Những kẻ phản bội nổi tiếng trong lịch sử KGB

Thứ Tư, 19/08/2020, 11:32
Trong các cơ quan mật vụ hàng đầu thế giới, có không hiếm những trường hợp các điệp viên đã “vượt giới tuyến” để chạy sang đầu hàng phía bên kia. Tình báo Xôviết cũng không phải là ngoại lệ, khi từng chịu khá nhiều tổn thất liên quan đến sự phản bội từ các nhân viên của mình. Cùng điểm qua những kẻ đào tẩu nổi tiếng nhất trong lịch sử KGB…


Oleg Gordievsky

Một trong những dấu ấn thành công nhất của tình báo phương Tây chính là việc tuyển mộ được Oleg Gordievsky - nhân viên Tổng cục I của KGB (chuyên về tình báo đối ngoại), về sau còn trở thành lãnh đạo chi nhánh của tổng cục này ở London.

Được người Anh mua chuộc từ năm 1974, nhưng Gordievsky mãi đến năm 1985 mới bị nghi ngờ sau những thông tin cung cấp từ điệp viên Aldrich Ames tại CIA. Bị triệu hồi về London, hắn đã bác bỏ mọi lời buộc tội nhằm vào mình, sau đó được bí mật đưa trốn khỏi Liên Xô.

Oleg Gordievsky.

Gordievsky đã cung cấp cho đối phương một số lượng lớn những tài liệu quí giá nhất về mạng lưới tình báo Xôviết tại phương Tây. “Những thông tin này chính xác và bí mật đến nỗi, chúng tôi luôn phải đau đầu nghĩ cách sử dụng chúng thế nào để không làm lộ ra điệp viên giá trị nhất của mình” – những nhân viên tại Cơ quan mật vụ MI-6 của Anh từng làm việc với Gordievsky về sau đã kể lại như vậy.

Về sau, Gordievsky sống ẩn dật tại Anh, nhận lương hưu của London và xuất bản các hồi ký. Tháng 11/2007, ông ta được đưa vào bệnh viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê trong suốt 34 tiếng đồng hồ. Sau khi qua khỏi, Gordievsky đã buộc tội mật vụ Nga đã đầu độc ông ta, đồng thời chỉ trích cơ quan phản gián Anh đã không chịu điều tra tường tận về vụ án của mình.

Oleg Kalugin

Thiếu tướng KGB Oleg Kalugin ban đầu phục vụ tại Tổng cục I (từng có thời gian đứng đầu Cục phản gián đối ngoại, 1973-1979). Về sau do gặp một loạt những thất bại và mâu thuẫn trong nội bộ, nên được điều sang cơ quan phản gián nội bộ (Tổng cục II).

Kalugin bắt đầu được biết đến nhiều sau một loạt những chỉ trích và vạch trần công khai đến hoạt động của cơ quan mình. Hậu quả là ông ta bị sa thải và bị tước mọi danh hiệu. Sau đó, Kalugin tiếp tục viết sách báo về KGB, tham gia vào cả hoạt động chính trị. Năm 1995, ông ta chạy sang Mỹ, trước khi ra làm chứng trong phiên tòa xét xử đại tá George Trofimoff với tội danh hoạt động gián điệp cho Liên Xô.

Cũng vì chuyện này, Kalugin bị Moscow phán quyết bản án 15 năm vắng mặt. Từ đó tới giờ, Kalugin vẫn tiếp tục sống tại Mỹ, nhận quốc tịch nước này vào năm 2003, tiếp tục viết sách, làm việc cho các cơ quan nghiên cứu tư nhân, chủ yếu trong lĩnh vực an ninh và chống khủng bố.

Vasili Mitrokhin

Nhân vật khá nổi tiếng này trước những năm 1950 từng hoạt động ở nước ngoài cho cơ quan tình báo đối ngoại, nhưng do năng lực kém nên được triệu hồi về nước, đảm trách vai trò nhân viên lưu trữ của Tổng cục I – KGB. Từ năm 1972 cho tới khi về hưu vào năm 1985, Mitrokhin điều hành việc sắp xếp lại các tài liệu lưu trữ của cơ quan tình báo và di chuyển chúng từ Lubianka tới Yasenevo.

Trong thời gian này, ông ta đã sao chép vắn tắt lại các tài liệu mật, bí mật giấu chúng trong tất để mang ra khỏi cơ quan hàng ngày, trước khi chép lại chúng vào trong những cuốn vở, giấu trong chiếc thùng dưới hầm nhà (tính ra có tới 6 vali chứa những cuốn vở ghi chép này). Trước khi Liên Xô tan rã, Mitrokhin không hề có dự định liên hệ với các cơ quan tình báo phương Tây.

Phải đến năm 1992, ông ta mới chuyển giao tất cả những tài liệu trên (nổi tiếng với tên gọi “những tài liệu lưu trữ của Mitrokhin”) cho cơ quan tình báo Anh tại Tallinn. Đáng chú ý là ban đầu, Mitrokhin đã liên hệ với một điệp viên của CIA tại đây, nhưng nhân vật này đã quyết định không hợp tác vì nghi đây là trò cung cấp thông tin giả.

Tháng 9/1992, Mitrokhin cùng gia đình được đưa sang Anh, trước khi kho hồ sơ của ông ta được nghiên cứu và chính thức công bố vào năm 1996. Cho tới khi qua đời vào năm 2004, Mitrokhin sống tại London, còn viết và xuất bản thêm một vài cuốn sách.

Anatoliy Golitsyn

Golitsyn trước đó từng phục vụ trong cơ quan tình báo đối ngoại, chuyên về Mỹ và các nước NATO. Sau khi được cử tới đại sứ quán tại Phần Lan vào năm 1961, hắn đã tìm cách kết nối và đề nghị hợp tác với CIA, cũng trong năm đó cùng gia đình đã trốn sang Thụy Điển.

Golitsyn được coi là một trong những nguồn tin quan trọng nhất về tình báo Xôviết. Tuy nhiên việc hắn chạy sang phía Mỹ lại gắn liền với giả thuyết về một “âm mưu giả thông tin của tình báo Xôviết”.

Theo khẳng định của một số chuyên gia phân tích của bộ phận phản gián tại CIA, viên thiếu tá KGB có trí nhớ đặc biệt này chỉ là một công cụ tung thông tin giả do người Nga điều hành. Những thông tin của Golitsyn đụng chạm khá nhiều về những mối quan hệ theo giả thuyết của một loạt các chính trị gia châu Âu với tình báo Xôviết.

Việc Golitsyn kể lại theo trí nhớ rất nhiều thông tin đã khiến cho CIA nghi ngờ rằng, hắn cố tình ngụy tạo ra nhiều mạng lưới và âm mưu tình báo để lấy công trạng. Dù sao, dữ liệu do Golitsyn cung cấp đã giúp cho phía Mỹ vạch trần được điệp viên huyền thoại Kim Philby.

Yuri Nosenko

Tên phản bội này là con trai của Ivan Nosenko, Bộ trưởng Công nghiệp đóng tàu Liên Xô (1954-1956). Hắn từng là phó chỉ huy Phòng 7 của Tổng cục II (phụ trách công tác phản gián trong các đối tượng người nước ngoài tại Liên Xô).

Tháng 2/1964, khi đang đảm trách vai trò sĩ quan an ninh trong thành phần phái đoàn đàm phán Xôviết về giải trừ quân bị, Nosenko đã liên hệ với CIA và đề nghị được cư trú chính trị. Nguyên nhân thúc đẩy Nosenko có hành động này thật ra vẫn chưa được làm rõ. Một số tướng lĩnh tình báo về sau cho rằng, hắn đã bị CIA tuyển mộ bằng cách đe dọa tiết lộ thông tin nhạy cảm.

Nosenko đã chuyển giao nhiều thông tin về hoạt động của phản gián Xôviết liên quan tới Mỹ. Nhân vật này còn có những xung đột gay gắt với Golitsyn, khi khẳng định tên này là điệp viên hai mang với âm mưu cung cấp thông tin giả từ KGB. Còn phía Golitsyn lại quả quyết, Nosenko chính là một quân bài do KGB sử dụng để làm mất uy tín của mình. Chẳng hạn như nếu Golitsyn khẳng định KGB có dính dáng tới âm mưu ám sát Kennedy, thì Nosenko lại bác bỏ giả thuyết này.

Kết quả là Nosenko suốt vài năm liền bị tống vào nhà tù của cơ quan phản gián Mỹ vì nghi ngờ là điệp viên hai mang. Tuy nhiên sau đó nhờ một số thông tin quan trọng do hắn cung cấp được kiểm chứng, Nosenko đã được xin lỗi, trở thành một cố vấn của CIA từ năm 1969. Kể từ thời điểm đó, nhân vật này sống ẩn dật tại một bang ở miền Nam nước Mỹ dưới tên giả, trước khi qua đời vào năm 2008 ở tuổi 81.

Vladimir Petrov

Petrov vốn là sĩ quan tình báo đối ngoại – ban đầu là chuyên gia về mật mã, sau đó làm điệp viên tại Australia (từ năm 1951 là thư ký thứ 3 của đại sứ quán). Mùa xuân năm 1954, do lo ngại bị triệu tập về nước sau vụ Beria bị hạ bệ, hắn đã liên hệ với cơ quan phản gián Australia xin cư trú chính trị.

Sau khi Petrov chạy trốn, cô vợ của hắn được quyết định phải đưa về Moscow. Ngày 19/4/1954, cô ta được hai sĩ quan Bộ Nội vụ hộ tống lên chiếc máy bay theo hành trình từ Sydney về Liên Xô. Tuy nhiên trong quá trình tiếp nhiên liệu tại Darwin, các nhân viên phản gián Australia đã lấy cớ khám xét, buộc tội các sĩ quan Xôviết mang vũ khí trái phép để giải thoát cho cô vợ Petrov.

Petrov đã khai báo nhiều thông tin quan trọng về các điệp viên Xôviết tại Australia, cũng như về mối quan hệ của họ với các mạng lưới tình báo khác. Tính chung, sự phản bội của Petrov đã khiến gần 600 nhân viên tình báo và điệp viên được tuyển mộ không chỉ tại Australia mà còn nhiều nước khác bị phát hiện và bắt giữ. Các chuyên gia còn cho rằng, thông tin hắn cung cấp về “bộ ngũ Cambridge” cũng là một cơ sở để vòng vây nghi ngờ bắt đầu khép lại xung quanh Kim Philby.

Vợ chồng Petrov về sau sống tại ngoại ô Melbourne với tên giả trong các điều kiện được giữ bí mật nghiêm ngặt. Vladimir Petrov qua đời vào năm 1991.

Alexander Zaporozski

Zaporozski từng là nhân viên Tổng cục I – KGB (từ năm 1975), hoạt động tại Ethiopia và Argentina, trong những năm 1990 là phó trưởng phòng phụ trách nước Mỹ ở Cục K (Cục Phản gián đối ngoại và An ninh nội bộ). Sau khi về hưu vào năm 1997, Zaporozski cùng gia đình chuyển sang Mỹ, làm cố vấn cho một công ty tư nhân.

Tháng 11/2001, ông ta bị bắt giữ trong thời gian trở về Moscow và phải nhận bản án 18 năm tù vào năm 2003.

Hóa ra ngay từ năm 1994, Zaporozski khi còn ở Argentina đã liên hệ với CIA, chuyển giao nhiều thông tin về các mạng lưới điệp viên của Nga tại khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ. Có giả thuyết cho rằng, chính Zaporozski đã giúp người Mỹ vạch trần được nhân viên FBI Robert Hanssen, người trong suốt 20 năm đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho Moscow.

Đến năm 2010, Zaporozski theo thỏa thuận được trao đổi với một số điệp viên Nga bị bắt giữ tại Mỹ. Cùng với ông ta, phía Nga còn bàn giao cho Mỹ thêm 3 nhân vật khác cũng từng bị kết án vì tội phản bội Tổ quốc: cựu nhân viên Viện nghiên cứu Mỹ và Canada là Igor Sutyagin, sĩ quan Cục tình báo quân đội (GRU) Sergei Skripal và sĩ quan Cơ quan tình báo đối ngoại Nga Hennadii Vasylenko. Zaporozski sau đó trở về Mỹ cùng gia đình, sống tại bang Maryland.

Victor Sheymov

Với tấm bằng ban đầu là một kỹ sư, Sheymov về sau trở thành một sĩ quan của Tổng cục VIII – KGB (phụ trách về mật mã và liên lạc đặc biệt). Anh ta có nhiệm vụ đảm bảo về các phương tiện kỹ thuật bảo vệ thông tin được sử dụng tại các chi nhánh KGB ở nước ngoài.

Victor Sheymov.

Ngay từ trước năm 1979, Sheymov đã liên hệ với CIA, trước khi cùng gia đình rời khỏi Moscow trên một chuyên cơ ngoại giao của Mỹ. Trong suốt 5 năm sau đó, gia đình Sheymov được coi là đã bị mất tích, thậm chí còn được coi là nạn nhân của một vụ án mạng nào đó.

Với sự chỉ điểm của Sheymov, người Mỹ đã tiến hành một loạt các chiến dịch lấy cắp thông tin từ các tuyến liên lạc của KGB tại Moscow. Còn cho đến tận những năm 1990, thông tin về việc nhà Sheymov chạy trốn sang Mỹ mới chính thức được công bố. Nhưng “màn kịch” của Sheymov và CIA vẫn chưa kết thúc tại đây.

Năm 1991, ông ta nộp đơn ra tòa kiện CIA đã không thực hiện đúng những cam kết khi tuyển mộ. Theo đó, Sheymov được hứa hẹn sẽ được trả ngay 1 triệu đôla, thay vì chỉ nhận được nhỏ giọt tổng cộng 200 ngàn đôla trong suốt vài năm sau đó. Mọi việc dằng dai cho đến năm 1999, khi Sheymov thuê được một cố vấn pháp lý đặc biệt là Robert James Woolsey Jr (cựu giám đốc CIA trong giai đoạn 1993-1995).

Đây được coi là màn kết hay nhất trong vở kịch: khi một kẻ đào tẩu từ Liên Xô lại thuê được một cựu giám đốc CIA để đòi tiền từ chính cơ quan cũ của mình. Hai bên cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa án, dù Sheymov sau đó đã không tiết lộ số tiền bồi thường cụ thể. Cũng trong năm 1999, Sheymov hợp tác cùng Woolsey thành lập ra công ty chuyên về an ninh mạng Invicta Networks.

Stanislav Levchenko

Là một sinh viên tốt nghiệp tại Viện nghiên cứu Á-Phi, Levchenko từng làm việc cho cơ quan tình báo quân đội, trước khi chuyển sang Tổng cục I – KGB để hoạt động dưới vỏ bọc phóng viên tạp chí “Thời mới” tại Tokyo (Nhật). Khi nhận được lệnh triệu hồi về Liên Xô năm 1979, hắn đã liên hệ với các đại diện của CIA, đề nghị được cư trú chính trị.

Một cuốn sách viết về KGB của Levchenko.

Levchenko được coi là nguồn tin quan trọng nhất của CIA về mạng lưới tình báo Xôviết tại Nhật – nhờ hắn ta mà người Mỹ đã phát hiện được hơn 200 điệp viên, trong đó có nhiều cựu quan chức chính phủ, đảng phái, thương gia, phóng viên…

Hắn còn cung cấp thông tin chi tiết về những kênh cung cấp tài chính bí mật của Liên Xô cho các đảng cộng sản tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Levchenko hiện vẫn đang sống tại Mỹ, viết sách với tư cách một nhà báo.

Hồng Sơn (Tổng hợp từ nhiều nguồn)
.
.
.