Người cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà quốc hội Đức

Chủ Nhật, 20/05/2007, 08:30
Tại Rudnian – quê hương của Anh hùng Liên Xô Mikhail Egorov, người đã có vinh dự giương cao lá cờ Xôviết trên tòa nhà Quốc hội Đức – người dân vẫn hết sức quý trọng gìn giữ những kỷ niệm liên quan tới nhân vật lịch sử này.

Tại Rudnian, nơi Egorov từng bắt đầu chiến đấu, sống và làm việc sau chiến tranh, đã có đầy đủ các đường phố, trường học, Hội nông dân và tổ chức thiếu niên đều mang tên Egorov. Ngôi nhà Egorov từng sinh sống cũng được con cái ông tổ chức thành một viện bảo tàng dành cho các thế hệ mai sau.

Gia đình Anh hùng Egorov đã chuyển tới ngôi nhà này từ năm 1966. Theo bà Irina Dorozkina (con gái của Anh hùng Egorov, đồng thời cũng là Giám đốc của viện bảo tàng), ngôi nhà đã được chính thức mở cửa để tiếp đón khách tham quan vào ngày 5/5/1990.

Gian phòng lớn đầu tiên được dùng làm phòng tiếp khách. Ngay lối vào phòng tiếp khách có treo trang trọng một bản sao của lá cờ chiến thắng. Tất cả đều được bà Dorozkina, người dân và chính quyền địa phương tại đây gìn giữ bất chấp những thay đổi lớn lao về chính trị và tư tưởng đã diễn ra trên đất nước Nga.

Có lần Tổng bí thư Khrutsev đã mời Mikhail Egorov và Meliton Kantaria (người đã có vinh dự cùng Egorov giương cao lá cờ chiến thắng) cùng tới gặp gỡ nhân dịp lễ kỷ niệm tại Moskva.

Khi người đứng đầu Nhà nước Xôviết đã quan tâm hỏi xem Egorov cần tặng gì, ông đã yêu cầu một chiếc xe máy. Phải nói là Egorov là người rất say mê các loại xe máy. Về sau, ông đã tự dành dụm được tiền để mua một chiếc xe Volga. Cũng chính trên chiếc xe này, người anh hùng này đã qua đời vì một tai nạn giao thông vào năm 1975.

Trở về sau chiến tranh, Mikhail Egorov có một cuộc sống rất bình dị tại quê nhà. Ông vào làm việc điều khiển một chiếc máy đóng hộp sữa đặc tại một nhà máy sữa. Chiếc máy này vẫn được gìn giữ với một tấm biển đề: “Tại vị trí này, Anh hùng Liên Xô M.A.Egorov đã từng làm việc”.

Hai cựu chiến binh Mikhail Egorov (trái) và Meliton Kantaria gặp nhau trong một dịp lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít.

Còn ngay trong hành lang của nhà máy vẫn treo những tấm biển lớn kể về cuộc đời chiến đấu của Egorov. Tất nhiên, chặng đường chiến đấu của Anh hùng Egorov không chỉ giới hạn trong cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Đức.

Trước năm 1944, ông tham gia chiến đấu trong một đội du kích. Hiện giờ, cô con gái Irina đang nỗ lực thu thập những tài liệu lưu trữ nói về quãng đời này của ông. Cùng với đồng đội, Egorov đã đặt mìn lật đổ rất nhiều đoàn tàu hỏa của quân Đức.

Đội du kích của Egorov về sau đã vượt qua những khu vực rộng lớn tại Belarus và Litva để sáp nhập với các đơn vị Hồng quân. Nhờ những chiến công đạt được trong thời gian này, Egorov đã được tặng thưởng các Huân chương Sao đỏ, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng III và Huy chương Chiến sĩ du kích trong chiến tranh vệ quốc hạng nhất.

Mỗi năm, bảo tàng về Anh hùng Egorov đón tiếp trung bình khoảng 1.000 khách tới thăm, trong đó có rất nhiều thiếu nhi từ các khu vực trong vùng và lân cận. Còn tại ngay Rudnian, chính quyền đã cho thành lập tổ chức đội thiếu niên mang tên Egorov. Theo các quan chức tại đây, việc khôi phục các tổ chức thiếu niên như kiểu dưới thời Xôviết cũng như giáo dục cho các em truyền thống anh hùng trong quá khứ vẫn luôn là một biện pháp quan trọng để giáo dục lòng yêu nước

Linh Nga (tổng hợp)
.
.
.