Những viên kim cương máu của Charles Taylor

Chủ Nhật, 05/09/2010, 12:25
Làm Tổng thống của Liberia từ năm 1997 đến 2003, nhà độc tài Charles Taylor đã gây ra cuộc nội chiến làm chết hơn 300.000 người.

Tại Tây Phi, đã có thời "tiền" và "hậu" Charles Taylor. Con người này đã hoàn toàn làm đảo lộn số phận của tiểu khu vực đó. Mồi lửa mà ông ta đã nhóm lên trong một đêm Giáng sinh năm 1989 tại Liberia 2 năm sau đó đã lan sang Sierra Leone, đất nước nổi tiếng vì những bãi biển thơ mộng. Tổng cộng đã có hơn 300.000 người thiệt mạng vì cuộc nội chiến trong thập niên 90 thế kỷ XX tàn phá cả 2 đất nước. Hàng trăm ngàn người đã phải bỏ nhà ly hương sang các nước láng giềng như Guinée và Bờ Biển Ngà vốn cũng đã hứng chịu các khổ đau của cuộc nội chiến từ mùa thu 2002.

Nhưng hơn cả số lượng người chết, chính sự tàn bạo đã gây sốc cho mọi người. Hàng đoàn lính trẻ em say ma túy, đầu đội chùm lông chim hay mang mặt nạ tử thần, đã làm dậy sóng cả khu vực, giết người một cách thản nhiên như chơi trò cảnh sát và kẻ cướp. Nhằm "phá hủy" mọi ý niệm đạo đức của chúng để dễ bề cai quản, trước đó bọn chỉ huy đã ra lệnh cho chúng phải tự tay giết cha mẹ.

Trong số các thủ lĩnh nổi bật tại Liberia có một người đã vượt lên nhờ một số phận khác thường: Charles Taylor. Vào năm 1997, cựu thủ lĩnh của Mặt trận Quốc gia Ái quốc Liberia đã được bầu làm Tổng thống với khẩu hiệu mang tính cảnh báo: "Ông ấy đã giết cha, ông ấy đã giết mẹ, tôi bầu cho ông ấy". Nếu thất cử, Taylor cam đoan sẽ làm cho Liberia chìm trong máu lửa.

Nhưng sự cai trị của ông ta cũng không kéo dài: Vào tháng 8/2003, ông ta bị 2 nhóm phản loạn bao vây tại Monrovia, bị đồng minh châu Phi bỏ rơi và dưới sức ép của Mỹ, ông ta phải lưu vong sang Nigeria để cuối cùng bị bắt rồi chuyển sang La Haye vào tháng 3/2006.

Chuyện đời của người đàn ông nhỏ con râu rậm đó là chuyện của một cơn khát vô hạn về quyền lực và tiền của, cộng thêm tính vô đạo đức tuyệt đối. Charles Taylor sinh năm 1948 trong một gia đình khá giả gốc gác nô lệ ở Mỹ đã đến châu Phi vào đầu thế kỷ XIX và định cư tại vùng đất của những kẻ tự do: Liberia. Đứa trẻ hung hãn Charles Taylor được gửi sang Mỹ và lấy được tấm bằng kinh tế.

Khi trở về Monrovia, con người tham vọng đó xin vào làm công chức đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Giữ nhiệm vụ ký đơn đặt hàng cho chính phủ, ông ta được đặt biệt danh là "Keo siêu đẳng" do tài thâu tóm tiền bạc lọt qua tay. Đến năm 1983, ông ta bị buộc tội thâm lạm 1 triệu USD và bị giam tại Mỹ. Nhưng không lâu sau, vào năm 1985 ông ta vượt ngục trong điều kiện thật khó hiểu (nhiều người cho rằng có sự giúp sức của Cơ quan An ninh Mỹ nhưng không có bằng chứng) và lại quay về châu Phi.

Charles Taylor có quan hệ với nhiều nhân vật thích hợp: Félix Houphouet-Boigny (dân Bờ Biển Ngà) vốn có nhiều điều phải thanh toán với chính quyền Monrovia lúc ấy; thủ lĩnh Blaise Compaoré (người Burkina Faso) không bao giờ bỏ lỡ một âm mưu để đặt các quân cờ của ông ta vào khu vực; và nhất là Đại tá Muammar Kadhafi (Libya) luôn sẵn sàng cho mọi cuộc phiêu lưu.

Sau khi được huấn luyện trong sa mạc Libya, được Bờ Biển Ngà và Libya trang bị cũng như tài trợ, năm 1989 Taylor khởi sự chinh phục Liberia, công việc mà ông ta chỉ hoàn thành 8 năm sau đó nhờ bầu cử. Để có tiền cho một cuộc chiến kéo dài, Taylor "xuất khẩu" chiến tranh sang Sierra Leone bằng cách nâng đỡ một thuộc cấp gốc gác ở nước này, đó là Foday Sankoh.

Để trấn áp dân chúng, bọn phiến loạn không ngần ngại chặt tay, chân nạn nhân sau khi đã đặt câu hỏi: "Muốn đòn dài hay đòn ngắn?". Taylor và Sankoh chiếm hữu các mỏ kim cương để mua vũ khí, trong khi bọn lính dưới quyền "tự trả lương" bằng cách cưỡng hiếp và cướp bóc tất cả những gì chúng tìm thấy trên đường đi.

Nhưng bất chấp quy mô của sự tàn ác, cộng đồng quốc tế vẫn im hơi lặng tiếng trong một thời gian dài trong khi những nhà xuất khẩu gỗ hay cao su của Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục công việc như chẳng có gì xảy ra. Tại Sierra Leone, vào năm 2000, Thủ tướng Anh Tony Blair phải gửi lực lượng đặc nhiệm sang để chấm dứt cảnh tắm máu.

Còn Charles Taylor đã mắc một sai lầm nghiêm trọng: theo Cơ quan Tình báo Mỹ, ông ta đã câu kết với mạng lưới Al-Qaeda trong việc buôn lậu "kim cương máu". Thế là Chính phủ Mỹ quyết định cắt đứt quan hệ với người mà trước đây Mỹ cứ ngỡ là "chơi được". Mà không phải chỉ có Mỹ bị lầm: vào năm 2003, ông ta vẫn có mặt tại Paris trong Hội nghị Thượng đỉnh Pháp - Phi.

Khi xuất hiện tại Tòa án Quốc tế La Haye với tư cách nhân chứng vào ngày 4/8 vừa qua, siêu mẫu Naomi Campbell khai rằng vào một đêm của năm 1997, cô đã nhận được quà tặng từ cựu Tổng thống Charles Taylor, đó là "những viên đá bẩn thỉu" mà cô không biết chúng xuất xứ từ đâu và trị giá bao nhiêu. Cô người mẫu này chỉ khai ra điều đó một cách bất đắc dĩ trong phiên tòa xét xử Charles Taylor, người đã gây ra cuộc nội chiến tại Sierra Leone.

Charles Taylor tại phiên tòa.

Đây là cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên của châu Phi phải ra trước Tòa án Quốc tế. Có ít nhất 11 cáo trạng chống lại ông ta, và bản án có thể là chung thân. Ngay từ đầu, phía công tố cố chứng minh rằng, Taylor đã cung cấp vũ khí cho phe phiến loạn Mặt trận Cách mạng Thống nhất tại Sierra Leone để đổi lấy kim cương thô - "kim cương máu".

Nhưng chứng cứ của việc buôn lậu đó lại không nhiều. Khi nghe nói đến phiên tòa, nữ diễn viên Mia Farrow nhớ lại một buổi dạ tiệc linh đình ngày 26/9/1997 do Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tổ chức tại dinh thự của ông ở Cap. Charles Taylor lúc ấy mới đắc cử cũng có mặt cùng với Naomi Campbell, Carol White (ông bầu trước đây của Naomi) và nhà soạn nhạc Quincy Jones... Sáng hôm sau, Naomi kể lại với Farrow và White rằng vào đêm trước có 2 người đàn ông gõ cửa phòng cô để trao cho cô một cái gói đựng đá quý. Cô bảo rằng đấy là quà tặng của Charles Taylor, người mà trong buổi dạ tiệc đã nói úp mở về món quà đó. Nhưng trước đấy Naomi quả quyết cô không hề nhận được quà tặng nào cả.  

Farrow đã giữ nguyên lời khai, có sự xác nhận của Carol White. Còn Naomi Camplell sau đó đã thừa nhận, có nhận được quà tặng từ 2 người đàn ông. Họ chỉ nói: "Một món quà cho cô". Naomi còn không nhìn đến chúng mà chỉ quay vào ngủ. "Tôi thường nhận được quà tặng trong đêm, đôi khi chẳng có lời giải thích nào cả. Đó là điều rất thông thường đối với tôi". Sáng hôm sau Naomi nhìn thấy món quà trên bàn trong phòng ngủ, đó là "những viên đá bẩn thỉu, chỉ 2 hoặc 3 viên chứ không hơn. Tôi có thói quen nhìn thấy những viên kim cương lóng lánh trên nền nhung. Nếu người ta không nói đấy là kim cương thì tôi cũng không biết". Cô bảo rằng đã tặng chúng cho Jeremy Ratcliffe trong Quỹ Mandela trợ giúp trẻ em.

"Vào năm 2009, khi Liên Hiệp Quốc gọi điện cho luật sư của tôi để hỏi về những viên kim cương đó, tôi đã nói chuyện với Ratcliffe lần thứ 2 và tôi thật ngạc nhiên vì ông ta vẫn còn giữ chúng" - Naomi kể lại. Nhưng vấn đề là Quỹ Mandela có gửi một bức thư đến tòa để khẳng định rằng quỹ không hề biết đến những viên đá quý đó. Điều này khiến cho tiếng tăm của Naomi càng tệ hại hơn sau khi bị bắt làm lao động công ích tại New York vào năm 2007 về tội đánh gia nhân và sau vụ đã nhổ vào mặt nhân viên bảo vệ tại sân bay vào năm 2008.

Trong phiên tòa ngày 4/8, Naomi Campbell thổ lộ: "Tôi không muốn có mặt ở đây, đây là một vấn đề lớn. Thật sự tôi chẳng dính líu gì vào việc này cả và tôi lo lắng cho gia đình tôi".

May thay, các lời khai của Naomi sau đó đã được Jeremy Ratcliffe xác nhận. Những viên kim cương đã xuất hiện tại Nam Phi và sẽ được giao cho cảnh sát để giám định

Minh Luân (tổng hợp)
.
.
.