Mánh khóe hoạt động của các điệp viên phương Tây

Thứ Sáu, 24/12/2010, 05:20
Hồi cuối những năm 80 đầu 90 thế kỷ XX, các điệp viên Mỹ và Anh hoạt động dưới vỏ bọc của các đại sứ quán tại Moskva thường sử dụng rất nhiều mánh khóe để cắt đuôi sự theo dõi của các chiến sĩ an ninh Xô Viết. Một trong những chiến thuật ưa thích của họ chính là ngụy trang. Nhưng rồi tất cả cuối cùng đã bị lật tẩy…

Những manơcanh của CIA

Có thời, những sĩ quan của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao thường có mánh sử dụng các manơcanh để đánh lạc hướng theo dõi của phản gián Xôviết, mỗi khi đi ra ngoài để liên lạc với các nguồn tin của mình. Công bằng mà nói, "vũ khí bí mật" trên ban đầu cũng có được một vài hiệu quả nhất định.

Mánh khóe sử dụng manơcanh thường được tổ chức như sau: Khi đi ra khỏi đại sứ quán, tay điệp viên thường ngồi trên xe với vợ của mình. Cô vợ sẽ ngồi sau tay lái, còn anh ta ngồi cạnh, giữa hai người còn có một chiếc hộp nhỏ nữa. Khi chiếc xe vừa tới được "vùng chết" (thường là một góc ngoặt của con phố nào đó có thể thoát được ánh mắt theo dõi trong vài giây), tay điệp viên thường nhảy nhanh ra khỏi xe và lủi ngay vào một lối vào nào đó gần đấy.

Phần việc tiếp theo của cô vợ là nhanh tay nhấn một cái nút, khiến chiếc hộp trong vài giây đã biến thành một manơcanh có bề ngoài giống hệt như tay điệp viên - thực ra là một con búp bê bằng cao su chứa khí nén. Trong suốt hành trình sau đó, cô vợ này thỉnh thoảng quay ra làm bộ như nói chuyện, đồng thời điều khiển cho manơcanh có cử động như người thật nhằm đánh lừa các nhân viên phản gián Xôviết.

Đến những năm 90, người Mỹ còn chuyển tới Đại sứ quán của mình tại Moskva 9 chiếc xe hơi trang bị kính tối không thể nhìn vào trong. Ngoài ra, mỗi điệp viên của CIA tại đây cũng được trang bị những manơcanh có bề ngoài giống mình. Tất cả đều phục vụ cho một thủ thuật đánh lạc hướng theo dõi.

Chẳng hạn như trước khi một điệp viên cần ra ngoài để gặp gỡ với nguồn tin của mình, "hình nhân thế mạng" của anh ta sẽ được đặt trong một chiếc xe thông thường, cho người khác lái tới một khu vực xa xôi nào đó tại Moskva. Còn bản thân điệp viên đó sẽ ngồi trong một chiếc xe kính màu tối đi theo hướng ngược lại. 

Đai đen karate… đổi màu

Tối ngày 15/7/1977, nữ nhân viên CIA Marta Peterson (hoạt động dưới vỏ bọc Phó lãnh sự Đại sứ quán Mỹ tại Moskva) có nhiệm vụ tới một hộp thư chết để liên lạc với điệp viên "Trigon" - đó chính là Alexander Ogorodnik, chuyên viên riêng của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, kẻ là nguyên mẫu của điệp viên "Trianon" trong bộ phim nổi tiếng "TASS được quyền tuyên bố".

Đỗ chiếc xe công vụ ngay sát rạp chiếu bóng "Russia", cô ta nhanh chóng chui vào phòng xem phim, nơi vừa bắt đầu trình chiếu suất cuối cùng. Peterson cố tình mặc một chiếc váy trắng trên nền có nhiều bông hoa lớn nên rất dễ nhận ra từ xa.  Cô ta chọn một chiếc ghế gần lối ra dự phòng, ngồi yên tại đó chừng 10 phút, làm ra vẻ chăm chú theo dõi bộ phim. Tiếp đó, Peterson vội vàng tuột chiếc váy ra, bên trong đã mặc sẵn chiếc quần dài và chiếc áo vét màu đen. Đến khi xõa tóc ra, bà ta đã biến thành một phụ nữ mang bộ đồ đen có bề ngoài khác hẳn. 

Sau khi bí mật chui ra khỏi rạp, Peterson không quay lại chiếc xe của mình, mà nhảy lên xe buýt, rồi tới tàu điện ngầm để kiểm tra xem có còn bị theo dõi. Chỉ đến khi tin chắc đã cắt được đuôi, bà ta mới bắt taxi chạy tới khu vực cầu Krasnoluzski, nơi có đặt hòm thư chết bí mật. Nhưng tại đây đã có hơn 300 nhân viên tác chiến bí mật chờ đợi sẵn. Ngay khi Peterson vừa thò tay vào hòm thư, đèn pha đã bật lên cùng với sự xuất hiện của các nhân viên phản gián Xôviết.

Peterson đã la hét rất to và chống trả quyết liệt nhờ vào trình độ của một võ sinh karate đai đen. Nhưng cô ta nhanh chóng bị khuất phục bởi nhân viên Vladimir Zaisev, một chuyên gia về võ thuật phương đông. Peterson được đưa về Lubianka (trụ sở KGB) để gặp mặt tay cố vấn của đại sứ quán Mỹ được triệu hồi đến để nhận dạng. Trước mặt tất cả mọi người, hộp thư chết được ngụy trang dưới dạng một viên đá cuội được mở ra: bên trong có các chỉ thị, bảng câu hỏi, máy ảnh siêu nhỏ, vàng, tiền và cả hai viên thuốc độc. Là một người khá mê tín, Peterson sau khi được trả tự do đã thề rằng, sẽ không bao giờ mua vé xem phim suất cuối cùng nữa.

Điệp viên ưa ngụy trang

Bí thư thứ hai của đại sứ quán Mỹ Michael Sellers thường rất thích ngụy trang mỗi khi đi ra ngoài gặp gỡ các nguồn tin. Ông ta thường gắn ria và bộ tóc giả dài tới tận vai khiến người thường khó có thể nhận ra. Dưới bộ dạng đúng như vậy, Sellers đã bị bắt giữ vào ngày 10-3-1986 trong khi đi gặp mặt điệp viên Cole - mật danh của tay Thiếu tá Sergey Voronsov, một nhân viên KGB phản bội.

Cole tự bắt liên lạc và hợp tác với người Mỹ từ năm 1984, thường xuyên cung cấp cho CIA những thông tin về phương thức giám sát các nhân viên tình báo Mỹ hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao tại Moskva. Chính tên phản bội này vào năm 1985 đã trao cho Sellers các mẫu "bụi gián điệp" được phản gián Xôviết thu thập từ những xe ôtô của các nhà ngoại giao Mỹ bị nghi ngờ hoạt động gián điệp chống lại Liên Xô.

Thói quen trá hình của các điệp viên Mỹ cũng rất đa dạng, tùy theo sở thích của từng người. Một đồng nghiệp của Seller cũng ở cương vị này lại thích ăn mặc giống như một công nhân lao động đeo kính đen. Thậm chí một tay tùy viên khác của đại sứ quán lại thích mặc váy đóng giả phụ nữ khi ra ngoài thực thi một sứ mạng gián điệp quan trọng nào đó. Nhưng trò này cũng nhanh chóng bị các nhân viên phản gián Xôviết bóc mẽ. Họ còn nói đùa với nhau rằng: "Cứ mỗi lần xuất hiện người đàn bà hấp dẫn này, có nghĩa là một chuyện nghiêm trọng đang diễn ra!".

Các điệp viên Mỹ thật ra không thể hiểu rằng, các chuyên gia theo dõi của phản gián Xôviết đã được huấn luyện kỹ năng nhận dạng con người đầu tiên từ những cử chỉ, dáng đi, trước khi nhìn đến bề ngoài. Chính vì vậy, hầu hết những gương mặt quen thuộc trong Đại sứ quán Mỹ đều không quá khó để phát hiện ra, cho dù nhân vật này ngụy trang bằng bất kỳ hình thức nào.

“Lột xác” trong vài giây

Tháng 1/1989, nữ nhân viên Barbara Case của CIA được cử tới Moskva để liên lạc với điệp viên có mật danh Blizzard - thực chất là sĩ quan của Cục Tình báo quân đội Liên Xô (GRU) Sergey Ivanovic, được CIA tuyển một trong một chuyến công tác tới Hy Lạp năm 1975, bị Tòa án quân sự kết án tử hình năm 1990.

Trong suốt 2 ngày liền, Barbara chỉ đi dạo chơi khắp nơi tại Moskva, khiến mọi người xung quanh phải chú ý vì phong cách ăn mặc có phần kỳ dị của mình: áo khoác ngoài màu hoàng yến, chiếc jupe ngắn màu đỏ chói, tất trắng, giày cao 15 phân, tóc giả dài đến tận vai màu tím, kính đen - chính vì điều này mà Barbara được các nhân viên phản gián Xôviết mệnh danh là "Cô nàng sặc sỡ".

Thật ra, đây là một cách ăn mặc cố ý của Barbara nhằm tìm cách cắt đuôi theo dõi, trước khi có thể trực tiếp gặp Blizzard. Với màu sắc sặc sỡ như trên, các nhân viên theo dõi thường giữ khoảng cách xa hơn vì tin rằng, vẫn có thể nhận biết được đối tượng dễ dàng. Vào cái ngày đã hẹn với nguồn tin, Barbara dẫn các nhân viên phản gián Xôviết tới một tòa nhà lớn có nhiều tầng, được xây từ thời trước cách mạng, rồi lủi rất nhanh vào một trong các lối vào tại đây.

Cần biết là lực lượng giám sát Barbara được chia làm vài nhóm. Nhóm thứ nhất chủ yếu có nhiệm vụ ghi hình lại mọi hoạt động của đối tượng trong suốt lộ trình. Nhóm thứ hai bao quanh tòa nhà, giám sát mọi lối ra vào trọng yếu. Còn một nhóm gồm 2 nhân viên được lệnh theo sát đối tượng. Sau khi thấy Barbara vào cổng khoảng 10 giây, hai nhân viên này quyết định bám sát để xem cô ta giở trò gì. Ngay khi vừa bước vào, 2 thám tử gặp ngay một phụ nữ mặc chiếc váy thụng đen kiểu như một nữ tu sĩ, miệng đang lẩm bẩm như cầu nguyện đi ra. Họ tiếp tục đi vào tòa nhà, lùng sục khắp mọi căn hộ của các tầng mà không thể tìm ra Barbara. "Cô nàng sặc sỡ" không hiểu vì sao đã biến mất.

Kết quả kiểm tra băng ghi hình sau đó đã khẳng định, Barbara chính là nữ tu đã đi ra cửa. Vấn đề cần phải làm rõ là, nữ điệp viên trên đã làm thế nào mà chỉ trong vòng có 10 giây đã kịp thay đổi hoàn toàn quần áo cũng như kiểu tóc của mình đến mức không thể nhận ra để đánh lừa những người theo dõi. Việc lục soát thùng rác trong khu nhà đã giúp tìm ra lời giải đáp từ bộ quần áo sặc sỡ và bộ tóc giả do Barbara vứt lại. Hóa ra, tất cả đã được thiết kết hết sức đặc biệt từ trước để đối tượng có thể cởi ra trong có vài giây. Vụ việc trên đã nhanh chóng trở thành một bài học rút kinh nghiệm của Cơ quan Phản gián Xôviết.

Điệp viên đi xe đạp

Trong biên niên sử của phản gián Xôviết còn có một trò độc nhất vô nhị nhằm cắt đuôi nữa mà điệp viên Philipp James Wood của Anh từng sử dụng ngay tại Moskva. Ngay từ khi vừa đặt chân xuống sân bay "Sheremetevo-2", Wood đã được cả một nhóm các nhân viên phản gián có kinh nghiệm theo dõi. Anh ta chậm rãi bước ra khỏi cửa sân bay, một tay bê một hộp quà, còn tay kia là chiếc túi xách thể thao. 

Giữa dòng người đi bộ qua lại đông đúc, Wood trước sự ngạc nhiên của các nhân viên theo dõi đã bất ngờ gỡ chiếc hộp, lấy trong đó một chiếc xe đạp xếp, cưỡi lên đó và phóng đi. Các nhân viên phản gián đã phải sững người chịu thua vì tại địa bàn trên không thể dùng xe ôtô để đuổi theo được. Về sau, cơ quan an ninh đã phải tổ chức một vài nhóm vận động viên tập chạy và đi xe đạp để theo dõi Wood, nắm được hết bằng chứng về những hoạt động nghiệp vụ của đối tượng này

Thái Quân (tổng hợp)
.
.
.