Phát hiện đường hầm bí mật trong chiến tranh thế giới I

Thứ Ba, 03/06/2008, 08:00
Các nhà khảo cổ vừa tái phát hiện một trong những công trình trong Chiến tranh thế giới thứ I: đó là một hệ thống đường hầm khổng lồ dưới lòng đất thuộc thành phố Arras của Pháp. 24.000 binh sĩ có thể ẩn náu trong những đường hầm này, để bất ngờ tấn công quân Đức.

Một buổi lễ cầu nguyện hết sức cảm động đã diễn ra vào buổi tối ngày 8/4/1917 ở dưới lòng đất thành phố Arras. Binh sĩ thuộc Trung đoàn Suffolk của Anh đã chăm chú lắng nghe cha tuyên úy giảng đạo về sự giải thoát và sự phục sinh dưới lòng đất thuộc nước Pháp. Và ngay sáng hôm sau, lúc 5h30', những cánh cửa bật tung, 24.000 binh sĩ lao lên tấn công trực diện bất ngờ vào lực lượng Đức.

Đường ngầm Arras được đánh giá là một trong những công trình xây dựng lớn nhất trong Chiến tranh thế giới I.

Giới quân sự phát hiện thị trấn Arras, cách Calais 1 giờ ôtô. Dưới lòng đất thị trấn là một mạng lưới các mỏ đá ngầm trải rộng. Từ thời Trung cổ thợ đá vẫn khai thác đá tại khu vực này để xây dựng nhà ở, nhà thờ, thánh đường v.v... Do đó hình thành khá nhiều hang lớn và các nhà quân sự đã lên phương án kết nối các hang động tạo thành một đường hầm lớn để bí mật ém quân và di chuyển lực lượng ngay bên dưới chân kẻ thù.

Dự án này là một công trình đầy tham vọng. Những người đầu tiên có mặt lại đây trong tháng 10/1916 là những người thợ thuộc New Zealand Tunnelling Company ở Arras. Cùng với một tiểu đoàn “Bantams” của Anh, những người có chiều cao dưới 1,60m, chủ yếu là từ các thành phố mỏ ở phía bắc nước Anh được tuyển chọn tiến hành thi công.

Sau đó có thêm 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn với khoảng 500 người làm việc suốt ngày đêm, tạo nên một mạng lưới đường hầm dài 20km với nhiều dạng: đường hầm dành cho người đi bộ (Subways), đường hầm phù hợp cho hai xe đẩy đi ngược chiều nhau, đường hầm chở vũ khí và thương binh, đường hầm đủ rộng để vận hành các tàu điện cỡ nhỏ v.v...

Để tránh đối phương phát hiện, toàn bộ số đất đá moi trong các đường hầm được bí mật rải rộng trên mặt đất nhưng được ngụy trang hết sức khôn khéo.

Những hầm lớn được cung cấp điện từ một nhà máy phát điện nhỏ đặt ở dưới lòng đất. Tại hầm ngầm có những bếp ăn lớn, chuyên chế biến thức ăn để phục vụ toàn bộ lực lượng binh sĩ ở trong hệ thống hầm ngầm. Nhiều nhà vệ sinh xây dựng rất đơn giản, phân bổ rộng khắp đáp ứng nhu cầu của 24.000 người. Tại đây còn có một bệnh viện cỡ nhỏ với sức chứa 700 người và nhà xác.

Ông Alain Jacques - chuyên gia khảo cổ của thị trấn Arras - năm 1990 đã phát hiện những hang động đầu tiên ở trong lòng đất, nói: “Khi đặt chân vào khu vực bệnh viện, chúng tôi phát hiện thấy đầu đạn mà các bác sĩ quân y đã gắp ra khỏi cơ thể thương binh còn ngay bên bàn mổ. Trên tường hang có ghi các từ tiếng Anh. Người dân ở Arras không biết gì về hệ thống đường hầm ở quê hương họ.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II người ta có sử dụng một số hang động ở đây làm hầm tránh máy bay, sau chiến tranh các cửa ra vào đều bị bịt kín và hệ thống đường hầm này đã rơi vào quên lãng.  Năm 1994, một đường ống dẫn khí đốt bị vỡ, khi sửa chữa các công nhân đã phát hiện bệnh viện mang tên Đại tá quân y Hoàng gia Thompson's Cave. Sau đó hệ thống đường hầm tiếp tục được tìm hiểu sâu hơn”.

Công nhân làm đường hầm, phần đông là người Maori, ghi sơn đen trên tường tên các thành phố đầy ánh sáng mặt trời của quê hương mình đặt tên cho các đường hầm theo trật tự địa lý với Auckland ở phía bắc chạy về phía nam qua Wellington, Christchurch rồi tới Dunedin.

Phía bắc hệ thống đường hầm do những người Anh xây dựng là đoạn từ Glasgow qua Edinburgh, Crewe và London. Một nhánh đường hầm chạy về phía Jersey, Guernsey và Alderney. Những đoạn đường hầm này mang nhiều tên và nhiều kích cỡ: có đoạn hầm cao 2m nhưng có đoạn người đi qua đây đều phải cúi xuống mới qua được.

Một tuần trước lễ Phục sinh, quân lính bắt đầu chui vào hệ thống đường hầm. Hàng ngàn binh sĩ “lặn” mất hút trong các đường hầm bên dưới những tòa nhà ở Arras để chờ lệnh xuất kích mà đối phương không hề hay biết.

Toàn bộ chiến binh chờ đợi trong điều kiện hầm ẩm ướt và tối lạnh. Để đối phó với khí hậu trong hầm binh sĩ được ăn kẹo bánh, uống một chút rượu mạnh.

Một người lính vẽ khuôn mặt cô bạn gái trên tường gần nhà bếp. Một người lính khác khắc hình cây thánh giá vào một cây cột bằng đá. Có người lại ghi tên và phiên hiệu của mình lên tường. Các nhà khảo cổ đã phát hiện tổng cộng 3.000 ghi chép phần lớn bằng chữ Anh, một số bằng tiếng Maori và các hình vẽ trên tường. Một số còn viết trên giấy.

Binh nhì Harry Holland viết nguệch ngoạc vài dòng cho vợ và cậu con trai: “Em hãy hôn con trai Harry của chúng ta hộ anh. Khi anh gặp lại con, anh sẽ bù lại cho con những năm tháng bị mất mát này”.

Nhưng chú bé Harry vĩnh viễn không bao giờ gặp bố. Và lá thư đầy tình thương yêu này cũng không bao giờ đến được tới tay người nhận, bởi 91 năm sau ông Jacques mới phát hiện bức thư ở góc một đường hầm nơi Holland từng ẩn náu và viết bức thư đó.

Khi lệnh tấn công phát ra, binh sĩ ào ạt chui lên khỏi mặt đất hứng ngay phải trận mưa băng rét buốt và nhiều binh sĩ đã chết trong ngày đầu tiên ra khỏi đường hầm. Những ngày sau đó, cuộc tấn công bị khựng lại và ở thế giằng co, tổn thất về nhân mạng cực kỳ lớn nhưng đất chiếm được chỉ là 12km.

Gần đây, khu hang động - “Wellington” chính thức mở cửa đón khách tham quan sau 18 năm phát hiện. Nhà khảo cổ Alain Jacques đã biến toàn bộ khu vực này thành một bảo tàng mặc dù ông gặp không ít trở ngại.

Nguồn ánh sáng và âm thanh ở hệ thống đường hầm được bố trí như thật. Khách tham quan có cảm giác được chứng kiến tận mắt cảnh các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Suffolk đang lặng lẽ thâm nhập và tỏa xuống địa đạo như cách đây 91 năm.  Khách tham quan còn thấy cả những vỏ đồ hộp mà các chiến sĩ đã sử dụng trong bữa ăn cuối cùng trước khi xuất quân.

Trên phiến đá nơi vị cha cố tổ chức buổi lễ cầu nguyện cuối cùng trước giờ tấn công vẫn còn dấu vết cây nến từng rọi ánh sáng lên cuốn kinh thánh hôm nào

V.P. (theo Spiegel)
.
.
.