Những bí ẩn bên trong cơ quan mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ
Kể từ thập niên 1950 (khi vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên cần thiết) ở cánh phía Đông của NATO, MIT đã có mối quan hệ khá gần gũi với CIA.
Tuy nhiên, MIT chưa từng có một mạng lưới điệp viên và cộng tác viên hoạt động ổn định và hiệu quả với các cơ quan tình báo Châu Âu, nhưng lại có mối quan hệ khá thân với các cơ quan tình báo Nga; sau năm 1992 thì MIT mở rộng quan hệ với Azerbaijan và thậm chí với tình báo Singapore, cũng như cả với các cơ quan tình báo Trung Đông.
Những năm tháng sơ khởi
Rõ ràng là một trong những mục tiêu xuyên suốt và thể chế của MIT là xâm nhập/ kiểm soát Đảng công nhân người Kurd (PKK) – ở Ankara (ngay sau cuộc đảo chính quân sự năm 1971) và đã tự tái tổ chức thành một chính đảng, và dần trở thành một cánh tay quân sự và chiếm ưu thế sau năm 1984 cũng như là một mạng lưới bán chính trị.
Một mục tiêu thể chế khác của MIT là tổ chức Fethullah Gulen, mà cụ thể là Hizmet. Đó là một mạng lưới chính trị - tôn giáo rộng lớn mà buổi ban đầu đã ủng hộ cho đảng của ông Erdogan, AKP, nhưng sau đó biến thành kẻ thù tồi tệ.
Hizmet (“Cục”) là một cộng đồng có nguồn gốc hình thành ở Cemaat (một tổ chức truyền thống Sufi ở Anatolia) nhưng sau đó (trong giai đoạn kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ) đã “chào đời” dưới chế độ Turgut Ozal (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1983 đến năm 1989, và sau đó là Tổng thống cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1989 đến năm 1993, năm mà ông qua đời) và trở thành một mạng lưới thương mại lớn.
Hakan Fidan, một nhân tố bí ẩn, người được cho là điệp viên hai mang của cục tình báo Iran ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh nguồn: MedyaNotu. |
Trong giai đoạn 2, Hizmet đã trở thành một cường quốc kinh tế vững chắc, và theo một số nhà phân tích thì Hizmet đã trở thành Parallel Yapi, một “cấu trúc song song”. Hệ thống 3 cấp của tổ chức Fethullah Gulen được giả định thành một tổ chức quân sự ở cấp độ thấp nhất, và hoạt động trong hầu hết các trường đại học, cơ quan báo chí, truyền thông và các cơ sở sản xuất.
Hizmet hoạt động theo định nghĩa “Chủ nghĩa thần học Calvin Hồi giáo” với ý tưởng chính là biến giấc mơ về một nền Hồi giáo có sức lan tỏa và trên hết, “Hồi giáo chính trị” trở thành sự thật và cũng đi kèm với lòng bác ái và nhân từ.
Không phải ngẫu nhiên mà phong trào Gulen bị các chế độ Vùng Vịnh, Pakistan và Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) đặt ngoài vùng pháp luật, nhưng EU và Mỹ lại không coi Hizmet là một tổ chức khủng bố.
Căng thẳng giữa AKP và phong trào Gulen buổi ban đầu là sự xung đột với phong trào Gezi Park vào tháng 6 năm 2013, khi lãnh đạo của Hizmet lên tiếng chống lại chính phủ của ông Erdogan đã sử dụng “thiết quân luật” với sinh viên.
Nỗ lực đảo chính vào tháng 7 năm 2016 đã khiến ông Erdogan tố cáo phong trào Gulen là “tổng đạo diễn”. Thâm ý của ông Erdogan là âm thầm loại bỏ Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Hakan Fidan, cục trưởng Cục tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia vào việc thiết kế AKP (Đảng công lý và phát triển) và bản thân Tổng thống Erdogan.
Ông Fidan được xem là một giám đốc tình báo trung thành, bản thân ông từng làm giám đốc MIT từ năm 2010 đến năm 2015, nhưng đến ngày 7 tháng 2 năm 2015 thì ông từ chức và ra tranh cử, hiển nhiên là đứng trong hàng ngũ AKP.
Một tháng sau khi được chấp nhận ứng cử vào chiếc ghế nghị sỹ, ông Hakan Fidan lại từ nhiệm và quay trở lại chiếc ghế cũ là giám đốc MIT.
Ông Fidan cũng tham gia vào các sứ mạng đàm phán hòa bình rất bí mật giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK được tổ chức ở Oslo (Na Uy) vào năm 2009. Nhân vật này cũng tham gia vào các mạng lưới buôn lậu – không chỉ là dầu hỏa – giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hakan Fidan và mối quan hệ thân Iran
Nguồn tin tình báo rò rỉ cho hay rằng Hakan Fidan từng gặp gỡ với Qassem Suleimani (chỉ huy lực lượng vũ trang Al Quds của Pasdaran (Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran) tại Tehran trong năm 2014.
Cuộc họp mật đã diễn ra trong một bãi đỗ xe, tránh xa những cặp mắt cú vọ và trên hết là tránh xa các điệp viên của đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Iran.
Cuộc họp giữa 2 người đứng đầu 2 cơ quan tình báo đã diễn ra ngay trong bối cảnh chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Erdogan tới Iran vào cuối tháng Giêng năm 2014.
Do đó có nhiều nguồn đáng tin cậy cho rằng Hakan Fidan là một loại tài sản, một điệp viên có tầm ảnh hưởng của cục tình báo Iran ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Với tư cách đó, Fidan được cho là đã gặp Soleimani để báo cáo dữ liệu đáng tin cậy về chính phủ Thổ và những ý định thực sự của Erdogan tại thời điểm đó, và trên hết là trong suốt cuộc chiến ở Syria.
Thực vậy, Hakan Fidan cũng là đối tượng bị kiểm tra và điều tra bởi phản gián Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là tại thời điểm MIT bị phát hiện đã khai thác một số mạng lưới tình báo ở Thổ Nhĩ Kỳ có liên đới với Pasdaran.
Lòng trung thành của Hakan Fidan đã được xác minh: một đơn vị tình báo cụ thể của Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi lại những đường truyền và liên lạc của lực lượng Al Quds, đặc biệt là Tướng Sayed Ali Akber Mir Vakili, người được cho là đã nhận một bản ghi âm tại một cuộc họp mật của chính phủ từ tay Hakan Fidan.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng Hakan Fidan để đạt được một thỏa thuận với Iran? Điều gì xảy ra nếu Hakan Fidan thật sự là công cụ của Erdogan trong quan hệ hợp tác với Iran về vấn đề Syria, và trên hết, trong khuôn khổ của đàm phán Astana và tương lai của các mạng lưới dầu và khí đốt của Iran đối với khu vực Địa Trung Hải?
Chắc chắn Tướng Mir Vakili đã được đào tạo bài bản để tránh bị nhận dạng hay nghe lén, song các điệp viên của cảnh sát đã cấy rệp vào xe hơi của Mir Vakili, nó được lái bởi bề tôi trung thành của ông là Hakki Selgiuk Sanli, đây cũng là một nhân vật chủ chốt thành lập nên mạng lưới Al Quds trong thập niên 1990 theo lệnh của Tướng Nasir Takipur (người Iran).
Selgiuk Sanli đã bị tóm vào ngày 13 tháng 5 năm 2000 và chịu mức án 12 năm 6 tháng tù giam vì tội đã tham gia vào một tổ chức khủng bố dính líu tới Iran, nhằm thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào những mục tiêu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Tuy nhiên Sanli đã được phóng thích trong năm 2004 với lệnh ân xá được ký bởi chính chính phủ của ông Erdogan. Cuối cùng, bản ghi âm từ con rệp gắn trong xe của Mir Vakili đã hé lộ thông tin mật về Thổ Nhĩ Kỳ của Hakan Fidan cho người Iran.
Tướng Mir Vakili đã nói với Selgiuk Sanli rằng mình đã nói chuyện với Hakan Fidan (tên mã “Emin”) và ông biết về vụ bê bối trong chính phủ Erdogan ngay lúc bắt đầu cuộc biểu tình Gezi Park.
Ông Erdogan muốn đàn áp những người biểu tình Gezi Park, trong khi Phó thủ tướng Bulent Arinc lại muốn đàm phán với thế lực chiếm đóng. Từ chuyến du lịch Châu Phi về, sau 6 tiếng chì chiết, ông Erdogan đã chặn nỗ lực đàm phán của thuộc cấp Arinc.
Tướng Mir Vakili và Hakan Fidan thường xuyên gặp nhau tại một quán cà phê nổi tiếng ở quận Cukurambar thuộc nội thành Ankara, một khu vực có lượng lớn người Hồi giáo được cho là “cực đoan” theo tiêu chuẩn phương Tây.
Ngoài ra hiện đã xác định chính xác rằng Hakan Fidan đã thực sự tổ chức một số cuộc họp với Tướng Mir Vakili, Erdogan và cựu Ngoại trưởng Ahmed Davutoglu, người đã phát triển “chính sách không gây hấn với các nước láng giềng”.
Lại lần nữa chính Hakan Fidan đã cung cấp vỏ bọc an ninh cho Mir Vakili khi vị tướng này đến Ankara cùng với gia đình và một số bạn bè đi mua sắm. Thậm chí Fidan còn cung cấp chuyên cơ riêng cho vị tướng để ông và bạn bè trở về Tehran an toàn.
Điều này cho thấy rằng trong quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran, Hakan Fidan đã nhận được sự hậu thuẫn hoàn toàn của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, và trên hết là sự ủng hộ cá nhân của Tổng thống Erdogan.
Các hoạt động mật vụ
Người đứng đầu MIT đã nghiên cứu khá kỹ về truyền thống của người Shiite và đặc biệt là chủ nghĩa biểu tượng khi ông còn là một hạ sĩ quan tình nguyện rất trẻ trung trong lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính tại thời điểm đó, Fidan lọt vào mắt xanh của Lực lượng Al Quds (Iran) – một cơ cấu quân sự chuyên đối phó với những nhiệm vụ đặc biệt, tình báo và các hoạt động mật ở hải ngoại.
Sau đó, Fidan cũng được Erdogan chú ý và quyết định bổ nhiệm ông, lúc đầu là làm giám đốc Cơ quan hỗ trợ phát triển (TIKA), rồi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và đến năm 2010 là Giám đốc MIT. Vụ kiện liên quan đến người đứng đầu lực lượng Al Quds ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Mir Vakili, với các mối quan hệ của ông với Hakan Fidan, vụ việc được xem là một hành vi phạm tội và được tố cáo bởi một người giấu tên vào ngày 8 tháng 8 năm 2010.
Thực tế người tố cáo là Kamile Yazicioglu, 54 tuổi, người đã tố với cơ quan phản gián rằng trong suốt nhiều năm, Fidan đã làm việc cho tình báo Iran và ông ta đã trưng các tài liệu cho cảnh sát để chứng minh lời mình nói.
Lối dẫn vào Văn phòng Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (tên cũ là Mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh nguồn: Sputnik . |
Từ tố cáo của Yazicioglu, phản gián Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 3 năm để tiến hành điều tra. Vụ việc được đặt mã là 2011/762 bởi cơ quan hành chính Thổ Nhĩ Kỳ. Hóa ra, gần như ngay lập tức, người vợ của Yazicioglu đã trực tiếp liên hệ với Hakan Fidan.
Xa hơn, Yazicioglu từng có trục trặc với cảnh sát do đã từng tham gia “Đêm Jerusalem” (một cuộc biểu tình bài Do Thái ủng hộ việc áp đặt luật Koranic ở Thổ Nhĩ Kỳ, nó là một phong trào đường phố đã diễn ra ở Ankara, quận Sincan, vào cuối tháng Giêng năm 1997).
Từng có một bài phát biểu nảy lửa của đại sứ Iran ở Thổ Nhĩ Kỳ. Yazicioglu chịu trách nhiệm giáo dục và văn hóa ở quận Sincan, tổ chức các sự kiện tôn giáo Shiite, và vì hoạt động này mà Yazicioglu bị phạt tù 3 năm với tội danh hỗ trợ cho tổ chức khủng bố.
Sau khi được phóng thích, Yazicioglu dọn tới Istanbul, và tới năm 2008 thì được tình báo Iran nhắm đến. Hơn nữa, Yazicioglu duy trì quan hệ hoàn hảo với những kẻ sát hại nhà báo điều tra Ugur Mumcu, cũng như giáo sư đại học Muammer Aksoy.
Có một thực tế là Hakan Fidan khai từng có quan hệ gần với Yazicioglu và đã gặp người này vài lần. Hai người con trai của Fidan và Yazicioglu cùng theo học tại Đại học Bilkent ở Ankara, và ngôi trường này được sử dụng làm kênh liên lạc giữa hai bên.
Vợ của Yazicioglu luôn tuyên bố rằng mình có mối liên hệ mật thiết với MIT, và trong bất kỳ trường hợp nào bà cũng thủ sẵn vài hộ chiếu trong nhà mình, cũng như bản sao các báo cáo do chồng (Yazicioglu) viết cho tình báo Iran.
Nhiệm vụ chính mà chồng và con trai của bà được tình báo Iran giao phó là giám sát Trung tâm đào tạo và nghiên cứu hạt nhân (NRTC) ở Cekmece (Istanbul), có thể là ngồi trong ô tô để bảo cáo dữ liệu lên một tấm bản đồ với một số chú giải quan trọng.
Điệp viên Thổ cũng vẽ nên các lối thoát hiểm và lối vào mật của NRTC, một dạng ký hiệu mà ông Yazicioglu rất rành bên trong. Vợ của Yazigioclu cũng tuyên bố rằng chồng có những bức ảnh vệ tinh của lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul và Israeli.
Những tài liệu tìm thấy trong nhà của Yazicioglu cũng có những bức bản đồ quân sự tối mật của 2 tỉnh Adana và Gaziantep mà hiện tại rất quan trọng đối với vấn đề người nhập cư Syria, cùng một loạt các hồ sơ cá nhân của các nhân vật công khai bao gồm các thành viên chính phủ cũng như các lãnh đạo cao cấp của đảng cầm quyền AKP.
Đặc biệt trong nhà của Yazicioglu còn tìm thấy tên của những người Thổ trẻ tuổi trong một số tổ chức khủng bố liên quan đến Pasdaran, đặc biệt là những người trẻ tuổi thể hiện mạnh mẽ quan điểm chống Mỹ và bài Do Thái.
Các tài liệu bị tịch thu cũng cho thấy những phương pháp báo cáo và gặp gỡ với các điệp viên Iran, cũng như một đoạn video của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy có một cuộc gặp gỡ giữa Yazicioglu và người đứng đầu Lực lượng Al Quds ở Thổ Nhĩ Kỳ là Naser Ghafari, người này có vỏ bọc là tùy viên chính trị tại Tổng lãnh sự quán Iran ở Ankara.