Palantir Technologies, công ty trợ giúp Tình báo Mỹ do thám toàn cầu

Thứ Ba, 28/03/2017, 23:55
Palantir Technologies được thành lập năm 2004 bởi bộ ba Peter Thiel, Alexander Karp và Joe Lonsdale. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bảo trợ Palantir thông qua nhánh đầu tư In-Q-Tel của công ty này và Palantir cũng không che giấu các tham vọng của mình, nhất là mong ước bán dịch vụ do thám cho chính quyền Mỹ.

Theo tiết lộ từ báo cáo năm 2016 của hãng truyền thông Mỹ Politico, Palantir giành được các hợp đồng với chính quyền liên bang giá trị "ít nhất 1,2 tỷ USD" từ năm 2009. Những khách hàng chủ yếu của Palantir được cho là các cơ quan chính phủ Mỹ bao gồm: CIA, NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), GCHQ (tình báo tín hiệu Anh) - cũng như thành viên của liên minh tình báo Five Eyes (bao gồm 5 quốc gia: Mỹ, Anh, Canda, Australia và New Zealand).

Palantir Technologies - đặt trụ sở chính tại Palo Alto bang California - có 2 sản phẩm phần mềm chính gọi là "Palantir Gotham" và "Palantir Metropolis".

Peter Thiel, người sáng lập Palantir Technologies.

Cụ thể, công cụ "Metropolis" phục vụ cho các ngân hàng ở Wall Street và các quỹ đầu tư mạo hiểm; trong khi đó "Gotham" (ban đầu gọi là Palantir Government) được thiết kế riêng cho lĩnh vực phân tích tình báo, cơ quan hành pháp và nhóm khách hàng chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh nội địa. Sau khi người thổi còi Edward Snowden tiết lộ nhiều tài liệu mật liên quan đến hoạt động gián điệp trong bóng tối của NSA, Palantir nhanh chóng tuyên bố công ty không hề có bất cứ mối quan hệ nào với chương trình gián điệp mang tên mã PRISM - trùng tên với một sản phẩm của Palentir.

Thậm chí, một mục tựa đề "Quyền riêng tư & Quyền tự do dân sự" trên trang web của Palantir nêu rõ: "Palantir luôn tìm cách bảo vệ quyền riêng tư và tự do cá nhân thông qua công nghệ của mình, trong khi đó vẫn đáp ứng cho nhu cầu phân tích tình báo trong lực lượng hành pháp và các cơ quan tình báo giúp họ hoàn thành sứ mạng".

Mối quan hệ giữa Palantir và cộng đồng tình báo chính quyền Mỹ được cho là bắt đầu ít nhất từ năm 2008 khi phái đoàn đại diện cơ quan tình báo tín hiệu Anh GCHQ cùng với các đối tác người Mỹ có mặt tại VisWeek - hội nghị máy tính và đánh giá dữ liệu thường niên được tổ chức bởi Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử (IEEE) và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST).

Alexander Karp, CEO và đồng sáng lập Palantir.

Theo một tài liệu của GCHQ, Palantir cử một nhóm chuyên gia tham dự hội nghị để giới thiệu sản phẩm công ty và tìm kiếm đối tác ký hợp đồng. Theo kịch bản soạn sẵn, nhóm chuyên gia Palantir trình bày một phần mềm cho phép xác định những người dùng trang web Wikipedia thuộc giáo phái cực đoan đồng thời mô tả chi tiết mọi mối quan hệ xã hội của họ.

Công nghệ của Palantir còn cho phép kết nối nhiều chương trình bí mật của Five Eyes và GCHQ. Palantir tạo đa kết nối giữa những cơ sở dữ liệu khổng lồ riêng biệt, và tập hợp hàng núi thông tin (chi tiết những cuộc gọi, địa chỉ IP, giao dịch tài chính, tên, những cuộc đàm thoại, hành trình di chuyển cá nhân v.v…) vào một kho chứa tập trung cho phép giải quyết một trong những vấn đề rắc rối nhất của hoạt động thu thập thông tin tình báo hiện đại: sự quá tải dữ liệu.

Ví dụ, CIA và FBI sở hữu hàng ngàn kho dữ liệu khổng lồ với hàng núi thông tin (hồ sơ tài chính, mẫu ADN, hình ảnh, cấu trúc giọng nói v.v.…) và việc kết nối vào một mối thống nhất để truy xuất nhanh là nhiệm vụ khó khăn mất rất nhiều thời gian. Công nghệ Palantir cũng được sử dụng trong dự án gián điệp mang tên mã "Lovely Horse" của GCHQ - chương trình được thiết kế nhằm cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo nguồn mở của cơ quan. Sản phẩm của Palantir không chỉ gây ấn tượng mạnh cho giới tình báo Anh, Mỹ mà cả các thành viên khác trong liên minh "Five Eyes".

Một chi nhánh văn phòng của Palantir ở bang Virginia.

Ví dụ vào tháng 4-2010, tình báo Canada sử dụng phần mềm Palantir để truy tìm một nhóm gián điệp xâm nhập hệ thống mạng Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Palantir cũng giúp lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Afghanistan tìm kiếm dữ liệu chính xác về một mục tiêu chuẩn bị tấn công.

Trong hệ thống ngân hàng, JPMorgan Chase sử dụng phần mềm Palantir để điều tra những vụ chuyển tiền đáng ngờ. Một công cụ gọi là BustOut của Palantir cho phép phát hiện nhanh bọn tội phạm đánh cắp tài khoản trực tuyến khách hàng.

Christopher Soghoian, chuyên gia bảo mật Trung tâm An ninh mạng ứng dụng Đại học Indiana, lo ngại sức mạnh của Palantir tạo điều kiện cho các cơ quan tình báo lạm dụng dẫn đến vi phạm quyền riêng tư người dân. Năm 2012, như để trấn an dư luận, giới chức Palantir tuyên bố thành lập một bộ phận gọi là Hội đồng Cố vấn Palantir về Quyền riêng tư và Dân quyền (PCAP). Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền vẫn tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của PCAP.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.
.