Năm 1983, thế giới từng đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân

Thứ Hai, 18/11/2013, 15:30

Trong số những tài liệu vừa được Cục Lưu trữ Hoàng gia Anh giải mật sau khi hết thời hạn bảo mật kéo dài 30 năm, đáng chú ý nhất là tập hồ sơ của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh (DIS), đề cập tới nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa cao trào của thời Chiến tranh lạnh vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước.

Cụ thể trong tháng 11/1983, Khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bao gồm một loạt các quốc gia ở Tây Âu và Bắc Mỹ bất thần mở cuộc tập trận quy mô chưa từng thấy trên lãnh thổ Tây Đức. Cuộc thao diễn quân sự khổng lồ này mang mật danh "Able Archer-83" (Xạ thủ tài năng -83), huy động 40.000 binh sĩ thuộc các binh chủng hải, lục, không quân trong thành phần biên chế thường trực của NATO, trong đó có 19.000 quân nhân Mỹ được không vận trực tiếp từ Tân thế giới sang.

Kịch bản của cuộc tập trận gồm "quân xanh" thuộc NATO, phải nghênh chiến với "quân vàng" của Khối Hiệp ước Warsaw quy tụ quân đội Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu.

Theo đó, "quân vàng" tung lực lượng can thiệp vào Nam Tư trong chiến dịch bảo vệ đồng minh, hòng đè bẹp những cuộc bạo động chính trị bùng phát sau khi Tổng thống Josip Broz Tito (1892-1980) qua đời. Kế đến nhân đà thắng lợi, đạo quân chinh phạt hùng mạnh của Khối Warsaw quyết định phá vỡ đường biên giới quy ước trên bộ giữa Đông và Tây Âu hiện diện sau Thế chiến II, tấn công ồ ạt các quốc gia thành viên NATO trên lục địa cũ. Thừa thắng xông lên", "quân vàng" tiếp tục xâm chiếm các quốc gia còn lại như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển... với đích cuối cùng là Hy Lạp. 

Vẫn theo kịch bản do giới tướng lĩnh "diều hâu" trong Ban lãnh đạo NATO hoạch định cuộc tập trận "Xạ thủ tài năng-83", thì ngoài vũ khí thông thường để hoàn thành sứ mệnh "làm chủ châu Âu" của mình, "quân vàng" đã không ngần ngại sử dụng các phương tiện giết người hàng loạt nguy hiểm hơn như vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân. Do vậy, các phi đội hạt nhân chiến lược thuộc NATO đồn trú tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Anh là Greenham Common, Brize Norton và Mildenhall được lệnh báo động cấp 1, sẵn sàng cất cánh dội bom hạt nhân vào đối phương khác xa với tình huống giả định ban đầu.

Đồng thời, các khẩu đội tên lửa tầm ngắn Pershing II mang đầu đạn hạt nhân thế hệ mới, vừa được NATO bố trí trên lãnh thổ châu Âu cũng được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu.

Thủ tướng M. Thatcher thân chinh thị sát cuộc tập trận “Able Archer-83”.

Lẽ đương nhiên, những hoạt động quân sự của NATO không thể "qua mặt" được các cơ quan tình báo Xôviết. Báo cáo chi tiết về cuộc tập trận "Able Archer-83" đã được đệ trình lên Tổng bí thư Yuri Andropov, cũng là nhà lãnh đạo kỳ cựu của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB). Nhất là sau khi cuốn sách hướng dẫn về các hình thức đối phó khi nổ ra chiến tranh nguyên tử, vốn chỉ lưu hành trong giới lãnh đạo chóp bu ở Bộ Quốc phòng Mỹ, lại được phổ biến rộng rãi cho các binh sĩ NATO tham gia tập trận, chứng tỏ giới tướng lĩnh hiếu chiến đã biến cuộc thao dượt giả tưởng thành điều có thể diễn ra trong thực tế. Phía quân đội thuộc Khối hiệp ước Warsaw liền có hành động đáp trả tức thì.

Nguyên soái Viktor Kulikov, Tư lệnh Khối liền ra lệnh nạp vũ khí hạt nhân cho các phi cơ siêu thanh và cường kích trực chiến đồn trú trên lãnh thổ Đông Đức, Hungary, Tiệp Khắc và Ba Lan, cũng như lắp đầu đạn nguyên tử lên các bệ phóng tên lửa di động "thoắt ẩn thoắt hiện" dạng tàng hình, mang yếu tố bất ngờ là phương thức phòng thủ tiên tiến nhất lúc ấy.

Ngoài ra, tất cả 72 cỗ tàu ngầm hạt nhân chiến lược, được trang bị tên lửa SS-20 gắn đầu đạn hạch tâm tầm xa có sức công phá lớn lặng lẽ di chuyển đến vùng Bắc Băng Dương, lặn sâu dưới đáy biển khiến đối phương không thể phát hiện để đợi lệnh khai hỏa vào các mục tiêu cốt lõi đã định sẵn...

Một trang trong “cẩm nang” về cuộc chiến hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ.

"Chỉ cần một sơ suất nhỏ khi thao diễn sẽ dẫn đến cuộc đối đầu hạt nhân tổng lực, không loại trừ khả năng nước Anh sẽ biến mất trong khoảnh khắc", tài liệu của DIS soạn thảo hiện diện trên bàn làm việc của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vào ngày 9/11/1983, nằm trong cặp hồ sơ đóng dấu "khẩn cấp" là mảng tài liệu mà người đứng đầu Chính phủ Anh thường đọc trước khi bắt đầu ngày làm việc mới.

Hiểu rõ tình thế cấp bách khó bề đảo ngược nếu không hành động ngay, Thủ tướng Margaret Thatcher liền gọi cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan qua đường dây điện thoại nóng, nối trực tiếp với Washington thống nhất phải tức thời thông báo cho Điện Kremlin, nói rõ thực chất của cuộc tập trận "Able Archer-83" chỉ là mô phỏng cuộc chiến hạt nhân giả tưởng, chứ không phải là kế hoạch đánh "đòn phủ đầu" từ phía NATO. Đồng thời "bà đầm thép" M. Thatcher cũng ra lệnh cho dỡ ngay mọi trang thiết bị liên quan đến vũ khí hạch tâm khỏi các phi cơ trực chiến ở 3 căn cứ không quân nói trên, "cất hết vào kho và án binh bất động" như tài liệu mới giải mật của DIS cho biết.

"Chỉ vài phút trước Thủ tướng còn ôm mặt đầy bi kịch, nhưng bà đã thở phào nhẹ nhõm sau khi nhận được điện đáp từ của nhà lãnh đạo Liên Xô Y. Andropov qua đường dây điện thoại được bảo mật tuyệt đối", trang cuối cùng thuộc tập hồ sơ mật về nguy cơ đối đầu hạt nhân do DIS soạn thảo kết luận.

Còn giới chuyên viên quân sự quốc tế đã đi sâu phân tích và đánh giá, rằng nguy cơ đối đầu hạt nhân vào mùa thu năm 1983 có mức độ cao hơn so với cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, đẩy loài người tới sát bờ vực của cuộc chiến hạch tâm đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Đây cũng chính là bài học lịch sử mà giới chiến lược gia quốc phòng toàn cầu không được phép quên, bởi không có một thế lực nào có thể "sống sót" được sau một cuộc đối đầu hạt nhân tổng lực

Quang Phú (theo The Observer)
.
.
.