Syria: Khốc liệt mặt trận không tiếng súng

Thứ Sáu, 21/06/2013, 22:55

Cuộc nội chiến leo thang ngày càng khốc liệt ở Syria đã dẫn đến sự hình thành mặt trận không tiếng súng với sự khám phá nhiều hoạt động bí mật chưa từng có trong các thập niên trước đây.

Một loạt điệp viên quốc tế ngày đêm tập trung do thám nội tình chế độ Tổng thống Bashar al-Asad và cả phe nổi dậy bao gồm Quân đội giải phóng Syria (FSA). Ngay đến phe nổi dậy ở Syria mới đây cũng thông báo thành lập tổ chức tình báo riêng nhằm mục đích "bảo vệ cách mạng Syria".

Theo một tuyên bố trên video của phe nổi dậy, mục đích của tổ chức là "tạo một lá chắn an ninh mạnh để bảo vệ những đứa con của cách mạng không bị tấn công, bắt giữ và giết chết". Video được phổ biến trên YouTube với người phát ngôn của FSA Fahad al-Masri cho thấy 8 chiến binh mang mặt nạ và 1 người trong số đó tự xưng là Đại tá Ossama - bí danh điệp viên 102 - thông báo "sự ra đời của Cơ quan Tình báo ISA thuộc Cơ quan An ninh quốc gia cách mạng Syria (SRNSB)".

Ossama phát biểu: "ISA chắc chắn phải là một trong những cơ sở hùng mạnh của cách mạng để chống lại mạng lưới tình báo của chính quyền và các đồng minh quốc tế của nó". Ossama cũng nêu danh sách tên và mã số - từ 100 đến 118 - của 19 lãnh đạo ISA trong đó bao gồm một phụ nữ tên là Umm Aisha phụ trách hậu cần. Ngoài ra, các bộ phận tình báo nội địa và hải ngoại cũng được thành lập cùng với các nhóm chịu trách nhiệm về giao tiếp với giới truyền thông trong nước và quốc tế.

Các cơ sở của ISA được thành lập tại các khu vực trọng tâm của Syria và thêm vào đó một đội đặc nhiệm cũng ra đời. Mục đích của phe nổi dậy là "tăng cường khả năng cho các lực lượng quân sự và chính trị cách mạng bằng việc cung cấp thông tin tình báo chi tiết về mọi biến động của quân đội chính quyền, Shabiha (lực lượng ủng hộ Assad) và mạng điệp viên của chính quyền", theo Ossama. Tuy nhiên, thông điệp của phe nổi dậy không nói chính xác ai là người kiểm soát ISA hay khối đối lập chính trị mới thành lập gọi là Liên minh Syria (SC) thật ra có liên quan đến sự ra đời của tổ chức tình báo hay không.

Tại Syria hiện nay cũng như trước đây, chính quyền sử dụng một mạng lưới tình báo hết sức phức tạp, đông đảo đến mức người dân nước này nói với nhau rằng trong khi các quốc gia khác dựng lên những cơ quan tình báo còn ở Syria thì ngược lại - các cơ quan tình báo lập ra nhà nước!

Phe nổi dậy ở Syria.

Cơ quan An ninh quốc gia Syria (NSB) bao gồm 4 trụ cột chính: Tổng cục An ninh (GSD) - nằm ngoài sự giám sát của nội các chính phủ - phụ trách giám sát mọi hoạt động của người dân bên trong và bên ngoài Syria kể cả đối với người Palestine. Cục An ninh chính trị (PSD) - thuộc quyền kiểm soát của Bộ Nội vụ - chịu trách nhiệm về những phe đối lập chính trị trong và ngoài nước. Cơ quan Tình báo quân sự (DMI) - một nhánh quyền lực nhất của chính quyền Syria - tập trung vào các vấn đề đối ngoại và đối nội; trong khi lực lượng khủng khiếp nhất là Cơ quan Tình báo Không quân (DAF) tiến hành những chiến dịch nhạy cảm nhất trong và ngoài biên giới Syria.

Sự dính líu ngày càng sâu vào cuộc chiến tại Syria của CIA là một phần trong kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho Mỹ can thiệp nhiều hơn vào một đất nước đang tan tác vì nội chiến. CIA - phối hợp với tình báo Anh, Pháp và Jordan - chọn một số đơn vị nhỏ của FSA để huấn luyện chiến đấu trong khu vực thành thị, thu thập thông tin tình báo cũng như các chiến thuật phản gián. Ngoài ra, phe nổi dậy cũng được điệp viên CIA cung cấp những thông tin mới nhất về quân đội Syria.

Lượng thông tin do CIA cung cấp cho FSA được thu thập từ vệ tinh và tình báo tín hiệu cũng như từ sự trao đổi thông tin với các cơ quan tình báo của Israel và Jordan. Tuy nhiên, CIA chỉ chuyển giao cho phe nổi dậy một lượng thông tin giới hạn mà từ chối tiết lộ về những loại thông tin nhạy cảm như là những địa điểm nghi ngờ cất giấu vũ khí hóa học của chính quyền Assad. Ngoài ra, CIA cũng hợp tác với các đơn vị chống khủng bố của Iraq trong nỗ lực chống làn sóng chiến binh Hồi giáo băng qua biên giới vào đất Syria.

Mặc dù vậy, Nhà Trắng có vẻ không muốn gửi các thiết bị quân sự cho phe nổi dậy Syria, bất chấp sự kêu gọi từ bên trong nước Mỹ cũng như yêu cầu từ một  số quốc gia châu Âu và Vùng Vịnh, do lo ngại chúng cuối cùng sẽ rơi vào tay Nusra Front - nhóm khủng bố liên kết với Al- Qaeda. Nusra Front được tin là nhóm gây ra những vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở Syria trong nhiều tháng qua.

Vụ tấn công khủng bố mới nhất của Nusra Front là vụ ám sát Mohammad Buti, một giáo sĩ phái Sunni có ảnh hưởng và người ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Buti bị giết chết hôm 21/3 vừa qua cùng với 50 người khác khi một chiếc ôtô cài bom phát nổ gần một thánh đường Hồi giáo ở thủ đô Damascus của Syria.

Mỹ hiện nay đang nỗ lực thu thập thông tin tình báo về các thủ lĩnh cũng như chiến binh của Nusra Front để mở chiến dịch tiêu diệt bằng máy bay vũ trang không người lái tương tự như những gì mà CIA đã làm ở Pakistan và Yemen, hay Lầu Năm Góc ở Afghanistan

Duy Minh (tổng hợp)
.
.
.