Tiết lộ mới về “kẻ phản bội nguy hiểm nhất thế kỷ XX”

Thứ Sáu, 02/05/2014, 16:30

Những ngày tháng 4 này, báo chí Nga tiếp tục cung cấp các bằng chứng về sự phản bội của Gorbachev và các cộng sự, những kẻ đã đưa Liên bang Xôviết đến chỗ sụp đổ.

Đội đặc nhiệm Alpha không được bắt Yeltsin

Tối ngày 18/8/1991, một đơn vị thuộc Đội Đặc nhiệm Alpha của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) do Anh hùng Liên Xô V. Karpukhin chỉ huy đã được điều đến khu vực Arkhangelsk, ngoại ô Moskva, nơi ở của các quan chức chóp bu Nga, để chuẩn bị thực hiện việc cô lập B. Yeltsin với những lực lượng ủng hộ ông ta vào sáng sớm ngày 19/8.

Sergei Goncharov - đại biểu Duma thành phố Moskva đã kể lại diễn biến của chiến dịch cô lập và bắt giữ Yeltsin, mà ông là người đã trực tiếp tham gia. Theo Gorcharov, sau khi đơn vị đã vào vị trí, V. Karpukhin báo cáo về Tổng hành dinh xin lệnh và nhận được chỉ thị: "Hãy chờ! Sẽ có hướng dẫn".

Đến rạng sáng, Karpukhin lại xin ý kiến và lại nhận khẩu lệnh: "Đợi nhé! Sẽ liên lạc sau!". Tuy vậy, Karpukhin vẫn quyết định cho đơn vị bí mật tiến sát đến ngôi làng nằm gần Arkhangelsk. Một vài người dân đi hái nấm sáng sớm, thấy lính đặc nhiệm Alpha ngụy trang khác thường với vũ khí trên tay, họ tỏ ra lo sợ, né tránh và quay về.

Biết đã bị lộ, Karpukhin tự quyết định cho đơn vị "chuyển sang vị trí của phương án 2", có nghĩa là sẽ tiến hành bắt giữ khi đối tượng xuất hiện. Mọi người lên xe đi thêm 2 km và ngụy trang lại cho phù hợp với địa hình. Tại vị trí mới theo phương án 2, sau khi triển khai đội hình có thể chặn các phương tiện để bắt giữ đối tượng, Karpukhin lại báo cáo xin chỉ thị. Lúc này là 6 giờ, trời đã sáng, các dòng phương tiện đang bắt đầu đổ về Moskva. Chỉ thị của Tổng hành dinh vẫn là: "Cứ chờ! Sẽ có hướng dẫn!".

Đến 7 giờ sáng, các xe công vụ có lực lượng bảo vệ đi kèm tiến về hướng Arkhangelsk. Họ là các nhân vật cao cấp - Quyền Chủ tịch Xôviết Tối cao Nga R. Khasbulatov, Bộ trưởng Báo chí và Truyền thông M. Poltoranin và một người nữa. Sau khi báo cáo, chỉ thị vẫn là: "Hãy đợi!". Cả đơn vị Alpha không hiểu cấp trên muốn gì ở họ và họ phải làm gì?

Vào lúc 8 giờ, Karpukhin được các nhân viên thông báo tin mới nhất: "Một đoàn gồm 2 chiếc xe Zil bọc thép, 2 chiếc Volga của B. Yeltsin và những người vừa mới đến có lực lượng bảo vệ hộ tống đang di chuyển ra quốc lộ. Chuẩn bị thực hiện chiến dịch!". Karpukhin xin phép Tổng hành dinh để hành động, ông lại nhận được chỉ thị: "Hãy đợi lệnh". Ông nổi cáu: "Đợi cái gì nữa? Chỉ 5 phút nữa là đoàn xe sẽ đi qua vị trí của chúng tôi". Lệnh vẫn là: "Phải đợi đã!".

Sau khi đoàn xe đã đi qua vị trí phục kích của Đội Alpha và mất hút khỏi tầm mắt họ, Karpukhin báo cáo và câu trả lời lần này: "Hãy đợi một chút, sẽ có chỉ thị ngay bây giờ!". Đúng 5 phút sau, lệnh mới rất rõ ràng: "Cử ngay một số sĩ quan trong đơn vị đến bảo vệ khu biệt thự ở Arkhangelsk. Những người còn lại trở về doanh trại ngay". Chỉ huy trưởng Alpha Karpukhin tỏ thái độ rất bất bình vì trong các chiến dịch của Alpha, tất cả các hoạt động phải được tính đến từng phút, còn lần này thì…

Từ trái qua phải: M. Gorbachev, B. Yeltsin và R. Khasbulatov.

Vậy là, thời điểm mà Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp (GKCHP) có thể giành thắng lợi, bị bỏ qua. Còn Yeltsin đã có đủ thời gian quý báu để tập hợp lực lượng và thực hiện các bước đi tiếp theo. Tình hình sau đó diễn ra như những quân bài Domino. Yeltsin leo lên xe tăng ở Nhà Trắng tuyên bố hành động của GKCHP là vi hiến. Buổi tối, trên truyền hình phát đi thông báo chấm dứt hoạt động của GKCHP.

Vì sao lại không có lệnh cách ly hay bắt giữ Yeltsin theo kế hoạch? Những người đứng đầu GKCHP, gồm cả Chủ tịch KGB Kryuchkov, đã không có câu trả lời cho câu hỏi này và, hiển nhiên, cũng chẳng ai trong số họ nhận trách nhiệm về mình. Rõ ràng, đây là trò chơi tay đôi hoặc tay ba.

Khi trả lời phỏng vấn báo chí Nga, Anatoly Lukyanov - Chủ tịch cuối cùng của Xôviết Tối cao Liên Xô nói rằng, GKCHP được thành lập vào ngày 28/3/1991 tại một cuộc họp có Gorbachev tham dự, còn cựu Phó tổng thống Liên Xô G. Yanayev - người đứng đầu GKCHP khẳng định: Tất cả các tài liệu của GKCHP đều được soạn thảo theo lệnh của chính Gorbachev.

Trả lời phỏng vấn tờ Komsomolskaya Pravda của Nga vào ngày 18/8/2011, cựu Bộ trưởng Báo chí và Truyền thông Nga M. Poltoranin nhận định: "Hai kẻ thù "không đội trời chung" Gorbachev và Yeltsin, trên thực tế, là những kẻ "cùng hội cùng thuyền". Hiển nhiên, Chủ tịch KGB Kryuchkov biết về mối quan hệ này của họ.

Theo nội dung cuộc nói chuyện giữa ông với người đứng đầu Tổng cục Tình báo của KGB L. Shebarshin, thì ngay từ tháng 6/1990, Kryuchkov đã quyết định đặt cược số phận của mình vào Yeltsin. Còn B. Yeltsin hiểu rất rõ rằng "cuộc đảo chính" do GKCHP tiến hành cho ông ta một cơ hội hiếm có để loại bỏ Gorbachev. Nhưng để làm được điều đó, Yeltsin đã phá tan Liên bang Xôviết.

Những người dọn đường của Gorbachev

Việc bổ nhiệm Eduard Shevardnadze và Vadim Bakatin là ví dụ điển hình về những "tính toán" của Gorbachev. Shevardnadze được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao ngày 1/7/1985.

Để hiểu rõ về Shevardnadze, cần xem lại nhận xét của cựu Tổng thống Mỹ G. H.W. Bush (Bush-cha): "Chúng tôi cũng không hiểu chính sách của Ban lãnh đạo Liên Xô. Chúng tôi đã dự định cam kết là các nước Đông Âu sẽ không bao giờ được gia nhập NATO và xóa hàng tỉ USD nợ. Tuy nhiên, Shevardnadze đã không mặc cả và đồng ý tất cả mà không có điều kiện tiên quyết nào. Điều tôi đang nói tới là khi hai bên bàn về việc phân định hải phận ở Alaska, nơi trước đó chúng tôi không còn hy vọng. Đây là món quà của Chúa".

"Món quà" mà cựu Tổng thống Bush (cha) nhắn đến là Hiệp ước đã được Shevardnadze ký với Ngoại trưởng Mỹ James Baker vào năm 1990, theo đó các quốc gia được tự do "tìm kiếm" ở khu mặt nước rộng hơn 47.000km2 vùng biển Bering, nơi rất giàu khoáng sản và cá. Gorbachev đồng ý với thỏa thuận này và đã ngăn chặn mọi ý kiến coi "thỏa thuận này" là bất hợp pháp. Gorbachev và Shevardnadze chắc chắn không làm không công cho Mỹ.

Vadim Bakatin được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (MVD) Liên Xô vào tháng 10/1988. Khi bổ nhiệm Bakatin, Gorbachev nói: "Tôi không cần một bộ trưởng cảnh sát. Tôi cần một nhà chính trị". Sau hai năm, "nhà chính trị" này đã gây ra cho Lực lượng Cảnh sát Xôviết những tổn thất không thể khắc phục. Sĩ quan cảnh sát được biệt phái sang các cơ quan, tổ chức khác làm việc. Chính sách này đã đẻ ra tệ tham nhũng, sự cấu kết với các tổ chức tội phạm và tạo điều kiện cho các sĩ quan trụ cột rời MVD chuyển công tác sang các tổ chức kinh doanh. Đây là bước khởi đầu cho sự tan rã của MVD.

Một quyết định khác của Bakatin đã gây ra hậu quả tai hại cho lực lượng cảnh sát, đó là xóa bỏ mạng lưới đặc tình của lực lượng này. Một thực tế hiển nhiên, cảnh sát trên toàn thế giới đã và đang coi mạng lưới đặc tình là tai mắt của mình trong giới tội phạm. Nước Nga vẫn đang phải nếm trải những hậu quả của các quyết định ấy.

Bakatin còn giáng một đòn chí mạng vào MVD, khi cho tách lực lượng này thành 15 cơ quan riêng biệt theo các nước Cộng hòa. Bakatin đã "hoàn thành xuất sắc" nhiệm vụ và cơ bản đã "dọn dẹp" xong lực lượng cảnh sát.

Mua chuộc được các chính trị gia và tướng lĩnh

Để giúp Yeltsin nhanh chóng có được quyền lực vào năm 1991, người Mỹ đã không từ một thủ đoạn nào, trong đó có hoạt động mua chuộc các quan chức cao cấp trong giới chính trị và quân sự của Liên Xô, kể cả Gorbachev. Những chứng cứ mà Công tước Alexei Shcherbatov cung cấp đã chứng minh cho nhận định này.

A. Shcherbatov - Chủ tịch Liên minh các quý tộc Nga ở Mỹ, một người Mỹ có ảnh hưởng và có thể tiếp cận trực tiếp với Đại sứ Mỹ Robert Strauss tại Liên Xô khi đó, ông cũng là người đã có mặt trên chuyến bay từ Mỹ về Moskva vào đúng ngày xảy ra "cuộc đảo chính".

P. Grachev (trái) và Y. Shaposhnikov đã đứng về phía B.Yeltsin.

Trong một bài trả lời phỏng vấn được đăng trên tờ Đức tin, tờ báo có uy tín của đạo Chính thống, ông kể: "Tôi đã cố tìm hiểu các chi tiết về  "cuộc đảo chính". Sau đó vài ngày, tôi biết được nhiều điều: CIA đã chuyển tiền qua Đại sứ Strauss cho các tướng lĩnh quân đội mà ông ta đã mua được: Các sư đoàn lính dù Taman và Dzerzhisk đã đứng về phía Yeltsin.

Những người nhận số tiền lớn này là Tư lệnh Lực lượng lính dù Pavel Grachev (sau đó trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Nga) và con trai Nguyên soái Y. Shaposhnikov. Shaposhnikov hiện nay đang sở hữu khối bất động sản tại miền Nam nước Pháp và một ngôi nhà ở Thụy Sĩ. Tôi được George Bailey, một người bạn lâu năm và có nhiều năm làm việc cho CIA, cho biết tổng số tiền được chuyển vào để "phân phát" ở Liên Xô lúc đó là hơn 1 tỉ USD.

Ít người biết rằng vào năm 1991, các máy bay đặc biệt dưới vỏ bọc chở hàng hóa ngoại giao đã chuyển tiền đến sân bay Sheremetyevo. Tiền được đóng thành từng gói theo mệnh giá 10, 20, 50 và đã được chuyển cho các nhà lãnh đạo chính phủ và quân đội.

Tham gia vào "cuộc đảo chính" là các cựu đại biểu của Hội nghị ở Shatagua: Tướng Chervov giúp "phân phát" tiền trong giới quân nhân. John Crystal - một trong những giám đốc "ngân hàng tin cậy", người mà tôi biết rất rõ, đã chuyển số tiền của CIA vào Liên Xô qua ngân hàng của mình. Hóa ra, nếu hối lộ được các quan chức bằng các khoản tiền lớn, thì việc xóa bỏ Liên Xô không khó".

Cần phải nhấn mạnh rằng cuộc trao đổi về những nội dung trên đây giữa phóng viên tờ Đức tin và Công tước Shcherbatov, một người được coi là "nhân chứng của lịch sử nước Nga huyền thoại", diễn ra ở New York, trong ngôi nhà ở Manhattan vào mùa hè năm 2003.

M. Gorbachev cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vào giai đoạn đó, ông ta suy tính không phải về việc bảo vệ sự toàn vẹn của Liên Xô, mà là phải làm thế nào để đảm bảo cho tương lai của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người có nhiều năm phụ trách việc bảo vệ Gorbachev, tướng KGB Vladimir Medvedev đã nói khéo rằng, hệ tư tưởng cơ bản của ông ta là tự sinh tồn. Hiển nhiên ông ta đã kiếm được những khoản tiền rất lớn.

Lễ cưới "khiêm tốn" của cô cháu gái Ksenia vào tháng 5/2003 chứng minh một phần nào đó về khả năng tài chính của Gorbachev. Hôn lễ được tổ chức tại nhà hàng Gostiny Dvor, thuộc hàng sang trọng bậc nhất ở Moskva có hàng rào bảo vệ mặc trang phục cảnh sát. Tiệc cưới, theo mô tả của các phương tiện truyền thông, "không quá mức". Đồ ăn nguội có món pate gan ngỗng và quả sung, trứng cá đen ướp lạnh với bánh xèo nóng, thịt gà với nấm được tẩm bột từng lớp mỏng.

Ngoài ra, khách còn được thưởng thức các món gà gô và môi nai Bắc Âu rán… Điểm nhấn của bữa tiệc là chiếc bánh kem 3 tầng trắng như tuyết, cao 1,5m. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong tương lai gần, ông ta còn có thể tổ chức cho các cháu của mình không chỉ một buổi lễ tương tự như vậy.

Năm 2007, Gorbachev đã mua lại một lâu đài tráng lệ ở Bavaria, miền Nam nước Đức, là nơi ông ta cùng sống với những người thân trong gia đình. Còn lâu đài Hubertus, nơi mà trước đó hai tòa nhà lớn được dành cho trại trẻ mồ côi Bavaria, đứng tên con gái ông ta là Irina Virganskaya. Thêm vào đó, ông ta còn đang sở hữu hoặc sử dụng hai tòa biệt thự khác ở nước ngoài. Một ở San Francisco, một ở Tây Ban Nha (gần biệt thự của ca sĩ V. Leontiev). Ông ta còn có bất động sản ở Nga - biệt thự ở ngoại ô Moskva("Sông Moskva 5") với diện tích 68 ha.

Gorbachev và những kẻ đồng lõa chắc chắn không thoát khỏi sự trừng phạt. Ngoài tòa án của quốc gia, còn có tòa án khác, dù sớm hay muộn, sẽ phán quyết: Gorbachev là kẻ phản bội nguy hiểm nhất của thế kỷ XX. Khi đó, cả Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA chắc chắn không giúp được ông ta

Hoàng Tuất (theo Spetsnaz Rossii)
.
.
.