Mỹ: Thêm một cơ quan tình báo để… tiêu ngân sách

Thứ Hai, 24/11/2014, 17:40

Lầu Năm Góc đã thay đổi lại kế hoạch thành lập một cơ quan gián điệp hoạt động ở nước ngoài có thể sánh ngang với CIA về qui mô, khác với một dự án trước đây từng bị các nhà lập pháp phản đối vì hoài nghi về mục đích và ngân sách.

Mật vụ Quốc phòng Mỹ: Quy mô nhỏ vẫn hoạt động hiệu quả…

Theo kế hoạch sửa đổi, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) sẽ đào tạo và triển khai 500 nhân viên mật báo, bằng gần một nửa quy mô mạng lưới tình báo, dự kiến thành lập từ 2 năm trước với tên gọi Văn phòng Mật vụ Quốc phòng (DCS).

Kế hoạch trước đây tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên tình báo đưa ra nước ngoài hoạt động cùng CIA và Bộ Tư lệnh Tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ cùng tham gia nhiệm vụ chống khủng bố và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác nhằm bảo vệ nước Mỹ trước những "mối đe dọa" từ bên ngoài.

Mục đích sửa đổi nhằm "duy trì quy mô nhỏ nhưng có hiệu quả cao"- một cựu chỉ huy cấp cao tình báo Mỹ cho biết.

Lầu Năm Góc sẽ thay thế hàng trăm nhân viên bí mật "ở những nơi cực kỳ khắc nghiệt trên khắp thế giới" bao gồm khu vực châu Phi, Trung Đông, nơi Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có tiền đồn vững chắc. Tuy nhiên, nhiệm vụ tình báo của họ sẽ "tập trung vào những yêu cầu mà Bộ Quốc phòng đang cần".

Sự thay đổi này cho thấy các quan chức quốc phòng Mỹ đang tìm cách chuyển đổi một cơ quan tình báo đã có thâm niên trở thành cơ quan tình báo sánh ngang CIA, định vị cho nó phù hợp với kỷ nguyên có nhiều mối đe dọa lan tràn khắp thế giới sau khi Mỹ tấn công Iraq và Afghanistan.

Cuộc cải tổ này do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách tình báo, ông Michael G.Vichers, khởi xướng.

… hay sẽ ngốn thêm ngân sách Lầu Năm Góc?

Các quan chức Bộ Quốc phòng đã từ chối thông tin chi tiết về DCS,  bao gồm ngân sách hoặc số lượng cơ sở bí mật đặt ở nước ngoài, nhấn mạnh con số đó phải được tinh lọc. Tuy nhiên các quan chức đã cùng đồng thuận rằng, kế hoạch dành cho DCS trình Bộ Quốc phòng phải thu hẹp lại.

Một quan chức tình báo cấp cao tiết lộ số lượng nhân viên tình báo mới cũng phản ánh một phương pháp tiếp cận trái ngược với phương pháp của các sĩ quan đang phục vụ DCS. Theo đó, bất kỳ ai từng làm việc cho mật vụ quân đội đều có thể trở thành nhân viên đơn vị tình báo mới. 

Sự thúc đẩy mở rộng đáng kể DSC đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Đồi Capitol, đặc biệt từ các thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nhiều người phản đối ý tưởng đó kịch liệt, trong khi đó một số người quan ngại thậm chí CIA không có được những điều kiện quá hào phóng đó.

Thượng nghị sĩ Carl Levin (đảng Dân chủ) Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cùng một số thượng nghị sĩ khác đều tỏ rõ quan ngại: các sĩ quan DIA sẽ được sử dụng nhiều hơn để lấp chỗ trống cho những khu vực mà CIA vẫn không ưu tiên, làm giảm hiệu quả hoạt động của cơ quan này và ngốn ngân sách Lầu Năm Góc.

Cơ sở huấn luyện điệp viên bí mật của CIA và DIA (Farm) hiện đang đào tạo hàng trăm nhân viên DSC.

Cuộc tranh cãi căng thẳng về  quy mô cũng như phương hướng hoạt động của DCS xảy ra trùng hợp với thời kỳ có mâu thuẫn nội bộ trong DIA, cơ quan tình báo có tầm hoạt động rộng, nhưng cơ sở ngoại quốc đều bị tố cáo vì hành vi đánh cắp thông tin tình báo ở hơn 140 quốc gia.

Nguyên Giám đốc CIA, ông Micheal Flynn - người từng giữ các vị trí cấp cao chỉ huy tình báo Mỹ ở Afghanistan và Iraq đã phải xin thôi việc ở DIA vào đầu năm nay trước khi ông lên kế hoạch về hưu.

Hoạt động của DIA bên ngoài các khu vực chiến tranh trong những năm gần đây đều thất bại. Lãnh đạo DIA hiện nay là David Shed, ông này trích dẫn các trường hợp mà DIA từng cài cắm 4 nhân viên vào một số cơ sở bí mật đều không thể hoàn thành nhiệm vụ báo cáo thông tin tình báo.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng có một số tiến bộ ở những lĩnh vực khác. Ông David Shedd chia sẻ, DIA thực hiện báo cáo nhanh gửi tổng thốngvào mỗi buổi sáng chiếm đến 25% trong tổng số báo cáo so với các đơn vị đồng nghiệp.

Khác với CIA, DIA không được ủy quyền thực hiện các hoạt động bí mật - trong nhiều trường hợp, nhân viên DSC thuộc DIA sẽ làm việc trực tiếp với các chỉ huy cơ sở của CIA, nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Hoạt động tiêu diệt mục tiêu quân sự sẽ do DSC đảm trách, trong khi CIA nhận đánh các mục tiêu chính phủ hoặc phi quân sự

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.
.