Tỉ phú Geogre Soros – Những toan tính bên trong bộ óc kiếm tiền siêu đẳng (bài 2)

Thứ Ba, 08/08/2017, 12:11
George Soros sinh ngày 12-8-1930 tại Budapest, thủ đô Hungary, với tên trong giấy khai sinh là Dzichdzhe Shorak (phát âm là 'Shorosh'). Nhằm chứng thực lời dạy các con mình rằng, "người Do Thái có thể chạy chứ không được lẩn trốn", luật sư Tivadar Soros, cha của G.Soros đã dùng cách hối lộ một nhân viên chính phủ, có vợ là người Do Thái, nhận G.Soros làm con đỡ đầu để con mình thoát khỏi sự truy lùng của phát xít Đức.


Bài 2: “Triệu phú thì tiêu tiền còn tỉ phú phải làm nên lịch sử”

Hơn thế, cha của G.Soros còn nghĩ cách giúp những người gốc Do Thái thoát khỏi Hungary bằng cách làm cho họ hộ chiếu giả và người giúp ông đi giao các hộ chiếu giả này chính là Dzich.

Khi hồi tưởng về những ngày tháng hiểm nguy luôn rình rập cuộc sống, G.Soros còn tự hào cho rằng, đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời ông vì đối với G.Soros, mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu mới đầy thú vị và cũng lắm gian truân, trong khi G.Soros lại may mắn có một người cha dày dạn kinh nghiệm về nghệ thuật sinh tồn, một người hùng thật sự trong ký ức tuổi thơ của ông.

Từng chiến đấu trong quân ngũ thời Thế chiến thứ I và bị bắt làm tù binh, ông Tivadar Soros chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải sống sót trở về. Chính triết lý sống của Tivadar đã trở thành một phần kinh nghiệm sống truyền lại cho G.Soros qua những câu chuyện mà người cha đã kể cho ông nghe.

Như nhiều người Do Thái khác, cái giá phải trả khi bị phát xít Đức phát hiện ra thân phận đó là bị tống vào các "trại tập trung của tử thần" và bị ném vào lò thiêu hay lò hơi ngạt. Đó thật sự là thời điểm khó khăn nhất của G.Soros và gia đình, tuy nhiên họ không sợ hãi, không đầu hàng trước nghịch cảnh. Thái độ sống biết chấp nhận và không ngừng đương đầu với bao nhiêu bất trắc đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của một trong những tỉ phú lừng danh thế giới sau này, và đó là cách mà ông học được bài học vỡ lòng về nghệ thuật sinh tồn trong "thế giới của đầu tư và cơ hội".

Luật sư Tivadar Soros, cha của George Soros.

Năm 1947, G.Soros rời Hungary một mình để đến sống với gia đình người bà con tại London (Anh). Công việc ban đầu của Soros tại Anh là làm bồi bàn ở một hộp đêm, làm phu khuân vác ở nhà ga, làm cả việc hái táo và sơn nhà thuê để dành dụm tiền ghi danh theo học Học viện Kinh tế London. Trong quãng thời gian vừa mưu sinh vừa học, G.Soros tỏ ra đặc biệt thích thú với quan điểm của triết gia Karl Popper trong tập sách "Xã hội mở và các kẻ thù của nó".

Sau khi tốt nghiệp Học viện Kinh tế London năm 1952, G. Soros quyết định hiện thực hóa những tư tưởng của Karl Popper: kiếm tiền để biến thế giới thành xã hội mở. Ông miệt mài viết thư cho tất cả giám đốc điều hành ở tất cả các ngân hàng thương mại tại London để xin một cuộc hẹn phỏng vấn, nhưng chỉ nhận lại "một, hai câu trả lời qua quýt".

Thời kỳ này- theo lời mô tả của G. Soros- là "một điểm đen tối trong cuộc đời tôi" khi liên tục bị thất bại trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi số phận mỉm cười với mình, Soros đã chấp nhận công việc làm nhân viên bán hàng cho một nhà bán sỉ hàng hóa tự chọn. Cuối cùng ông cũng được Singer & Friedlander- một ngân hàng thương mại ở London tuyển vào vị trí thư ký. Soros kể rằng, sở dĩ ngân hàng này thuê dụng ông chỉ bởi vì vị giám đốc điều hành là người gốc Hungary.

Năm 1956, ông sang Mỹ đoàn tụ với cha mẹ cùng các anh chị em và nhập quốc tịch Mỹ. Đây là nơi ông bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề mua bán cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán London và New York với số vốn nhỏ nhoi 5.000 USD trước khi gia nhập hãng Arnold & Bleichroeder vào năm 1963. Năm 1967, ông trở thành Trưởng phòng nghiên cứu đầu tư và nhanh chóng thành công trong việc tìm ra cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu Châu Âu bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.

Năm 1969, G.Soros thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, sử dụng số vốn riêng 250.000 USD và khoảng 6 triệu USD của các nhà đầu tư không phải người Mỹ khác mà ông quen biết (một quỹ đầu tư mạo hiểm là một công ty hợp doanh đầu tư không bị hạn chế bởi quy định của các cơ quan chính phủ như Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ. Mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm có thể thiết lập phong cách và chiến lược đầu tư của riêng mình. Người quản lý quỹ thường thu phí và phần trăm của lợi nhuận kiếm được, đồng thời đầu tư toàn bộ số tiền của mình vào quỹ).

Chẳng bao lâu sau đó, G. Soros rời bỏ Arnold & Bleichroeder và mang theo quỹ Soros do mình thành lập. Mặc dù thập niên 1970 là những năm thị trường chứng khoán Mỹ hoạt động èo uột, nhưng Quỹ Soros lại ăn nên làm ra. Với tư cách là người quản lý quỹ, G.Soros tập trung tìm kiếm các lĩnh vực bị đánh giá thấp hơn giá trị thật ở Mỹ và ở các nước khác. Ông mua các cổ phiếu giá thấp không được ưa thích và bán non các cổ phiếu giá cao được ưa thích.

Ông dự đoán mức nhu cầu về dầu sẽ vượt xa nguồn cung nên đã mua cổ phiếu của các công ty hoạt động trong ngành dịch vụ dầu mỏ và khoan dầu trước cuộc khủng hoảng dầu đầu tiên xảy ra vào năm 1973. Năm 1979, G.Soros đổi tên quỹ thành Quantum Fund để tôn vinh nguyên lý dễ thay đổi trong cơ học lượng tử của Heisenberg. Năm 1980, quỹ đạt lợi nhuận 103% với số vốn lên tới 380 triệu USD, mỗi năm mang tới cho các cổ đông của nó hơn 30% lợi nhuận.

Khả năng phân tích và phán đoán chính xác các dao động trên thị trường tài chính mang tới cho G.Soros hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD, cùng với biệt danh "Thiên tài Mozart của thị trường chứng khoán". Năm 1981, tạp chí Institutional Investor gọi G.Soros là "nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới". Tổng lợi nhuận của Quantum Fund năm 1985 là 122% vì G.Soros còn đầu tư vào cổ phiếu nước ngoài và trái phiếu dài hạn của Kho bạc Hoa Kỳ. Tất nhiên không phải mọi hoạt động đầu tư của G.Soros đều mang lại lợi nhuận.

Bức ảnh hiếm hoi của George Soros năm 17 tuổi khi vừa đến Anh.

Chẳng hạn như trong năm 1987, Quantum Fund lỗ tới 840 triệu USD khi thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ và các nước khác sụp đổ vào tháng 10. Tuy nhiên, quỹ này vẫn đạt mức tăng lợi nhuận trong cả năm này là 14%. Thủ thuật làm ăn của Soros đã tạo ra một loại đầu cơ mới - đầu cơ trên quy mô toàn cầu. Ông ta có thể điều khiển hàng tỉ USD và đánh vào nền kinh tế của cả một quốc gia như đã làm với đồng bảng Anh năm 1992. Kinh tế Anh năm ấy thiệt hại mất 1 tỉ và số tiền này dĩ nhiên đã chảy vào túi G.Soros.

Không những làm mất giá đồng bảng Anh, chiến dịch đầu cơ của G.Soros còn gây ảnh hưởng hàng chục đồng tiền châu Âu khiến EU phải hoãn đến 5 năm mới có thể đưa đồng euro vào lưu hành. Cú tấn công thứ hai là với đồng yen của Nhật.

Từ giữa năm 1995, đồng yen liên tục tăng giá so với USD - từ 128 yen chỉ còn 78 yen ăn 1 USD vào hè năm 1996. Chính quyền Nhật can thiệp để đưa tỉ giá đồng yen trở về vị trí cũ nhằm làm cho hàng Nhật rẻ hơn và dễ cạnh tranh hơn. G.Soros bèn mua đồng yen với giá 1 USD = 110-120 yen rồi bán nó khi tỉ giá là 1 USD = 80-90 yen. Lời 20%, G.Soros bổ sung vào tài khoản công ty ông ta vài tỉ USD! Thành công nối tiếp thành công khiến trùm tài phiệt có lúc cao hứng tuyên bố: sẽ chỉ "tha không đánh" duy nhất một đồng tiền- đồng forint của Hungary, nơi G. Soros sinh trưởng và từng là cậu bé Dzichdzhe Shorak được người khác đỡ đầu!

"Khi 50 tuổi tôi đã có trong tay hơn 30 triệu USD. Tôi đã tự hỏi: mình cần nhiều tiền như thế để làm gì? Ý nghĩa của nó là đâu? Thế là tôi thành lập quỹ" - G.Soros trả lời như thế về các loại quỹ mang tên ông ta khắp thế giới. Với phương châm "Nhà triệu phú thì xài tiền, còn nhà tỉ phú phải làm nên lịch sử", năm 1969 G.Soros thành lập "quỹ từ thiện" đầu tiên, và tới năm 2003 đã có hơn 50 quỹ mang tên George Soros có mặt trên toàn thế giới; từ châu Mỹ, châu Âu, đến châu Á, châu Phi.

Chi đến 900 triệu USD/năm, G.Soros được xem là "người hậu thuẫn", "kẻ giật dây" của những cuộc "cách mạng màu". "Cách mạng không nên tiến hành trong những công sự hay trên đường phố, mà nên từ trong tư tưởng của người dân thường"- Trong một quyển truyện ký của mình, trùm tài phiệt G.Soros đúc kết- "Loại cách mạng này cần tiến hành trong hòa bình, chậm rãi, từ từ, nhưng không gián đoạn. Cuối cùng nó sẽ dẫn đến sự ra đời của nền dân chủ ở một số quốc gia".

Giữa thập niên 1980, một thông tin làm G.Soros quan tâm: Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev trả tự do cho Andrei Sakharov, người bất đồng chính kiến với các thế hệ lãnh đạo Liên Xô.

Đánh hơi trong trào lưu Peretroiska (đổi mới) là những cơ hội để "làm nên lịch sử", G.Soros tới Liên Xô để chi phối việc thành lập hệ thống chính trị mới. Ông ta thành lập một số quỹ dưới những tên gọi khác nhau, một trong số này là "Viện Xã hội mở". Trong 15 năm, quỹ này tài trợ cho nền khoa học đang gặp nhiều khó khăn để có thể bảo tồn những thành quả một thời chói lọi của Liên bang Xôviết và các trung tâm Internet cho sinh viên, trường dành cho trẻ em nghèo và các viện mồ côi.

George Soros trên bìa tạp chí Financial World.

Nhưng G.Soros không chỉ đơn thuần làm từ thiện. Ông ta xây dựng quan hệ với G. Yavlinski, B. Federyov và V. Potanin, những người mà ông ta đánh giá là những nhà lãnh đạo tiềm năng của một nước Nga mới.

Đúng như chiến lược của người từng "đánh sập Ngân hàng trung ương Anh quốc" năm 1992, các cuộc cách mạng màu là một quá trình chậm rãi, nhưng tiến hành đến đâu là "có cơ sở" đến đó. Sau khi Liên Xô tan rã, Quỹ Soros đã bắt đầu bày thế cờ và đi những nước đầu tiên: Năm 1990, bộ sậu của G.Soros lập ra Quỹ Phục hưng quốc tế ở Ukraine, để thực thi "thẩm thấu dân chủ".

Năm 1992, Quỹ Soros có mặt ở Moldova để truyền bá các giá trị phương Tây. Năm 1993, họ chọn ra "Hòn đảo dân chủ Trung Á" là Kyrgyzstan để gây dựng cho các cơ quan báo chí độc lập rồi chọn đột phá khẩu là các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng. Năm 1994, quỹ này đặt chân được vào Gruzia, chính thức có mặt ở khu vực Ngoại Kavkaz nhạy cảm.

Ngoài 4 văn phòng lớn ở thủ đô Tbilisi ra, Quỹ Soros còn có chi nhánh ở 4 nơi khác. Đến năm 1995, Quỹ Soros mới được có mặt tại Nga và tính đến cuối năm 2002, nó đã có 10 cơ sở nghiên cứu ở khắp nước. Cũng trong năm 1995, quỹ này đã vươn vòi bạch tuộc tới Kazakhstan - nước lớn nhất Trung Á với ý định biến nơi này thành đầu cầu để vào Trung Á. Năm 1996, quỹ có mặt ở Uzbekistan.

Sang năm 1997, để nhắm tới vùng chiến lược Ngoại Kapkaz, nó đã đặt chân vào Azerbaijan và Armenia. Đến năm 1995, hoạt động của Quỹ Soros tại Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG- thành lập sau khi Liên Xô tan rã) ngày càng mở rộng, trong đó bao gồm: giúp đỡ dựng lên các phe đối lập, tài trợ cho báo chí độc lập, hệ thống giám sát tư pháp và cả các hoạt động kinh tế xã hội như hoàn thiện hệ thống y tế, giáo dục, nâng đỡ các xí nghiệp vừa và nhỏ…Một số quan chức, học giả được mời tham gia các khóa tập huấn miễn phí do quỹ này mở.

Trước các kỳ bầu cử, họ tiến hành làm công tác tư tưởng đối với các cử tri trẻ, điều các nhân viên của họ từ nước này qua nước khác để làm "những người cách mạng tiên phong".

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.
.