev khẳng định: Hemingway nằm trong danh sách điệp viên của KGB với mật danh “Argo”. Năm 1941, Trung tâm KGB điện cho một điệp viên KGB đang hoạt động ở New York (Mỹ) với mật danh Maxim yêu cầu điệp viên này hỗ trợ “Argo” sang Trung Quốc. Đúng là năm đó Hemingway có đi Trung Quốc nhưng KGB vì lẽ gì đó lại không tiến hành liên lạc với E. Hemingway tại đây. E. Hemingway đã không được giao bất cứ một nhiệm vụ thực tế nào và ông cũng chưa kịp cung cấp cho KGB bất cứ một thông tin nào giá trị.

Từ năm 1943-1945, Hemingway đã có khá nhiều cuộc tiếp xúc với các nhân viên tình báo Liên Xô. Một số trong các cuộc tiếp xúc đó là để KGB đánh giá xem “liệu E.Hemingway có khả năng làm việc cho Moscow không”. Đáng tiếc là sau khi nhân viên tình báo Liên Xô phụ trách việc liên lạc với “Argo” bị triệu hồi khẩn cấp về nước, KGB đã không thể thúc đẩy, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Hemingway.

Trò săn tàu ngầm Đức của E. Hemingway đề xướng là để… moi tiền chính phủ Mỹ nhằm thoả chí tang bồng trên biển?

5 năm sau, KGB đã phái người đi thăm dò tin tức và khuynh hướng chính trị của E.Hemingway. “Trung tâm” nhận được báo cáo: “Argo thường lấy diễn đàn báo chí bày tỏ quan điểm ủng hộ các phần tử Trotsky và hay lên tiếng đả kích Liên Xô trong các bài viết của mình”. Quan hệ giữa Hemingway và KGB tới đây là kết thúc, trong cuốn sách của mình, A.Vasiliev không thể đưa ra câu kết luận vì những tài liệu liên quan mà ông được đọc cũng không có ghi chép gì thêm và dừng vào đầu những năm 1950.

Cũng trong năm 1941, sau sự kiện Mỹ bị quân phiệt Nhật bất ngờ tấn công ở Trân Châu Cảng, buộc Mỹ tuyên bố chính thức tham chiến, E. Hemingway khi đó đang ở La Habana (Cuba), đã tới gặp Đại sứ Mỹ tại Cuba S. Braden, thuyết phục ông này tài trợ kinh phí cho kế hoạch săn tàu ngầm phát xít Đức. Hàng ngày Hemingway và những người bạn cùng chí hướng lên chiếc tàu đánh cá hiệu Pillar ra vịnh Caribbean. Ông chất đầy đạn dược và chất nổ lên chiếc thuyền của ông, rồi rong ruổi trên biển “săn” tìm tàu ngầm của địch. Kế hoạch của Hemingway là dụ cho tàu ngầm nổi lên mặt nước.

Một khi phát hiện tàu ngầm Đức, họ sẽ dùng súng máy tấn công, rồi áp sát thả lựu đạn vào cửa thông hơi của tàu ngầm. Tuy nhiên, không có chiếc tàu ngầm nào bị mắc bẫy của Hemingway. Một năm sau, Hemingway quyết định từ bỏ kế hoạch săn tàu ngầm Đức, một phần vì những chuyến ra khơi công cốc, một phần do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ Hemingway và “đồng bọn” bày trò săn tàu ngầm Đức để moi tiền chính phủ nhằm thoả chí tang bồng trên biển, nên Đại sứ Braden cắt nguồn tài trợ.

Tháng 3-2007, Nhà xuất bản Potomac (Mỹ) ấn hành quyển sách “Hemingway ở tiền tuyến Trung Quốc” (Hemingway on the China Front). Trong cuốn sách này, tác giả Peter Moreina lần đầu tiên cho công bố bức thư của E. Hemingway gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó, ông Henry Morgethau. Bức thư dài tới 6 trang, đề ngày 30-7-1941, được lưu trữ tại thư viện Princeton.

Trong thư, E.Hemingway cho biết, trước khi ông đi Trung Quốc, một người đàn ông tên là White đã tới gặp và yêu cầu ông lưu ý tới tình hình tại đây. Khi đặt chân đến Trung Quốc, mặc dù phần lớn thời gian văn hào du hí và làm bạn với… rượu, nhưng Hemingway vẫn không quên lời căn dặn của White.

Ông chủ động bắt chuyện với nhiều nhân sĩ địa phương để moi tin. Martha Gellhorn, người vợ thứ 3 của ông cho rằng, trong thời gian ở Trung Quốc, E.Hemingway đã làm tốt vai trò của một điệp viên thu thập tin tức tình báo cho nước Mỹ hơn là vai trò của một nhà văn phiêu lưu mạo hiểm. Sự thật này được củng cố một lần nữa khi ngày 14-8-2008, Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ cho công bố một tài liệu mật cho thấy trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Cục Tình báo chiến lược Mỹ (OSS, tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ – CIA) có trên 20.000 nhân viên, trong đó có E.Hemingway và con trai của ông- John Hemingway.

Từ đây, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử lần ra nhiều điều bí ẩn trong mối quan hệ giữa văn hào đoạt giải Nobel với FBI. Năm 1960, Hemingway phải đi điều trị chứng rối loạn thần kinh tại Viện điều dưỡng Los Hermanos Mayo theo lời khuyên của một bác sĩ tâm thần người Mỹ.

Trước đó, bạn bè cũng khuyên ông nên tìm gặp một bác sĩ thần kinh, do họ thường xuyên nghe E. Hemingway tâm sự với tâm trạng nặng nề là bọn “đặc vụ FBI đang theo dõi tôi”. Nhà văn A.Hotchner, một người bạn vong niên và là người cộng tác trong suốt 13 năm cuối đời của nhà văn đã trần tình rằng, việc FBI theo dõi nhà văn Hemingway đã làm ông quẫn trí.

Theo nhà văn Hotchner, những ngày cuối trước khi tự vẫn, nhà văn Heningway đã có những biểu hiện và hành vi không bình thường. Ông liên tục hốt hoảng và phát ra những câu nói rất khó hiểu. .

Hotchner viết: Vào tháng 11-1960, ông đến thăm vợ chồng tại nhà riêng của họ ở Ketchum, bang Idaho và cùng nhau đi săn chim trĩ. Hotchner nhớ là đã thấy Hemingway liên tục nói đến việc "họ theo sát tôi", và khi được hỏi "họ là ai?" thì nhà văn bảo rằng "họ là FBI". Hemingway bảo rằng, xe của ông, điện thoại của ông đều bị gắn bọ nghe lén, thư từ bị đọc trộm.

Hemingway nhắc đến chi tiết có 2 kiểm toán viên đã kiểm tra tài khoản ngân hàng của ông vào nửa đêm. Khi nhìn thấy những người đàn ông ngồi trong quán bar, tại quầy báo ga xe lửa hay tại những tiệm ăn mà ông và những bạn văn của mình đến, Hemingway đều cho rằng đó là những đặc vụ FBI. Chuyện này lặp đi lặp lạo nhiều lần đến nỗi Hotchner từng cho rằng đây là biểu hiện của bệnh hoang tưởng. Thực tế, đúng là Hemingway đã bị các nhân viên đặc vụ của FBI theo dõi và giám sát trong một thời gian dài theo lệnh của Giám đốc FBI Edgar Hoover, người từng liệt Hemingway vào loại “Kẻ thù số 1”.

Hồ sơ FBI giải mật năm 1980 theo Luật Tự do thông tin cho thấy Giám đốc Edgar Hoover rất quan tâm theo dõi Hemingway. Đáng lưu ý, trong 120 trang hồ sơ giải mật của FBI có đến 15 trang bị kiểm duyệt bôi đen vì chứa những thông tin nhạy cảm, không thể công bố trước công chúng.

Theo các hồ sơ giải mật thì Hoover đã ra lệnh cho các đặc vụ FBI theo dõi sát nhà văn Hemingway từ năm 1945, khi ông tìm cách lập "mạng lưới tình báo chống phát xít mang tên Crook Factory", cả khi ông neo chiếc du thuyền Pilar ngoài khơi Cuba, và nhất là khoảng thời gian ông đến sống tại Cuba vào các năm 1957 và 1959, 1960. Việc theo dõi kéo dài cho đến khi Hemingway qua đời.

Jeffrey Meyers - nhà nghiên cứu về Hemingway - cho biết, ngay cả khi bị bệnh tâm thần nặng phải nhập viện điều trị tại Viện Điều dưỡng Mayo tháng 11-1960, những y, bác sĩ điều trị bệnh xung quanh Hemingway cũng đều là những người được bí mật giao nhiệm vụ theo dõi Hemingway. Đến tháng 1-1961, ông được cho xuất viện trong tình trạng "suy sụp nặng". Một đặc vụ khi đó đã báo cáo vắn tắt với Hoover rằng "Hemingway đã bệnh nặng cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Q.H. (tổng hợp)
.
.
.