Vai trò của Cambridge Analytica trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016?

Thứ Sáu, 27/04/2018, 16:33
Cambridge Analytica (CA) là công ty con của tập đoàn SCL Group do Alexander (Bertie) Nix lãnh đạo (hiện nay ông này đã bị đình chỉ chức vụ để điều tra) đã từng được Ban vận động tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump thuê thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm lôi kéo cử tri, giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tháng 11-2016.

Và CA đã khai thác dữ liệu người dùng trên mạng xã hội Facebook để nghiên cứu cử tri, từ đó đưa ra chiến lược truyền thông tập trung vào các nhóm đối tượng cử tri, tạo lợi thế cho ông Trump.

CA đã làm gì cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016?

Như thông tin đã đưa, CA chính thức được thành lập tại bang Delaware, Mỹ, vào năm 2013, để đáp ứng quy định của luật Mỹ. Ngay trong năm đầu đi vào hoạt động, CA đã ký ngay 44 hợp đồng cung cấp dịch vụ bầu cử cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử năm 2014.

Alexander Nix.

CA tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bằng hợp đồng cung cấp dịch vụ cho ứng cử viên Ted Cruz vào năm 2015. Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Mỹ (FEC), CA bắt đầu tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng 6-2016, tức  ngay sau khi ông Trump nhận đề cử của đảng Cộng hòa làm đại diện đảng này ra tranh cử với bà Hillary Clinton. Trong khoảng thời gian từ ngày 29-7 đến ngày 12-12-2016, Ban vận động tranh cử của ông Trump đã chi trả cho CA số tiền lên đến 5,9 triệu USD để cung cấp dịch vụ vận động trên môi trường kỹ thuật số và truyền thông chiến lược, vận động cử tri.

Một phóng viên kênh truyền hình Channel 4 News đã giả dạng nhân viên sửa ống nước đã tìm cách tiếp xúc Giám đốc CA Alexander Nix và lén ghi hình các cuộc trò chuyện từ tháng 11-2017 đến tháng 1-2018. Trong các cuộc trò chuyện đó, Nix đã khoe rằng công ty của mình đã thực hiện  toàn bộ hoạt động vận động tranh cử trên môi trường kỹ thuật số, truyền thông trên truyền hình và cung cấp dữ liệu chiến lược cho ông Trump.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng nổi tiếng là kỳ bầu cử đặc biệt với sự thịnh hành của tin giả (fake news) và những chiêu trò bôi bẩn đối phương xuất hiện đầy trên mạng xã hội, bên cạnh đó là cáo buộc nước Nga gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử bằng cách này hay cách khác, chưa có bằng chứng cụ thể. Trong bối cảnh thông tin hỗn loạn đó, CA đã triển khai một chiến thuật cài, cấy thông tin, định hướng dư luận theo chiều hướng có lợi cho ông Trump.

Một trong những chiến lược quan trọng CA sử dụng để giúp ông Trump tranh cử là phối hợp với các tổ chức truyền thông, báo chí để thu thập dữ liệu làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, phân tích tâm lý cử tri. Và công ty này đã tìm cách thu thập dữ liệu hơn 50 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội Facebook một cách gián tiếp thông qua một tổ chức trung gian tại Anh.

Đầu mối thực hiện việc thu thập dữ liệu này là Joseph Chancellor, một trong hai đồng sáng lập kiêm giám đốc (người thứ hai là Aleksandr Kogan) của tổ chức Global Science Research (GSR), ra đời vào năm 2014 có trụ sở đặt tại London, Anh. Chancellor được Facebook thuê làm công tác nghiên cứu khoa học, làm việc tại trụ sở Facebook ở Menlo Park, bang California.

Cùng phối hợp với Chancellor thu thập dữ liệu là Kogan. Chính Kogan là người đã vạch kế hoạch thu thập dữ liệu bằng cách sử dụng một trình ứng dụng cá nhân trên Facebook. Việc thu thập bắt đầu được tiến hành từ năm 2015. Ban đầu, mục đích thu thập dữ liệu là để phục vụ cho công tác nghiên cứu về tâm lý người dùng Internet. Dữ liệu sau khi thu thập được Chancellor lưu trữ trong một máy chủ được cho là đặt tại Đại học St. Petersburg, Nga.

Khi tham gia hoạt động vận động tranh cử Tổng thống Mỹ với ứng cử viên Ted Cruz vào năm 2015, CA đã tìm cách có được dữ liệu cử tri Mỹ để nghiên cứu, phân tích tâm lý nhằm tư vấn và giúp ông Cruz vận động cử tri. Như vậy, dữ liệu người dùng Facebook đã được chuyển giao cho CA không lâu sau khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu.

Đã từng có một giai đoạn Ted Cruz dẫn điểm ông Trump trong cuộc đua sơ bộ, nhưng sau đó Trump tỏ ra quá mạnh, nên Cruz đành chấp nhận thất bại. Khi chuyển sang hợp tác với Trump, CA đã mang toàn bộ dữ liệu thu thập được trước đó, đồng thời tiếp nhận thêm dữ liệu mới từ GSR để phục vụ chiến dịch vận động của ông Trump.

Chuyên gia tâm lý Alexander Kogan.

Kênh thứ hai CA sử dụng để tiếp cận cử tri là hợp tác với báo chí, như trang Web tin tức chính trị Politico. Các tờ báo, tạp chí cả truyền thống và trên mạng Internet này đã giúp CA thực hiện các chiến dịch quảng cáo chính trị có định hướng mục tiêu chống lại bà Clinton, tạo nên hình ảnh, thông tin không tốt về bà tại các bang chủ chốt quyết định thành bại của chiến dịch tranh cử.

Vào giai đoạn cuối của kỳ bầu cử, gần đến ngày bỏ phiếu chính thức 4-11-2016, CA đã thu thập dữ liệu về cử tri đi bỏ phiếu tại các địa phương tổ chức bầu cử sớm, và liên kết các dữ liệu đó với dữ liệu thu thập từ Facebook. Việc này giúp CA xác định xem cử tri có tiếp cận các mẩu quảng cáo chính trị đã được triển khai hay không, và liệu những người đó có tham gia bỏ phiếu sớm hay không, từ đó giúp công ty đưa ra dự báo về kết quả bầu cử.

Một chiến lược truyền thông CA sử dụng trong chiến dịch của ông Trump là lợi dụng mạng lưới các tổ chức “chân rết” để thay công ty tạo dư luận theo chiều hướng có lợi cho ông Trump. Nix cho biết, công ty của ông ta đã tạo dựng được nhiều tổ chức “chân rết” như thế và đã âm thầm bơm thông tin, tư liệu tiêu cực về đối phương vào guồng máy truyền thông trên Internet và mạng xã hội.

Theo Nix, đó là các tổ chức xã hội, từ thiện hoặc tổ chức vận động chính trị ủng hộ đảng Cộng hòa, có thể được xem là “thổ địa” trong xã hội Mỹ và CA có thể lợi dụng họ một cách hiệu quả, chỉ cần mồi thông tin, dữ liệu cho họ để họ tự động chuyển hóa chúng lên hệ thống truyền thông trên Internet, xâm nhập vào mạng xã hội, lan truyền nhanh chóng.

Những thông tin lan truyền trên Internet thông qua các tổ chức chân rết như thế không để lại dấu vết “chính chủ” cho nên cũng khó truy tìm tác giả tạo ra chúng. Để xóa dấu vết, Nix khoe rằng, công ty của ông ta không sử dụng hình thức liên lạc trực tiếp, không dùng giấy tờ để thể hiện các thông điệp giao tiếp mà toàn bộ được thực hiện thông qua hệ thống email.

Theo Nix, CA đã sử dụng hệ thống email tự hủy hẹn giờ để xóa dấu vết, và không ai biết CA đã sử dụng hệ thống email này. Chỉ cần một email được gửi đi, người nhận mở ra đọc xong, khoảng 2 giờ sau là nó tự động biến mất.

Một “chiến lược kép” tỏ ra hoàn hảo

Thông qua các tổ chức chân rết, CA xây dựng một “chiến lược kép” trong chiến dịch vận động, nghĩa là truyền thông điệp tích cực của chiến dịch thông qua kênh chính thức là ông Trump, đồng thời tuồn thông tin tiêu cực thông qua các tổ chức chân rết ở bên ngoài, như các siêu Ủy ban hành động chính trị (Super PAC). Các chuyên gia của CA cho rằng cần phải phối hợp hai loại thông tin như thế để tạo hiệu ứng kép trong truyền thông chiến lược theo hướng có lợi cho ông Trump.

Ted Cruz, người đã ký hợp đồng với Cambridge Analytica trong cuộc bầu cử 2016.

Nix cho biết, bằng chiến lược kép này, CA đã xây dựng chiến dịch quảng cáo tiêu cực tấn công bà Hillary Clinton bằng loạt thông tin, hình ảnh “Hillary thất bại”, tài trợ bởi một “siêu PAC” tên Make America Number 1 và đã được hơn 30 triệu lượt người xem trong suốt thời gian tranh cử. Để tìm kiếm thông tin xấu, thông tin tiêu cực về bà Clinton, Nix đã từng thừa nhận với tờ báo The Daily Beast rằng ông ta đã từng liên hệ với ông chủ trang WikiLeaks Julian Assange để tìm cách truy tìm 33.000 email cá nhân của bà Clinton bị hacker lấy cắp.

Việc này đã được Assange xác nhận với báo chí. Chính bà Hillary Clinton đã mô tả trên kênh truyền hình Channel 4 News rằng mình đã đối mặt một chiến dịch tuyên truyền ào ạt như thế nào trong thời gian vài tháng cuối cùng của cuộc vận động. Và chính chiến dịch truyền thông đó đã khiến bà trở tay không kịp và nhận thất bại một cách cay đắng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Channel 4 News tháng 10-2017, bà Clinton đã thừa nhận chiến thuật truyền thông trong chiến dịch vận động của ông Trump là một “loại hình mới” mà bà chưa từng biết trước đây. Nó như một cơn thác lũ thông tin bất lợi đổ ập vào bà. Cơn lũ thông tin này được triển khai theo cách thức bà chưa từng biết, nhằm mục đích khống chế những cử tri muốn bỏ phiếu cho bà.

Đó là lý do vì sao cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã cho ra kết quả rất kỳ lạ: Ông Trump kém bà Clinton đến hơn 3 triệu phiếu phổ thông nhưng nhờ giành chiến thắng sít sao (chênh lệch vài chục nghìn phiếu bầu) tại một số bang then chốt có số phiếu đại cử tri cao nên đã giành chiến thắng.

Bà Hillary Clinton từng cảm nhận chiến thuật truyền thông ào ạt của Cambridge Analytica trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Sau chiến thắng của ông Trump, đã xuất hiện dư luận đánh giá một số hoạt động trong chiến dịch vận động tranh cử của ông có vẻ đã vi phạm pháp luật Mỹ. Cụ thể, tổ chức phi chính phủ Common Cause của Mỹ đã gửi 2 kiến nghị lên tòa án trong đó đề nghị các công tố viên liên bang và các cơ quan quản lý nhà nước điều tra về hoạt động của CA trong các cuộc bầu cử Mỹ năm 2014 và 2016.

Common Cause nghi ngờ CA đã vi phạm pháp luật Mỹ trong đó có quy định cấm người nước ngoài tham gia một số hoạt động trong bầu cử ở Mỹ khi công ty này hợp tác làm việc với Ban vận động của ông Trump.

Common Cause cáo buộc rằng, một số nhân viên của CA, kể cả Giám đốc Nix, đã thực hiện các công việc quan trọng góp phần vào “quy trình ra quyết định” trong các chiến dịch tranh cử năm 2014 và 2016. Common Cause dẫn một số chi tiết cụ thể của việc tham gia hoạt động bầu cử trái pháp luật, như việc CA đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn bầu cử trị giá 800.000 USD với một siêu PAC do ông John Bolton lãnh đạo nhằm vận động ủng hộ ông Trump (Bolton hiện là Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ).

Trước đó, Bolton cũng từng hợp tác với CA thực hiện một dự án truyền thông video trên mạng YouTube nhắm vào mục tiêu cử tri dựa trên các dữ liệu tâm lý. Common Cause cho rằng tất cả những việc làm kiểu này có khả năng vi phạm pháp luật Mỹ về bầu cử và kiến nghị tòa án xem xét, điều tra.

Bên cạnh đó, các nhà điều tra cũng đang xem xét việc lồng ghép giữa vận động bầu cử chính thức với các nhóm xã hội bên ngoài, vì việc này là phạm pháp theo luật bầu cử của Mỹ, nhưng CA đã phủ nhận mình làm sai, khẳng định rằng đã triển khai các tường lửa hiệu quả và công khai minh bạch trong hoạt động phối hợp giữa ban vận động và các PAC.

Riêng việc thu thập dữ liệu người dùng Facebook đang được cơ quan chức năng xem xét. Thông báo mới nhất của Facebook đã khẳng định ông Kogan đã tiếp cận dữ liệu người dùng Facebook bằng con đường chính thống, hợp pháp.

Tuy nhiên, việc ông thu thập dữ liệu người dùng đã không tuân thủ các quy tắc do Facebook đưa ra, vì vậy mạng xã hội này đã đóng tài khoản của Kogan. CA cũng bị đóng tài khoản Facebook vì liên quan trong vụ việc thu thập dữ liệu người dùng.

Từ năm 2014, khi CA bắt đầu tham gia hoạt động bầu cử tại Mỹ, công ty này đã được một luật sư Mỹ tư vấn rằng các chiến thuật cung cấp dịch vụ bầu cử của công ty có thể vi phạm pháp luật và đề nghị công ty nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo CA và ông Steve Bannon (cựu cố vấn của Tổng thống Trump) đã bỏ qua lời cảnh báo này.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.
.