Tình báo Trung Quốc đối đầu băng "những cô gái tóc vàng Hồng Công"

Thứ Sáu, 18/09/2009, 11:40
Tại Trung Quốc đang diễn ra các hoạt động mang tính chất tội phạm của một băng nhóm hacker có tên gọi “Những Cô gái tóc vàng Hồng Công” khi tiến hành đột nhập vào mạng máy tính của nhiều cơ quan chính quyền cấp trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân đội nhân dân (PLA), Bộ Công An cùng các tập đoàn kinh tế lớn... để phá hoại, đánh cắp dữ liệu thông tin, thu thập thông tin tình báo, tuyên truyền chống phá chính quyền Trung Quốc.

Cuộc săn tìm “Những cô gái tóc vàng Hồng Công” đã được Cơ quan Tình báo quốc gia Trung Quốc (Gouanbu) và Cục 3 chuyên hoạt động trong lĩnh vực chiến tranh thông tin và chiến tranh ảo của Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) ráo riết tiến hành từ năm 1995 đến nay.

Mùa hè năm 1989, sau sự biến Quảng trường Thiên An Môn bắt đầu xuất hiện trên mạng Internet và mạng máy tính của nhiều quốc gia trên thế giới những lời kích động kêu gọi tấn công và phá hoại các quyền lợi của Trung Quốc của một nhóm hacker tự xưng là “Những cô gái tóc vàng Hồng Công”. Chẳng bao lâu sau khi đưa ra lời kêu gọi, băng nhóm hacker này liền thể hiện bằng hành động thông qua việc công khai tiến hành hàng loạt các vụ tấn công nhắm vào mạng máy tính của quân đội, công an, lực lượng an ninh, chính quyền trung ương cùng các tập đoàn kinh tế lớn.

Lúc đầu, các cuộc tấn công còn thưa thớt và mang yếu tố cảnh báo nhiều hơn nhưng sau đó trở nên dồn dập và mang tính chất khủng bố, phá hoại, hoạt động tình báo nên đã gây nhiều thiệt hại. Theo một báo cáo của Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an Trung Quốc, nếu như năm 1989, băng nhóm “Những cô gái tóc vàng Hồng Công” chỉ thực hiện 34 vụ tấn công, thì năm 1999 đã tiến hành 1.228 vụ tấn công. Năm 2004, số vụ tấn công đã tăng đến 7.200 vụ.

Để phòng chống, năm 1990, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho Gouanbu và Cục 3 của PLA tổ chức điều tra, phá nát băng nhóm hacker này. Theo điều tra của Gouanbu, băng nhóm “Những cô gái tóc vàng Hồng Công” được thành lập tại Hồng Công vào tháng 8/1989 bởi một chuyên viên máy tính người Hoa có biệt danh Blondie Wong. Wong có cha và người thân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Cách mạng văn hóa và đã qua đời tại một nông trại ở Tân Cương. Wong sau đó đã trốn thoát sang Hồng Công và đến Anh để học đại học. Năm 1989, sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, Wong từ Anh quay về lại Hồng Công tập hợp một số hacker bao gồm chuyên viên máy tính, sinh viên, doanh nhân cả người Hoa và người nước ngoài... Tất cả thành viên của băng nhóm này cho dù là nam hay nữ đều có biệt danh là Blondie nhằm đánh lạc hướng điều tra của chính quyền hay các cơ quan an ninh, tình báo.

Tuy nhiên, theo Tracey Kinchen, một nữ điệp viên của Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) nằm vùng tại Hồng Công, từng nhiều năm điều tra về hoạt động của băng nhóm “Những cô gái tóc vàng Hồng Công”, thì băng nhóm này gồm toàn những cô gái tóc vàng có nhân dạng giống nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ Julie Holden am tường công nghệ thông tin và luôn nuôi lòng oán hận. 

Năm 1995, chỉ hai năm trước khi Hồng Công được trao trả về lại Trung Quốc, lần đầu tiên Gouanbu tổ chức vụ tấn công ruồng bố băng nhóm “Những cô gái tóc vàng Hồng Công” ngay trên lãnh thổ Hồng Công sau khi băng nhóm này đánh sập hệ thống thu thập thông tin tình báo từ vệ tinh của quân đội Trung Quốc. Khi các điệp viên của Gouanbu giả dạng thương nhân và khách du lịch đột nhập vào một địa điểm được xác định là sào huyệt của băng nhóm “Những cô gái tóc vàng Hồng Công” tại bán đảo Kowloon của Hồng Công thì chỉ tìm thấy một số máy tính mà tất cả những thông tin, dữ liệu lưu trữ đã bị xóa bỏ.

Biết bị săn đuổi ráo riết  nên đến năm 1997, Blondie Wong quyết định chuyển hoạt động đến nhiều quốc gia như Hà Lan, Pháp, Anh và Mỹ. Mùa hè năm 1999, sau một thời gian điều tra tích cực, Gouanbu phát hiện Wong và viên trợ lý tên Simon Li đang ẩn náu tại thành phố cảng Saint-Nazaire ở miền Đông nước Pháp. Đích thân tướng Geng Huichang, chỉ huy tình báo Trung Quốc, đã chỉ đạo và điều động một toán điệp viên giỏi của Gouanbu đến vây bắt tên trùm hacker này tại thành phố Saint-Nazaire. Chỉ hai giờ trước khi những điệp viên đầu tiên của Gouanbu đặt chân đến thành phố Saint-Nazaire, Wong và Li đã di chuyển lên thủ đô Paris để đến thủ đô London của Anh chỉ đạo một cuộc tấn công mới.

Từ năm 2000, vào cuộc truy đuổi “Những cô gái tóc vàng Hồng Công” không chỉ có Gouanbu mà có cả MI-5, FBI, CIA và NSA, vì những hacker tinh ma kia đã tổ chức các cuộc tấn công phá hoại vào mạng máy tính của gần 500 tập đoàn, công ty đa quốc gia, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia của Mỹ và Anh có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc.

Đến năm 2007, các điệp viên Gouanbu một lần nữa đã lần ra dấu vết của Blondie Wong tại thành phố Baylor, bang Texas của Mỹ nên đã triển khai việc bắt giữ nhưng lại gặp thất bại do trước đó Wong đã kịp đào thoát sang Mexico. Có nguồn tin cho rằng, Wong cùng một số thành viên của băng nhóm hiện đang ẩn náu tại một thành phố nhỏ ở miền Nam Thái Lan để tiếp tục tung ra các cuộc tấn công phá hoại trên mạng nhắm vào các mục tiêu tại Trung Quốc

H.P. (theo Global Security)
.
.
.