Những ngày cuối cùng của M.Gorbachev trên cương vị “Tổng thống” Liên Xô

Chủ Nhật, 19/01/2014, 23:50

Ngày 25/12/1991, M. Gorbachev - Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô đã tuyên bố từ chức. Những ngày tháng cuối cùng của ông ta trong Điện Kremli là một kết cục tất yếu.

Lãnh tụ không còn hậu thuẫn

Việc từ chức của Gorbachev chỉ là hình thức, bởi vì Tổng thống Liên Xô đã bị mất dần quyền lực thực tế từ nhiều tháng trước đó. Do lưỡng lự trong việc lựa chọn giữa những người cấp tiến coi Liên Xô sụp đổ là quá trình tự nhiên và những người theo đường lối quốc gia muốn có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự tồn tại của siêu cường, Gorbachev đã không nhận được sự ủng hộ của cả hai lực lượng này.

Với hành động tự cô lập vào những ngày giữa tháng 8/1991, mà sau đó ông ta cho rằng mình đã bị Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp bắt giam, Gorbachev tiếp tục hy vọng vào sự trung thành giả tạo của những người cấp tiến và, một lần nữa, ông ta đã phản bội lại những người ủng hộ việc bảo vệ Liên Xô.

Tháng 9/1991, Gorbachev đã không còn được xem là một nhà chính trị thực sự. Những cố gắng của ông ta nhằm hình thành một liên minh thay thế cho Liên Xô đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các tầng lớp mang nặng tư tưởng dân tộc đòi được độc lập. Ý tưởng ấy của ông ta sẽ có thể thành hiện thực nếu một cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành vào tháng 3/1991.

Nhưng, để thực hiện được điều đó, cần có các hành động kiên quyết và cứng rắn vì Gorbachev vẫn là người đứng đầu nhà nước hợp pháp. Hơn nữa, vào thời điểm ấy, chưa có một ai trong số những người đứng đầu các nước cộng hòa sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân về việc đẩy Liên Xô đến chỗ sụp đổ.

Người khởi đầu cho quá trình đưa Liên Xô tới chỗ tan rã là Leonid Kravchuk - Lãnh tụ của Cộng hòa Ukraina. Ngày 1/12/1991, tại Ukraina đã diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, theo đó phần lớn người dân bày tỏ mong muốn nước cộng hòa này được độc lập.

Dù cho kết quả của cuộc trưng cầu có là nguyện vọng thật sự của người dân hay đã bị giả mạo, nhưng nó là cái cớ hợp lệ để Tổng thống  Nga Boris Yeltsin tiến hành các hành động tiếp theo. Yeltsin tuyên bố: "Không có Ukraina, không thể có một quốc gia duy nhất, điều đó có nghĩa, cần phải tiến hành xóa bỏ Liên Xô". 

Ngày 8/12/1991, tại Belarusia, Stanislav Shushkevich, Boris Yeltsin và Leonid Kravchuk đã ký thỏa thuận tuyên bố giải tán Liên Xô. Mặc dù đây là quyết tâm của các nhà chính trị, nhưng họ vẫn tỏ ra lo ngại Gorbachev sẽ có các hành động đáp trả, vì ông ta là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và nắm giữ các cơ quan đặc biệt.

Tổng thống Liên Xô có đủ mọi cơ sở để coi những người đã ký thỏa thuận ở Belarusia là những kẻ nổi loạn và ra lệnh bắt giữ họ. Nhưng Gorbachev đã không hành động như vậy, hơn nữa còn bổ nhiệm Yevgeny Shaposhnikov - một người trung thành với Yeltsin làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Tổng thống Ukraina L.Kravchuk (thứ hai từ trái qua), Chủ tich Hội đồng tối cao Belarusia S.Shush Kevich (thứ ba từ trái qua)  trong lễ ký kết thỏa thuận giải thể Liên Xô và Tổng thống Nga B. Yeltsin (thứ hai từ phải qua).

Nhiệm vụ chính của Shaposhnikov là đảm bảo cho quân đội không được can thiệp vào các quá trình đang diễn ra ở Liên Xô vào thời gian đó và ông ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Đặc biệt hơn, từ ngày 28/11/1991, Yeltsin đã tuyên bố chuyển 70 Bộ của Liên bang, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia và Ngân hàng Nhà nước sang thuộc quyền quản lý của Nga.

Chỉ khi có sự phản đối quyết liệt của lãnh đạo các nước cộng hòa khác đối với hành động tự tiện này của Yeltsin, Ngân hàng Nhà nước mới được chuyển trở lại dưới sự điều hành của các cơ quan Liên bang.--PageBreak--

Các điều kiện quy hàng

Từ ngày 8 đến 21/12/1991, trong thời gian hai tuần, cả thế giới dõi theo Gorbachev. Các nhà chính trị, các nhà báo quan tâm với câu hỏi: Tổng thống Liên Xô sẽ làm gì để giữ gìn quốc gia của mình?

Tuy tuyên bố không đồng ý với những gì đã diễn ra, nhưng Gorbachev hoàn toàn không làm gì cả. Ông ta đã không thể bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ quyền lực của chính mình. Và điều gì phải đến đã đến, lãnh đạo các nước cộng hòa cùng đồng thuận tiến hành một "cuộc ly hôn công khai".

Ngày 21/12/1991, tại Kazakhstan, 11 nước cộng hòa của Liên Xô đã ký Tuyên bố Alma-Ata chính thức xóa bỏ Liên bang Xôviết và thành lập Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG). Gruzia và các nước vùng Bantic gồm Estonia, Latvia, Litva đã tuyên bố độc lập, không tham gia vào SNG.

Với sự kiện này, Gorbachev trở thành tổng thống không nhà nước. Trước đó, ngày 20/12, ông ta đã đích thân "thông báo trước" cho Thủ tướng Đức Helmut Kohl về việc từ chức chính thức của mình. Như vậy, Gorbachev biết việc ký Tuyên bố Alma-Ata là không thể đảo ngược.

Ngày 23/12/1991, có lẽ là ngày nhục nhã nhất trong cuộc đời của Gorbachev. Ông ta phải gặp Boris Yeltsin - đối thủ chính trị lâu năm của mình để thảo luận việc chuyển giao quyền lực và kiểm soát các cơ quan nhà nước.

Cuộc gặp diễn ra tại phòng khách Orekhovo trong Điện Kremli và kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ. Gorbachev đã chuyển cho Yeltsin các tài liệu mật, các biểu tượng quyền lực khác bao gồm cả chiếc "vali hạt nhân". Ngoài ra,  Gorbachev còn cam kết không chỉ trích chính quyền Nga trong vòng nửa năm. Đổi lại, ông ta được nhận lương hưu tổng thống, biệt thự, phương tiện giao thông, bảo vệ cá nhân và cơ sở làm việc cho "Quỹ Gorbachev".

Điều kiện cuối cùng của ông ta làm cho Yeltsin không an tâm, nhưng Gorbachev đã cam kết "Quỹ" sẽ không có các hoạt động chống chính quyền Nga. Cuộc gặp đã quyết định: Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô vào ngày 25/12 trên truyền hình.

Gorbachev cũng đã thông báo cho Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush-cha) về tình hình đến thời điểm đó và đảm bảo rằng  ông ấy có thể an tâm đón lễ Giáng sinh vì mã số vũ khí hạt nhân đã được trao cho Yeltsin mà không có bất cứ sự cố nào. 

M. Gorbachev (trái) và B. Yeltsin vào tháng 8/1991.

Hạ mình và bị xúc phạm

Sự nhân nhượng của Gorbachev không cứu được ông ta khỏi bị sỉ nhục. Chính quyền B.Yeltsin yêu cầu ông ta phải rời khỏi nơi làm việc và biệt thự công vụ khá thô bạo. Vào thời điểm, khi mà Gorbachev chuẩn bị phát biểu với nhân dân, vợ ông ta - bà Raixa Gorbacheva hốt hoảng gọi tới và thông báo các nhân viên Văn phòng Tổng thống Nga đã đến thúc giục phải chuyển đi để họ "dọn vệ sinh văn phòng". Phải khó khăn lắm bà ta mới thuyết phục được những người này cho thêm thời gian.

Vào lúc 19h ngày 25/12/1991, M. Gorbachev đã đọc bài phát biểu cuối cùng với tư cách là Tổng thống Liên Xô. Đó là những từ vô nghĩa thể hiện sự tiếc nuối và những lời bào chữa không còn một chút ý nghĩa gì. Người dân không biết những gì đã xảy ra tại hậu trường sân khấu chính trị, đến phút cuối cùng, họ vẫn hy vọng Tổng thống của mình thể hiện ý chí và cố gắng ngăn chặn một thảm họa xảy ra.

Song, Tổng thống đã đào ngũ mặc cho 280 triệu người dân tự cứu lấy mình theo cách có thể. Thuyền trưởng đã bỏ trốn khỏi con tàu đang chìm, nếu không phải là người đầu tiên thì chắc chắn cũng ở hàng đầu. Bởi vì, đang đợi ông ta ở phía trước là những biệt thự, "Quỹ Gorbachev", bánh Pizza, sự quý mến của giới chính trị phương Tây, các cuộc đón tiếp sang trọng và nhiều thú vui khác của cuộc đời. Còn những người dân ở quốc gia mà ông ta bỏ rơi bắt đầu phải bước vào một trận chiến sinh tồn mà không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua.

Vào những ngày này, B.Yeltsin đã nhạo báng Gorbachev theo cách thường có ở những người hẹp hòi và hay trả thù. Yeltsin không trực tiếp đến nhận chiếc "vali hạt nhân" mà yêu cầu Gorbachev chuyển nó cho Bộ trưởng Quốc phòng Shaposhnikov. Được cấp một ngôi biệt thự mới, nhưng đồng thời, ông ta cũng bị buộc phải trả lại ngay tòa biệt thự công vụ. Những ai trực tiếp chứng kiến buổi chuyển đồ đạc của cựu Tổng thống Liên Xô, chắc chắn, họ cảm thấy đó là cảnh tượng thật thảm hại.

Vào ngày 27/12/1991, Gorbachev đến Điện Kremli lần cuối cùng để lấy giấy tờ và gặp các phóng viên Nhật Bản. Nhưng ông ta không thực hiện được các công việc đó vì các phòng làm việc đều đã được B.Yeltsin sử dụng. Gorbachev một lần nữa lại đưa tay lên lau mặt…

Hoàng Tuất (theo Luận cứ và Sự kiện)
.
.
.