Trùm phát xít “Đồ tể Lyon” dính líu vụ ám sát Che Guevara
- Trùm phát xít Mussolini vẫn được xem là “Công dân danh dự”!
- Cuộc tình thơ mộng của ông trùm phát xít với cô gái Pháp
- Con cháu các trùm phát xít hiện nay ra sao?
Khét tiếng với biệt danh “Đồ tể Lyon”, trùm mật vụ phát xít Đức Klaus Barbie trong suốt Thế chiến II đã tàn ác tra tấn trẻ em và đưa vô số gia đình vào trại tử thần. Hắn chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 14.000 người nhưng khi chiến tranh kết thúc, hắn đã trốn tới Nam Mỹ và không phải ra trước công lý.
Thay vào đó, hắn lại trở thành một điệp viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhúng tay vào vụ sát hại anh hùng du kích của Mỹ Latinh Che Guevara rồi trở thành cộng sự của các trùm khủng bố khét tiếng khu vực này, thậm chí còn giữ cấp hàm đại tá trong quân đội Bolivia.
Phóng viên Warren Manger của tờ Daily Mirror (Anh) đã phỏng vấn nhà báo Mỹ Peter McFarren - là đồng tác giả cuốn tiểu sử về tên đồ tể này "The Devel's Agent" (Điệp viên của quỷ). McFarren nói: "Barbie có thể không tham gia vận chuyển ma túy nhưng hắn đóng một vai trò quyết định trong tăng trưởng của hoạt động buôn bán cocain ở Bolivia, Peru và Colombia. Hắn ta là đầu dây liên lạc giữa các ông trùm cocain và chính phủ, quân đội và lính đánh thuê".
“Tên đồ tể” Klaus Barbie. |
Từ thời chiến tranh, Barbie đã thể hiện bản chất tàn bạo sau khi hắn được chỉ định là lãnh đạo cảnh sát mật của trùm phát xít Adolf Hitler tại thành phố Lyon (Pháp) năm 1942 lúc 29 tuổi. Barbie có biệt danh “Tên đồ tể” vì đích thân hắn đã tra tấn từ người lớn cho tới trẻ em, từ nam giới cho đến phụ nữ bằng các biện pháp như lạm dụng tình dục, xử tử bằng điện, bẻ gãy xương…
Sau khi chiến tranh kết thúc, quân Đức bị đánh bại, hắn được CIA tuyển mộ để chống chủ nghĩa cộng sản. Khi biết Barbie có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh, CIA đã đổi tên hắn thành Klaus Altmann và để hắn trốn tới Bolivia năm 1951. Khi đã đặt chân tới Nam Mỹ, hắn hoạt động kín tiếng, làm việc tại một nhà máy gỗ hẻo lánh trong suốt 10 năm. Vào những năm 60, hắn làm cố vấn cho quân đội Bolivia về các kỹ thuật tra tấn và thẩm vấn. Hắn đã tham gia vào một số vụ tra tấn và giết người ở Bolivia.
Một số trong những cộng sự mới của Barbie cũng có mức độ tàn bạo khét tiếng không kém. Một trong số đó là tay anh chị Pablo Escobar, tên trùm ma túy giàu có nhất lịch sử với khối tài sản lên tới 30 tỉ bảng Anh. Trùm ma túy này đã độc quyền nhập khẩu cocain paste (một sản phẩm cocain) từ Bolivia vào Colombia. Barbie thường tới thăm Escobar tại Hacienda Napoles - khu điền trang rộng 5.000 mẫu của Escobar có sân bay riêng và có hẳn một sở thú.
Barbie bị xét xử ở Pháp năm 1987. |
Tuy nhiên, đồng minh thân cận nhất của Barbie không phải là Escobar, mà là thủ lĩnh quân phiệt Bolivia Roberto Suarez Gomez, cũng là một tay buôn ma túy khét tiếng. Dù không giàu bằng Escobar nhưng khi con trai cả bị Cảnh sát Mỹ bắt năm 1982, Suarez Gomez đã viết thư cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề nghị trả 2,5 tỉ bảng Anh tiền mà Bolivia nợ Mỹ để chuộc con trai. Barbie thường gặp Suarez vào đầu những năm 80, đóng vai trò trung gian giữa Gomez và các quan chức tham nhũng trong quân đội Bolivia mà Gomez muốn hối lộ.
Nhìn bề ngoài, dường như Barbie và Gomez chỉ quan tâm đến ma túy nhưng họ còn có những kế hoạch lớn hơn. Họ âm mưu lật đổ cả Chính phủ Bolivia. Thư từ của Barbie cho thấy hắn như phát rồ trước viễn cảnh sẽ có một cuộc cách mạng cộng sản ở Bolivia và hắn sẽ bị trục xuất về Pháp rồi phải hầu tòa vì tội ác chiến tranh. Trong khi đó, Suarez Gomez muốn được tự do để mở rộng đế chế cocain mà không sợ bị truy tố.
Chung lợi ích, hai tên đã sắp xếp một cuộc đảo chính quân sự để đưa tướng Luis Garcia Meza Tejada làm tư lệnh quân đội, rồi làm tổng thống năm 1980. Tất cả được thực hiện bằng tiền từ buôn bán cocain. Trong 2 năm sau đó, Chính phủ Bolivia đã dính líu trực tiếp và thu lợi nhuận từ ngành buôn bán cocain. Các quan chức tham nhũng bảo kê cho các trùm ma túy tự do mở rộng hoạt động buôn bán. Nếu như ở Colombia và Peru, chỉ có vài quan chức chính phủ và cảnh sát nhúng tay vào lĩnh vực ma túy, thì ở Bolivia, cả một chế độ hưởng lợi từ hoạt động này và Barbie đóng vai trò chủ chốt.
Ngoài ra, tài liệu về Barbie còn cho biết tên này đã từng giúp CIA truy tìm Che Guevara năm 1967. Anh hùng người Argentina này đóng vai trò lớn trong Cách mạng cộng sản ở Cuba và có ảnh hướng lớn tới phong trào cách mạng của các quốc gia Nam Mỹ. Che Guevara lúc đó đang chỉ huy một đội quân du kích hoạt động ở Bolivia. Làm cố vấn trong quân đội Bolivia khiến hắn không thể bị dẫn độ về Pháp và hắn làm mọi cách để duy trì vị trí này, kể cả phản bội bất kỳ ai không ngần ngại. Khi con gái của người bạn thân Hans Ertl gia nhập một nhóm du kích chống chính phủ, Barbie đã tố giác cô, khiến cô bị bắt và giết chết.
Nhà báo McFarren trong khi điều tra về nguồn tiền từ ma túy của Chính phủ Bolivia đã phát hiện ra Barbie sống trong một biệt thự ở thành phố Cochabamba. Ông đã đến biệt thự này với ý định phỏng vấn nhưng đã bị khống chế và bắt giữ. Bọn chúng đã dọa tra tấn và nhổ móng tay các nhà báo. Vài giờ sau, nhóm nhà báo được thả nhưng họ phải rời Bolivia ngay ngày hôm sau.
Sau khi chế độ độc tài Bolivia sụp đổ, Barbie đã bị dẫn độ tới Pháp năm 1983 và ra hầu tòa. Khi đó, Barbie 70 tuổi nhưng hắn không hề ăn năn với tội ác chất cao như núi. Bị xét xử với 41 tội danh chống nhân loại, Barbie bị án tù chung thân vào tháng 7-1987. Hắn chết sau đó 4 năm vì bệnh bạch cầu và ung thư xương sống.
Nhà báo McFarren kết luận: "Phần lớn thành viên Đức Quốc xã trốn truy nã đều biến mất, thường là tới Nam Mỹ nhưng chúng sống ngoài tầm ngắm. Nhưng Barbie có thể sống điềm nhiên ở Bolivia suốt hơn 30 năm là điều mà người Mỹ phải giải thích".