Những chiến công thầm lặng của điệp viên Twain

Thứ Tư, 06/07/2005, 07:08

Với vỏ bọc là một kỹ sư điện tử, Semen Markovich Semenov, một điệp viên xuất sắc của tình báo Xôviết với mật danh Twain đã đến Mỹ, thu thập nhiều thông tin khoa học kỹ thuật quan trọng về những công trình nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý nguyên tử, sinh hóa và điều khiển học.

Ngày 20/12/1920, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt Djerzinski đã ký chỉ thị bí mật số 169 về việc thành lập Ban nước ngoài, tiền thân của Cơ quan Tình báo đối ngoại. Trong suốt nhiều thập niên sau đó, bộ phận tình báo này đã cung cấp cho giới lãnh đạo đất nước nhiều thông tin có giá trị liên quan đến các âm mưu trên trường quốc tế và cả những công trình nghiên cứu bí mật.

Tuy nhiên, việc thừa nhận công lao của các điệp viên vì nhiều lý do vẫn chưa thực sự xứng đáng với những đóng góp của họ. Vào đầu những năm 1990, Cục Quản lý tư tưởng của Cơ quan An ninh quốc gia mới quyết định cho công bố một số bí mật liên quan đến nhiều điệp viên thầm lặng trong quá khứ.

Một trong số này là Semen Semenov - từng là nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhân viên Cơ quan Đại diện thương mại Xôviết “Amtorg” tại Mỹ, đại diện được ủy quyền của “SovExportFilm” tại Pháp...

Semen Markovich Semenov sinh ngày 1/3/1911 tại Odessa trong một gia đình nghèo gốc Do Thái. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông từng làm thợ phụ tại một nhà máy sản xuất dây cáp. Năm 1932, Semenov tới Moskva vào học tại một trường đào tạo về ngành dệt. Cũng trong năm này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi nhận bằng kỹ sư năng lượng, ông được điều sang làm việc tại các cơ quan an ninh quốc gia vào năm 1937, trước khi được cử sang Mỹ làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Massachusetts một năm sau đó. Hoàn tất luận án nghiên cứu sinh khoa học, Semenov được phân công vào cương vị kỹ sư trưởng của Phòng Điện tử “MachineImport” thuộc Cơ quan Đại diện thương mại “Amtorg” của Liên Xô.

Tất nhiên, mục đích chính trong quá trình thực tập của Semenov tại Boston không phải là việc bảo vệ luận án. Ông cần phải gây dựng những mối quan hệ có ích và giúp các nhân viên tình báo Xôviết tại New YorkWashington tiếp cận những nhân vật cần quan tâm.

Điệp viên với mật danh Twain này đã chứng tỏ được khả năng của mình. Ông thường là đối tượng được mời tới những buổi dạ tiệc của các chuyên gia khoa học tại Mỹ trong đủ mọi lĩnh vực như điện tử, hóa học, sinh học, hàng không, toán học và vật lý, v.v... Dù là người có nguồn gốc từ Liên Xô - được coi là “đối tượng đỏ nguy hiểm” - Twain vẫn là linh hồn của bất cứ một cuộc gặp mặt nào.

Nước Mỹ trong thời điểm những năm 1930 đang có rất nhiều phát minh khoa học tầm cỡ. Đó cũng là môi trường hoạt động hết sức thuận lợi cho Twain. Thông qua hai nhân viên tại Hanford đang làm việc trong một xí nghiệp địa phương (nơi đang chuẩn bị vận hành một thiết bị xử lý plutonium), Twain đã biết được về một công trình và dự án bí mật của Hãng “Dupon” kết hợp với phòng thí nghiệm kim loại của Đại học Tổng hợp Chicago.

Trong thời gian thực tập tại Boston, Twain thường xuyên tham gia những cuộc hội thảo, nên được nhiều nghiên cứu sinh và cả giáo sư nhớ tới. Chính điều này đã giúp đỡ ông rất nhiều. Twain đã rình trước lối ra vào của phòng thí nghiệm trong suốt nhiều ngày, và cuối cùng cũng gặp được Scout, một tiến sĩ nghiên cứu về uranium vào ngày thứ 9. Ông này vẫn còn nhớ tới nghiên cứu sinh người Nga vốn đã gây cho ông nhiều thiện cảm từ trước, và mời ngay anh về nhà chơi.

Một thời gian sau, Twain quay về New York cùng với một báo cáo tỉ mỉ, các tài liệu và bản vẽ chế tạo vũ khí nguyên tử. Ông cũng nộp thêm 3 báo cáo về khả năng tuyển mộ. Thế là Scout  trở thành cộng tác viên của tình báo Xôviết với mật danh Elvis, còn hai nhân viên tại cơ sở nguyên tử tại Hanford có mật danh Aden và Anta.

Tiếp đó, Twain nhận được nhiệm vụ thiết lập quan hệ với một nhà khoa học lớn khác của Mỹ (có tên quy ước là Trevor), khi đó đang làm tại Hãng Hàng không "Lockheed and Duglas". Các tài liệu còn lưu trữ của cơ quan tình báo không còn nhiều thông tin về nhà khoa học này. Người ta chỉ biết là ông đang sống tại một khu ngoại ô ở New York. Thế là Twain đóng giả thành nhân viên một hãng bảo hiểm, in cácvidít dưới một cái tên tự nghĩ ra và tìm cách tiếp cận nhà đối tượng này. Sau khi trò chuyện một lúc về những phát minh khoa học gây chấn động dư luận, Twain đã tìm được tiếng nói chung với nhà bác học này và nhanh chóng lôi kéo được ông hợp tác với tình báo Xôviết.

Trevor về sau là nguồn cung cấp những tài liệu siêu bí mật về các loại máy bay quân sự XP-58 và P-38, máy bay ném bom Duglas-18, máy bay tiêm kích-đánh chặn Lockheed-22, máy bay cường kích A-17 và loại máy bay thử nghiệm hoạt động ở tầng bình lưu XC-35.

Đầu năm 1941, điệp viên Gaik Ovakimian tại New York đã gửi một báo cáo về Twain cho trung tâm, trong đó có đoạn viết: “Công tác tình báo là một năng khiếu bẩm sinh của anh ta. Anh ta biết cách tiếp cận bất cứ một người nào... Tuy nhiên, hoạt động còn nhiều chủ quan trong việc đánh giá bản thân mình và những người xung quanh. Với tư cách là chỉ huy trực tiếp, tôi sẽ nỗ lực hết sức để khắc phục điều này”. Hai tháng sau, Ovakimian đã bị các nhân viên FBI bắt quả tang khi đang tiếp xúc với một cộng tác viên giả mạo. Điều duy nhất anh ta kịp làm trước khi bị trục xuất về Moskva là trao lại cho Twain các hồ sơ cá nhân của những điệp viên xuất sắc nhất và trọng trách chỉ huy bộ phận tình báo khoa học kỹ thuật cho tới khi lãnh đạo mới được cử sang.

Năm 1942, chỉ huy mới Maxim được cử tới New York. Trước khi giao cho Twain một loạt các nhiệm vụ mới, ông còn nhắc đến một yêu cầu riêng của tướng Fitin (chỉ huy Cơ quan Tình báo đối ngoại) về việc khai thác thông tin chi tiết về công nghệ sản xuất penicillin, một loại kháng sinh khi đó đang rất cần thiết cho việc cứu sống hàng trăm ngàn thương binh tại các bệnh viện ở Liên Xô.

Người Mỹ khi đó cũng cung cấp một số lượng có hạn penicillin cho Liên Xô nhưng không tiết lộ về công nghệ sản xuất. Thế là Twain được yêu cầu phải khai thác được các mẻ penicillin sạch, để ngành y tế Xôviết có thể dựa vào đó nghiên cứu việc sản xuất hàng loạt. Không bao lâu sau, Twain đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, sau khi làm quen với lãnh đạo của một hãng chuyên sản xuất penicillin và nhận được một vài mẫu nguyên chất.

Những cuộc gặp gỡ riêng quá nhiều với giới khoa học Mỹ, những chuyến đi lại khắp nơi trên đất Mỹ, những lần trở về nhà muộn thường xuyên - tất cả đã tạo nên sự khác biệt giữa Twain với các nhân viên đại diện thương mại thông thường khác, đồng thời không thể không gây nghi ngờ từ phía Cơ quan Mật vụ Mỹ. Twain hiểu rằng, đã tới lúc mình bị theo dõi rất sát sao và thông báo về trung tâm: không còn cơ sở để tiếp tục hoạt động hiệu quả trên đất Mỹ. Cấp trên cũng đồng ý với những nhận định này. Thế là mùa hè năm 1944, Semenov được triệu hồi về Moskva. Ông được phong quân hàm thiếu tá và sống cùng gia đình tại một khách sạn ở Moskva.

Một năm sau, Semenov được lệnh sang Pháp hoạt động. Cơ quan tình báo đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ Ngoại thương với yêu cầu giao cho Semenov một cương vị có khả năng tiếp cận với cộng đồng làm khoa học và công nghiệp tại Pháp. Thế là Semenov có mặt tại nước này trên cương vị đại diện ủy quyền của “SovExportFilm”, một cơ quan chuyên xuất khẩu các sản phẩm điện ảnh Xôviết. Tuy nhiên, những thông tin về công nghệ điều khiển học được Semenov khai thác tại đây lại không được coi trọng. Đó là chưa kể đến việc ông bị chụp mũ bởi một số tội danh không có thực.

Mãi tới 23 năm sau, công lao của Semenov mới được ghi nhận một phần, sau khi ông được nhận thêm một mức lương hưu 120 rúp mỗi tháng. Cần phải kể thêm về một chiến công bất ngờ nữa của Semenov, ngay cả khi ông đã rời khỏi ngành tình báo đã lâu. Nhiều năm sau, một nhà khoa học lớn của Mỹ tới Moskva để dự một hội nghị quốc tế đã đề nghị được gặp gỡ với Semenov. Hóa ra, người này từng là một nguồn tin cũ của ông. Nhờ kết quả cuộc gặp này, phía Liên Xô đã nhận được thêm một số tài liệu quan trọng, trên cơ sở đó đã chế tạo được một thiết bị mặt đất rất hữu hiệu, hiện vẫn được dùng tại các sân bay quân sự và dân sự tại Nga và các quốc gia SNG. Điệp viên Twain đã qua đời vào năm 1986

Thái Quân (Theo Spy World)
.
.
.