Trong cuốn sách Những cuộc khủng hoảng: Giải phẫu hai cuộc khủng hoảng lớn nhất trong chính sách đối ngoại vừa được xuất bản, Kissinger lần đầu tiên đưa ra ánh sáng vụ đi đêm giữa Tổng thống Ai Cập khi đó là Anwar Sadat và chính phủ Hoa Kỳ.
Ngay từ những cuộc thảo luận từ trước chiến tranh, Tổng thống Ai Cập Sadat không nói với Tổng thống Syria Hafezel Assad, người luôn dự tính về một cuộc tấn công tổng lực trên tất cả các mặt trận, về mục đích trong cuộc chiến của mình chỉ là chiếm phần dải đất nhỏ ở Sinai mà không muốn mở rộng chiến dịch khắp khu vực biên giới với Israel. Nếu như Sadat tiết lộ các kế hoạch của mình cho người Syria, họ hoàn toàn có thể thay đổi dự tính đối với cuộc chiến tranh này.
Sadat đã tìm cách che giấu cả Liên Xô trong việc bí mật tiếp xúc với Washington. Vào thời điểm đó, Moskva đang đứng về phía các nước Ảrập trong cuộc chiến với Israel. Theo Kissinger, nếu như Liên Xô biết được những dự định riêng của Sadat, họ có thể đã hành động khác đi trong chiến dịch cung cấp vũ khí cho phía Ai Cập. Còn nếu phía Israel biết được, họ nhất định sẽ công bố nhằm phá hỏng mối quan hệ giữa Sadat và Assad cũng như gây chia rẽ trong quan hệ giữa Ai Cập và Liên Xô.
Thông tin đầu tiên được Sadat gửi đến Washington có nhan đề “Những điều kiện kết thúc chiến tranh”. Trong đó Sadat viết, ông ta không quan tâm đến việc khơi mào chiến tranh và mở rộng đối đầu. Từ thông báo trên, Kissinger hiểu rằng, lãnh tụ Ai Cập muốn mời Mỹ đứng ra giám sát quá trình ký kết hiệp ước hòa bình sau chiến tranh. Bức thông điệp đã được ký bởi cố vấn an ninh của Sadat khi đó là Hafez Izmail.
Một vấn đề khác được đề cập đến trong cuốn sách của Kissinger là quyết định của Vua Jordan Hussayn gửi quân đội tới giúp Syria. Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã tiết lộ một số chi tiết chưa được biết về chuyện này.
Ngay từ cuộc chiến tranh năm 1967, khi Hussayn vội vàng liên kết với Naser, Jordan đã đánh mất phần lãnh thổ phía bờ Tây của mình. Và cuộc chiến năm 1973 được bắt đầu không có sự tham gia của Hussayn. Khi người Syria hiểu rằng không đủ sức đương đầu với đối phương, Assad đã nhờ Hussayn giúp đỡ. Cần phải nhắc lại một “ân oán” phức tạp giữa hai quốc gia này: 3 năm trước đó, quân đội Syria từng tràn vào Jordan. Israel khi đó, theo yêu cầu của Washington, đã triển khai quân đội áp sát biên giới Syria để nhằm giảm bớt áp lực cho Jordan.
Vua Hussayn khi đó lâm vào tình thế khó xử: ông vừa muốn giúp đỡ các quốc gia Ả-rập trong cuộc chiến chống lại Israel, lại vừa lo ngại hành động này sẽ bị quốc gia Do Thái trả đũa. Theo các biên bản đàm thoại khi đó của Kissinger được ghi lại, Hussayn ban đầu đã liên hệ với Thủ tướng Anh khi đó là Edward Heath, yêu cầu ông ta thuyết phục người Mỹ khuyên nhủ Israel. Heath sau đó đã giải thích với Kissinger về thực chất yêu cầu của lãnh tụ Jordan.
Vua Hussayn còn liên hệ trực tiếp với Thủ tướng Israel khi đó là Golda Meir. Ông cho biết về dự định đưa quân đội tham gia vào cuộc chiến chống Israel, nhưng yêu cầu quốc gia Do Thái không phản ứng trước “mối đe dọa” này. Tuy nhiên, đề nghị trên đã bị từ chối thẳng thừng. Phía Israel khi đó lo ngại, nếu quân đội Jordan được đưa đến Syria, chính phủ có thể mất quyền kiểm soát đối với họ, vì bản thân Israel luôn là kẻ thù chung của các quốc gia Ảrập